Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Đảng Viên Cộng Hòa Kêu Gọi Bạn Đồng Đảng Đặt Lòng Ái Quốc Trên Đảng Phái, Bảo Vệ Dân Chủ

27/08/202414:40:00(Xem: 1124)
iStock-2042930556
Hình: Drazen Zigic istockphoto.

Lần lượt, kẻ trước người sau vào những thời điểm khác nhau trong bốn ngày Hội nghị của đảng Dân Chủ từ 19 tới 22 tháng 8 vừa qua tại thành phố Chicago thuộc tiểu bang Illinois, Hoa Kỳ, một số đảng viên gạo cội Cộng hòa không-chấp-nhận-Donald-Trump lên diễn đàn bầy tỏ sự ủng hộ dành cho ứng cử viên Tổng thống Kamala Harris trong kỳ bầu cử ngày 5 tháng 11 tới.

Họ là một số trong những người đã từng giữ những chức vụ quan trọng trong chính phủ của ông Trump gần bốn năm trước, là cựu dân biểu, cựu thống đốc hoặc phó thống đốc tiểu bang, ngay cả có người còn đang tại chức. Họ là những người đã ý thức sâu xa về tầm quan trọng lịch sử của kỳ bầu cử tới, một cuộc bầu cử một-mất-một-còn của nền dân chủ kỳ cựu nhất thế giới. Và họ đã đặt lòng ái quốc lên trên sự trung thành với đảng phái, và đã không ngần ngại dùng diễn đàn của Hội nghị Dân chủ mở ra không chỉ khắp nước mà còn khắp thế giới, kêu gọi các đồng đảng còn quan tâm khác hãy nghĩ tới quyền lợi của quốc gia thay vì đảng phái và cá nhân.

[Khác với lời kêu gọi “yêu nước phải gắn với yêu Đảng, yêu chủ nghĩa xã hội thì đó mới là lòng yêu nước chân chính và đích thực,” nghe như vang vọng lại từ… thế kỷ trước mà thực ra là từ một trang Web trong nước gần đây, của đảng Cộng sản Việt Nam.]

Là những đảng viên Cộng hòa kỳ cựu mà lại xuất hiện trong một hội nghị của đảng Dân chủ đối lập không phải là việc dễ dàng cho họ, nếu không nói là… siêu thực, như nhận xét của một bài báo trên tạp chí The Atlantic, một nguyệt san kỳ cựu và bảo thủ nhưng chống Trump.

“Hãy giải quyết phần khó khăn nhất: Tôi là đảng viên đảng Cộng hòa. Nhưng tối nay tôi đứng đây với tư cách là một người Mỹ--một người Mỹ quan tâm đến tương lai của đất nước này hơn là tương lai của Donald Trump,” nguyên Phó Thống đốc tiểu bang Georgia Geoff Duncan phát biểu trước những tràng vỗ tay như sóng dậy giữa một hội trường đông nghẹt các đại biểu Dân chủ và cả rừng biểu ngữ cờ quạt. “Hãy để tôi nói rõ với những người bạn trong đảng Cộng hòa của tôi đang theo dõi tại nhà: Nếu bạn bỏ phiếu cho Harris vào năm 2024, bạn không phải là đảng viên Dân chủ. Bạn là một người yêu nước.” [Nhấn mạnh của người viết]

Ông Duncan là phó thống đốc Georgia trong cuộc bầu cử năm 2020 khi ông Trump và các đồng minh của ông bị cáo buộc cố gắng lật ngược cuộc bầu cử  sau khi ông Joe Biden thắng ở Georgia với gần 12.000 phiếu bầu của cử tri tiểu bang này. Cùng với Thống đốc Cộng hòa Brian Kemp và các viên chức khác của tiểu bang Georgia, ông Duncan cũng từ chối tiếp tay với ông Trump và đồng bọn sử dụng quyền lực để lật ngược kết quả bầu cử. Bị đe dọa bởi tay sai bạo lực của phe nhóm ông Trump, các viên chức này đã phải bố trí lực lương bảo vệ có vũ trang bên ngoài tư gia của họ. Ông Trump và 18 người khác cuối cùng đã bị truy tố về tội RICO (The Racketeer Influenced and Corrupt Organizations). Vụ việc hiện đang chờ toà Georgia xét xử.

