Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Kamala Harris Có Làm Nên Lịch Sử Không?

30/08/202400:00:00(Xem: 1223)

GettyImages-2168039827
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris phát biểu tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ (DNC) tại Trung tâm United vào ngày 22 tháng 8 năm 2024, Chicago, Illinois, Hoa Kỳ. Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ năm 2024 tại Chicago đã kết thúc vào ngày 22 tháng 8. (Ảnh của Liao Pan/China News Service/VCG qua Getty Images)
 
Kamala Harris không phải là người phụ nữ đầu tiên ra tranh cử vào chức vụ tổng thống Hoa Kỳ. Trước bà Harris, trong cuộc tổng tuyển cử năm 2016, bà Hillary Clinton cũng đã đại diện Đảng Dân Chủ ra tranh cử và đối đầu với ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa Donald Trump, mặc dù bà đã thua phiếu cử tri đoàn. Có điều trong lịch sử gần hai trăm năm mươi năm của nước Mỹ, chưa có một phụ nữ nào được bầu vào chức vụ lãnh đạo cao cấp nhất này. Điều này làm cho nhiều người Mỹ phải suy nghĩ.

Nhưng có một sự thật không thể chối cãi được là trên thế gian này không có gì cố định. Tất cả đều trôi theo dòng nước vô thường. Môi trường sinh hoạt chính trị cũng thế. Nhìn chung, người dân Mỹ dường như đã sẵn sàng để bầu phụ nữ làm tổng thống kể từ cuộc bầu cử năm 2016. Chẳng thế mà bà Hillary Clinton đã hơn ông Trump gần 3 triệu phiếu bầu phổ thông đó sao!

Vậy thì, bà Kamala Harris có tạo nên lịch sử trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2024 này không? Ngay lúc này, có lẽ vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát nào đối với câu hỏi đó. Tuy nhiên, điều chúng ta có thể làm là dựa vào các dữ kiện, các nghiên cứu và bình luận để suy nghĩ.
 
Luồng gió mới
 
Sau ngày 21 tháng 7 năm 2024, khi Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden tuyên bố rút khỏi cuộc đua vào Bạch Ốc và ủng hộ Phó Tổng Thống Kamala Harris ra tranh cử tổng thống của Đảng Dân Chủ, một luồng gió mới kỳ lạ thổi vào bầu không khí chính trị trong mùa tổng tuyển cử năm 2024 của Hoa Kỳ.
Ông Biden là một chính trị gia lỗi lạc và dày kinh nghiệm đã lãnh đạo đất nước Hoa Kỳ vượt qua nhiều sự kiện lịch sử lớn lao: Đại dịch Covid 2019, tình trạng thất nghiệp cao ngất ngưởng, và cuộc bầu cử đầy sóng gió vào năm 2020 với ứng cử viên Đảng Cộng Hòa Donald Trump cố gắng một cách tuyệt vọng để lật ngược kết quả bầu cử tổng thống mà Joe Biden đã giành được chiến thắng. Nhưng ở tuổi 81, ông Biden đã để lộ nhiều suy yếu về thể chất và tinh thần dẫn đến việc ông đã bị đối thủ Cộng Hòa Donald Trump thắng thế trong các cuộc thăm dò dư luận cử tri trên toàn quốc trong cuộc tổng tuyển cử năm 2024.

Donald Trump và Đảng Cộng Hòa tin rằng họ sẽ nắm phần thắng trong cuộc chạy đua vào Bạch Ốc qua cuộc bỏ phiếu vào ngày 5 tháng 11 năm nay, với đối thủ là đương kim Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden. Nhưng khi bà Kamala Harris thay ông Biden ra tranh cử tổng thống của Đảng Dân Chủ thì tình thế chính trị của mùa bầu cử đã hoàn toàn thay đổi! Donald Trump và Đảng Cộng Hòa bị hụt hẫng và chưa tìm ra cách nào thích đáng để đối phó với đối thủ hoàn toàn mới là bà Harris này. Trump và Đảng Cộng Hòa từ phe nắm thế mạnh chủ động bỗng dưng một sớm trở thành kẻ bị động và hầu như mất hướng. Lại thêm chuyện ông Trump chọn người làm phó tổng thống JD Vance chỉ mang lại nhiều phiền phức, thị phi và kém tài không giúp ích gì cho cuộc vận động đang bị khựng.

