WASHINGTON – Hôm thứ Ba (20/8), Tòa Bạch Ốc cho biết kế hoạch về chiến lược nguyên tử được Tổng thống Joe Biden chuẩn thuận trong năm nay không nhằm đối phó với một quốc gia hay mối đe dọa riêng lẻ nào, theo Reuters.
Trước đó, tờ New York Times loan tin rằng kế hoạch mật này có sự điều chỉnh chiến lược răn đe của Hoa Kỳ để tập trung vào mối đe dọa từ việc Trung Quốc mở rộng kho vũ khí nguyên tử.
Tổ chức Arms Control Association (bản doanh Hoa Kỳ) cho biết họ nhận thấy chiến lược và tình trạng vũ khí nguyên tử của Hoa Kỳ vẫn giữ nguyên theo như đã được nêu trong bản duyệt xét về phản ứng nguyên tử Nuclear Posture Review năm 2022 của chính quyền Biden. Không có sự chuyển hướng tập trung từ Nga sang TQ.
Theo tờ New York Times, Tòa Bạch Ốc chưa công bố chính thức rằng Tổng thống Biden đã chuẩn thuận chiến lược nguyên tử được điều chỉnh, có tên là “Hướng dẫn Sử dụng Vũ khí Nguyên tử” (Nuclear Employment Guidance). Tuy nhiên, họ dự kiến sẽ gửi thông báo về sự điều chỉnh này đến Quốc hội trước khi Biden rời nhiệm sở. Chiến lược nguyên tử của Hoa Kỳ thường được điều chỉnh và duyệt xét khoảng bốn năm một lần.
Khi được hỏi về tin tức này, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Savett cho biết: “Chính quyền hiện tại, cũng như bốn chính quyền trước đó, đều đã ban hành Duyệt xét về Phản ứng Nguyên tử (Nuclear Posture Review) và Hướng dẫn Sử dụng Vũ khí Nguyên tử (Nuclear Employment Guidance). Mặc dù nội dung chi tiết trong Hướng dẫn Sử dụng Vũ khí Nguyên tử là thông tin mật, nhưng sự tồn tại của tài liệu này không phải là điều gì bí mật. Và Hướng dẫn được ban hành đầu năm nay không nhằm đối phó với bất kỳ thực thể, quốc gia hay mối đe dọa riêng lẻ nào.”
Daryl Kimball, giám đốc của Arms Control Association, cho biết mặc dù tình báo Hoa Kỳ ước tính rằng TQ có thể tăng quy mô kho vũ khí nguyên tử từ 500 lên 1,000 đầu đạn vào năm 2030, nhưng Nga hiện đang có khoảng 4,000 đầu đạn nguyên tử “và vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong chiến lược nguyên tử của Hoa Kỳ.”
Kimball trích dẫn lại lời phát biểu vào tháng 6 của Pranay Vaddi, viên chức hàng đầu của cơ quan Arms Control, Disarmament, and Nonproliferation thuộc Tòa Bạch Ốc, cho thấy chiến lược của Hoa Kỳ là hạn chế TQ và Nga phát triển kho vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh tiếp tục phát triển vũ khí nguyên tử và kho vũ khí của Moscow vượt quá mức giới hạn của thỏa ước New START, Washington có thể sẽ phải điều chỉnh quy mô và cơ cấu lực lượng nguyên tử của mình.
Kimball cho biết: “Theo hiểu biết của tôi, Hoa Kỳ có thể sẽ cân nhắc những thay đổi này vào năm 2030 hoặc sau đó.”