Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Đằng Sau Danh Từ Việt Cộng

16/08/202400:00:00(Xem: 1096)
 
duy nhan
Một xã viên Hợp tác xã mành trúc xuất khẩu
 
Danh từ được tác giả dùng trong bài này không phải là danh từ theo tự loại mà là một thuật ngữ của Việt Cộng. Thuật ngữ Việt Công hay là danh từ Việt Cộng là những thuật ngữ, những từ được dùng trong nước dưới chính quyền Cộng sản Việt Nam. Ở trong nước người ta không dùng từ “Việt Cộng” mặc dầu Việt Cộng chỉ có ý nghĩa là Cộng Sản Việt Nam  chớ không có nghĩa gì khác. Phải nói rõ ràng và dài dòng như vậy để tránh hiểu lầm và hiểu sai. Những danh từ đề cập trong bài viết  này đa số là những danh từ kinh tế, vì chủ đề của bài viết là kinh tế, phân tích những ván đề kinh tế, nhận định về kinh tế chớ không phải chính trị, mặc dầu kinh tế không thể tách rời khỏi chính trị, xuất phát từ chính trị và tác động trở lại đời sống của mỗi con người chúng ta.
 
 Có lẽ một nhóm chữ gây ấn tượng kinh hoàng đến suốt đời người cựu quân nhân VNCH và gia đình sau ngày 30/4/1975 là từ “học tập cải tạo”. Thực tế chẳng có học tập được gì mà cũng chẳng cải tạo được ai, ngược lại càng gây căm thù và đổ vỡ. “Học tập” không có nghĩa là học tập mà là đi tù khổ sai từ vài ba năm đến vài chục năm. Sau ba năm “học tập cải tạo” ở các trại tập trung, tôi được tha về cuối năm 1977. Cầm giấy ra trại trong tay, tôi như người Mán lần đầu tiên được về thành phố. Mọi vật xung quanh tôi đều thay đổi. Từ cái tên thủ đô Sàigòn thân thương đến tên các đường phố và tên các bảng hiệu, các cơ quan chánh quyền đều mới lạ và khó hiểu. Nào là “cửa hàng may đo”, rồi “cửa hàng may mặc”. Phải chăng còn có cửa hàng may mà không đo và may mà không mặc? May mà không đo thì có thể hiểu là may hàng loạt, theo kiểu dây chuyền, không đo cho từng con người mà đo theo cỡ của từng nhóm nhỏ, lớn, rất lớn... Còn may mà không mặc thì là nghĩa gì? “Quán Bưu Điện” nghe rất lạ! Hồi nào tới giờ chỉ biết quán tạp hóa hoặc quán ăn thôi. “Cửa hàng chất đốt thanh niên” thật là khó hiểu. Chất đốt thanh niên là chất đốt gì? Chắc không phải là đem thanh niên đi đốt rồi. Ngoài chất đốt thanh niên còn có chất đốt phụ nữ, chất đốt trẻ em không? Thì ra cửa hàng chất đốt thanh niên là cửa hàng bán củi, do một nhóm thanh niên Cộng sản ở phường điều hành. Ôi! Chữ với nghĩa! Đi tới quận nào tôi cũng thấy cái bảng hiệu có tên “Liên-Hiệp-Xã ”. Lúc đó tôi không hiểu Liên Hiệp Xã nghĩa gì và nhiệm vụ của nó là làm cái gì nữa.
 