“Donald Trump đã nhắm mục tiêu vào chúng tôi,” ông Duncan nói. “Bạn không cần phải đồng ý với mọi quan điểm chính sách của Kamala Harris. Tôi cũng không [đồng ý], nhưng bạn phải công nhận tư cách công tố viên của bà ấy, đó là biết thế nào là đúng và sai, thiện và ác. Bà [Harris] là một người vững vàng và sẽ mang lại khả năng lãnh đạo cho Tòa Bạch Ốc, điều mà Donald Trump không bao giờ có thể làm được.”

“Đảng Kỳ cựu Vĩ đại [đảng Cộng hòa vốn được mệnh danh là Grand Old Party] đã bị những kẻ cực đoan bắt cóc và biến thành một giáo phái,” Thị trưởng thành phố Mesa, Arizona, John Giles phát biểu tại Hội nghị Dân chủ. Ông Giles đã không dấu là mình cũng cảm thấy không mấy thoải mái khi góp mặt tại đại hội của đảng đối lập, song ông cũng cho biết người hùng của ông là cố nghị sĩ John McCain thuộc tiểu bang Arizona, và là ứng cử viên tổng thống năm 2008 của Đảng Cộng hòa nhưng đã bị ông Barrack Obama đánh bại. Ông McCain cũng là người công khai chống ông Trump vì đã nhận ra khuynh hướng độc tài nơi ông ta khi ông này tuyên bố báo chí là “kẻ thù của nhân dân Mỹ.”

Ông Giles đến từ Mesa, một thành phố có khoảng 500.000 dân, cho biết ông đến Chicago dự Hội nghị Dân chủ vì “Đảng Cộng hòa của John McCain đã không còn nữa.” Ông kêu gọi các thành viên Đảng Cộng hòa của mình hãy “lật trang” và “đặt đất nước lên hàng đầu.” [Nhấn mạnh của người viết]

Lời kêu gọi của ông Giles diễn ra sau các bài phát biểu của Stephanie Grisham, thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc dưới thời ông Trump từ năm 2019 đến năm 2020. “Đằng sau cánh cửa đóng, ông Trump chế nhạo những người ủng hộ mình, gọi họ là ‘cư dân ở tầng hầm’,” bà Grisham nói với hội nghị, nhớ lại việc cựu tổng thống nổi cơn thịnh nộ khi máy quay phim không theo dõi ông trong một chuyến thăm bệnh viện.

“Ông ta không có sự đồng cảm, không có đạo đức và không trung thành với sự thật,” bà Grisham nói thêm. “Ông ta thường nói với tôi: ‘Cô nói gì không quan trọng, Stephanie. Hãy cứ lặp lại nhiều lần rồi mọi người sẽ tin cô.’”

Bài diễn văn tiêu biểu, chân thành, tha thiết và chi tiết nhất trong số những phát biểu phần lớn ngắn gọn của những đảng viên Cộng hòa tại Hội nghị Dân chủ, theo người viết bài này, là của ông Adam Kinzinger, một trong hai dân biểu Cộng hòa đã góp mặt trong Ủy ban điều tra vụ tấn công bạo lực chết người ngày 6 tháng 1, 2021 vào tòa nhà Quốc hội nhằm ngăn cản việc chuẩn nhận theo luật định kết quả bầu cử Tổng thống với sự đắc cử của ông Joe Biden. Ông Kinzinger cũng là một trong 10 dân biểu Hạ viện đã bỏ phiếu buộc tội ông Trump phải trách nhiệm về vụ tấn công vào tòa nhà Quốc hội ngày 6 tháng 1, 2021.

“[T]ôi tự hào được đứng cùng chiến hào với các bạn […] để bảo vệ sự thật, dân chủ và văn minh,” vị cựu dân biểu trung niên nguyên là phi công trong quân lực Hoa kỳ phát biểu. “Tôi chỉ là một đứa trẻ khi bị lôi cuốn vào yểm trợ [Tổng thống] Ronald Reagan do tầm nhìn của ông ấy về một nước Mỹ hùng mạnh, một thành phố tỏa sáng trên một ngọn đồi. Tôi đã là đảng viên đảng Cộng hòa phục vụ trong Quốc hội 12 năm và tôi vẫn giữ lấy danh hiệu của đảng này. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ góp mặt ở [Hội nghị Dân chủ] này, và chắc các bạn cũng không bao giờ nghĩ sẽ gặp tôi ở đây, phải không?”

