Ngày bầu cử Mỹ càng tới gần, chúng ta càng bị những nhà lập thuyết âm mưu (conspiracy theorist) quấy rầy mà trong đó, tuồng chèo nhất, là ông Donald Trump.
Thường thì mỗi lần ông ta gặp một khó khăn, bất lợi, sẽ có ít nhất một thuyết âm mưu lớn hay nhỏ ra đời. Thí dụ như rắc rối pháp lý trong vụ án “hush money” với cách bào chữa mà, theo các luật gia, trông rất… đần (dump). [1] Trump cấm các luật sư biện hộ thừa nhận rằng mình ngoại tình. Trump buộc họ phải bào chữa bằng cách diễn tả vụ án như là một…. âm mưu chính trị của đối thủ Joe Biden chỉ để bị bồi thẩm đoàn bác bỏ thẳng tay, đúng như tiên đoán của giới luật gia.
Nhưng để hiểu sâu hơn thì tốt nhất là bỏ ông ta qua một bên để phân tích vấn đề như một hiện tượng phổ quát, toàn cầu. Mà, như thực tế cho thấy, bất cứ biến cố gây chấn động nào cũng đều trở thành cái nôi của những “thuyết âm mưu” với bóng dáng của các “thế lực” vô hình không ai thấy được.
Có nhiều lý do giải thích. Có thể đó là trò phản tuyên truyền hay tâm lý chiến để lèo lái dư luận nhằm bảo vệ cái gì đó hay chống lại cái gì đó, có thể là một cá nhân, một thế lực hay một hệ thống kinh tài - chính trị. Cũng có thể là do người ta chỉ đơn thuần muốn chứng tỏ ta đây thông minh, có cái nhìn xa, hơn người. Và có thể đó -- nói như Johann Hari trong bài “Diana, Osama and the rise of conspiracy theories” đăng trên tờ The Independent (11/6/ 2006) -- là những ẩn ức về đức tin. Khi người ta tin vào sự chi phối vào sự kiểm soát toàn vẹn của đấng toàn năng thì bất cứ biến cố nào đi chệch ra khỏi tầm kiểm soát đó cũng bị giới này diễn dịch như là kết quả của những âm mưu tạo phản, phá phách.
Thuyết âm mưu, như thế, chỉ hình thành từ định kiến, từ nỗi sợ hay sự hoang tưởng nên chẳng thể nào bộc lộ tinh thần thực chứng hay logic và, do đó, trên phương diện phương pháp luận, lại nhất quán nhau ở sự lẩn quẩn, lòng vòng.
Đầu tiên là lập luận lòng vòng -- circular reasoning, circle in proving hay circular logic -- là lối ngụy biện sử dụng luận đề chứng minh cho kết luận, rồi từ kết luận suy ra… luận đề, trong rất vô lý, nực cười. Đây là lối lý luận kiểu A là sự thật vì B là sự thật, B là sự thật vì A là… sự thật. Cụ thể hơn: các thế lực thù địch phản động không bao giờ từ bỏ tư tưởng chống lại chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa xã hội là tiến bộ, là hòa hợp nên mới bị các thế lực thù địch phản động chống tới cùng!
Lập luận lòng vòng thì “tư liệu” cũng lòng vòng theo, cái lối trích dẫn mà người Anh gọi là circular reference: A đưa ra một sự việc nào đó, bảo là B nói, như là bằng chứng; nhưng hỏi B thì B bảo C nói; đến hỏi C thì C bảo là nghe… A nói.
Cụ thể hơn, hãy điểm qua những “thuyết âm mưu” vào hàng… kinh điển.
Ngày 20/7/1969, hai phi hành gia Neil Armstrong và Edwin Aldrin đi vào lịch sử như là hai người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng thế nhưng sự kiện này bị một số nhà “lý thuyết âm mưu” lên tiếng phủ nhận. Căn cứ vào những điểm “khả nghi” trong tấm hình chụp Armstrong đứng cạnh lá cờ cắm trên Mặt Trăng, họ quả quyết rằng tất cả chỉ là chuyện dàn dựng và bức hình này chỉ được chụp tại một sa mạc ở Nevada. Nhưng bằng chứng của vụ đổ bộ ấy đâu chỉ duy nhất một tấm hình? Tàu Appollo 11 phóng từ mũi Kennedy trước con mắt hàng chục ngàn người và hàng trăm triệu người qua ống kính truyền hình. Hàng trăm ngàn thước phim quay được và chụp được khi tàu Appollo vờn trên quỹ đạo quanh mặt trăng, cảnh tàu con rời tàu mẹ để đổ bộ, cảnh các phi hành gia đi bộ và cả những túi đất đá mang về từ Mặt Trăng v.v.
