Từ hơn hai năm nay, đều đặn vào những ngày lễ, Rachael J. (xin phép không nêu họ) và chồng của cô cùng hai con trai (4 tuổi và 1 tuổi) đến nghĩa trang Kaysville Cemetery ở Utah để thăm một ngôi mộ nhỏ. Trên ngôi mộ khắc hình Chúa Giêsu ẵm hài nhi, bên cạnh là dòng chữ: Elliot Earnest J. Sinh 12/4/2022 – Mất 12/4/2022. Ngôi mộ luôn có hoa tươi, những quả bóng đủ màu sắc và vài con thú nhồi bông xinh xắn.
Đó là con trai thứ hai của vợ chồng Rachael. Nếu còn sống, năm nay Elliot sẽ gần ba tuổi.
Nhưng quan trọng hơn, nếu Tối Cao Pháp Viện lật ngược phán quyết Roe v. Wade – một phán quyết công nhận quyền riêng tư cá nhân theo Hiến Pháp Hoa Kỳ bảo vệ quyền chấm dứt thai kỳ của người phụ nữ, có giá trị từ năm1973 – sớm hơn vài tháng, thì có lẽ ở nghĩa trang Kaysville Cemetery hôm nay không chỉ có một ngôi mộ bé nhỏ kia…
Một buổi sáng ngày 11 Tháng Tư, 2022, Rachael là một trong những người mẹ khác có mặt tại văn phòng bác sĩ để khám thai định kỳ. Cô nhận tin bào thai trong bụng của cô không còn nhịp tim. “Đứa con mà chúng tôi đã cầu nguyện, mong chờ và đã chiến đấu để giữ lại, không còn nữa,” Rachael nói.
Cuộc chiến “đi biển mồ côi” của Rachael diễn ra khi cô mang thai ở tuần thứ chín. Các bác sĩ cho biết thai nhi có triệu chứng “down syndrome” (hội chứng ‘down’) và cho cô cơ hội để giữ hoặc phá. Rachael cương quyết giữ lại. Vợ chồng Rachael đã muốn đứa con này, dù bất cứ điều gì.
Hai tuần sau, cô nhận thêm tin là thai nhi bị dị tật u nang bạch huyết ở cổ – một hội chứng rất nguy hiểm cho thai phụ. Một lần nữa, Rachael cương quyết không bỏ đứa con khi cô có sự lựa chọn.
Một tuần sau nữa, bác sĩ cho biết thai nhi đã bị phù nề và có chưa đến 3% cơ hội sống sót. Lần thứ ba, cô lại từ chối giải pháp phá bỏ.
“Tuần sau nữa, tình trạng phù nề đã tệ hơn và con tôi chỉ có chưa đến 1% cơ hội sống. Tôi được yêu cầu đến khám mỗi tuần để xem con tôi còn sống không. Tôi phải bắt đầu để ý lắng nghe các triệu chứng trong cơ thể mình vì khả năng tính mạng tôi bị đe dọa rất cao. Tôi là một trong những bà mẹ phải đối mặt với sự thật rằng con mình sẽ qua đời và không thể sống sót sau khi ra khỏi tử cung và tôi cũng có thể chết vì điều này,” Rachael kể lại. Sau ba năm, niềm đau của người mẹ mất con không hề nguôi ngoai khi nhắc đến.
“Nỗi đau tinh thần khi biết con mình sẽ chết và không thể làm gì được là điều kinh khủng nhất. Tôi hiểu những người phụ nữ không thể sống như thế này. Khi thai nhi được 18 tuần, tôi phát hiện ra con mình đã qua đời. Các bác sĩ nói với tôi rằng cơ thể tôi có thể hoặc không thể chuyển dạ. Nếu tôi sinh tự nhiên tại nhà, thì khả năng tôi sẽ tử vong là hơn 90%. Tôi muốn nhìn thấy và ôm đứa con mà tôi đã mang trong mình bấy lâu nay. Tôi đã chọn sinh mổ vào ngày hôm sau, ngày 12 Tháng Tư. Con tôi ‘ra đời’ với sự giúp đỡ của các bác sĩ và y tá. Nhờ sự giúp đỡ của họ, tôi đã có thể ôm đứa con đã mất của mình. Tôi vô cùng biết ơn những bác sĩ và y tá đã cứu mạng tôi khi không thể cứu được con tôi.”