Ngược lại, bà Harris và người đứng chung liên danh Tim Walz năng nỗ, hoạt bác liên tục tổ chức các cuộc tập họp quần chúng tại nhiều tiểu bang chiến trường để cổ súy lập trường và chính sách trị quốc trong 4 năm tới nếu được đắc cử. Những cuộc tập họp quần chúng này quy tụ hàng ngàn người tham dự và ủng hộ.

Bản tin ngày 25 tháng 8 năm 2024 của báo The Hill, trích thuật thăm dò của  Fairleigh Dickinson University cho biết Phó Tổng Thống Harris đang dẫn đầu cựu Tổng Thống Trump với 7 điểm trên toàn quốc. Cuộc thăm dò được thực hiện từ ngày 17 tới 20 tháng 8 năm 2024 với 801 người đã ghi danh bỏ phiếu trên toàn nước Mỹ. Cuộc thăm dò nói rằng Harris có 50% người ủng hộ so với 43% người ủng hộ Trump trên toàn quốc, trong khi 7% người trả lời thăm dò nói rằng họ sẽ bầu cho người khác. Trump và Harris đều có cùng tỉ lệ người ủng hộ trong nội bộ đảng 95%.

Nhưng, chính trường Mỹ trong những năm gần đây có rất nhiều biến động khó ngờ. Chuyện ông Biden can đảm rút khỏi cuộc đua tổng thống cho nhiệm kỳ thứ hai đã là một sự kiện vô cùng bất ngờ mà người dân Mỹ vừa chứng kiến. Tuy nhiên, liệu bà Harris có giữ được thế thượng phong để giành chiến thắng lịch sử vào ngày 5 tháng 11 năm nay hay không? Hay, một cách trực diện hơn, rằng là bà Harris có những thuận lợi nào để trở thành nữ chủ nhân của tòa Bạch Ốc vào tháng 1 năm 2025?

Trước hết, chúng ta hãy nhìn lại và so sánh hai cuộc tranh cử tổng thống của hai vị nữ lưu nước Mỹ là bà Hillary Clinton (2016) và bà Kamala Harris (2024) để xem bà Harris có những thuận lợi nào trong mùa bầu cử năm nay.  
 
Bà Harris so với bà Clinton
 
Nhà bình luận gạo cội của báo The Baltimore Sun là Candy Woodall, trong bài viết “6 reasons Kamala Harris has better odds than Clinton against Trump” được đăng trên trang mạng www.baltimoresun.com hôm 24 tháng 7 năm 2024, nêu ra 6 lý do bà Harris thuận lợi hơn bà Cliton như sau:

1/ Luật Roe kiện Wade bị đảo ngược: Luật cho phép phá thai này đã tồn tại 50 năm và bị Tối Cao Pháp Viện Mỹ, với 6 thẩm phán Cộng Hòa và 3 thẩm phán Dân Chủ, đảo ngược vào tháng 6 năm 2022. Hay nói cụ thể hơn là vụ đảo ngược này đã đẩy phụ nữ đi bỏ phiếu chống lại phán quyết của TCPV rộng khắp. Đến mùa bầu cử giữa kỳ cùng năm người ta chứng kiến một sự kiện bầu cử đặc biệt đã xảy ra khi các cử tri ở nông thôn, thành thị, Dân Chủ và Cộng Hòa đều đi bỏ phiếu để bảo vệ quyền phá thai. Cuộc bầu cử này chứng minh được một điều rõ ràng là kinh tế không phải lúc nào cũng là động lực để cử tri Mỹ quan tâm khi bỏ phiếu. Bà Harris đã trải qua 2 năm để vận động cho vấn đề phá thai trên toàn quốc. 

2/ Bỏ phiếu qua thư: Bà Clinton thua ông Trump một phần vì bà không lôi kéo được số người bỏ phiếu cho Barack Obama vào năm 2012, đặc biệt tại Philadelphia và Detroit. Đảng Dân Chủ đã học được bài học thua cuộc này trong mùa bầu cử năm 2020. Hiện vẫn có chọn lựa bỏ phiếu qua thư tại nhiều tiểu bang, gồm tiểu bang chiến trường Pennsylvania, làm cho việc bỏ phiếu dễ dàng hơn vì không cần phải đến thùng phiếu vào Ngày Bầu Cử.

