Quận Cam (VB) - Theo dữ liệu từ Văn Phòng Tổng Chưởng Lý California, vào năm 2023, có tổng cộng 1,970 tội ác thù hận đã được các cơ quan thực thi pháp luật tại California báo cáo; nhưng chỉ có 5 vụ thực sự được đưa ra xét xử. Vào năm 2021, năm cao điểm của đại dịch Covid, California trải qua sự gia tăng đáng báo động về bạo lực thù hận, nhưng chỉ có một vụ được đưa ra xét xử. Thống kê cho thấy người da đen là mục tiêu lớn nhất của tội ác thù hận; kế đến là người Do Thái, người Hồi Giáo, cộng đồng LGBTQ, cộng đồng gốc Á...
Theo ông Rob Bonta, Tổng Chưởng Lý California, tội ác thù hận khó chứng minh, điều này khớp với ý kiến của nhiều công tố viên trên toàn quốc.
Vào ngày 23/08/2024, tổ chức Dịch Vụ Truyền Thông Sắc Tộc tổ chức họp báo trên mạng, với chủ đề có liên quan đến tội ác thù hận. Hai nạn nhân nói về những cố gắng không thành công để đưa thêm cáo buộc tội ác thù hận vào các vụ án của mình. Một công tố viên giải thích về các bằng chứng yêu cầu để khởi tố và kết án tội ác thù hận. Và một tổ chức cộng đồng chia sẻ lý do tại sao việc báo cáo tội ác thù hận vẫn quan trọng, mặc dù tỷ lệ kết án thấp.
Các diễn giả trong cuộc họp báo:
Monthanus Ratanapakdee, người có cha bị giết trong một vụ án mạng năm 2021, có vẻ là tội ác thù hận.
Kunni, một nhân viên quán bar đã bị kẻ hành hung hét lên vào mặt "Hãy cút về đất nước của mày!"
Erin West, Phó Biện lý Quận Santa Clara.
Manjusha Kulkarni, đồng sáng lập Stop AAPI Hate.
Diễn giả Monthanus Ratanapakdee kể lại về vụ án mạng của cha mình, Vicha Ratanapakdee. Cách đây ba năm, ông bị một người xô ngã xuống đất chết khi đang đi bộ ở San Francisco. Nghi can tấn công Vicha, Antoine Watson, đã bị giam giữ tại nhà tù quận kể từ ngày 30 tháng 1 năm 2021. Theo hồ sơ, nghi can bị giam với một tội danh giết người và một tội danh gây thương tích cho người lớn tuổi. Nhưng Văn Phòng Biện Lý Quận đã không thêm tội danh thù hận, vì cho rằng không có đủ bằng chứng. Monthanus có đưa ra một đoạn video, cho thấy sau khi cha cô ngã bất tỉnh, nghi phạm còn bình tĩnh quay lại đứng quan sát.
Monthanus đang tìm cách chứng minh vụ án của cha mình là tội ác thù hận. Ratanapakdee còn thành lập tổ chức “Justice4Vicha Foundation”, với mục đích chấm dứt tội ác này thông qua giáo dục và sự tham gia hưởng ứng của cộng đồng. Cô cho biết làm những việc này là cho thế hệ tương lai, để người gốc Á không còn phải sống trong nỗi sợ hãi vì bị kỳ thị nữa. Sau ba năm, tình trạng hận thù người gốc Á vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, một phần nguyên nhân là do các nạn nhân ít khi dám lên tiếng.
Diễn giả Kunni không xuất hiện trên màn hình vì muốn ẩn danh vì lý do an toàn. Cô kể lại trường hợp bản thân bị hành hung vào khuya ngày 18 tháng 4. Kunni là một nữ nhân viên pha chế rượu người Mỹ gốc Thái, làm việc tại một quán bar ở Tenderloin. Nữ nghi can có tên là Iyana Spruell, cùng bạn đến quán bar của ngay trước giờ đóng cửa — 1:30 sáng — và đi đến bàn bi-da. Kunni nói với Spruell rằng tiệm đã đóng cửa và không thể tiếp khách. Thế là Spruell bắt đầu lăng mạ Kunni là "con đĩ châu Á điên rồ”, rồi thách thức ra ngoài tiệm đánh nhau.