 Đến khi được vào làm ở cơ quan “Liên Hiệp Xã Thành Phố”, đường Hai Bà Trưng, quận nhất, tôi mới biết đó là những chữ viết tắt của cơ quan có tên “Liên hiệp các hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp Thành Phố Hồ Chí Minh”. Cái tên gì mà dài quá cỡ thợ mộc! Đó là cơ quan tổ chức, quản lý (thực chất là ép buộc ) các nhà sản xuất tiểu thủ công nghiệp của chế độ cũ gia nhập tổ chức mới có tên là hợp tác xã trong chiến dịch “cải tạo tư sản tư doanh”. Theo lý thuyết Mác thì tư hữu là nguyên nhân hình thành giai cấp bóc lột. Do đó, nó phải bị tước đoạt và tiêu diệt. Người Cộng sản chỉ chấp nhận chế độ công hữu mà thôi. Trong xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa chỉ có hai thành phần kinh tế được hoạt động. Đó là kinh tế quốc doanhkinh tế tập thể. Hợp tác xã là mô hình kinh tế tập thể. Nghĩa là tài sản ở hợp tác xã thuộc quyền sở hữu của tập thể xã viên chớ không phải của cá nhân nào. Lý thuyết này lần đầu tôi biết được khi tham dự lớp Triết học Mác-Lênin do hội “Trí Thức Yêu Nước” trên đường Nguyễn Thông, quận 3 Sàigòn tổ chức dành riêng cho trí thức chế độ cũ. Lại một danh từ mới khiến người ta phải suy nghĩ. Đối với người Cộng sản còn có một loại trí thức không yêu nước? Đây chắc là trí thức không chấp nhận chủ nghĩa Cộng sản! Nói khác đi, Cộng sản chính là đất nước!? Hồi còn ở trại tập trung được cán bộ quản giáo tuyên truyền: Chống Cộng là chống nhân dân. Thì ra Cộng sản là nhân dân!? Lại còn cái khẩu hiệu ai cũng thấy nhan nhản ngoài đường phố: “Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội” Bấy giờ thì đất nước đã biến thành chủ nghĩa xã hội! Những ai không yêu chủ nghĩa xã hội là không yêu nước!? Ngay cả cái tên nước cũng phải gắn chặt với chủ nghĩa xã hội: Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
 
Tình cảm về quê hương đất nước, về dân tộc đã hình thành từ thời Vua Hùng dựng nước suốt mấy ngàn năm. Cũng chính nhờ vào tín niệm thiêng liêng đó mà ông cha ta mới giữ được nước trước mọi làn sóng xâm lược của vương triều và rợ Hung nô phương Bắc, cũng như thực dân Pháp sau này. Cho tới lúc đó nhân dân ta đâu có theo chủ nghĩa nào mà không hề mất một tấc đất. Vậy mà bây giờ cả nước bị áp đặt theo cái chủ nghĩa ngoại nhập sai trái, đã bị nhân loại vứt vào sọt rác của lịch sử từ lâu. Ai bày tỏ quan điểm trái với Cộng sản rất dễ bị xem là phản động, sẽ bị kết tội hình sự, tội âm mưu lật đổ chánh quyền, tuyên truyền chống nhà nước XHCN hoặc là phá hoại “khối đại đoàn kết dân tộc”. Bây giờ thì có điều 331 luật hình sự về “ tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
 
Sau khi học xong lớp triết học Mác-Lênin, anh em trí thức đa số là “tù cải tạo”, người thì đi bán chợ trời, người đi đạp xích lô, người bị đuổi đi “ kinh tế mới”. Tôi thì may mắn được về làm việc ở cơ quan Liên Hiệp Xã Thành Phố trong nhiều năm. Tại đây tôi rút ra được một bài học thực tế về ý nghĩa hai chữ “giải phóng” của người Cộng sản qua chính sách kinh tế của họ. Tôi biết được như thế nào là sự   “ưu việt” của chế độ mà họ thường rêu rao qua sự so sánh mô hình hợp tác xã của họ với xí nghiệp tư nhân trong nền kinh tế thị trường ở các quốc gia tư bản và tự do.
 
Cứ tưởng chỉ có quân nhân, công chức chế độ cũ như tôi mà Cộng sản nói là có nợ máu với nhân dân mới bị đi tù cải tạo. Bấy giờ mới biết những người làm ăn lương thiện, không có dính líu gì tới chánh quyền, quân đội cũng bị “cải tạo”, bị tịch thu tài sản dưới hình thức hợp tác xã. Dĩ nhiên những ai bị xếp vào thành phần “tư sản mại bản” thì vừa bị tịch thu tài sản, vừa bị ở tù nữa, nếu như những người này không biết thức thời hiến dâng tài sản cho nhà nước. Chính sách sai lầm, dã man, tàn bạo thi hành ở miền Bắc từ hai mươi năm trước qua chính sách cải cách ruộng đất và đánh tư sản bây giờ được đem ra thi hành ở miền Nam. Đương là những chủ doanh nghiệp, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì bị buộc phải đưa nhà xưởng, “tư liệu sản xuất”  vào “ hóa giá” để trở thành xã viên hợp tác xã. Hóa giá là đánh giá lại giá trị tài sản, theo giá trị sử dụng còn lại, theo cảm tính chủ quan của một ban hóa giá, chớ không theo một tiêu chuẩn nào. Thí dụ một cái máy dệt giá ban đầu là 100,000 đồng, giá trị sử dụng còn lại là 60% thì người ta ghi giá trị cái máy đó khi góp vào hợp tác xã là 60,000 đồng. Đáng lý hợp tác xã phải trả cho người góp vốn số tiền hóa giá nhưng vì hợp tác xã mới thành lập không có tiền nên người ta  ghi nợ và để đó.Về phần người chủ doanh nghiệp sau khi được “ giải phóng” thì trở thành xã viên, trở thành vô sản, chỉ còn lại hai bàn tay trắng! Người xã viên mới giờ đây phải gắn chặt đời mình vào hợp tác xã, làm công cho hợp tác xã cho qua ngày tháng. Vì nếu ra đi thì mất luôn số tiền hóa giá chưa nhận, biết làm gì để sống?
 