Chúng ta thấy gì ở đây? Những bằng chứng xác thực thì nặng như núi nhưng, khi đã cố tình không tin, đã cố vạch ra những âm mưu thì chỉ cần mấy điểm khả nghi nhẹ tựa lông hồng.
Vụ khủng bố ngày 11/9/2001 cũng đẻ ra đủ thuyết âm mưu. Tại thế giới Ả Rập thì đó là màn kịch nhằm bôi nhọ và tạo cớ tấn công của bọn tà đạo Mỹ. Tại Tây phương thì đó là trò dàn dựng của thế lực siêu bảo thủ nhằm vỗ béo kỹ nghệ chiến tranh và, trong đó, đặc biệt nhất là thuyết của David Shayler, thành viên nòng cốt của “The 9/11 Truth Movement”. Với Shayler thì làm gì có chuyện hai máy bay hành khách đâm vào tháp đôi ở New York? Đó chỉ là hai phi đạn đạn đạo gắn các máy phóng ảnh ba chiều để tạo nên ảo ảnh về một chiếc máy bay.
Ai có thể tin nổi một cái “thuyết” này? Nếu chấp nhận giả thuyết “máy bay ảo” này thì chúng ta biết đặt oan hồn của những nạn nhân cùng nỗi đau của những thân nhân của họ đi đâu? Nhà “lý thuyết âm mưu” Shayler, như thế, đã vứt bỏ những một núi những bằng chứng cụ thể như chính cái cuộc đời này để thay vào đó mấy lời biện giải nhẹ tênh, chập chờn như một ảo ảnh.
Trại tập trung Auschwitz vẫn được chính phủ Ba Lan gìn giữ như một chứng tích rành rẽ về tội ác diệt chủng của Adolf Hitler thế nhưng đến bây giờ những “Holocaust doubters” vẫn khư khư rằng đó chỉ là trò bịp của những kẻ ủng hộ cho “chủ nghĩa Zion”. Tại Anh thì bất kể những kết quả điều tra, những môn đồ của các trường phái lý thuyết âm mưu vẫn tiếp tục lải nhải về bàn tay của Hoàng gia Anh đằng sau cái chết của Diana Spenser bởi họ không thể chấp nhận cái nỗi nhục khi cô con dâu của mình bỏ chồng đi lấy một gã đàn ông Hồi giáo.
Nhưng đáng chú ý nhất là các trận dịch, từ cổ chí kim, trận nào cũng làm nảy sinh ra những “thuyết âm mưu” kinh khủng.
Đại dịch kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại là “Cái Chết Đen” do bệnh dịch hạch vào thế kỷ 14, với 200 triệu người thiệt mạng tại Âu, Á và Phi. Dịch bùng phát tại tỉnh Hà Bắc rồi lan ra khắp Trung Quốc, sau đó theo “Con đường tơ lụa” truyền sang vùng Trung Á và Địa Trung Hải. Các sử liệu cho thấy rằng, chỉ trong 20 năm, Trung Quốc đã mất một phần ba dân số: năm 1200 thì dân số là 124 triệu, nhưng năm 1393 chỉ còn có 65 triệu. Trong khi đó thì tại Âu châu, dịch đã triệt hạ một phần ba dân số.
Trận dịch này đã khiến bao vị linh mục thời đó lúng túng khi con chiên thắc mắc: nếu Đấng Tối Cao chi phối tất cả, sắp đặt tất cả thì Ngài nỡ lòng nào buông tay để trận dịch kinh khủng này xảy ra? Thắc mắc này lại dẫn đến thuyết âm mưu nhằm đổ tội lên đầu người Do Thái, theo đó thì cái “quân giết Chúa” này đã cho thuốc độc vào các giếng nước để kiểm soát thế giới nhằm rộng đường sinh tồn cho mình. Thế là Chủ nghĩa bài Do Thái rộ lên khắp cõi châu Âu, khiến người Do Thái bị tàn sát, cướp bóc và đánh đuổi không thương tiếc.
