Santa Ana (VB) – Trong hai ngày Thứ Bảy & Chủ Nhật 17 & 18/08/2024, tại Bowers Museum, Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt phối hợp cùng Trung Tâm Việt Nam Texas Tech University, Trung Tâm Nghiên Cứu Việt - Mỹ University of Oregon đã tổ chức hai buổi triển lãm và thảo luận về hai chủ đề: Cải Cách Ruộng Đất Miền Bắc Việt Nam và Cuộc Di Cư Năm 1954. Khoảng 1,000 lượt người đã đến tham dự hai sự kiện về lịch sử từ bảy thập niên trước. Có thể nói rằng lâu lắm rồi tại Thủ Đô Người Việt Tị Nạn mới có một sự kiện lịch sử được tổ chức với qui mô lớn và công phu như thế. Động lực nào đã khiến ba tổ chức chuyên nghiên cứu lịch sử cận đại Việt Nam cùng nhau tổ chức sự kiện này?
Ông Châu Thụy, Giám Đốc Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt nói lời khai mạc, chào mừng mọi người đến với cuộc triển lãm và hội thảo, để cùng nhau ôn lại, nhìn theo những góc nhìn mới về hai sự kiện lịch sử vẫn còn ảnh hưởng đến người Việt cả trong nước lẫn hải ngoại đến tận ngày hôm nay. Lịch sử Việt Nam trải qua những thời khắc bi thương, khi số phận dân tộc mình lại do những thế lực ngoại bang quyết định, đẩy đất nước đến biến cố 1954 rồi 1975.
Tiến sĩ Alex Thái Võ thuộc Trung Tâm Việt Nam Texas Tech University là gương mặt trẻ nhất trong ban tổ chức cũng như thành phần diễn giả. Anh cho rằng nghiên cứu về giai đoạn lịch sử này không chỉ là để hoài niệm quá khứ, mà là để cho hiện tại và tương lai. Hiện nay, chính quyền CSVN trong nước vẫn tiếp tục bưng bít thông tin về sự kiện cải cách ruộng đất. Ở bên Mỹ, các nhóm truyền thông cũng như học giả thiên tả đã diễn giải sự kiện theo góc nhìn thiên kiến, bóp méo hay viết lại lịch sử. Nếu những người có tâm huyết, có kiến thức về lịch sử trong cộng đồng người Việt hải ngoại không làm gì cả, sự thật lịch sử của dân tộc sẽ bị đánh tráo.
Những người tham dự triển lãm dễ dàng nhận ra qui mô của cuộc triển lãm qua khối lượng và chất lượng những hiện vật trưng bày liên quan đến giai đoạn lịch sử này. Đặc biệt là bộ sưu tầm các ấn phẩm báo chí, văn học trong giai đoạn Trăm Hoa Đua Nở và Nhân Văn Giai Phẩm và các văn kiện quan trọng. Những sự kiện xảy ra cùng lúc với cuộc cải cách ruộng đất, đẩy nhiều giới văn nghệ sĩ trí thức miền Bắc vào cảnh tù đầy chỉ vì muốn có tiếng nói đối lập với đảng cộng sản.
Khán giả như rùng mình xúc động khi xem vở kịch ngắn, dựng lại “phiên tòa đấu tố tên địa chủ Trần Bá Cường làng Quát tỉnh Thái Nguyên, 1953” với tiếng phát thanh trên loa dựng lại không khí “loa phường”. Nhiều diễn viên nghiệp dư là hậu duệ của những nạn nhân từng bị đấu tố, cho nên buổi diễn hết sức sống động, đầy cảm xúc. Người xem như được chứng kiến tận mắt những oan trái của phiên xử, khi một người yêu nước, nhân hậu, thương người như ông Trần Bá Cường lại bị vu oan cho những tội danh như giết người, hiếp dâm… Kịch bản nêu lên những thủ thuật của những người cộng sản sử dụng khi dàn dựng những phiên tòa đấu tố: kích động lòng căm thù thông qua sự ganh ghét giai cấp; lợi dụng lòng tham để xúi giục những người nông dân chất phác tham gia đấu tố nạn nhân mà trước đây mình chưa bao giờ thù ghét. Sự tàn ác, dối trá, xấu xí của con người cộng sản đã được khai thác trong màn kịch “tòa án nhân dân đặc biệt” này.