Lúc bấy giờ ở Sàigòn và các tỉnh thành trong cả nước đi đâu người ta cũng thấy toàn là hợp tác xã: HTX dệt, may, HTX cơ khí, HTX hóa chất, HTX mộc, HTX sành sứ thùy tinh, HTX da giày, HTX gạch, HTX giấy, HTX mây tre lá, HTX đan, thêu, len, HTX chiếu cói, HTX nước tương, HTX hột vịt, HTX mua bán, HTX tiêu thụ,  HTX xích lô, HTX xe ba gác…vân vân. Ở nông thôn thì có HTX nông nghiệp. Ngoài xí nghiệp quốc doanh, hợp tác xã là hình thức kinh tế chính danh của chế độ xã hội chủ nghĩa, Vậy mà nó phải chịu sự quản lý của nhiều giai từng. Danh từ lúc đó gọi là “quản lý ngành” và “quản lý lãnh thổ”. Quản lý hàng ngang, quản lý hàng dọc chằng chịt không khác gì mạng nhện.. Quản lý theo lãnh thổ là quản lý hàng dọc từ trung ương xuống đến địa phương. Một hợp tác xã phải chịu sự quản lý từ Liên Hiệp Xã trung ương (ngoài Hà Nội), đến Liên hiệp xã tỉnh, thành phố, và trực tiếp là Liên Hiệp xã quận huyện, và gần gủi nhất là ban tiểu thủ công nghiệp phường, xã. Quản lý ngành là quản lý hàng ngang của các cơ quan chuyên ngành có chức năng, trực thuộc ủy ban nhân dân các cấp như cơ quan kiểm tra và đo lường chất lượng, cơ quan vật giá, cơ quan thuế vụ, công an kinh tế… Quản lý kiểu này thì một con ruồi cũng không thoát được.
 
 Hợp tác xã muốn tồn tại không có cách gì khác hơn là phải “biết điều”, nói trắng ra là hối lộ. Hối lộ chính cơ quan quản lý và các cơ quan có quan hệ làm ăn buôn bán, toàn là đảng viên, quan chức nhà nước. Muốn mua vật tư nguyên liệu để sản xuất phải hối lộ cơ quan kinh doanh vật tư. Sản phẩm làm ra phải đăng ký với cơ quan kiểm tra chất lương, muốn được dễ dãi phải chi tiền. Sản phẩm muốn bán giá nào phải được cơ quan vật giá thành phố duyệt. Muốn duyệt theo giá chiết tính nhất thiết phải lót tay, ăn uống, nhậu nhẹt với cán bộ phụ trách. Muốn ký được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với ngành thương nghiệp thì phải đàm phán, chiêu đãi tại nhà hàng, quà cáp và chi cho thủ trưởng và kế toán trưởng. Khi đi giao hàng phải hối lộ công an kinh tế và công an giao thông ở các trạm kiểm soát dọc đường nếu không muốn bị tuồng hàng để kiểm tra, vì thời đó là thời “ngăn sông cấm chợ”. Sau khi bán hàng, muốn rút tiền mặt để trả công xã viên phải “biết điều ” với nhân viên kho quỹ, vì tiền mặt rất hiếm, nhất là vào thời kỳ của chính sách “ Gía-Lương -Tiền” của ông Phó Thủ Tướng chuyên trị thơ gia nô, ca tụng Mao Sếnh Sáng, Bác Lênin râu xòm và Xít talin khát máu, theo kiểu : Thương cha thương mẹ thương chồng; thương mình thương một thương ông thương mười ! Đến cuối năm HTX  phải “biết điều” và thương lượng với nhân viên thuế vụ quận huyện để họ “tài định” một số thuế vừa phải, đôi bên cùng có lợi, nếu không muốn sập tiệm. Tình trạng tham ô và hối lộ đã xuất phát từ nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, đã thành truyền thống và ngày càng phát triển mạnh mẽ, trước khi Việt Nam được gia nhập WTO, tham gia kinh tế toàn cầu.
 