3/ Cử tri Mỹ đã biết Trump điều hành việc nước ra sao: Năm 2016, Trump được lời nhờ những cử tri độc lập và trung dung đang đi tìm cơ hội. Lúc đó ông chưa được thử thách trong vai trò lãnh đạo đất nước và chỉ được biết như là người nổi tiếng trên truyền hình và có khả năng biến cuộc tập họp thành chương trình truyền hình thực tế. Nhưng bây giờ cử tri đã nhìn thấy cách ông giải quyết chính sách đối ngoại và đối nội, đại dịch toàn cầu, chuyển tiếp quyền lực, các vụ án, và nhiều nữa.

4/ Phụ nữ đã phát triển thành một khối bỏ phiếu hùng mạnh: Bà Clinton đã tạo lịch sử là người phụ nữ đầu tiên đại diện một chính đảng lớn ra tranh cử tổng thống. Dù bà đã thua Trump vào năm 2016, phong trào của bà vẫn không chấm dứt. Phụ nữ khắp nước Mỹ đã có quyết chí hơn để ra tranh cử vào các chức vụ ở tất cả các cấp chính quyền từ địa phương đến liên bang, đưa số lượng phụ nữ vào Quốc Hội đạt kỷ lục vào năm 2018. Hai năm sau, phụ nữ ở vùng ngoại ô đã đóng vai trò quan trọng để đưa Biden và Harris vào Bạch Ốc.

5/ Trump vẫn là Trump: Cựu tổng thống đã có cơ hội rất lớn ở Đảng Cộng Hòa Toàn Quốc để đánh dấu sự trở lại của ông từ một người bị ruồng bỏ trên chính trường thành một nạn nhân bị bắn đáng thông cảm và mạnh mẽ. Nhưng, Trump trong các cuộc vận động tranh cử chỉ dành thời gian quá ngắn để thuyết phục những người trung dung và độc lập trong khi dành nhiều thời gian để tiếp sức cho thành phần cơ sở đã ủng hộ ông tại các tiểu bang giao động là một chiến lược không hiệu quả. Những người mà ông gọi là thành phần cơ sở thì đã chứng tỏ là họ sẽ bầu cho ông dù bất cứ điều gì xảy ra. Nếu ông còn tiếp tục chiêu trò gọi tên, gieo rắc sợ hãi, tuyên bố không căn cứ về cuộc bầu cử bị đánh cắp, v.v… thì ông sẽ không thu hút được nhiều cử tri hơn so với năm 2020. Ông sẽ thu hẹp sự ủng hộ dành cho ông và như vậy là giúp cho ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân Chủ, bà Harris.

6/ Không có sự ngạc nhiên Comey: Sẽ không có sự ngạc nhiêu vào tháng 10 từ giám đốc FBI trong năm nay. Thông minh thì đừng bao giờ nói không bao giờ trong chính trị, đặc biệt còn tới hơn 2 tháng nữa đến ngày tổng tuyển cử. Tuy nhiên, có vẻ không thể có hành động vào phút chót chống lại ứng cử viên Đảng Dân Chủ, như chúng ta đã thấy với cựu Giám Đốc FBI James Comey vào năm 2016. Khi ông ấy mô tả cách bà Clinton và các phụ tá “cực kỳ cẩu thả trong việc họ giải quyết thông tin mật rất nhạy cảm,” nhiều người Dân Chủ cảm thấy ông đã xoay ván bầu cử có lợi cho Trump.
 
Bất lợi với bà Harris
 
Ở đời, đã thuận thì ắt có nghịch. Bà Harris cũng không thể nào vượt qua thứ luật tắc khách quan đó. Vậy, trong cuộc đua vào Bạch Ốc năm 2024, bà Harris sẽ gặp trở ngại nào đáng quan tâm nhất?

Trong bài viết “US voters say they’re ready for a woman president − but sexist attitudes still go along with opposition to Harris” [Cử tri Mỹ nói rằng họ sẵn sàng để có một vị nữ tổng thống – nhưng thái độ phân biệt giới tính sẽ chống lại Harris], của các tác giả Adam Eichen, Jesse Rhodes, Tatishe Nteta được đăng trên www.theconversation.com, hôm 16 tháng 8 năm 2024, nói rằng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2016, Bà Hillary Clinton đã thua cho ông Trump vì sự phân biệt giới tính của cử tri Mỹ và năm nay bà Harris chưa chắc đã có thể tránh khỏi trở ngại này, nếu tính đến số cử tri có đầu óc phân biệt giới tính (nam, nữ).