Phần hội thảo về cải cách ruộng đất có bốn diễn giả: Giáo Sư Vũ Tường, GS Alec Holcombe, GS Nguyễn Văn Canh và GS Alex Thái Võ, với sự điều hợp của GS Lan Cao. Mỗi người trình bày một nghiên cứu của mình có liên quan đến cải cách ruộng đất. Nghiên cứu của GS Vũ Tường để trả lời câu hỏi những người lãnh đạo CSVN có thực sự yêu chủ nghĩa cộng sản? Hay họ chỉ yêu nước, theo cộng sản để có được sự giúp đỡ của Nga và Tàu? Đó là luận điểm của những người thiên tả ở Mỹ như Ken Burns khi dựng bộ phim thời sự “The Vietnam War”. Theo GS Tường, lúc đầu những lãnh đạo CSVN như Hồ Chí Minh có thể là những người yêu nước, tin rằng theo phong trào cộng sản quốc tế có thể giúp Việt Nam thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Nhưng rồi, dần dần họ tin vào chủ thuyết này một cách mù quáng, một phần là do sự phụ thuộc tuyệt đối vào sự viện trợ của Nga và Tàu. Trong suốt hơn nửa thế kỷ kể từ ngày thành lập, đảng CSVN thực hiện nhiều chính sách theo chủ thuyết cộng sản: cải cách ruộng đất, triệt tiêu tiếng nói đối lập, triệt tiêu giai cấp tư sản (đánh tư sản ở Miền Nam sau 1975), ủng hộ phong trào cộng sản quốc tế như đối với Cuba… Đến cuối thập niên 1980s, khi khối cộng sản Đông Âu sụp đổ, đảng CSVN buộc tìm cách đổi mới, đẻ ra khái niệm quái thai “kinh tế thị trường định hướng XHCN”, thực chất là tạo điều kiện cho tầng lớp tư bản đỏ làm giàu nhanh chóng nhờ vào sự độc quyền chính trị. Ngày nay, chủ nghĩa cộng sản chỉ là cái cớ để giới lãnh đạo giữ vững vị thế cái trị độc quyền đất nước và người dân Việt Nam, dưới sự kiểm soát ngầm từ trung Cộng.
Giáo sư Holcombe làm mọi người ngạc nhiên khi thuyết trình bằng tiếng Việt, điều mà ông thú nhận là lần đầu tiên làm. Ông nhắc đến tình hình chính trị ở Việt Nam hiện nay vừa có sự chuyển giao quyền lực từ Nguyễn Phú Trọng sang Tô Lâm, rồi liên hệ đến sự chuyển giao quyền lực đầu tiên trong nội bộ đảng CSVN có liên quan đến giai đoạn cải cách ruộng đất: từ bộ tứ Hồ Chí Minh- Trường Chinh- Phạm Văn Đồng-Võ Nguyên Giáp sang cho Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Rạn nứt bắt đầu sau khi phong trào cải cách ruộng đất gây ra những hậu quả thảm khốc. Hồ Chí Minh có nhỏ một vài giọt nước mắt, rồi chọn Trường Chinh làm vật tế thần để cách chức. Vào thời điểm đó, lãnh đạo CSVN bắt đầu chuẩn bị cho chiến trường, do đó cần tìm một lãnh đạo là người trong Nam. Lê Duẩn là nhân vật thích hợp. Lê Đức Thọ cũng được đưa vào vai trò trưởng ban tổ chức trung ương đảng, là những bước chuẩn bị đầu tiên để hai nhân vật này trở thành những người đứng đầu đảng CSVN trong suốt 28 năm sau đó.
GS Nguyễn Văn Canh nói về chủ đề “Đấu Tố & Hình Phạt”, chỉ ra những chiến thuật mà giới lãnh đạo cộng sản để thực hiện những cuộc đấu tố “long trời lở đất”, phá hoại đến tận gốc rễ giá trị đạo đức của thôn làng Việt Nam. Làm sao để những phụ nữ nông dân vốn thật thà, chất phác lại có thể đứng lên đấu tố những người trước đây mình vẫn kính trọng? Kích động căm thù bằng cách khơi dậy sự bất công giữa giai cấp bần nông và địa chủ, giữa người giàu và người nghèo. Khai thác lòng tham lam của con người để dụ dỗ họ làm những điều mà bình thường lương tâm họ không cho phép. Họ dụ người nông dân nếu đấu tố địa chủ thì sau này sẽ được chia đất. Điều trớ trêu là rồi sau đó, số phận người nông dân vẫn trắng tay dưới chế độ cộng sản. Bằng hình thức hợp tác xã nông nghiệp, ruộng đất lại lọt vào tay chính quyền. Đất đai dần dần trở thành “sở hữu toàn dân”, thực chất là do nhóm lãnh đạo chóp bu thao túng, làm giàu cho cá nhân trên tài nguyên của đất nước.