Doanh thu sau khi trừ chi phí và thuế doanh nghiệp (hay là thuế hàng hóa) còn lại gọi là thu nhập. Ở các quốc gia tự do, trong nền kinh tế thị trường, thu nhập thuộc về chủ doanh nghiệp. Ở hợp tác xã, thu nhập trước hết phải được phân phối vào các quỹ chung theo quy định của Liên Hiệp Xã trung ương. Đó là các quỹ dành để trả thuế lợi tức, quỹ kinh phí ngành, quỹ công ích, quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng, quỹ dự trữ, vân vân... còn lại bao nhiêu mới trả công cho xã viên theo định mức và chất lượng thành phẩm. Trong số các quỹ này, vô duyên nhất là quỹ “kinh phí ngành”. Kinh phí ngành là khoản tiền trích từ 1 đến 2% thu nhập của toàn hợp tác xã để chi trả lương, nuôi đám cán bộ quản lý ngành Liên Hiệp Xã từ quận huyện đến thành phố và trung ương. Họ là người của đảng, trong biên chế nhà nước, mà nhà nước không trả lương, lại phải đi ăn bám vào người lao động. Vậy mà cứ nói là giải phóng người lao động để không còn cảnh người bóc lột người! Sự nghiệt ngã của chế độ xã hội chủ nghĩa đâu phải đã dừng lại ở đây. Đau đớn nhất là người xã viên một lần nữa bị bóc lột bởi chính ban chủ nhiệm đã được chính xã viên bầu ra để điều hành hợp tác xã. Chủ doanh nghiệp ở các nước tư bản làm giàu do chính công sức người ta bỏ ra, do sự sử dụng tiền bạc, của cải của chính họ thì Cộng sản cho là bóc lột. Còn ở đây ban chủ nhiệm ngày một giàu ra do mồ hôi, nước mắt của người xã viên, do sự sử dụng tiền bạc, của cải của xã viên thì lại cho là tốt đẹp. Thời kỳ hợp tác xã còn thịnh hành, có một câu vè được truyền tụng từ thành thị đến nông thôn: “Xã viên làm việc bằng ba, để cho chủ nhiệm mua nhà mua xe”.
 