Ba tác giả này nói rằng trong cuộc thăm dò toàn quốc gần đây với 1,000 người Mỹ thành niên cho thấy 51% người Mỹ đồng ý rằng nước Mỹ đã sẵn sàng cho một nữ tổng thống gốc Phi Châu đầu tiên, chỉ có 23% số người được thăm dò cho biết họ không đồng ý điều này.

Trong việc so sánh giữa Harris và Trump, 89% người không thù ghét giới tính ủng hộ Harris so với 11% ủng hộ Trump. Ngược lại, chỉ có 18% người thù ghét giới tính ủng hộ Harris so với 82% ủng hộ Trump.

 Ba tác giả này cho biết thêm rằng sự phân biệt giới tính đóng vai trò mạnh mẽ trong việc ảnh hưởng đến hành vi bỏ phiếu của người Mỹ và thái độ đối với các vấn đề chính trị. Đặc biệt là trong hiện tại, sự quan trọng về mặt chính trị đối với các vấn đề liên quan đến giới tính như việc phá thai, biện pháp ngừa thai và các quyền của đồng tính nam-nữ, lưỡng tính, chuyển giới. Phân tích của các tác giả này cho thấy những người có thái độ tiêu cực đối với phụ nữ thì không ủng hộ bà Harris làm tổng thống. Và ba tác giả này nói thêm rằng liệu cuộc vận động của bà Harris có thể thành công để điều hướng sự thật này không thì vẫn còn phải chờ xem.
 
Thuận lợi với bà Harris
 
Ngược lại, kỷ giả Ryan Lizza của báo Politico, trong cuộc phỏng vấn hôm 17 tháng 8 năm 2024 được đăng trên báo Politico, thì có cái nhìn tích cực hơn trong sự khác biệt giới tính đối với cuộc chạy đua vào Bạch Ốc của bà Harris.

Ryan Lizza cho biết sự khác biệt về cách người đàn ông và phụ nữ bỏ phiếu đã có trong chính trị Mỹ từ cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 1980. Từ đó tới nay sự khác biệt về cách bỏ phiếu của nam giới và nữ giới thường xuyên xảy ra. Ký giả này nói rằng sự hội tụ của nhiều sự kiện cùng xảy ra cho ông tin rằng cuộc bầu cử năm nay sẽ là năm lịch sử.

Theo ông, trước hết là Donald Trump và bản chất ứng cử viên của ông ấy. Nhiệm kỳ tổng thống của ông ấy “rất bạo tợn, một loại tiếp cận chính trị hung hăng.” Ryan nói rằng nếu bạn nhìn vào Đại Hội Đảng Cộng Hòa ở tháng trước, bạn thấy ông ấy đã cố gắng hết mức để các nghệ sĩ và diễn giả để đặc biệt thu hút sự chú ý của nam giới. Ông ấy đã được võ sĩ Dana White giới thiệu. Lại thêm việc ông Trump chọn phó tổng thống JD Vance, một người có lập trường bất thường về vai trò của phụ nữ trong xã hội chúng ta. Còn vụ Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đảo ngược vụ Roe kiện Wade. Hiện có 7 tiểu bang, gồm các tiểu bang Cộng Hòa và Dân Chủ, đưa vào lá phiếu vụ đảo ngược Roe này và tại tất cả 7 tiểu bang này đã thông qua việc bảo vệ quyền phụ nữ, bất kể đó là tiểu bang Cộng Hòa Kansas hay tiểu bang Dân Chủ California. Vì vậy, đây là cuộc bỏ phiếu toàn quốc đầu tiên mà chúng ta có kể từ vụ Roe kiện Wade.

Chưa hết, một yếu tố khác là các cử tri trẻ, các cử tri Thế Hệ Z. Hiện có sự khác biệt thực sự giữa cách phụ nữ Thế Hệ Z đối với nam giới Thế Hệ Z bắt đầu tự chọn mình là người theo chủ nghĩa tự do. Còn một yếu tố rất quan trọng khác là bản tính ứng cử viên của Kamala Harris: một phụ nữ, một phụ nữ Da Đen, người mà Ryan nghĩ là đối với nhiều người là hiện thân chính xác người mà họ đang tìm kiếm, để thay đổi sự lãnh đạo trong đất nước này.