Con trai của Rachael J đã mất trước khi chào đời. Vì cậu bé được “sinh ra” ở tuần thứ 18 của thai kỳ chứ không phải tuần thứ 20. Do đó, theo định nghĩa pháp lý hiện hành, hình thức ra đời của đứa bé gọi là phá thai. Rachael nói: “Trong hồ sơ bệnh án của tôi ghi là tôi đã phá thai, thay vì thai chết lưu. Tôi rất khó chấp nhận điều này.”
“Nếu con tôi qua đời vào thời điểm này, mọi thứ có thể sẽ rất khác. Cuộc sống của tôi sẽ gặp nguy hiểm. Tôi muốn sinh ra đứa con của mình hơn bất cứ thứ gì trên đời nhưng con tôi đã qua đời và tôi vẫn bị coi là phá thai. Hãy nghĩ về những bà mẹ không có quyền lựa chọn phá thai. Những người muốn có con nhưng giờ đây họ có ít sự lựa chọn đối với cơ thể của chính họ.”
‘Texas đã phụ tôi’
Mùa Hè năm 2022, khi mang thai ở tuần thứ 11, nữ bác sĩ OB-GYN (khoa sản – phụ khoa) Austin Dennard phát hiện bào thai cô đang mang trong mình mắc phải chứng “anencephaly” hiếm gặp – một tình trạng mà não và hộp sọ của bào thai không phát triển đầy đủ, dẫn đến tử vong bất cứ lúc nào, cho cả mẹ và con. Đây là lần mang thai thứ hai của bác sĩ Austin Dennard.
Giải thích về tình trạng này, Dennard cho biết trẻ sơ sinh "sống sót trong vài giây, vài phút ... có thể là một ngày. Về cơ bản, chúng phải vật lộn để có thể thở, cho đến khi qua đời.”
Đo được nhịp tim thất thường trong cơ thể mình, nữ bác sĩ biết cô không còn cách nào khác là phải tìm đến một tiểu bang khác để lấy bào thai ra.
“Tôi cảm thấy việc mang thai không còn là của tôi, nó thuộc về tiểu bang, vì tôi không có sự lựa chọn tôi làm có thể làm gì. Tôi không thể tin cả cuộc đời tôi sống ở tiểu bang này, tôi là thế hệ thứ sáu của cư dân Texas, học y khoa trong tiểu bang, giờ nơi này hoàn toàn quay lưng với tôi. Texas đã phụ tôi,” Dennard trả lời báo chí khi cô quyết định đưa ra ánh sáng câu chuyện của mình.
Những lời này, bác sĩ Dennard đã khai trước một tòa án ở Texas vào Tháng Sáu 2023. Đây là phiên tòa mà cô là một trong 13 bà mẹ là nguyên đơn của một vụ kiện do Trung Tâm Quyền Sinh Sản thay họ chống lại tiểu bang. Vụ kiện vốn không nhằm mục đích bãi bỏ luật phá thai rất hạn chế của Texas, mà để tìm cách làm rõ tình huống nào nằm trong trường hợp ngoại lệ – “medical emergency.”
Vào một buổi tối Thứ Sáu của Tháng Tám, 2023, khi chồng của bác sĩ Dennard đang chuẩn bị bữa cơm tối, đứa con nhỏ đi chập chững trong nhà, hộp thư điện tử của cô báo có thư mới. Chánh án Jessica Mangrum, người xử vụ kiện vào tháng trước, ra phán quyết Dennard và các nguyên đơn khác thắng kiện. Quyết định của Chánh án Mangrum tạm thời chặn lệnh cấm phá thai của Texas trong trường hợp có biến chứng thai kỳ nghiêm trọng.
