Tháng 6/2023, Tối Cao Pháp Viện (TCPV) Hoa Kỳ ra phán quyết vào cấm các chính sách tuyển sinh nâng đỡ người thiểu số (affirmative action) đối với các trường đại học. Dựa vào quyết định này, các nhà lập pháp bảo thủ ở nhiều tiểu bang liền ban hành luật cấm những sáng kiến liên quan đến việc tăng cường sự đa dạng và thúc đẩy hòa nhập chủng tộc trong các trường đại học, đặc biệt là những sáng kiến có thể khiến sinh viên cảm thấy xấu hổ hoặc ray rứt lương tâm trước những tổn hại mà cộng đồng người da màu từng phải chịu đựng trong quá khứ.
Các trường y khoa cũng bị ảnh hưởng.
Dù sự chênh lệch giữa số lượng bác sĩ da trắng và da đen vẫn luôn rõ rành rành và tồn tại dai dẳng, và dù những năm gần đây đã có nhiều nỗ lực nhằm khắc phục sự bất bình đẳng về chủng tộc trong ngành y tế, các nhà lập pháp bảo thủ vẫn không ngừng ban bố những chính sách nhằm triệt đường mọi sáng kiến giúp đa dạng sắc tộc trong các trường y khoa.
Một trong số những vị đó là DB Greg Murphy của North Carolina. Vào tháng 3/2024, DB Murphy từng chia sẻ quan điểm của mình rằng: “Tình trạng phân biệt đối xử không nên tồn tại trong các trường y khoa của Hoa Kỳ. Đa dạng sắc tộc là yếu tố tích cực có thể giúp ngành y tế phát triển tốt hơn, nhưng sự đa dạng đó không nên được thực hiện bằng các biện pháp loại trừ dựa trên định kiến hoặc ý thức hệ mang tính chia rẽ.”
Dù vậy, khoản chênh lệch về số lượng giữa các bác sĩ da trắng và bác sĩ da đen không chỉ là vấn đề số liệu. Nghiên cứu gần đây cho thấy với tình hình số lượng bác sĩ da đen quá khan hiếm, khoảng 70% cộng đồng gốc da đen cảm thấy khó mà tin tưởng và thoải mái khi điều trị với các bác sĩ không cùng màu da, và đây cũng là lý do tại sao tỷ lệ tử vong ở người da đen thường cao hơn so với người da trắng đồng trang lứa.
Rõ ràng là Hoa Kỳ cần có nhiều bác sĩ da đen hơn.
Để giải quyết vấn đề này, ngày 6/8/2024, cựu thị trưởng thành phố New York Mike Bloomberg công bố sẽ quyên tặng 600 triệu MK cho bốn trường đại học y khoa da đen lịch sử, bao gồm trường Đại học Y khoa Howard, trường Đại học Y khoa Meharry, trường Đại học Y khoa Morehouse và trường Đại học Y khoa & Khoa học Charles Drew. Đây là những khoản quyên góp lớn nhất mà các trường cao đẳng và đại học da đen lịch sử từng nhận được. Ngoài ra, Đại học Xavier ở Louisiana cũng sẽ nhận được khoản tài trợ 5 triệu MK để hỗ trợ cho trường y khoa mới của mình.
Phát biểu trước hội nghị thường niên của Hội Y sĩ Quốc gia (National Medical Association, NMA), cựu thị trưởng Bloomberg cho biết: “Khoản quyên tặng này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho các thế hệ bác sĩ da đen trẻ, để mở ra một tương lai khỏe mạnh hơn và công bằng hơn cho đất nước của chúng ta.”
Cơ hội ít ỏi
Theo cuộc khảo sát năm 2022 của Hội các Trường Y Khoa Hoa Kỳ (Association of American Medical Colleges, AAMC) với 950,000 y bác sĩ, có 63.9% là người da trắng và chỉ 5.7% là người da đen hoặc Mỹ gốc Phi Châu. Tuy nhiên, theo ước tính của Sở Thống Kê Dân Số (Census Bureau) vào năm 2023, người da đen chiếm 13.6% dân số Hoa Kỳ, trong khi người da trắng chiếm 58.9%.
Những hố sâu cách biệt trong ngành y tế thời nay vốn bắt nguồn từ lịch sử xa xưa. Theo Benjamin Chrisinger, Giảng sư về Sức khỏe Cộng đồng của Đại học Tufts, một trong những cách để hiểu rõ hơn về nguồn gốc của những “chiếc hố” này là xem xét các danh sách thông tin về y bác sĩ đang hành nghề được công bố bởi Hội Y Sĩ Hoa Kỳ (American Medical Association, AMA)
Từ năm 1906, AMA đã bắt đầu phát hành danh sách liệt kê tất cả các y bác sĩ đủ điều kiện hành nghề ở Hoa Kỳ. Danh sách này nhằm giúp mọi người nhận biết đâu là thầy thuốc thứ thiệt, đâu là “lang băm.” Hồ sơ của mỗi bác sĩ đều có đầy đủ các thông tin chi tiết, bao gồm tên tuổi, chuyên ngành, nơi đào đạo và thời gian tốt nghiệp.