Chủ nghĩa Mác- Lênin, chủ nghĩa Cộng sản, chủ nghĩa xã hội với luận điểm chủ quan, phiến diện và sai trái, cho rằng quyền tư hữu là nguồn gốc của mọi sự bất công và chế độ tư hữu là những gì xấu xa cần phải tiêu diệt bằng bạo lực gọi là “chuyên chính vô sản”. Thật ra, riêng tư, cá thể là thuộc tính, là bản chất của con người, cùng với Tự Do, khi con người sanh ra đã có rồi. Ai cũng muốn có căn nhà riêng, chiếc xe riêng, người yêu riêng… Đó là ước muốn chánh đáng và là động lực của mọi hành vi con người. Khi phủ nhận quyền tư hữu, trước hết người ta phủ nhận cá nhân mình, tư tưởng mình, tình cảm mình, kế đến vợ con mình, thân nhân mình, bạn bè mình, tôn giáo mình, quê hương mình…Tóm lại, những gì thuộc về mình đều bị phủ nhận. Nói như thế cứ tưởng là nói chơi hoặc nói quá lời. Nhưng không. Trước đây ai sống ở Việt nam đều không xa lạ gì với cụm từ “làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa”. Làm chủ thì không được. Phải là làm chủ tập thể. Làm chủ tập thể cũng chưa đủ. Phải là tập thể xã hội chủ nghĩa! Các nhà văn Cộng sản trước đây, trước khi được “cởi trói” khi viết tiểu thuyết không bao giờ dám đề cập tới niềm vui và nỗi buồn cá nhân. Tất cả phải là của tập thể, vì tập thể. Nhật ký Đặng Thùy Trâm được nhà nước tuyên truyền rầm rộ vào năm 2005 là một điển hình.Trong quyển nhật ký này, Đặng Thùy Trâm cố tình chôn chặt, dấu kín tình cảm riêng tư để dồn mọi nỗ lực đánh Mỹ đến mức hoang đường. Chính Nguyên Ngọc, tổng biên tập báo Văn Nghệ bị cách chức, trong tác phẩm “Có một con đường mòn trên biển đông” NXB Hà Nội năm 1995 viết: “ Không biết vì sao, vào chiến trường rồi, hai anh chị lại không khắng khít với nhau nữa. Chị có nỗi đau riêng ấy, giấu kín”. Riêng chúng ta, không hề ngạc nhiên nếu sự kiện này là có thật.Tất cả đều nằm trong quỹ đạo của chủ nghĩa tam vô: Vô gia đình, vô tôn giáo và vô tổ quốc! Chúng ta không chấp nhận chủ nghĩa Mác-Lênin vì nó phủ nhận quyền tư hữu, đi ngược lại bản chất con người.
 
 Điều gì đến đã đến! Khi Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ thì hệ thống hợp tác xã từ trung ương tới địa phương ở Việt Nam cũng tan rã. Nhà nước bắt đầu áp dụng chính sách đổi mới. Nền kinh tế nhiều thành phần được công nhận. Sau mấy chục năm theo quan thầy Liên Xô và Trung Cộng điên cuồng chống chủ nghĩa tư bản. Thất bại, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam có vẻ đã sáng mắt ra. Họ đã trải thảm đỏ, rước các nhà tư bản Mỹ và Tây phương vào để cứu nguy chế độ. Họ chạy theo kinh tế tư bản nhưng không từ bỏ chủ nghĩa Marx-Lenin đã ghi ở điều 4 hiến pháp 2013. Từ đó xuất hiện một cụm từ mới dài nhất cho tới bây giờ. Đó là: “ kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ”. Đàng sau cụm từ này là cái gì?  Đó là ý muốn áp dụng kinh tế thị trường để vực dậy nền kinh tế lạc hậu XHCN, để phát triển cứu nguy chế độ, nhưng không dám buông bỏ kinh tế  xã hội chủ nghĩa, lấy quốc doanh làm chủ đạo để dễ dàng trục lợi và tham ô. Từ chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, thủ tướng, phó thủ tướng, các bộ trưởng... Số tiền tham ô và hối lộ được tính bằng tỷ đô la. Những vụ án đưa ra xét xử gần đây đã chứng minh điều đó.  Môi trường để cho họ tham ô là các công ty, xí nghiệp quốc doanh, các tổ chức quản lý nhà nước. Một danh từ mới xuất hiện gần đây là từ đốt lò, một động thái  chống tham ô (và thanh trừng nội bộ ?) để xoa dịu lòng dân. Việc này cũng sẽ không đi tới đâu nếu như chủ nghĩa xã hội vẫn còn tồn tại. Vì lợi ích cá nhân và phe nhóm buộc những người Cộng sản phải trung thành với chủ nghĩa Marx-Lenin, chủ nghĩa xã hội, trung thành với đàn anh Trung Cộng để được che chỡ mà tồn tại và tiếp tực tham ô.
 
Kết luận: Qua 20 năm sống và làm việc dưới chế độ Cộng sản, qua kinh  nghiệm thực tế của bản thân, người viết bài này có thể khẳng định ngày 30/4/1975 không phải là ngày giải phóng miền Nam mà là ngày Quốc Hận, ngày đau buồn của cả dân tộc. Cố Thủ Tướng Võ văn Kiệt chỉ mới nói lên một nửa sự thật khi tuyên bố “ Có một triệu người vui thì cũng có một triệu người buốn”.
 
Duy Nhân 
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Ghi chú: Những chữ đậm nét là những danh từ đang sử dụng trong nước.