Một đại dịch khác là cúm Tây Ban Nha, bùng phát ngay khi Đệ nhất thế chiến kết thúc vào năm 1918, kéo dài đến năm 1920, đoạt mạng từ 25 đến 50 triệu người, cao hơn con số người thiệt mạng trong chiến tranh. Điều đặc biệt ở đại dịch này là hầu hết những nạn nhân là ở trong độ tuổi sung mãn, từ 20 đến 40 và khiến nam giới có nguy cơ mắc bệnh và tử vong hơn là nữ giới. Số người tử vong ở châu Á và châu Phi được ghi nhận cao hơn châu Âu, Bắc Mỹ và châu Úc và sự phát sinh virus này vẫn là một điều bí ẩn và, cho đến những năm 1930, nhiều người vẫn tin rằng quân đội Đức đã tạo ra mầm bệnh và sử dụng nó như là một vũ khí.
Thuyết âm mưu còn ra đời với mục đích tuyên truyền, đánh lạc hướng công chúng. Năm 1950, dịch bệnh bọ cánh bùng lên tại Đông Đức, huỷ hoại toàn bộ vụ mùa khoai tây và bộ máy tuyên truyền Đông Đức cũ đã mau mắn kết tội Mỹ: không phải đảng ta dở, mà đó là do Mỹ phá hoại.
Thập niên 1980, khi bệnh AIDS bắt đầu xuất hiện thì những thông tin sai lệch lại nổi lên. Năm 1983, Cục tình báo Liên Xô (KGB) cáo buộc Mỹ đã phát triển AIDS tại pháo đài Detrick để sử dụng làm vũ khí sinh học rồi thử nghiệm đối với các tù binh, các nhóm người thiểu số và những người đồng tính. KGB này còn tung tin là Mỹ đã cố tình đánh lạc hướng dư luận với tuyên bố căn bệnh này xuất phát từ Phi châu. Đến giữa thập niên 1990 khi Liên Xô sụp đổ, cơ quan y tế các quốc gia phần lớn đã kiểm soát được căn bệnh AIDS thì châu Phi lại bùng phát dịch bệnh Ebola. Vậy là thuyết âm mưu về bệnh AIDS trước đây lại được tái chế, theo đó virus Ebola là vũ khí sinh học do Mỹ hay Anh chế tạo.
Gần đây nhất là thuyết về dịch bệnh Covid 19, nở rộ và lan truyền rất nhanh hơn nhờ vào Internet rồi trở thành đề tài tranh cãi giữa hai siêu cường Mỹ - Tàu.
Ngày 12/3/2020 – một ngày sau khi nguyên Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien chỉ trích Trung Quốc phản ứng chậm chạp, làm thế giới mất đi hai tháng chuẩn bị -- Triệu Lập Kiên (Zhao Li Jian) – nguyên phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc -- ỡm ờ tuyên bố trên mạng xã hội: “Biết đâu chính quân đội Mỹ đã mang dịch Covid-19 đến Vũ Hán”. Triệu đưa ra hàng loạt câu hỏi: “Bệnh nhân số 0 ở Mỹ là ai? Có bao nhiêu người bị nhiễm SARS-CoV-2? Tên của các bệnh viện là gì? Biết đâu chính quân đội Mỹ đã mang dịch Covid -19 đến Vũ Hán?”
Trước đó, cuối tháng Hai năm 2020, chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Trung Quốc là Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan), còn tuyên bố lập lờ: “Dù Covid-19 được phát hiện đầu tiên ở Trung Quốc, nhưng điều đó không có nghĩa là nó có nguồn gốc từ Trung Quốc.”
