Đến hẹn lại lên, mùa bầu cử nào cũng vậy, nhiều người kỳ vọng giới trẻ Hoa Kỳ sẽ tích cực hơn, đi bầu đông đủ hơn.
Đặc biệt, trong năm nay, Phó Tổng thống Kamala Harris, người vừa chính thức trở thành ứng viên Tổng thống của Đảng Dân Chủ, đang rất được lòng các cử tri trẻ tuổi.
Trên TikTok có nhiều đoạn clip và hình ảnh meme (ý tưởng) do các nam nữ thanh niên ủng hộ bà Harris tạo ra và chia sẻ rộng rãi. Trong các clip và meme này có hình ảnh cây dừa với nhiều ẩn ý ám chỉ đến từ “brat” (một từ phổ biến trong giới trẻ, có thể hiểu nôm na là “nhóc”).
Cả cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris đều đang cố gắng thu hút sự quan tâm của cử tri trẻ: nào là tham gia livestream với những nhà sáng tạo (creators) trẻ nổi tiếng, nào là học theo các trào lưu sử dụng những màu sắc và chủ đề (themes) đang thịnh hành trên các nền tảng truyền thông xã hội.
Những dấu hiệu này cho thấy cuộc bầu cử sắp tới có thể sẽ đón nhận “làn sóng thanh niên” đi bầu.
Đa số cử tri trẻ ủng hộ ứng viên Harris
Hiện nay, bà Harris đang được lòng khá nhiều thanh niên Hoa Kỳ.
Dựa trên các cuộc thăm dò dư luận, nếu cuộc bầu cử diễn ra ngay bây giờ, Phó tổng thống Harris có thể nhận được từ 50% đến 60% số phiếu của cử tri trẻ (cử tri trong độ tuổi từ 18 đến 29 tuổi, hoặc cũng có một số cuộc thăm dò tính là từ 18 đến 34 tuổi).
Trong khi đó, ứng viên Donald Trump chỉ thu hút được khoảng 34% số cử tri trẻ.
Đây là một sự chênh lệch lớn, và có thể là yếu tố quyết định trong cuộc bầu cử tháng 11 – nếu đông đảo thanh niên Hoa Kỳ rủ nhau đi bỏ phiếu.
Rất khó để biết chính xác Harris cần bao nhiêu lá phiếu của các cử tri trẻ tuổi để giành chiến thắng. Một số chuyên gia về chính trị cho rằng bà cần phải giành được sự ủng hộ mạnh mẽ từ nhóm cử tri này. Tuy nhiên, một nghiên cứu của John Holbein, giảng sư về chính sách công, chính trị và giáo dục từ Đại học Virginia, cho thấy dù trước cuộc bầu cử nhiều người trẻ nói rằng ủng hộ Harris, nhưng rất có thể họ sẽ không đi bầu.
Thanh niên Hoa Kỳ ít khi chịu đi bầu
Mức độ tham gia bầu cử của công dân trẻ ở Hoa Kỳ là rất thấp. Mặc dù chiếm phần lớn nhất trong nhóm công dân có quyền bầu cử, nhưng tỷ lệ đi bầu của thanh niên lại thấp hơn rất nhiều so với nhóm cử tri trung niên và cao niên.
Thí dụ, trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11/2022, chỉ có 25.5% cử tri trẻ (từ 18 đến 29 tuổi) đi bỏ phiếu, trong khi tỷ số này ở nhóm cử tri cao niên là 63.1%. Hay như cuộc bầu cử năm 2020, dù lập kỷ lục về số lượng cử tri trẻ đi bỏ phiếu, nhưng cũng chỉ có 52.5% thanh niên đi bầu, so với 78% ở người cao niên.
Chưa rõ sẽ có bao nhiêu cử tri trẻ sẽ đi bầu vào tháng 11 sắp tới. Một số dấu hiệu ban đầu, chẳng hạn như số lượng nam nữ thanh niên nói sẽ đi bỏ phiếu, cho thấy tỷ lệ cử tri trẻ đi bầu vẫn sẽ thấp như các cuộc bầu cử trước đây.
Hoa Kỳ là một trong những quốc gia có tỷ lệ cử tri trẻ đi bầu thấp nhất thế giới. Sự chênh lệch giữa cử tri trẻ và cử tri cao niên đi bầu ở Hoa Kỳ lớn gấp đôi so với các quốc gia khác như Canada hoặc Đức.
Trong cuốn sách được xuất bản năm 2020 có tựa là “Making Young Voters: Converting Civic Attitudes into Civic Action” (xin tạm dịch là Để cử tri trẻ đi bầu: biến thái độ thành hành động), giảng sư John Holbein và khoa học gia chính trị Sunshine Hillygus bàn về những lý do tại sao giới trẻ không đi bầu, và làm thế nào để cải thiện tình hình này.
Tại sao giới trẻ không đi bỏ phiếu?