Ý kiến bạn đọc
24/08/202418:51:45
Khách
Trong cá clip về thời sự VN do Nhà Nước (CS) VN phát hành thì KHÔNG BAO GIỜ có từ ngữ QUÂN CS/Phía CS hay QUÂN/ BÊN PHÍA VIỆT CỘNG mà chỉ là QUÂN hay PHÍA CÁCH MẠNG. Có thể Nhà nước CSVN CHO các từ ngữ này LÀ MIỆT THỊ , không đươcf sử dụng.
Cũng như phải nói CON GÁI SAIGON, ĐĨ ĐIẾM SAIGON ..., không được nói CON GÁI HỒ CHI MINH, ĐĨ ĐIẾM HCM.. Cho thấy CSVN RẤT LÀ CÂU NỆ NHỮNG " CHUYỆN LỂ TẺ " NÀY.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhưng 64 năm sau (1960-2024), đảng đã thoái hóa, biến chất. Đảng viên thì tham nhũng, suy thoái đạo đức, lối sống tự diễn biến và tự chuyển hóa, bài bác Chủ nghĩa Mác-Lênin và cả “tư tưởng Hồ Chí Minh” nữa...
Một tuần sau, sau khi dư luận nổi sóng về phát biểu của thiếu niên Chu Ngọc Quang Vinh (“tôi coi đảng như một thế lực xấu chỉ biết lừa gạt dân”) tạm lắng – hôm 7 tháng 9 vừa qua – nhà văn Phạm Đình Trọng kết luận: “Sự việc cho thấy người dân, nhất là thế hệ trẻ đã có nhận thức sâu sắc về pháp luật, có ý thức về sự có mặt của cá nhân trong cuộc đời, trong xã hội”.
Nội dung phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ngày 27/08/2024 về đường lối khóa đảng XIV cho thấy ông không dám đi ra khỏi quỹ đạo một người Cộng sản bảo thủ để được tồn tại...
Kamala nhắc lại Donald Trump đã cảm ơn Tổng Thống Tập Cận Bình về những gì ông ta đã làm trong thời gian đại dịch COVID. Bà nhớ cả nội dung Trump đã viết trên Twitter: “Thank you, President Xi” và đọc lại cho chục triệu người dân Mỹ đang xem màn hình. “Khi chúng ta biết rằng Tập Cận Bình phải chịu trách nhiệm vì không cung cấp và cung cấp không đầy đủ cho chúng ta sự minh bạch về nguồn gốc của COVID.” Kamala nhắc lại cả việc Donald Trump đã mời Taliban đến David Camp, “là một nơi có ý nghĩa lịch sử đối với chúng ta, với tư cách là những người Mỹ, một nơi mà chúng ta tôn vinh tầm quan trọng của ngoại giao Hoa Kỳ, nơi chúng ta mời và tiếp đón các nhà lãnh đạo thế giới được kính trọng. Và cựu tổng thống này với tư cách là tổng thống đã mời họ đến David Camp vì ông ta, một lần nữa, không biết tầm quan trọng và trách nhiệm của tổng thống Hoa Kỳ. Và điều này quay trở lại vấn đề ông ta đã liên tục hạ thấp và coi thường các quân nhân của chúng ta, những người lính đã hy sinh...
Từ ngày nước Mỹ lập quốc, chưa bao giờ nụ cười của một ứng cử viên tổng thống lại bị đối thủ mang ra mổ xẻ, tấn công với những lời lẽ không phù hợp với tư cách một người tranh cử vị trí lãnh đạo quốc gia. Nhưng ngược lại, cũng chưa bao giờ nụ cười của một ứng cử viên tổng thống lại trở thành niềm hy vọng cho một đất nước đang đối đầu với mối nguy hiểm “duy nhất suốt 248 năm” (theo lời cựu Phó Tổng Thống Dick Chenny.) Đó là nụ cười của Kamala Harris – Một nụ cười đang ngày càng thay hình đổi dạng cuộc tranh cử tổng thống kinh điển của nước Mỹ.