“Nhưng tôi đã học được điều gì đó về Đảng Dân chủ. Và tôi muốn cho những người bạn đảng Cộng hòa của tôi biết bí mật này,” ông Kinzinger tiếp. “[Đó là] Đảng Dân chủ cũng yêu nước như chúng ta vậy.”

Điều này nghe có vẻ như thể đảng viên Dân chủ không biết yêu nước Mỹ và ái quốc là độc quyền của Cộng hòa. Thú thật là gần đây tôi mới biết tới định kiến này khi đọc các bài bình luận về các cuộc vận động tranh cử và xuyên qua Hội nghị Dân chủ tưng bừng rộn rã--một hội nghị chính trị lần đầu tôi bỏ nhiều thì giờ theo dõi.

Từ lâu rồi tôi ghi danh bầu cử là “vô đảng phái,” nghĩa là không thuộc đảng nào sau vài năm tình cờ trở thành đảng viên Cộng hòa. Số là khi tôi đi dự buổi tuyên thệ để trở thành công dân Mỹ vào giữa thập niên 1980, lúc bước ra khỏi tòa tay còn cầm lá cờ Mỹ bằng giấy nhỏ bằng bàn tay, có vài phụ nữ da trắng chào đón tôi rất ân cần ở ngoài hành lang tòa, bên một bàn dài phủ khăn mầu đỏ, trên bầy mấy đĩa bánh ngọt và nước uống, và một xấp giấy. Một bà tới bên tôi chúc mừng, rồi chìa một mẫu ghi danh gia nhập đảng Cộng hòa. Không một ý niệm về chính trị Mỹ, tôi trở thành đảng viên Cộng hòa từ đấy. Từ khi trở thành cử tri không đảng phái (nonpartisan), cứ mỗi kỳ bầu cử sơ bộ, nếu muốn bầu cho một cử tri Dân chủ, tôi đều phải nạp đơn trên giấy có ký tên xin lá phiếu của đảng Dân chủ. Ở California, tiểu bang tôi ghi danh đi bầu, chỉ có đảng Dân chủ cho phép cử tri vô đảng phái đi bầu sơ bộ; trong khi đảng Cộng hòa đòi phải là đảng viên mới được phép bầu trong kỳ sơ bộ; do đấy tôi có khuynh hướng bầu cho các ứng cử viên Dân chủ, nhưng vẫn từ chối chính thức gia nhập đảng này vì muốn duy trì sự độc lập của mình. Vì không thuộc đảng nào nên tôi cũng ít để ý tới đặc tính của mỗi đảng, mà chỉ quan tâm tới tư cách, thành tích, chính sách và khả năng của các cử tri bất kể đảng phái, hoặc nghiên cứu cả hai phe bênh và chống về các vấn đề làm mình quan tâm ở các đề luật (propositions) trên phiếu bầu.