Từ năm 1906 đến năm 1940, AMA cũng buộc phải ghi rõ chủng tộc của các y bác sĩ da màu trong danh sách này, với ký hiệu “col.” (viết tắt của “colored,” tức người da màu).
Dựa vào thông tin này, Chrisinger đã số hóa dữ liệu từ danh sách năm 1906, phân tích chi tiết về nơi các bác sĩ da đen được đào tạo và làm việc. Trong tổng số 41,828 bác sĩ được liệt kê trong danh sách, chỉ có 746 người là bác sĩ da đen, chiếm 1.8%.
Hầu hết các bác sĩ da đen ở miền Nam được đào tạo tại một số ít các trường y khoa dành cho người Mỹ gốc Phi Châu. Hơn một nửa (57%) trong số họ theo học Trường Đại học Y khoa Meharry ở Tennessee hoặc Trường Đại học Y khoa Howard ở Washington, D.C. Những trường này vẫn còn đang hoạt động.
Tuy nhiên, có gần một phần ba (29%) các bác sĩ da đen theo học tại các trường đã bị đóng cửa chỉ vài năm sau khi danh bạ năm 1906 được phát hành. Năm 1910, theo yêu cầu của AMA, nhà giáo dục Abraham Flexner đã công bố một báo cáo nghiên cứu về các tiêu chuẩn của nhiều trường y khoa ở Hoa Kỳ và Canada.
Báo cáo của Flexner đã chỉ ra rằng nhiều trường y khoa da đen có tiêu chuẩn tuyển sinh thấp và chất lượng giáo dục kém, và đề nghị đóng cửa 5 trong số 7 trường đại học y khoa da đen lịch sử. Kết quả là, đến năm 1912, có 3 trong số các trường y khoa này đã bị đóng cửa. Đến năm 1924, chỉ còn lại hai trường hoạt động là Meharry và Howard.
Sự hạn chế trong cơ hội được theo học ngành y của người da đen đã dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực, và có thể thấy rõ điều này qua các dữ liệu thống kê. Ở hầu hết các tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ, khoảng cách giữa trường y khoa và các địa điểm nơi các bác sĩ thực hành y học là rất xa đối với các bác sĩ da màu, ngay cả trước khi nhiều trường y đóng cửa. Điều này có nghĩa là các bác sĩ da màu phải di chuyển xa hơn để thực hành nghề y so với các bác sĩ da trắng.
Nguồn gốc sâu xa
Để hiểu rõ hơn những nơi các bác sĩ da đen hành nghề ở miền Nam, Chrisinger đã so sánh dữ liệu từ danh sách y bác sĩ với các nguồn khác, bao gồm số liệu dân số từ Sở Thống Kê Dân Số.
Kết quả cho thấy, những khu vực có nhiều người da đen hoặc gần các trường y khoa dành cho người da đen thường có nhiều bác sĩ da đen hơn.
Nhiều học giả và nhà hoạt động ngày nay đang nghiên cứu và tìm hiểu những sự kiện trong quá khứ để giúp mọi người hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của nạn kỳ thị chủng tộc đến sức khỏe của người da đen ở Hoa Kỳ.
Thí dụ, Uché Blackstock, một bác sĩ da đen, đã viết cuốn sách “Legacy: A Black Physician Reckons with Racism in Medicine” (xin tạm dịch là Quá Trình Đương Đầu Với Kỳ Thị Chủng Tộc Của Một Bác Sĩ Da Đen), chỉ ra rất nhiều trường hợp phân biệt chủng tộc trong y tế và những tác động lâu dài mà các bệnh nhân da màu phải gánh chịu.
Blackstock cũng là một trong những người đầu tiên cảnh báo về việc cộng đồng người da màu bị ảnh hưởng không đồng đều từ COVID-19. Bà cho rằng trong đại dịch, người da màu ở Hoa Kỳ dễ bị tổn thương hơn vì “ít có khả năng được xét nghiệm hơn, gánh nặng bệnh mãn tính cao hơn, và sự thiên vị dựa trên sắc tộc trong các cơ sở y tế.”
Cần phải tìm hiểu ngọn ngành, nguồn căn của những “hố sâu” cách biệt chủng tộc trong ngành y tế, chúng ta mới có thể tìm ra các biện pháp phù hợp để “lấp đầy.”
Các nghiên cứu trong tương lai sẽ giúp làm rõ vấn đề. Còn ở hiện tại, những nguồn dữ liệu đang có sẽ giúp các nhà nghiên cứu và mọi người hiểu rõ hơn về vai trò của các trường y khoa da đen lịch sử và cuộc sống của các bác sĩ da màu trong thời kỳ Jim Crow. Di sản của họ xứng đáng được ghi nhận nhiều hơn trong lịch sử y học Hoa Kỳ.
Nguyên Hòa biên dịch
Nguồn: “Shortage of Black doctors is rooted in racist history − a $600M gift will help historically Black medical schools address the gap” được đăng trên trang TheConversation.com.
Gửi ý kiến của bạn