Cựu Tổng Thống Donald Trump đã trình bầy kế hoạch kinh tế của ông tại Economic Club of New York trước đám đông các kinh tế gia, lãnh đạo doanh nghiệp và nhà báo vào 5-9-2024 vừa qua. Buổi nói chuyện này nằm trong chiến dịch tranh cử. Kế hoạch kinh tế trong nhiệm kỳ 2 nếu ông thắng cử bao gồm nhiều chính sách mà ông đã thi hành trong bốn năm đầu cầm quyền. Ông tuyên bố sẽ loại bỏ nhiều chương trình của chính quyền Biden. Ứng cử viên tổng thống của Cộng Hòa quảng cáo chương trình của ông với thuế nội địa thấp, thuế nhập cảng cao chưa từng thấy, giảm bớt luật lệ, và kinh tế phát triển mạnh. Nhưng nhiều chuyên viên đã nghi ngờ giá trị của chương trình kinh tế này. Nhiều người đã lên tiếng chỉ trích đề xuất kinh tế của Trump như chúng ta sẽ thấy trong những phần dưới đây của bài báo này.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 sắp tới không chỉ định hình tương lai chính trị của quốc gia trong vài năm tới mà còn đặt ra những câu hỏi căn bản về bản sắc và tương lai của chính nước Mỹ. Trong khi kết quả bầu cử sẽ quyết định nhiều vấn đề quan trọng, những xung đột sâu sắc về bản chất của nước Mỹ đã được phản ảnh rõ nét qua đường lối, chính sách nêu ra tại hai đại hội Đảng Cộng Hòa và Dân Chủ vừa qua.
Tôi đã xem qua cả trăm bài viết với với nội dung và ngôn từ (“đầu đường xó chợ”) tương tự nhưng chưa bao giờ bận tâm hay phiền hà gì sất. Phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả, các bạn DLV đều không quen cầm bút nên viết lách hơi bị khó khăn, và vô cùng khó đọc. Họ hoàn toàn không có khái niệm chi về câu cú và văn phạm cả nên hành văn lủng củng, vụng về, dài dòng, lan man trích dẫn đủ thứ nghị quyết (vớ vẩn) để chứng minh là đường lối chính sách của Đảng và Nhà Nước luôn luôn đúng đắn. Họ cũng sẵn sàng thóa mạ bất cứ ai không “nhận thức được sự đúng đắn” này, chứ không thể lập luận hay phản bác bất cứ một cáo buộc nào ráo trọi.
Ngày 20/7/1969, hai phi hành gia Neil Armstrong và Edwin Aldrin đi vào lịch sử như là hai người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng thế nhưng sự kiện này bị một số nhà “lý thuyết âm mưu” lên tiếng phủ nhận. Căn cứ vào những điểm “khả nghi” trong tấm hình chụp Armstrong đứng cạnh lá cờ cắm trên Mặt Trăng, họ quả quyết rằng tất cả chỉ là chuyện dàn dựng và bức hình này chỉ được chụp tại một sa mạc ở Nevada. Nhưng bằng chứng của vụ đổ bộ ấy đâu chỉ duy nhất một tấm hình? Tàu Appollo 11 phóng từ mũi Kennedy trước con mắt hàng chục ngàn người và hàng trăm triệu người qua ống kính truyền hình. Hàng trăm ngàn thước phim quay được và chụp được khi tàu Appollo vờn trên quỹ đạo quanh mặt trăng, cảnh tàu con rời tàu mẹ để đổ bộ, cảnh các phi hành gia đi bộ và cả những túi đất đá mang về từ Mặt Trăng v.v. Chúng ta thấy gì ở đây? Những bằng chứng xác thực thì nặng như núi nhưng, khi đã cố tình không tin, đã cố vạch ra những âm mưu thì chỉ cần mấy điểm khả nghi nhẹ tựa lông hồng.
Một bài bình luận của báo Chính phủ CSVN hôm 2/9/2024 viết: “Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay chúng ta ngày càng có cơ sở vững chắc để khẳng định sự thật chúng ta đã trở thành nước tự do độc lập, người dân ngày càng ấm no hạnh phúc…” Những lời tự khoe nhân dịp kỷ niệm 79 năm (1945-2024) được gọi là “Tuyên ngôn độc lập” của ông Hồ Chí Minh chỉ nói được một phần sự thật, đó là Việt Nam đã có độc lập. Nhưng “tự do” và “ấm no hạnh phúc” vẫn còn xa vời. Bằng chứng là mọi thứ ở Việt Nam đều do đảng kiểm soát và chỉ đạo nên chính sách “xin cho” là nhất quán trong mọi lĩnh vực...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.