Có hai vấn đề chính. Đầu tiên, thanh niên Hoa Kỳ không quá mặn mà với việc đi bầu. Trong các cuộc thăm dò gần đây, chỉ có khoảng 77% cử tri trẻ tuổi nói chắc chắn sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử vào tháng 11 sắp tới. Ở nhóm cử tri cao niên, con số này là 90%.
Vấn đề thứ hai, và quan trọng hơn nhiều, là dù nhiều cử tri trẻ rất muốn tham gia bỏ phiếu, nhưng họ lại không đi được. Tại sao?
Năm 2018, sau khi phân tích dữ liệu thăm dò và phỏng vấn nhiều cử tri trẻ, nhóm nghiên cứu của Holbein và Hillygus nhận thấy có nhiều bạn trẻ thiếu tự tin vào bản thân khi thực hiện quy trình bỏ phiếu, đặc biệt là những bạn trẻ lần đầu tiên đi bầu. Cũng có nhiều bạn cho biết họ bận bù đầu, lúc nào cũng phải hối hả không kịp thở, làm sao còn nhớ tới việc nhín ra chút thời gian để đi bầu.
Việc học, việc làm thì lu bu, mà thủ tục đơn từ với bỏ phiếu thì phức tạp vì không có kinh nghiệm. Vậy là chuyện đi bầu trở thành việc khó nhằn đối với giới trẻ. Mà khó quá thì… thôi kệ đi, lo đi học, đi làm trước đã!
Làm sao để tăng tỷ lệ cử tri trẻ đi bầu?
Nhiều nhóm vận động thanh niên cho rằng nếu làm cho chuyện đi bầu trở nên hấp dẫn và ngầu hơn (cool), chẳng hạn như nữ ca sĩ nổi tiếng Taylor Swift mà kêu gọi các bạn trẻ đi bỏ phiếu thì chắc chắn sẽ có nhiều nam thanh nữ tú hào hứng tham gia.
Nhưng vấn đề không phải tại giới trẻ không mặn mà với chính trị, mà là dù họ có quan tâm đến chính trị và muốn đi bầu, nhưng lại gặp khó khăn trong việc thực hiện ý định đó. Nguyên nhân chủ yếu là vì họ thấy việc ghi phiếu cử tri (voter registration) dài dòng, phức tạp quá. Theo dữ liệu của U.S. Census Bureau (Sở Thống Kê Dân Số), chỉ có 40% cử tri trẻ tuổi ghi danh đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022.
Để giải quyết vấn đề này, đã có một số chương trình giúp các bạn trẻ ghi danh bỏ phiếu. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều chiến dịch tranh cử lên sẵn lịch trình rồi thông báo cho các cử tri biết những thông tin cụ thể về ngày giờ bỏ phiếu, địa điểm bỏ phiếu gần nhất, và có thể sử dụng những phương tiện đi lại nào.
Những cách khác như gửi tin nhắn nhắc nhở, tạo lời nhắc trên lịch tự động và hỗ trợ đi lại cũng có thể giúp cử tri đi bầu dễ dàng hơn. Một số phương pháp này đã được áp dụng trong mùa bầu cử năm 2024, một số khác thì vẫn chưa phổ biến. Chính phủ cũng có thể giúp tăng tỷ lệ cử tri trẻ đi bầu bằng các chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc ghi phiếu cử tri và bỏ phiếu.
Cho ghi phiếu cử tri ngay vào ngày bầu cử cũng sẽ thuận tiện hơn cho các cử tri trẻ tuổi, vì không cần phải ghi phiếu trước rồi lại phải chờ đợi. Tương tự, cho phép các bạn trẻ 16 - 17 tuổi ghi phiếu trước (để đến khi đủ tuổi là có thể bỏ phiếu) cũng có thể giúp tăng số lượng cử tri trẻ tuổi. Hiện nay đã có 21 bang, bao gồm California, Massachusetts, Florida và Louisiana, cho phép người từ 16 - 17 tuổi ghi phiếu cử tri trước.
Nghiên cứu cho thấy khi các tiểu bang áp dụng các phương pháp này, tỷ lệ cử tri trẻ tuổi sẽ cao hơn, thu hẹp khoảng cách với các cử tri cao niên. Có thể thấy bà Harris đã thổi làn gió mới vào phong trào giới trẻ tích cực tham gia bầu cử.
Trong cuộc bầu cử tháng 11 này, liệu đông đảo những nam thanh nữ tú của Hoa Kỳ có xuất hiện và mang lại chiến thắng cho ứng viên Harris ưa thích của mình, hay sẽ ngồi nhà lướt mạng xem Trump đắc cử? Chúng ta sẽ chờ xem.
Nguyên Hòa biên dịch
Nguồn: “Most young voters support Kamala Harris − but that doesn’t guarantee they will show up at the polls” được đăng trên trang TheConversation.com.
Gửi ý kiến của bạn