GS Alex Thái sang Mỹ năm 8 tuổi, giải thích lý do vì sao lại quan tâm đến đề tài cải cách ruộng đất. Vì sao anh có mặt ở Mỹ? Câu trả lời gần nhất là vì cha mẹ anh trốn chạy chế độ cộng sản. Nguyên nhân xa hơn một chút là chiến tranh Việt Nam; rồi dần dần đi ngược trở lại đến giai đoạn cải cách ruộng đất và cuộc di cư 1954, bắt đầu với lá thư của La Quý Ba gửi cho Hồ Chí Minh. Anh đưa ra những con số để cho thấy những sai lầm và sự tàn bạo khủng khiếp của cải cách ruộng đất. Một cuộc đấu tố thường huy động dân từ hai đến ba xã; có khoảng 15,000 người tham dự, có cả trẻ em. Chỉ tiêu theo sự hướng dẫn từ La Quí Ba, cố vấn Trung Cộng thời đó, chỉ tiêu là cứ 1,000 thì phải xử tử một người. Cứ một xã là phải tìm cho ra 5% dân số là địa chủ. Một thống kê cho thấy trong 172,000 địa chủ phú nông phân loại gian ác có 123,000 trường hợp oan sai; 26,000 trường hợp tử hình thì khoảng 20,500 là oan sai. Chưa kể nhiều trường hợp chết vì tự tử.
Con số về số người chết trong cải cách ruộng đất được nhiều nguồn đưa ra rất khác nhau. Có nguồn cho là khoảng 600,000. Trong khi đó, các nhóm thân cộng phản chiến ở Mỹ vào thập niên 1970s đưa ra con số chỉ là 2,000. Họ còn cho là những sai lầm chết người trong cải cách ruộng đất là do cán bộ bên dưới thực hiện sai, chứ không phải do lãnh đạo cấp trên chỉ thị! Lý luận này rất giống với những luận điệu thân cộng về vụ thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế, dân quân làm sai chứ lãnh đạo không hề hay biết!
Cải cách ruộng đất đã làm thay đổi tận gốc rễ làng quê Miền Bắc. Con đấu tố cha, vợ đấu tố chồng, trò đấu tố thầy… Chính quyền kiểm soát chặt chẽ từng nhà dân. Điều này giúp họ dễ dàng huy động quân lính để đưa vào chiến trường miền Nam. Chính quyền vẫn tiếp tục dùng đất đai để làm mồi nhử cho những người nông dân đáng thương. Anh Thái đã xúc động khi nhắc đến một lá thư của một người bộ đội trong chiến trường Miền Nam gởi về cho cha, hỏi rằng ở nhà họ đã phát đất cho gia đình mình chưa!
Ngày thứ hai là hội thảo về đề tài cuộc di cư 1954, còn được gọi là “cuộc bỏ phiếu bằng chân” của những người trốn chạy chủ nghĩa cộng sản đi đến bến bờ tự do. Phần hội thảo được điều hợp bởi TS. Phan Quang Trọng.
Mở đầu, nữ minh tinh điện ảnh Kiều Chinh đọc lại phần hồi ký đầy cảm xúc, khi một thiếu nữ 15 tuổi bất ngờ phải một mình di cư vào Nam, bỏ lại người cha, người anh yêu quí của mình. Theo kế hoạch, cả ba cha con sẽ cùng vào Nam. Thế nhưng trong đêm cuối cùng trước khi rời Hà Nội, người anh quyết định ở lại tham gia kháng chiến. Hôm sau, khi bố đưa con gái ra phi trường. Ra đến máy bay, ông nhấc bổng con mình để đưa vào đoàn người đang chen lấn vào trong, nhưng ông không lên theo. Ông nói vội với con gái rằng con vào Nam trước, bố ở lại tìm anh rồi sẽ vào sau. Cô gái tuổi trăng tròn làm kẻ lưu vong đơn độc ngay trên quê hương, đi đến một nơi xa lạ mà không có một người thân nào bên cạnh…
Nhà văn Trần Phong Vũ kể lại kinh nghiệm di cư của một người Công Giáo. Cả gia đình bên nội và bên ngoại của ông đều di cư vào Nam, vì các họ đạo miền Bắc được các cha giải thích rõ ràng rằng chủ nghĩa cộng sản không thể tồn tại cùng với tôn giáo.