Bữa cơm tối của gia đình nữ bác sĩ Austin Dennard đã diễn ra trong nước mắt – nước mắt của hạnh phúc.
Quyền của người phụ nữ
Dù quyền phá thai của người phụ nữ đã được TCPV công nhận từ phán quyết lịch sử Roe v. Wade năm 1973, nhưng quyền đó vẫn luôn là một vấn đề bị tranh cãi suốt 50 năm, qua nhiều đời tổng thống của lưỡng đảng thay nhau nắm quyền. Tháng Tư năm 1992, một cuộc biểu tình lớn ủng hộ quyền phá thai diễn ra ở thủ đô Washington DC. TCPV sau đó vẫn giữ nguyên phán quyết Roe v. Wade, từ chối các hạn chế mới của Pennsylvania đưa ra.
Đến Tháng Giêng năm 1993, Bill Clinton trở thành tổng thống. Sau khi tuyên thệ vài ngày, ông ký lệnh tái tục một số nội dung quan trọng của sắc lệnh hành pháp chống phá thai của những người tiền nhiệm xuất thân từ Đảng Cộng hòa, như Ronald Reagan và George H. Bush.
Rồi đến thời kỳ của Donald Trump, với quyết định bổ nhiệm ba thẩm phán bảo thủ vào TCPV, một đạo luật ở bang Mississippi do Đảng Cộng hòa hậu thuẫn cấm phá thai sau 15 tuần được duy trì với tỷ lệ bỏ phiếu 6-3. Thêm vào đó, ngày 24 Tháng Sáu 2022, các thẩm phán đã biểu quyết với tỷ lệ 5-4 để lật ngược Roe v. Wade, cho rằng được phá thai trước khi thai nhi có thể tồn tại ngoài tử cung từ 24 đến 28 tuần của thai kỳ là quyết định sai vì Hiến Pháp Hoa Kỳ không hề đề cập cụ thể đến quyền phá thai.
Kể từ đó, phá thai, hay nói cách khác, quyền mang thai của người phụ nữ “nghiễm nhiên” trở thành một vấn đề đóng quan trọng, then chốt trước cuộc bầu cử, đặc biệt là năm nay, 2024 – thậm chí là những phát ngôn sai sự thật.
Trong buổi vận động tranh cử ngày 29 Tháng Tám ở Potterville, Michigan, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hoà Donald Trump đã nói: “Có sáu tiểu bang ở nước Mỹ hiện cho phép người dân giết một đứa bé sau khi nó ra đời.”
Truyền thông Mỹ hoàn toàn không nói đến nội dung vô căn cứ trong diễn văn này của Trump trong những bản tin tường thuật. Duy nhất một tổ chức gọi là “Republicans Against Trump” đã lên tiếng và chỉ rõ “đây là phát biểu dối trá.” Tổ chức này trích dẫn Đạo luật “The Born Alive Bill of 2022” của “H.R.26 – Born-Alive Abortioin Survivors Protection Act” đã được Quốc Hội thông qua, quy định bất kỳ trẻ sơ sinh nào khi sinh ra còn sống đều phải được chăm sóc.
“Bất kỳ cá nhân nào cố ý giết hoặc có ý định giết một đứa trẻ mới sinh ra sẽ bị truy tố về tội giết người.”
Điều này cho thấy, phát biểu “sáu tiểu bang cho phép giết một đứa bé sau khi nó ra đời” mà Trump đã nói là vô căn cứ và dối trá.
Quyết định của Tổng thống Joe Biden trao ngọn đuốc lại cho Phó Tổng Thống Kamala đã mang đến cho đảng Dân Chủ cơ hội cất lên tiếng nói mạnh mẽ và nhất quán về quyền phá thai trước cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên kể từ khi Roe v. Wade bị lật đổ.