Đoạn phim từ camera an ninh cho thấy Spruell hét vào mặt Kunni: “Cút ngay về đất nước của mày!” Các nhân chứng nói rằng nghi phạm đã xịt hơi cay vào Kunni và những người khác. Cảnh sát có mặt tại hiện trường, lập biên bản và áp giải Spruell đi.
Kunni cho biết hiện nay nghi phạm vẫn được tự do cho dù đã từng có tiền án, lý do là vì có con nhỏ. Điều làm Kunni thất vọng nhất là khi công tố viên công bố cáo trạng không có tội danh thù hận, cũng với lý do là không có đủ bằng chứng. Cô đưa cho công tố viên xem lại đoạn video nghi phạm hét lên “Cút ngay về đất nước của mày!”, hỏi rằng như vậy mà vẫn “chưa đủ bằng chứng”? Cô cho biết giống như mình bị tấn công thêm một lần nữa bởi lời giải thích của công tố viên! Hiện nay tâm trạng của Kunni là thất vọng, tức giận, sợ hãi, không còn cảm giác an toàn ở nơi cư trú của mình nữa.
Diễn giả Erin West là Phó Biện Lý Quận Santa Clara miền Bắc California, nơi có đông đảo cộng đồng gốc Á sinh sống. Bà đã có 26 năm kinh nghiệm trong vai trò công tố viên. Bà cho biết rất thông cảm với những bất mãn của Monthanus và Kunni khi những vụ án của mình không được công nhận là tội ác thù hận. Nhưng trong vai trò công tố viên, bà hiểu rất rõ sự khó khăn trong việc khởi tố một vụ án tội ác thù hận. Để làm được việc này cần phải chứng minh yếu tố “bias” (thành kiến) trong hành động, giống như phải chứng minh được suy nghĩ, động cơ của nghi phạm! Điều này là khó, nhưng không phải là không thể làm được. Ở Quận Santa Clara, có nhiều vụ tấn công phụ nữ gốc Á, và nghi can bị truy tố với tội danh tội ác thù hận. Bà kể trường hợp một phụ nữ ở San Jose, đi làm bằng xe lửa vào sáng sớm, bị một kẻ tấn công từ phía sau và cố gắng cưỡng hiếp. Tên này có những lời lẽ thù ghét người gốc Á trong hành động tội ác của mình, cho nên bị truy tố tội danh thù hận.
Bà Erin lưu ý rằng những vụ xử án hình sự thường kéo dài, cho nên kết quả có thể không thể thấy ngay trong hiện tại. Hệ thống tư pháp của Hoa Kỳ chặt chẽ, phức tạp để bảo đảm tính công bằng.
Diễn giả Manjusha Kulkarni là đồng sáng lập viên của tổ chức Stop AAPI Hate. Bà đồng cảm với hai nạn nhân Monthanus và Kunni, nhưng cũng hiểu những khó khăn của phía công tố viên trong việc truy tố tội ác thù hận. Những nguyên nhân gây thêm khó khăn cho việc truy tố: cảnh sát báo cáo không đầy đủ, không ghi nhận các chứng cứ về tội ác thù hận; nạn nhân không dám tố cáo; nhân viên thực thi pháp luật không được huấn luyện đầy đủ…
Bà Manjusha cũng ghi nhận có trường hợp cảnh sát không báo cáo tội ác thù hận vì không muốn thành phố của mình mang tiếng xấu. Đó là chưa kể tại một số tiểu bang, một số cảnh sát là thành viên các nhóm cực hữu thượng tôn da trắng! Tuy nhiên, Bà Erin West xác nhận là điều này khó xảy ra ở California, bởi vì tiểu bang có những qui định điều tra rất kỹ về lý lịch khi tuyển dụng cảnh sát.
Bà Manjusha cũng nói thêm không phải vụ truy tố nào cũng là tội hình sự, mà có khi thuộc về tội dân sự. Những hành động thù hận không đủ yếu tố hình sự vẫn có thể bị truy tố theo tội dân sự. Điều quan trọng là các nạn nhân, đặc biệt là các nạn nhân gốc Á, cần phải mạnh dạn tố giác những tội ác mang động cơ thù hận. Hiện nay có nhiều công cụ để báo cáo tội ác thù hận. Thí dụ trên trang mạng Stop AAPI Hate có đường link để báo cáo tội ác thù hận một cách an toàn, bảo mật, sử dụng đến 15 ngôn ngữ khác nhau: https://stopaapihate.org/report-hate/