Tất cả những yếu tố trên cộng lại, theo Ryan, là lý do tại sao chúng ta có thể thấy rằng trong sự khác biệt giới tính kỷ lục này cuối cùng sẽ quyết định kết quả của cuộc tổng tuyển cử năm nay.

Theo các thăm dò hiện nay cho thấy bà Harris dẫn trước ông Trump trong số các cử tri phụ nữ, tuổi trẻ, da đen, người Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha, v.v…
 
Các chính sách tiêu biểu của bà Harris và ông Trump
 
Để độc giả có thể so sánh các chính sách của Phó Tổng Thống Kamala Harris và cựu Tổng Thống Donald Trump, mà có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân Mỹ, chúng tôi xin trích dịch bản so sánh được thực hiện bởi Devan Markham, Damita Menezes, Katie Smith, Jeff Arnold, Sean Noone, và Patrick Djordjevic được đăng trên https://www.newsnationnow.com hôm 26 tháng 8 năm 2024.

1/ Phá thai:

a/ Trump: Đã gọi phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Mỹ vào năm 2022 đảo ngược quyền phá thai trong vụ Roe v. Wade là “một chiến thắng vĩ đại,” trong cuộc hội luận trên đài CNN. Vào tháng 4 năm 2024, Trump nói rằng ông ủng hộ phá thai ngoại trừ các trường hợp bị hãm hiếp, loạn luân và cứu sinh mạng người mẹ. Ông cũng ủng hộ cách điều trị hiếm muộn, kiểm soát sinh sản, và thuốc ngừa thai. Hôm 25 tháng 8 năm 2024, ứng cử viên PTT của Trump là JD Vance phát biểu với NBC News rằng ông Trump sẽ phủ quyết luật chống phá thai liên bang. Điều này có nghĩa là Trump vì muốn kiếm phiếu phụ nữ nên đã thay đổi lập trường nhanh chóng.

b/ Harris: Cùng lập trường với TT Biden ủng hộ việc phá thai và tháng trước họ đã tuyên bố quyền sinh sản của phụ nữ Mỹ đang bị đe dọa. Harris ủng hộ cho việc tất cả phụ nữ Mỹ có thể tiếp cận việc phá thai hợp pháp. Bà tuyên bố việc cấm hay hạn chế gắt gao việc phá thai là “vô đạo đức.”

2/ Vấn đề biên giới:

a/ Trump: Sẽ trục xuất người tị nạn vào Mỹ lớn nhất trong lịch sử mà chi phí được trả từ tiền chuyển từ các ngân quỹ quân sự, theo Reuters. Ông sẽ điều động Vệ Binh Quốc Gia Hoa Kỳ và lực lượng chấp pháp địa phương giúp trục xuất nhanh chóng di dân lậu vào Mỹ. Ông sẽ phục hồi chương trình 2019 “Remain in Mexico” [Giữ ở Mexico], đòi hỏi người xin tị nạn tại biên giới Mỹ phải chờ ở Mexico trong khi hồ sơ của họ được tiến hành. Ông sẽ cấm người vào Mỹ từ Dải Gaza, Libya, Somalia, Syria, Yemen và bất cứ nơi nào đe dọa an ninh Mỹ. Ông sẽ chấm dứt quyền tự nhiên thành công dân Mỹ với trẻ em sinh tại Hoa Kỳ đối với các cha mẹ cư trú không có giấy tờ hợp lệ ở Mỹ. Ông sẽ tái nỗ lực chấm dứt chương trình “Hoãn Hành Động Đối với Người Đến Mỹ Lúc Còn Nhỏ,” thường gọi là DACA.

b/ Harris: TT Biden đã giao cho bà trách nhiệm quản trị mọi hoạt động nhập cư dọc theo biên giới phía nam vào năm 2021 để ngăn chận các di dân bất hợp pháp vào Mỹ. Bà đã công bố vào tháng ba 5.2 tỉ đô la từ các công ty tư nhân để hỗ trợ các quốc gia Trung Mỹ để chấm dứt việc nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ. Bà muốn giải quyết tận gốc rễ và lâu dài tình trạng di dân lậu vào Mỹ.