Thế nên tôi hơi ngạc nhiên khi đọc biết là đảng Dân chủ đã thành công khi giật lấy được nhãn hiệu ái quốc (patriotism) và tự do (freedom--sống đời sống của mình mà không bị ai bảo phải sống ra sao, lấy ai, có mấy con, không được phép quyết định làm gì với thân thể mình) lâu nay thuộc độc quyền của đảng Cộng hòa—À ra thế! Với tôi, từ ngày được trở thành công dân Mỹ, tôi mặc nhiên, và cả hồn nhiên (khác với vài người bạn dồng lứa vẫn không coi đất nước này là của mình), yêu thương đất nước này, cảm động nhìn lá cờ Hoa kỳ bay trong gió lộng vào những dịp lễ mừng Độc lập hay ngày Tưởng Niệm Chiến sĩ Trận vong. Có dịp đi thăm Normandy, khác với ông Trump, tôi xin cho bằng được đi viếng nghĩa trang của tử sĩ Mỹ (cũng như của tử sĩ Đức, để thấy người văn minh đối với tử sĩ của địch tử tế nhân đạo như thế nào, so với lối Việt Cộng đối xử với tử sĩ của quân Cộng hòa). Tôi còn nhớ lần tới Hong Kong nghiên cứu cho luận án cao học về các vùng kinh tế đặc biệt của Trung Cộng hồi nước này còn đang thăm dò xem kinh tế thị trường có thích hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa của họ, tôi ghé ghi danh tại Tòa Đại sứ Mỹ (theo yêu cầu của chương trình Fulbright bảo trợ nghiên cứu của tôi), và được một nhân viên USAID đề nghị cho họ địa chỉ chỗ tôi cư trú. Thấy tôi nhìn như thắc mắc, nhân viên nọ mỉm cười giải thích là để lỡ có gì thì biết mà tới đón bà… di tản. Hong Kong cách biên giới Hoa Lục có đôi ba chục cây số, hồi ấy còn thuộc Anh Quốc, mãi tồi 1997 mới trả về cho Trung Hoa. Tôi nghĩ tới những ngày cuối cùng ở Sài Gòn không có được cái cơ hội này mà tự dưng muốn ứa nước mắt, cảm thấy mình được che chở, bảo bọc. Và tôi hân hoan sống với những đặc quyền của một công dân một nước dân chủ, với cảm giác biết ơn sâu xa và ý thức sâu sắc là phải bảo vệ những thứ mình có được ấy bằng mọi giá và với khả năng có thể.

“Họ [đảng viên Dân chủ] yêu đất nước này nhiều như chúng ta vậy,” ông Kinzinger nói trước một hội trường rộng thênh thang chứa tới mấy chục ngàn người, ngợp những cờ quạt, biểu ngữ, tham dự viên đa chủng, trẻ già sát vai, đầy năng lực, kích thích và kỳ vọng, khác với Hội nghị Cộng hòa nghiêm túc, tăm tối vì bi quan yếm thế, mà tôi có dịp nhìn thấy ở vài khúc phim. “Và họ [đảng viên Dân chủ] cũng háo hức bảo vệ các giá trị của Mỹ trong và ngoài nước như những người bảo thủ chúng ta từng làm.”

“Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi phát hiện ra điều đó vì tôi cũng đã thấy được điều gì đó về đảng của mình. Một cái gì đó tôi không thể bỏ qua,” viên cựu dân biểu Cộng hòa thuộc tiểu bang Illinois tiếp, giọng chân thành và cũng đượm xót xa trước biến đổi gần đây của đảng mình. “Đảng Cộng hòa không còn bảo thủ nữa. Nó đã thay đổi mục tiêu của lòng trung thành của nó. Từ những nguyên tắc đã cho nó mục đích, nó đã chuyển sự trung thành ấy sang cho một người đàn ông mà mục đích duy nhất của ông ta là chính ông ta.”

Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây: những nguyên tắc  bảo thủ gồm có: tự do, truyền thống và kỷ kuật, luật pháp và công bằng, là bốn cột trụ bấy lâu của phe bảo thủ tại Mỹ.

“Donald Trump là kẻ yếu đuối giả vờ mạnh mẽ,” người cựu chiến binh dằn giọng. “Ông ta thực ra là là một gã đàn ông nhỏ nhoi song giả vờ lên mặt ta đây. Ông ta là một kẻ vô đức tin nhưng lại giả vờ là người công chính. Ông ta là một tên thủ phạm nhưng lại đội lốt nạn nhân. Hãy nghe tôi, ông ta đóng kịch ra trò đấy nhưng lại không có tí thực lực nào.

“Là một người bảo thủ và là một cựu chiến binh, tôi tin rằng sức mạnh thực sự nằm ở việc bảo vệ những người cô thế. Đó là bảo vệ gia đình bạn. Đó là việc đứng lên bảo vệ Hiến pháp và nền dân chủ của chúng ta. Đó, đó chính là tâm hồn của một người bảo thủ. Đấy vốn là linh hồn của đảng Cộng hòa, nhưng Donald Trump đã bóp nghẹt linh hồn của đảng Cộng hòa.

“Nhược điểm căn bản của ông ta đã lan tràn khắp đảng của tôi như một căn bệnh, làm hao mòn sức lực của chúng tôi, làm xương sống chúng tôi mềm đi, khiến chúng tôi phát sốt và quên lãng các giá trị của mình.

“Nền dân chủ của chúng ta đã bị xói mòn bởi các sự kiện ngày 6 tháng 1, khi sự lừa dối và ô nhục của Donald Trump đã dẫn đến một cuộc bao vây Điện Capitol Hoa Kỳ. Ngày hôm đó, tôi chứng kiến ​​một nỗi đau buồn sâu sắc: sự xúc phạm truyền thống thiêng liêng của chúng ta về việc chuyển giao quyền lực trong ôn hòa đã bị làm hoen ố bởi một người quá nhạy cảm, quá tự phụ và quá yếu đuối để chấp nhận thất bại.

“Làm sao một đảng có thể tuyên bố là yêu nước nếu đảng đó thần tượng một người đã cố gắng lật đổ một cuộc bầu cử tự do và công bằng? Làm sao một đảng có thể tuyên bố đứng lên vì tự do nếu đảng đó nhìn thấy cuộc đấu tranh vì tự do ở Ukraine, một cuộc tấn công của chế độ chuyên chế chống lại nền dân chủ, một thách thức đối với mọi thứ mà quốc gia chúng ta tuyên dương song đảng đó bãi bỏ? [Đảng Cộng hòa thường được nhìn như có một chính sách đối ngoại mạnh mẽ chống các thế lực độc tài, so với đảng Dân chủ.] Nó lập lờ. Nó đề cử một người đàn ông bị ám ảnh một cách kỳ lạ với [Tổng thống Nga độc tài] Putin. Và gã đồng tranh cử của ông ta [JD Vance], người đã từng tuyên bố, ‘Tôi không quan tâm chuyện gì xảy ra ở Ukraine.’ Và hắn ta muốn trở thành phó tổng thống đấy, quý vị ạ.

“Làm sao một đảng có thể tuyên bố là bảo thủ khi nó làm hoen ố món quà mà tổ tiên chúng ta đã đấu tranh để giành được? Những người như ông tôi, người đã phục vụ trong Thế chiến thứ hai, người đã tin vào một mục tiêu lớn hơn chính mình và đã liều mạng vì nó đằng sau chiến tuyến trên đất kẻ thù. Để bảo vệ nền dân chủ Mỹ, thế hệ của ông đã tìm thấy lòng can đảm để đối mặt với quân thù.

“Điều chúng ta cần làm là lấy hết can đảm để đứng lên chống lại một kẻ yếu đuối. Có vài người đã đặt câu hỏi tại sao tôi lại giữ vững lập trường của mình. Câu trả lời thực sự rất đơn giản thưa quý vị: Chúng ta phải đặt đất nước lên hàng đầu. [Nhấn mạnh của người viết]

“Và tối nay, với tư cách là một đảng viên Cộng hòa đang phát biểu trước các bạn, tôi xin đặt đất nước của chúng ta lên hàng đầu. Bởi vì đó mà tôi cảm thấy mình thuộc về nơi này. Tôi biết Kamala Harris chia sẻ lòng trung thành của tôi với nền pháp quyền, Hiến pháp và nền dân chủ. Và bà ấy sẽ tận tâm duy trì cả ba điều đó để phục vụ đất nước chúng ta. Bất kỳ chính sách nào chúng ta không đồng tình đều không là gì so với những vấn đề cơ bản về nguyên tắc, lễ phép và lòng trung thành với đất nước này.”

Và ông Kinzinger đã dùng cơ hội tại diễn dàn mở rộng chưa từng có của Hội nghị Dân chủ nhắn gửi tới các bạn đồng đảng:

“Xin gửi tới những người bạn đảng Cộng hòa của tôi: Nếu các bạn vẫn cam kết trung thành với những nguyên tắc đó, tôi nghi rằng các bạn cũng thuộc về nơi này. Bởi vì dân chủ không biết tới đảng phái. Đó là một lý tưởng sống động xác định chúng ta là một quốc gia. Đó là nền tảng ngăn cách chúng ta với chế độ chuyên chế, và khi nền tảng đó bị rạn nứt, tất cả chúng ta phải đoàn kết cùng nhau củng cố nó.

“Nếu bạn cho rằng những nguyên tắc đó đáng được bảo vệ, tôi khuyên bạn: Hãy đưa ra lựa chọn đúng đắn. Hãy bỏ phiếu cho những giá trị nền tảng của chúng ta và bỏ phiếu cho Kamala Harris.

“Xin Thượng Đế ban phước lành cho các bạn.” 


Trùng Dương 

[TD2024-08]

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đêm 19 Tháng Chín, ở vùng ngoại ô Michigan, khi còn đúng 47 ngày nữa, nước Mỹ sẽ có tổng thống thứ 47, “Nữ hoàng talkshow” Oprah Winfrey đã thêm một lần chứng minh sức mạnh huyền thoại của bà trong thế giới truyền thông. Nếu gọi đó là một “talkshow” của Oprah Winfrey cũng đúng, mà nếu xem đó là một buổi vận động tranh cử của Phó Tổng Thống Kamala Harris cũng không sai. Hoặc hàm ý hơn một chút, thì đó là “buổi công chứng” của Harris đối với các cử tri. Vì một tiếng 45 phút của sự kiện mang tên “Đoàn kết vì nước Mỹ” (United for America) bao hàm cả ba điều đó, từ nội dung đến phong cách tổ chức.
Câu chuyện hoang tưởng “di dân ăn thịt chó, mèo” của Donald Trump và JD Vance gây ra nỗi sợ hãi, tạo ra nhiều kích động tiêu cực, vì nó được nói ra trước 81 triệu dân Mỹ, từ một cựu tổng thống. Những lời vô căn cứ tràn đầy định kiến và thù hận đó như một bệ phóng cho con tàu “Kỳ Thị” bay vút vào không gian của thế kỷ 21, thả ra những làn khói độc. Nó như một căn bệnh trầm kha tiềm ẩn lâu ngày, nay đúng thời đúng khắc nên phát tán và lan xa. Nói như thế có nghĩa, con tàu “Kỳ Thị” này, căn bệnh này, vốn đã có từ rất lâu đời. Nó âm ỉ, tích tụ, dồn nén theo thời gian, chực chờ đến ngày bùng nổ. Một tuần qua, người Haiti, là nạn nhân của cơn bùng phát này. Gần nửa thế kỷ trước, và cho đến tận nay, là cộng đồng người gốc Việt.
Chỉ vài giờ sau khi Tim Walz được tuyên bố là ứng viên Phó Tổng thống của Đảng Dân chủ, Đảng Cộng hòa đã nhanh chóng tung ra hàng loạt những chỉ trích, buộc tội ông qua lại thân thiết với Trung Quốc. Richard Grenell, cựu Đại sứ tại Đức (được Donald Trump bổ nhiệm), đăng trên mạng xã hội X (tên cũ là Twitter) rằng: “Trung Cộng chắc mừng rơn luôn. Không ai thân thiết với Trung Quốc hơn nhà Marxist Walz.”
Quá rõ ràng, Trung Quốc (TQ) là một chủ đề rất quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 tới. Cả hai liên danh tranh cử - Đảng Dân chủ do Phó Tổng thống Kamala Harris lãnh đạo và Đảng Cộng hòa do cựu Tổng thống Donald Trump dẫn dắt - đều xoáy vào cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc trong suốt chiến dịch tranh cử, dù Harris ít nói về vấn đề này hơn một chút. Nhìn chung, quan điểm và lập trường của cả hai bên có nhiều khác biệt, nhưng cũng có một số điểm tương đồng.
Đầu tuần qua, khoảng ba mươi viên chức bầu cử ở cả cấp tiểu bang và địa phương đã bày tỏ những mối lo ngại nghiêm trọng về quá trình phân phối của Bưu điện Hoa Kỳ (U.S. Postal Service, USPS) với hàng triệu phiếu bầu cho cuộc bầu cử Tổng thống 2024, theo Reuters.
Trong những năm gần đây, một số viên chức bầu cử địa phương đã từ chối chứng nhận kết quả bầu cử. Tiểu bang Georgia đã ban hành các quy định mới, cho phép viên chức bầu cử tiến hành điều tra kết quả trước khi chứng nhận. Điều này làm dấy lên nhiều lo ngại rằng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, các viên chức bầu cử có thể rắp tăm từ chối chứng nhận kết quả ở các địa phương, để làm ảnh hưởng kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử.
Thử tưởng tượng bỗng nhiên một sáng nọ tỉnh giấc, bạn nhận ra mình là mục tiêu của một chiến dịch bôi nhọ ám chỉ rằng bạn, một quản thủ thư viện trường học, ủng hộ việc giảng dạy “kê dâm” (anal sex, giao hợp qua đường hậu môn) cho những đứa trẻ 11 tuổi. Đây chính là những gì đã xảy ra với Amanda Jones vào năm 2022, sau khi bà chỉ có đôi lời phát biểu về vấn đề kiểm duyệt (censorship) trong một buổi họp của hội đồng thư viện công cộng. Là người đã sống suốt 44 năm ở một thị trấn nhỏ chỉ có hai cột đèn giao thông ở Louisiana, và cũng đã làm mẹ, Jones cảm thấy sốc và tổn thương vô cùng. Không chỉ như vậy, đám người tung ra những tin đồn ác ý này, trong đó có cả những người xa lạ và những người mà bà đã quen biết từ nhỏ đến lớn, còn buông những lời chỉ trích rất quá đáng về nhân cách của bà.
Kamala nhắc lại Donald Trump đã cảm ơn Tổng Thống Tập Cận Bình về những gì ông ta đã làm trong thời gian đại dịch COVID. Bà nhớ cả nội dung Trump đã viết trên Twitter: “Thank you, President Xi” và đọc lại cho chục triệu người dân Mỹ đang xem màn hình. “Khi chúng ta biết rằng Tập Cận Bình phải chịu trách nhiệm vì không cung cấp và cung cấp không đầy đủ cho chúng ta sự minh bạch về nguồn gốc của COVID.” Kamala nhắc lại cả việc Donald Trump đã mời Taliban đến David Camp, “là một nơi có ý nghĩa lịch sử đối với chúng ta, với tư cách là những người Mỹ, một nơi mà chúng ta tôn vinh tầm quan trọng của ngoại giao Hoa Kỳ, nơi chúng ta mời và tiếp đón các nhà lãnh đạo thế giới được kính trọng. Và cựu tổng thống này với tư cách là tổng thống đã mời họ đến David Camp vì ông ta, một lần nữa, không biết tầm quan trọng và trách nhiệm của tổng thống Hoa Kỳ. Và điều này quay trở lại vấn đề ông ta đã liên tục hạ thấp và coi thường các quân nhân của chúng ta, những người lính đã hy sinh...
Kỹ Sư Tạ Trung, Chủ Tịch Ủy Ban Người Mỹ Gốc Việt Ủng Hộ Harris, đã phát biểu "Tự Do và Dân Chủ (Freedom and Democracy) là những quyền tối thượng mà Phó Tổng Thống Harris hứa sẽ tích cực tranh đấu để bảo vệ nếu bà trở thành Tổng Thống Hoa Kỳ..."
Nhiều người cũng đã lên tiếng về sự im lặng của truyền thông dòng chính trước tình trạng tâm thần ngày càng sa sút rất nguy hiểm nếu ông Trump lại trở thành tổng thống. Một trong những tiếng nói này là của cựu bộ trưởng Bộ Lao động thời TT Bill Clinton, Robert Reich (tác giả phim tài liệu nổi tiếng, đáng xem, tựa là “Bất bình đẳng cho tất cả”) về một bài nói chuyện của ông Trump tại một buổi mít-tinh tranh cử với cử tri của ông, trong đó ông kể về loại thuyền trang bị bằng điện bị chìm trong vùng biển có cá mập và việc ông thà bị điện giật hơn là bị cá mập ăn, và không ai biết chuyện đó có liên hệ ra sao đến việc ông tranh cử. Hoặc bài gần đây trên tạp chí The Atlantic, về câu trả lời không-ai-hiểu-ông-Trump-muốn-nói-gì khi được hỏi một câu khá đơn giản về chính sách của một chính phủ Trump đối với nhu cầu trông trẻ (childcare).