Trong khi Dự án 2025 (Project 2025) – án tử của nền Dân Chủ Mỹ đặt vấn đề phá thai vào kế hoạch “cải tổ nước Mỹ” thì chiến dịch của liên danh Harris-Walz đặt quyền của người phụ nữ vào lá phiếu của cử tri. Trong tất cả các cuộc tranh cử, bà Kamala Harris luôn nhấn mạnh thông điệp: “chỉ có người phụ nữ mới có quyền quyết định về cơ thể của họ. Chính phủ không thể bắt buộc người phụ nữ phải làm như gì với cơ thể của họ.”
Niềm tin tôn giáo
Jon Le Culpepper là một nhạc trưởng. Anh lớn lên trong chủng viện với ước mơ trở thành linh mục theo điều mà anh nói là “ơn gọi.” Nhưng Jon phải chọn bước ra khỏi nhà thờ để được sống đúng với con người thật và tình yêu của đời mình. Anh vẫn đi lễ mỗi tuần, vẫn là nhạc trưởng cho dàn nhạc thánh ca trong các buổi lễ nhà thờ. Jon tôn trọng người phụ nữ, cũng như anh tin người phụ nữ có quyền quyết định về cơ thể của họ.
“Tôi tin rằng phá thai là một chiến lược y tế khoa học trong số chiến lược mà bệnh nhân và bác sĩ có thể cân nhắc. Kiến thức y tế và tiền lệ thiết lập trong vụ Roe v. Wade xác định rõ ràng khi nào thai kỳ không phát triển được.” Jon nói. “Chúng ta đang bị vây bởi quá nhiều định nghĩa và thông số để chi phối về cái mà chúng ta nghĩ là sự sống con người. Đức tin, đạo đức và niềm tin cá nhân đã gây ra những hậu quả không lường.”
Truyền thông đã thực hiện nhiều cuộc thăm dò ý kiến cho thấy đa số người Mỹ ủng hộ quyền phá thai. Nhưng đảo ngược quyền này là mục tiêu của các nhà hoạt động chống phá thai và những người Thiên Chúa giáo bảo thủ trong nhiều thập kỷ.
Năm 2021, Texas ra lệnh mới, cấm phá thai từ sáu tuần tuổi. Khoảng hai năm sau, ước chừng 2.200 trẻ sơ sinh tử vong tại Texas vào năm 2022 – tăng 11,5%, so với năm trước, theo dữ liệu sơ bộ về tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh từ Sở Y tế tiểu bang Texas mà CNN thu thập được. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh do dị tật bẩm sinh và di truyền nghiêm trọng tăng 21,6%. Từ năm 2014 đến năm 2021, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh đã giảm gần 15%.
Tiến sĩ Erika Werner, chủ tịch khoa sản và phụ khoa tại Trung Tâm Y tế Tufts, cho biết: "Chúng tôi đều biết tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh sẽ tăng lên, vì do thai kỳ không phát triển thành những đứa trẻ bình thường khỏe mạnh. Đó chính xác là điều mà tất cả các y bác sĩ lo ngại.”
IVF cũng đã trở thành tâm điểm chú ý kể từ khi một tòa án ở bang Alabama ra phán quyết vào đầu năm nay rằng phôi đông lạnh là con người. TCPV Alabama đưa ra phán quyết phôi thai đông lạnh sẽ được coi là trẻ em và một người có thể phải chịu trách nhiệm nếu vô tình phá hủy phôi thai. Chánh Án Tom Parker của TCPV Alabama tuyên bố: “Ngay cả trước khi sinh ra, tất cả con người đều có hình hài của Chúa, và cuộc sống của họ không thể bị hủy hoại mà không làm lu mờ vinh quang của Người.”