3/ Biến đổi khí hậu:

a/ Trump: Hứa nếu tái đắc cử sẽ tái rút Mỹ ra khỏi Hiệp Ước Khí Hậu Paris 2016. Điều này có nghĩa là Mỹ đã tham gia ký vào Hiệp Ước Khí Hậu Paris 2016 và Trump đã rút ra sau khi đắc cử TT nhiệm kỳ đầu. Sau đó Biden tái gia nhập Hiệp Ước Khí Hậu Paris và nay Trump hứa sẽ rút ra nữa.

b/ Harris: Ủng hộ các sáng kiến khí hậu của chính phụ Biden, gồm dự luật cung cấp nhiều tỉ đô la giảm thuế cho năng lượng tái tạo và xe điện, theo New York Times. Bà nhấn mạnh công lý môi trường, giải quyết các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tại các cộng đồng thiểu số. Năm 2019, khi còn là Thượng Nghị Sĩ, Harris và Dân Biểu Dân Chủ tại New York Alexandria Ocasio-Cortez đã đề xuất dự luật đánh giá các quy định môi trường ảnh hưởng tới các cộng đồng có thu nhập thấp.

4/ Tội phạm:

a/ Trump: Chủ trương dời các lều của người vô gia cư ra khỏi các thành phố. Trao cho cảnh sát nhiều quyền hơn, điều động quân đội để chiến đấu với vấn đề các loại thuốc nghiện trên toàn quốc và đề xuất án tử hình đối với các trùm buôn ma túy bị kết án. Ông sẽ ân xá 73 người và giảm án cho 70 người, gồm những người bị kết án vì gây bạo loạn tại Tòa Nhà Quốc Hội vào ngày 6 tháng 1 năm 2021, và các thành viên nội các cũ của ông và các cố vấn như Paul Manafort, Roger Stone, Michael Flynn, Stephen K. Bannon và George Papadopoulos.

b/ Harris: Trong 7 năm làm công tố quận và 6 năm làm Bộ Trưởng Tư Pháp California, bà đã bảo vệ hệ thống đóng tiền mặt tại ngoại hầu tra, chỉ thay đổi vài tuần trước khi vào Thượng Viện. Trong cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2020, bà cam kết cải tổ toàn diện hệ thống tư pháp hình sự toàn quốc, ủng hộ việc hợp pháp hóa cần sa, cải tổ tiền thế chân tại ngoại và hoãn hình phạt tử hình.

5/ Lạm phát:

a/ Trump: Hứa giảm thuế, tăng lương, thêm việc làm cho người Mỹ lao động bằng cách ban hành mức thuế cơ bản phổ quát để thưởng cho sản xuất nội địa và đóng thuế các công ty ngoại quốc. Ông cho rằng điều đó sẽ giảm lạm phát. Nhưng trong nhiệm kỳ đầu tổng thống của ông, nợ liên bang tăng từ 14.4 ngàn tỉ đô lên 21.6 ngàn tỉ đô, do ảnh hưởng bởi các cắt giảm thuế của Trump, đặc biệt cắt giảm thuế các công ty, theo dự án Kiểm Tra Sự Thật của Trung Tâm Chính Sách Công Annenberg.

b/Harris: Trong nhiệm kỳ Phó Tổng Thống của bà Harris, lạm phát tăng cao nhất trong 4 thập niên lên tới 9% vào mùa hè năm 2022, nhưng đã giảm xuống còn 3.5%. Vào tháng 8 năm 2022, Quốc Hội đã thông qua Dự Luật Giảm Lạm Phát để đầu tư vào năng lượng sạch mà Bạch Ốc phỏng đoán đã tạo ra 117,000 việc làm và sẽ giảm chi phí năng lượng cho người Mỹ tới 9% vào năm 2030. Bà Harris nói rằng lạm phát là ưu tiên hàng đầu đối với chính phủ của bà. Bà đã ủng hộ TT Biden xóa nợ cho hàng trăm ngàn sinh viên.

