HOA KỲ – Hôm thứ Tư (21/8), Tòa thượng thẩm của Florida cho phép các kinh tế gia của tiểu bang cảnh báo cử tri rằng việc thêm quyền phá thai vào hiến pháp có thể làm giảm nguồn thu nhập của tiểu bang, đồng thời bác bỏ vụ kiện của nhóm ủng hộ quyền phá thai đứng sau đề nghị này, theo Reuters.
Theo Tòa thượng thẩm của Florida, Financial Impact Estimating Conference (FIEC), cơ quan phụ trách dự đoán và ước tính tác động tài chính của các chính sách và quy định trước khi được ban hành, có quyền đưa ra tuyên bố về tác động tài chính của việc thêm quyền phá thai vào hiến pháp.
Do đó, khi cử tri đi bỏ phiếu, họ sẽ thấy trên lá phiếu có phần cảnh báo rằng nếu đề nghị sửa đổi hiến pháp liên quan đến quyền phá thai được thông qua, có thể sẽ có nhiều ca phá thai hơn và ít ca sinh nở hơn. Số lượng ca phá thai gia tăng có thể cần sử dụng thêm nguồn quỹ của tiểu bang, trong khi số lượng ca sinh nở giảm có thể làm giảm nguồn thu nhập của tiểu bang.
Michelle Morton, luật sư của tổ chức ACLU ở Florida, đại diện cho nhóm ủng hộ quyền phá thai Floridians Protecting Freedom, bày tỏ sự bất bình về phán quyết của tòa án: “Phán quyết này cho phép giữ nguyên một tuyên bố về tác động tài chính không được duyệt xét đúng quy định và không hợp lệ, làm tổn hại quyền lợi của cử tri Florida. Họ có quyền được cung cấp thông tin minh bạch và hợp pháp để có thể đưa ra quyết định về việc sửa đổi hiến pháp.”
Khi đề nghị thêm quyền phá thai vào hiến pháp được đưa ra vào tháng 9 năm ngoái, FIEC chưa thể ước tính được những tác động đến tình hình tài chính của việc sửa đổi này, vì luật về phá thai ở Florida vẫn đang trong quá trình thay đổi, chưa ổn định. Lúc đó, có một vụ kiện vẫn đang chờ xét xử về hai luật cấm phá thai khác nhau, một luật cấm phá thai sau 15 tuần và một luật cấm phá thai sau 6 tuần.
Vào tháng 4, Tòa thượng thẩm Florida cho phép lệnh cấm phá thai sau 6 tuần có hiệu lực, và đồng ý cho đề nghị thêm quyền phá thai vào hiến pháp xuất hiện trên lá phiếu trong cuộc bầu cử ngày 5/11. Sau đó, nhóm Floridians Protecting Freedom đã yêu cầu tòa án buộc FIEC xem xét lại tuyên bố cảnh báo về tác động tài chính. Cơ quan lập pháp do Đảng Cộng hòa kiểm soát của tiểu bang cũng đã yêu cầu FIEC làm lại tuyên bố mới.
Tháng 7, FIEC đưa ra tuyên bố cảnh báo rằng việc sửa đổi hiến pháp liên quan đến quyền phá thai có thể gây tốn kém cho ngân sách của tiểu bang. Nhóm Floridians Protecting Freedom đã kiện FIEC, cáo buộc tuyên bố này được đưa ra một cách bất hợp pháp vì không thực hiện theo quy trình duyệt xét của tòa án.
Tòa án cao nhất Florida đã bác bỏ khiếu nại của Floridians Protecting Freedom, vì nhóm đã “tích cực tham gia vào quá trình sửa đổi mà không có phản đối,” và đã đưa ra ý kiến trong các cuộc họp của FIEC.
Phán quyết của tòa Florida được đưa ra chỉ một ngày sau khi Tòa thượng thẩm Arizona từ chối yêu cầu của một nhóm chống phá thai, nhằm ngăn chặn việc đưa đề nghị liên quan đến quyền phá thai vào lá phiếu của tiểu bang. Bộ Trưởng Thường Vụ Montana cũng đã chính thức xác nhận một sửa đổi hiến pháp liên quan đến quyền phá thai ở tiểu bang.
Việc sửa đổi hiến pháp ở cả ba tiểu bang đều nhằm bảo đảm quyền phá thai hợp pháp cho đến khi thai nhi có thể sống sót ngoài tử cung (khoảng 24 tuần). Ở Montana, theo phán quyến của tòa án cao nhất vào năm 1999, phá thai trước 24 tuần là hợp pháp; trong khi Arizona cấm phá thai sau 15 tuần.
Trong cuộc bầu cử tháng 11 tới, vấn đề phá thai sẽ được đưa ra bỏ phiếu ở ít nhất chín tiểu bang, bao gồm cả những tiểu bang còn đang trên bàn cân (battleground states) có ảnh hướng lớn đến cuộc đua tổng thống và quyền kiểm soát Quốc hội.
Kể từ khi TCPV Hoa Kỳ hủy bỏ quyền phá thai trên toàn quốc vào năm 2022, đã có bảy tiểu bang đưa vấn đề phá thai vào các cuộc bỏ phiếu để cử tri quyết định, bao gồm cả các tiểu bang bảo thủ như Ohio, Kentucky và Kansas.