Gs. Phi-Vân Nguyễn qua màn ảnh trực tiếp từ Université de Saint-Boniface đã trình bày nghiên cứu công phu của Bà về khía cạnh quân sự, chỉ ra những chiến lược quân sự của Pháp, so sánh việc quân Pháp rút khỏi Bùi Chu Phát Diệm (trước ĐBP) và rút khỏi miền Bắc (sau Geneva) đã ảnh hưởng như thế nào đến người dân và cuộc di cư.
Gs. Jason Picard (trực tiếp qua màn hình từ VinUniversity) nói về đề tài tái định cư. Ông dùng khu tái định cư Cái Sắn để chứng minh rằng người di cư từ Miền Bắc đã khó khăn, cực khổ như thế nào sống và trải qua giai đoạn đầu khi chính quyền QGVN chưa sẵn sàng để tiếp nhận một số lượng người quá lớn từ Bắc vào, và họ thực sự đã đóng góp lớn lao cho sự phát triển của Miền Nam như thế nào.
Gs. Hoàng Anh Tuấn trình bày về tình hình khó khăn và những giới hạn của cộng đồng Công Giáo ở Bắc Việt trước 1954 dẫn đến cuộc di tản khổng lồ của cộng đồng Công Giáo vào Nam và ảnh hưởng cộng đồng di cư đối với xã hội Miền Nam, đặc biệt là vai trò của người di cư theo Thiên Chúa Giáo, với hình ảnh của các tạp chí công giáo từ Bắc vào Nam là những minh họa sống động.
Gs.Trần Huy Bích tâm tình với khán giả lý do vì sao ông quyết định một mình di cư vào Nam khi chỉ mới 18 tuổi. Ông kể lại câu chuyện người cán bộ tuyên truyền trước dân chúng về sự văn minh tiến bộ của Liên Xô, chế tạo một cái máy bỏ một con lợn vào đầu này, đầu bên kia cho ra các hộp jambon, xúc xích! Sau đó Gs. Bích đã đặt một câu hỏi tưởng chừng vô hại về chữ nghĩa, nhưng lại bị người cán bộ này ghi lại tên để trình lên cấp trên. Trước viễn cảnh cả mạng sống và quyền tự do bị đe dọa, Gs. Bích, chàng trai trẻ 18 tuổi đã quyết định chọn con đường sang bên kia bến bờ tự do của đất nước.
Nhiều khán giả đặt câu hỏi về vấn đề làm sao để nội dung của hai buổi hội thảo này đến với những người đang sống ở Việt Nam, cũng như giới trẻ gốc Việt đang sinh sống ở Mỹ? Làm sao để đưa những nội dung này vào trường học cho các em học sinh gốc Việt? Ban tổ chức nói rằng đó cũng là mục đích của công trình này, nhằm đưa sự thật lịch sử đến với tất cả mọi người trên khắp thế giới, người Mỹ cũng như người Việt, ở hải ngoại cũng như ở Việt Nam... Buổi hội thảo được truyền hình trực tiếp trên mạng xã hội, người Việt khắp nơi trên thế giới đều có thể theo dõi. Gs Vũ Tường, Alex Thái cũng nhắc đến những kế hoạch tạo ra những buổi thuyết trình về đề tài này tại các trường học có nhiều học sinh gốc Việt vùng Little Saigon và những nơi khác. Ban tổ chức kêu gọi cộng đồng hãy ủng hộ bằng cách tham gia và hỗ trợ cho những sinh hoạt lịch sử tương tự trong tương lai.
Thông điệp mà ban tổ chức nhắc lại nhiều lần trong hai ngày triển lãm và hội thảo: đừng để người khác viết lại, bóp méo lịch sử của chính mình. Nếu những người Việt tị nạn không làm gì cả, sự thật lịch sử của chúng ta sẽ bị đánh tráo. Gìn giữ lịch sử không phải để hoài vọng quá khứ, mà là cho hiện tại và tương lai.
Doãn Hưng
Bowers Museum,
California tháng Tám, 2024
Gửi ý kiến của bạn