6/ Xung đột Israel-Hamas:

a/ Trump: Không cho biết kế hoạch nào liên quan đến cuộc chiến Israel-Hamas nếu được tái đắc cử năm 2024. Trong cuộc phỏng vấn của Fox News vào tháng 10 năm ngoái Trump nói rằng “Chúng ta không có cách nào khác ngoài việc bảo vệ Do Thái.” Ông tự cho là có lập trường đồng minh mạnh mẽ với Do Thái trong khi chỉ trích Thủ Tướng Do Thái Benjamin Netanyahu.

b/ Harris: Kêu gọi “ngường bắn ngay lập tức” tại Gaza vào tháng 3 năm nay và trong Đại Hội Đảng Dân Chủ vào giữa tháng 8 bà cũng lập lại lập trường này. Bà nói rằng tình hình tại Gaza với thường dân Palestine bị sát hại mỗi ngày là “thảm họa nhân đạo.” Bà cho rằng Hamas đe dọa Israel thì cần phải bị loại trừ nhưng quá nhiều người Palestine vô tội đã bị giết chết. Bà chống lại việc Do Thái xâm chiếm Rafah, nam Gaza, nơi có hơn một triệu người chạy giặc tới đó. Bà cũng ủng hộ giải pháp hai nhà nước cùng tồn tại.

7/ An Sinh Xã Hội:

a/ Trump: Trước thì nói với Cộng Hòa tại Hạ Viện đừng cắt một xu nào từ Medicare hay Social Security, nhưng sau đó thì ông đòi cắt Medicare hay Social Security. Lập trường hàng hai này của Trump đã làm cho nhóm của ông phải giải thích biện minh cho rằng lời của ông đã bị trích dẫn không đúng.

b/ Harris: Trong vai trò phó tổng thống, bà Harris đã kêu gọi bảo vệ và tăng cường An Sinh Xã Hội trong đề xuất ngân sách của chính phủ Biden năm 2024.

8/ Chiến tranh tại Ukraine:

a/ Trump: Kêu gọi ngừng bắn trong một tuyên bố vận động chính thức. Ông nói có thể “giải quyết xung đột trong một ngày.”

b/ Harris: Tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ trợ cấp 1.5 tỉ đô la cho Ukraine, với các ngân quỹ từ Bộ Ngoại Giao và Cơ Quan USAID. Số tiền này sẽ tài trợ cho xây dựng hạ tầng cơ sở, an ninh, năng lượng và tị nạn. Bà đồng hành cùng Biden trong việc giúp Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga. Trong cuộc họp thượng đỉnh về hòa bình tại Ukraine vào tháng 6 năm nay, Harris đã tái cam kết của người Mỹ đối với quốc gia Đông Âu này.

Chiến trường chính trị đôi khi không khác trận thư hùng trên sân cỏ của những cầu thủ bóng đá: Trọng tài chưa thổi còi chấm dứt thì chưa biết ai thắng ai bại! Trong chính trị, trọng tài là ai? Cử tri. Cử tri là trọng tài trong cuộc chạy đua làm chủ nhân Bạch Ốc. Cử tri quyết định ai xứng đáng đại diện cho họ để lãnh đạo đất nước hùng mạnh nhất thế giới này. Cử tri có suy nghĩ, lập trường và quyết định riêng dựa vào các yếu tố như đảng phái, giới tính, tôn giáo, cảm tình, túi tiền, định kiến, và không thiếu cuồng tín.

Nếu nhìn vào các thăm dò hiện nay thì bà Harris đang ở thế mạnh hơn ông Trump để tạo lịch sử. Nhưng từ nay tới ngày bầu cử 5 tháng 11 thì cũng còn hơn 2 tháng nữa. Sẽ có biết bao thay đổi trong hơn 70 ngày này? Trước mắt là cuộc tranh luận vào ngày 10 tháng 9 như đã được đồng ý giữa hai ban vận động tranh cử của bà Harris và ông Trump. Hôm 26 tháng 8 lại có tin ông Trump ra tín hiệu không muốn dự cuộc tranh luận này. Ông ngán bà Harris chăng? Ông sợ mình sẽ rơi vào trường hợp của TT Biden trong cuộc tranh luận hồi tháng 7 với ông chăng? Không biết. Nhưng đó là dấu hiệu của sự biến đổi không ngừng từ nay tới ngày bầu cử.
  
