Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature, nguồn gốc của khối đá bệ thờ (the altar stone) trong quần thể đá tảng Stonehenge đã có thể được xác định sau hơn 100 năm tìm kiếm. Các khoa học gia đã nghiên cứu niên đại và thành phần hóa học của các khoáng chất tạo nên khối đá sa thạch nằm ở chính giữa di tích Stonehenge. Kết quả cho thấy nguồn gốc của khối đá này có thể là từ một khu vực ở Scotland, cách Stonehenge khoảng 466 dặm (750 km).
Nhà khảo cổ học Susan Greaney từ Đại học Exeter của Anh ca ngợi đây là một nghiên cứu tuyệt vời và thú vị. Dù không tham gia vào nghiên cứu, Greaney cho biết bà cảm thấy rất hào hứng khi nhóm nghiên cứu xác định được một địa điểm ở phía đông bắc Scotland – có thể là Orkney, nơi từng là trung tâm của các hoạt động và văn hóa trong giai đoạn Tân Thạch Khí (Thời Đồ Đá Mới, Neolithic). Trong khi đó, di tích Stonehenge lại nằm trên đồng bằng Salisbury ở miền Nam nước Anh, và cũng được xây dựng trong cùng giai đoạn khoảng 5,000 năm trước. Bà giải thích: “Điều này nhấn mạnh mối liên kết giữa hai khu vực, trước đây chỉ được coi là một giả thuyết.”
Các nhà nghiên cứu đã luôn cố gắng tìm hiểu lý do và phương thức người cổ đại xây dựng quần thể đá Stonehenge. Các nghiên cứu gần đây đã xác định được rằng các khối đá sarsen được dùng để tạo ra phần vòng ngoài của Stonehenge (sarsen stone là đá sa thạch bị silic hóa, loại đá này rất cứng và có nhiều trên khắp miền nam nước Anh), có nguồn gốc từ một khu vực cách đồng bằng Salisbury khoảng 16 dặm (25.7 km) về phía bắc. Trong khi đó, các khối đá xanh (bluestones) không phải là loại đá ở địa phương, mà được cho là có nguồn gốc từ xứ Wales vào những năm 1920. Nhóm nghiên cứu đã lần ra được nguồn gốc của một số khối đá này là từ các mỏm đá (outcrops) ở tây nam xứ Wales, cách Stonehenge khoảng 140 dặm (225 km)
Richard Bevins đã dành 15 năm để nghiên cứu tìm ra xuất xứ của khối đá bệ thờ trong di tích Stonehenge. Nhóm nghiên cứu đã so sánh thành phần hóa học của khối đá với các mỏ đá ở nhiều khu vực trên khắp xứ Wales và Anh, và đã loại trừ hàng chục địa điểm không phù hợp. Cuối cùng, sau bao năm tìm kiếm, họ phát hiện một nơi có thành phần hóa học trong đá tương đồng với thành phần của khối đá bệ thờ. Bevins chia sẻ: “Thật đáng kinh ngạc. Tôi không dám tin luôn!”
Bevins đã hợp tác với Anthony Clarke, một nghiên cứu sinh ngành khoa học địa chất của Đại học Curtin ở Perth, Australia, để sử dụng các kỹ thuật địa chất để phân tích một mảnh đá nhỏ của khối đá bệ thờ, được lấy ra từ năm 1844 và có cùng thành phần hóa học với khối đá lớn. Nhóm nghiên cứu xác định niên đại của các khoáng chất trong khối đá và so sánh kết quả với dữ liệu từ các mỏm đá trầm tích ở Anh và Ireland.