Trang 19thenews.org đã kể lại câu chuyện của Bác Sĩ Robert Hunter, người điều hành một phòng khám hiếm muộn, cung cấp dịch vụ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại Louisville, Kentucky.
Chỉ vài giờ sau khi phán quyết Roe v. Wade bị TCPV thời Donald Trump lật ngược, Bác Sĩ Robert Hunter nhận được hàng loạt email của bệnh nhân của ông, những người đang chữa trị bệnh hiếm muộn. Họ hỏi ông liệu họ có phải chuyển các phôi thai đông lạnh của họ sang tiểu bang khác hay không?
Kentucky là một trong số ít tiểu bang muốn sử dụng quy định phá thai để định nghĩa sự sống bắt đầu từ khi thụ tinh, một ngôn ngữ thường dùng trong một số lệnh cấm phá thai khác đã có hiệu lực hoặc sẽ sớm có hiệu lực, bao gồm cả ở Utah, Texas và Louisiana. Các tiểu bang khác muốn tiến xa hơn nữa, cho phôi thai những quyền hiến định thông qua các dự luật gọi là "nhân cách,” mặc dù về mặt khoa học, phôi thai chưa được định nghĩa là một con người. “Phần lớn sẽ không bao giờ hình thành những đứa trẻ,” Bác Sĩ Hunter nói.
Định nghĩa về phôi thai, Tiến Sĩ Valinda Riggins Nwadike của American Board of Medical Specialties nói: “Với mỗi tuần mang thai, em bé (tương lai) của bạn phát triển từng giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, chúng được gọi là hợp tử. Sau đó, chúng phát triển thành phôi thai, thai nhi và cuối cùng là em bé.”
Hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học, Tiến Sĩ Valinda Riggins Nwadike giải thích cụ thể: “Thụ tinh là một quá trình thường xảy ra trong vòng vài giờ sau khi rụng trứng. Đó là thời điểm quan trọng trong quá trình sinh sản khi tinh trùng gặp trứng mới rụng. Tại cuộc gặp gỡ này, 23 nhiễm sắc thể đực và 23 nhiễm sắc thể cái kết hợp với nhau để tạo thành một phôi đơn bào gọi là hợp tử. Trong thai kỳ của con người, một em bé sẽ không được coi là thai nhi cho đến tuần thứ 9 sau khi thụ thai, hoặc tuần thứ 11 sau kỳ kinh nguyệt cuối cùng của người phụ nữ.”
Chưa đến 70 ngày nữa là kết thúc cuộc bầu cử có lẽ là quan trọng nhất trong lịch sử Mỹ. Chắc chắn cả hai đảng, Dân Chủ và Cộng Hòa sẽ tận dụng tối đa sức nặng của quyền phá thai lên quyết định lá phiếu của cử tri. Chưa bao giờ quyền của người phụ nữ trên cơ thể của họ lại mong manh, và quan trọng như bây giờ, dù nước Mỹ được mệnh danh là “định hình của dân chủ thế giới.”
Nhưng, quan trọng hơn bao giờ cũng là tâm tư của người trong cuộc. Rachael J., cô kết thúc buổi nói chuyện bằng lời bày tỏ: “Còn có rất nhiều điều để quyết định (phá thai.) Tôi và chúng ta đều phản đối việc giết trẻ em. Nhiều vụ phá thai không phải là lựa chọn mà là những quyết định khó khăn nhất trong đời một bà mẹ phải quyết định. ‘Phá thai’ là một thuật ngữ pháp lý không mô tả chính xác những gì mọi người nghĩ về nó. Làm sao gọi là giết một người nếu sự thật người đó đã không còn?”
Cô đưa lên tấm ảnh mới nhất của gia đình, đó là vợ chồng Rachael cùng hai con trai cười hạnh phúc bên ngôi mộ nhỏ trong nghĩa trang Kaysville Cemetery. Gia đình họ luôn có năm người bên nhau.
Kalynh Ngô
Gửi ý kiến của bạn