Huỳnh Kim Quang

Ý kiến bạn đọc
30/08/202418:09:12
Khách
VIỆT BÁO nên có THÁI ĐỘ ĐỨNG ĐẤN, Phản Đối hay Hoan Nghêng, VÌ TT Biden ( Dân Chủ ) ĐANG SỬA SOẠN ĐÓN TIẾP LONG TRỌNG Tô Lâm, tên Trùm Công An CSVN, tại Tòa Bạch Ốc
Việt Báo là MỘT PHẦN ĐẠI DIỆN của Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn CS tại Hoa Kỳ và ĐANG RẤT ỦNG HỘ Đảng Dân Chủ cho nên CẦN CÓ LẬP TRƯỜNG RÕ RÀNG VIỆC NÀY.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Thăm dò mới: Derek Trần 50%, Michelle Steel 47%. Luật sư Derek Trần, ứng cử viên Dân Chủ cho chức vụ Dân biểu liên bang cho địa hạt 45 tranh ghế của đương nhiệm Dân biểu Cộng Hòa Michelle Steel, đang bị chụp mũ tệ hại rằng LS Derek Trần tiếng Việt không rành mà đòi ứng cử chức Dân Biểu tại Quận Cam (trong khi thực tế, bà Steel không biết tiếng Việt).
Từ hơn hai năm nay, đều đặn vào những ngày lễ, Rachael J. (xin phép không nêu họ) và chồng của cô cùng hai con trai (4 tuổi và 1 tuổi) đến nghĩa trang Kaysville Cemetery ở Utah để thăm một ngôi mộ nhỏ. Trên ngôi mộ khắc hình Chúa Giêsu ẵm hài nhi, bên cạnh là dòng chữ: Elliot Earnest J. Sinh 12/4/2022 – Mất 12/4/2022. Ngôi mộ luôn có hoa tươi, những quả bóng đủ màu sắc và vài con thú nhồi bông xinh xắn. Đó là con trai thứ hai của vợ chồng Rachael. Nếu còn sống, năm nay Elliot sẽ gần ba tuổi.Nhưng quan trọng hơn, nếu Tối Cao Pháp Viện lật ngược phán quyết Roe v. Wade – một phán quyết công nhận quyền riêng tư cá nhân theo Hiến Pháp Hoa Kỳ bảo vệ quyền chấm dứt thai kỳ của người phụ nữ, có giá trị từ năm1973 – sớm hơn vài tháng, thì có lẽ ở nghĩa trang Kaysville Cemetery hôm nay không chỉ có một ngôi mộ bé nhỏ kia…Một buổi sáng ngày 11 Tháng Tư, 2022, Rachael là một trong những người mẹ khác có mặt tại văn phòng bác sĩ để khám thai định kỳ.
Đức quốc: Cảnh sát Munich đã bắn một người khả nghi" gần Trung tâm Tài liệu Đức Quốc xã ở khu vực Karolinenplatz trong chiến dịch lớn hôm thứ năm tại trung tâm thành phố. Tổng lãnh sự quán Israel tại Munich cũng nằm trong khu vực lân cận. Chính quyền đã triển khai nhiều cảnh sát và một trực thăng để hỗ trợ chiến dịch.
Một tòa án Nga đã kết án một nhà vật lý làm việc về công nghệ vũ khí siêu thanh về tội phản quốc. Tòa án Moscow đã ra phán quyết chống lại Alexander Shiplyuk trong phiên tòa xét xử kín hôm thứ Ba, ra lệnh cho ông phải thụ án 15 năm tù giam, theo hãng thông tấn TASS của Nga. Ông là thành viên mới nhất trong nhóm làm việc về công nghệ quân sự của mình bị truy tố. Tòa cũng phạt Shiplyuk 500.000 rúp (5.650 đô la) và tuyên án thêm 1,5 năm quản chế", TASS cho biết.
"Các linh mục của chúng tôi cảm thấy chúng tôi đang làm tốt nhất có thể", Giám mục Kevin Sweeney, người có giáo phận phụ trách 400.000 người Công giáo và 107 giáo xứ tại ba quận của New Jersey, cho biết. Paterson là giáo phận đầu tiên đệ đơn kiện này lên Bộ Ngoại giao, Bộ An ninh Nội địa và Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ, Raymond Lahoud, luật sư của giáo phận trong vụ kiện cho biết.