Nick Pearce, nhà địa chất học kiêm nhà hóa học địa chất tại Đại học Aberystwyth và cũng là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết. “Nơi duy nhất có thành phần hóa học của đá giống hệt với của mảnh đá bệ thờ là ở phía đông bắc Scotland. Những đặc điểm hóa học của các khoáng chất trong đá rất đặc trưng. Tôi không nghĩ rằng sẽ có bất kỳ nơi nào khác trên thế giới có sự trùng khớp như vậy.” Khu vực này được gọi là Basin Orcadian, là một vùng rộng lớn trải dài hàng ngàn km vuông, và ở một số nơi, độ dày của các lớp đá lên tới 8km. Tuy nhiên, họ vẫn chưa thể xác định chính xác vị trí mà khối đá bệ thờ được khai thác và chuyển đến chỗ của Stonehenge.
Còn một câu hỏi lớn khác khiến các khoa học gia đau đầu: làm thế nào mà người cổ đại trong thời kỳ Đồ Đá Mới lại có thể vận chuyển một khối đá dài 16 foot (gần 5 mét) và nặng hơn 6 tấn qua một quãng đường dài như thế (từ phía bắc Scotland đến vị trí của Stonehenge ở miền Nam nước Anh)? Một số giả thuyết cho rằng khối đá bệ thờ có thể đã “quá giang” các dòng sông băng để đến nơi. Tuy nhiên, David Nash, nhà địa mạo học (geomorphologist) tại Đại học Brighton ở Anh, cho biết rằng dựa trên những kiến thức và hiểu biết hiện có về sự di chuyển của các dòng sông băng trên khắp Quần đảo Anh, “không cách nào mà một khối đá sa thạch kích thước lớn như vậy được vận chuyển từ phía bắc Scotland đến Stonehenge bởi sông băng,” cùng lắm thì sông băng chỉ có thể kéo khối đá được một đoạn mà thôi.
Đi đường sông không khả thi, vậy đường bộ thì sao? Câu trả lời là: cũng không luôn! Greaney giải thích, địa hình của Scotland đa phần là núi, còn nước Anh thời đó thì rừng bao phủ dày đặc. Nhóm nghiên cứu gợi ý rằng khối đá có thể đã được vận chuyển bằng đường biển.
Theo Jim Leary, nhà khảo cổ học tại Đại học York ở Anh, người cổ đại có thể đã cho thuyền chở đá chạy dọc theo bờ biển, rẽ vào các con sông, tới gần điểm đến thì cho cập bờ và chuyển khối đá qua đường bộ đến di tích Stonehenge. Mặc dù vẫn chưa thể xác định thời gian chính xác, nhưng đã có nhiều bằng chứng cho thấy người cổ đại thời đó đã vận chuyển vật nặng bằng đường biển, bao gồm cả gia súc.
Leary nhấn mạnh rằng khối đá này phải có ý nghĩa rất quan trọng vì người cổ đại đã vận chuyển một quãng đường dài xa xôi như vậy. Ông cho rằng có thể khối cự thạch (megalith) này đã được sử dụng ở nhiều nơi khác nhau trước khi đến di tích Stonehenge. Ông nói: “Khối đá có thể đã trải qua một hành trình rất dài và đi qua nhiều nơi trong khoảng hơn 100 năm trước khi dừng chân ở Stonehenge.”
Theo Greaney, có vẻ như người cổ đại đã đi lại giữa các khu vực này, mang theo những niềm tin, nghi lễ, ngôn ngữ, và cách tổ chức xã hội của họ. Khối đá bệ thờ nằm giữa di tích Stonehenge chỉ ra tầm quan trọng của những kết nối này. Bà nhận xét: “Đó là một khối đá độc đáo, được để ngay giữa, còn những khối đá còn lại được sắp xếp xung quanh. Những kết nối này phải có ý nghĩa rất lớn đối với những người tạo ra di tích Stonehenge, nếu không họ đã chẳng để khối đá ở vị trí nổi bật như vậy.”
Nguồn: “The mysterious origin of Stonehenge’s altar stone might have been solved” được đăng trên trang Nationalgeographic.com.
Gửi ý kiến của bạn