Nhưng thực tế thì vẫn có những âm mưu nung nấu về một trận dịch như vậy nhưng trái ngược với chủ ý mà Chung hay Triệu muốn “mớm”. Âm mưu này đã để lộ trong bài diễn văn của nguyên Phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc Trì Hạo Điền (Chi Haotien) tại “Hội nghị các tướng lĩnh bàn về chiến lược cho tương lai” vào tháng 12 năm 2005. Đây là hội nghị mật với những tham luận “phổ biến nội bộ” nên mãi bốn năm sau, ngày 26/4/2009, mới bị lộ ra ngoài trên và khiến chính giới Mỹ báo động. [2]
Tại hội nghị Trì nhấn mạnh rằng Trung Quốc là chủng tộc siêu đẳng nhất, có sứ mệnh quét sạch nước Mỹ để làm bá chủ thế giới, để làm như vậy thì cách thức giản tiện nhất là sử dụng vũ khí sinh học và nếu cần thì có thể tàn bạo hơn cả Hitler để tìm kiếm không gian sinh tốn. Trì tuyên bố:
“Chỉ các nước như Mỹ, Canada và Úc là có đất đai rộng lớn đủ để thoả mãn cho nhu cầu thuộc địa lớn lao của chúng ta. Vì vậy, việc giải quyết vấn đề nước Mỹ là vấn đề căn bản để giải quyết tất cả những vấn đề khác. Trước hết, việc này làm chúng ta có thể có điều kiện đưa nhiều di dân sang Mỹ và ngay cả thiết lập một nước Trung Hoa khác dưới cùng sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Hoa. […]
Trong lịch sử, khi một nước đánh bại một nước khác hay xâm chiếm một nước khác, nó không thể tàn sát toàn bộ dân số trong nước bị xâm lăng vì thời đó các anh không thể giết nhiều như thế bằng kiếm hay bằng giáo mác, thậm chí cả bằng súng tiểu liên hay súng đại liên. Vì vậy, không thể chiếm cứ một vùng đất mà không giữ dân chúng của vùng đất đó. Tuy nhiên, nếu chúng ta chinh phục Mỹ bằng cách này, chúng ta không thể đưa nhiều người của chúng ta di dân tới Mỹ được.
[...]
Chỉ có những vũ khí không hủy diệt nhưng có thể giết càng nhiều người càng tốt mới giúp chúng ta giữ lại được nước Mỹ để mà khai thác. Đã có những phát triển nhanh chóng về kỹ thuật sinh học hiện đại, và những vũ khí sinh học loại mới được tiếp tục phát minh, cái này tiếp nối kia. Dĩ nhiên chúng ta đã không ngồi yên; trong những năm qua, chúng ta đã nắm bắt nhiều cơ hội để làm chủ những loại vũ khí sinh hóa này. Chúng ta có khả năng đạt được mục đích của chúng ta trong việc ‘quét sạch’ nước Mỹ một cách bất ngờ. [….] Các vũ khí sinh học chưa hề được sử dụng cho nên chưa ai thấy sự tàn độc của chúng. Nhưng nếu Mỹ không chết thì người Trung Quốc phải chết. Nếu người Trung Quốc bị mắc kẹt trong vùng đất Trung Quốc hiện nay thì hậu quả trong tương lai gần là một sự sụp đổ xã hội toàn diện.”
Sẽ không bao giờ đủ nếu phải nói cho hết những “mưu” có thật và những “thuyết” hoang đường để tuyên truyền của Bắc Kinh nên, thôi, thử quay về với… tông chi họ hàng của nó, ở Hà Nội.
Đây cũng là hang ổ của những nhà chế tác thuyết âm mưu thế nhưng nếu như, với người, mỗi sự biến làm nảy sinh một thuyết âm mưu thì, ở đây, suốt mấy chục năm qua, chỉ thấy nhai đi nhai lại mỗi một âm mưu của “thế lực thù địch phản động” như là lý do để bóp họng nhân dân và bóp cổ những người bất đồng chính kiến. Nếu mới nhất, qua đội ngũ dư luận viên, là “âm mưu cách mạng màu” của Đại học Fullbright thì, nếu được bật đèn xanh tiếp, cũng chỉ để gán ghép đại học này như là công cụ của “thế lực thù địch phản động” vậy thôi.
Như đã nói, thuyết âm mưu thường phát sinh từ sự run sợ trước những biến cố chấn động thì, ở đây, những “âm mưu” ấy cũng ra đời như thế khi giới đặc quyền hoang mang trước sự lỗi thời của bộ máy cai trị đã mất hết tính chính danh. Mà đã lỗi thời, đã bất chính danh rồi thì tiếng nói cũng không thể không lỗi thời, không thể không bất chính danh theo, toàn những luận điểm cũ rích, những lập luận cù nhầy, nhai đi nhai lại, trên những bài xã luận chính thống, và trên cả mồm mép luận viên.
Nguyễn Hoàng Văn
Tham khảo: