Hôm thứ Ba (27/8), Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho biết nhiệt độ đại dương tại khu vực các đảo Thái Bình Dương (Pacific Islands) đang tăng nhanh gấp ba lần so với mức trung bình trên toàn cầu, và cư dân ở đây “đặc biệt dễ bị ảnh hưởng” bởi mực nước biển dâng cao, theo Reuters.
Phát biểu với các phóng viên tại Pacific Islands Forum (PIF) ở Tonga, Guterres nhấn mạnh một bản phúc trình đã chỉ ra khu vực Tây Nam Thái Bình Dương là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng mực nước biển dâng cao, một số khu vực tăng gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu trong 30 năm qua.
Ông nói: “Tôi có mặt tại Tonga để phát đi tín hiệu cảnh báo cho toàn thế giới – SOS (Save Our Seas) – trước tình trạng mực nước biển dâng cao. Mực nước biển dâng cao đang khiến cho bão lũ và ngập lụt ngày càng nhiều và trầm trọng ở các khu vực ven biển. Lũ lụt nhấn chìm nhà cửa. Ngư dân mất sinh kế. Mùa màng thất thoát. Nước ngọt nhiễm mặn. Các đảo quốc ở Thái Bình Dương đang bị đe dọa nghiêm trọng.”
Biến đổi khí hậu và an ninh là chủ đề chính trong hội nghị thường niên của PIF năm nay. Hội nghị có sự tham gia của 18 quốc gia, bao gồm các đảo quốc nhỏ như Tonga và một trong những nước xuất cảng than lớn nhất thế giới, Úc.
Khi được một phóng viên hỏi về việc Úc vẫn tiếp tục xuất cảng nhiên liệu hóa thạch, Tổng thư ký LHQ Guterres cho biết thế giới cần phải loại bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch để giảm thiểu biến đổi khí hậu, nhưng mỗi quốc gia sẽ có cách làm khác nhau vì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh.”
Bản phúc trình mới của Tổ chức Khí tượng Thế giới (World Meteorological Organization) cho thấy nhiệt độ đại dương ở Tây Nam Thái Bình Dương tăng nhanh gấp ba lần so với mức trung bình toàn cầu.
Guterres nói: “Các đảo Thái Bình Dương đang bị đe dọa nghiêm trọng. Khu vực này chỉ cao hơn khoảng một, hai mét so với mực nước biển. Một nửa cơ sở hạ tầng lại chỉ cách bờ biển khoảng 500 mét.”
Nếu thế giới không cắt giảm lượng khí phát thải, mực nước biển sẽ tăng thêm 15 cm (5.9 inch) vào năm 2050 và các đảo này sẽ bị ngập lụt khoảng 30 ngày mỗi năm. Guterres kêu gọi các lãnh đạo thế giới “tăng cường đầu tư vào các biện pháp ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu” tại những quốc gia dễ bị tổn thương như các đảo Thái Bình Dương.
Trong hội nghị về khí hậu của LHQ vào năm ngoái, quỹ Loss and Damage (Tổn thất và Thiệt hại) đã được thành lập để giúp các quốc gia nghèo ứng phó với các thảm họa khí hậu. Tuy nhiên, vấn đề hiện tại là làm sao để thu hút các nước giàu có đóng góp nhiều hơn vào quỹ này. Tổng thư ký LHQ kêu gọi các quốc gia giàu có thực hiện cam kết tài chính, bao gồm việc tăng gấp đôi khoản tài trợ cho các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu lên ít nhất 40 tỷ MK mỗi năm vào năm 2025.