Thứ bảy, ngày 10/8/2024, thi sĩ Chinh Nguyên, nguyên chủ tịch của Văn Thơ Lạc Việt ở San Jose, cùng phái đoàn gồm có Không Quân Lê Văn Hải, Mỹ Thanh, Nguyễn Diệu Hương, chị Ngọc Bích, ông Hùng, tổ chức Ra Mắt Sách, lúc 1 giờ, tại Thư Viện Việt Nam, 10872 Westminster Ave, Suites 214 & 215, Garden Grove, CA 92843.
Trong lần ra mắt sách này, tác giả Chinh Nguyên sẽ đặc biệt giới thiệu về 4 quyển sách:
1/ THORN IN THE HEART: Xuất bản 2018. Truyện dài bằng tiếng Anh, gồm 12 chương, 525 trang. Tác giả sử dụng từ ngữ dễ hiểu, kể lại sự thật về cuộc sống của những thanh niên Việt Nam thời chiến tranh. Cuộc sống ngắn ngủi, không có ngày mai. Sự thật trần trụi và khốc liệt lôi cuốn độc giả đọc đến trang cuối để nhận ra được rằng những người trẻ trong chiến tranh chỉ là những quân cờ trong ván cờ bẩn thỉu của những chính trị gia bất lương và những chính sách đối ngoại can thiệp!
2/ PLEASE COME IN ( "VÀO ĐI TÌNH ƠI"): Truyện dài song ngữ- xuất bản 2023, 510 trang. Từ đầu đến trang 268, tác giả trình bày bằng tiếng Anh. Từ trang 281 đến trang 510, được viết bằng tiếng Việt. Tác giả viết văn tả cảnh mà như đang làm thơ với những từ ngữ trau chuốt, tượng hình. Ở nơi tiên cảnh bồng lai đó, cuộc gặp gỡ tình cờ giữa ông lão cô đơn (nhân vật chính) và cô gái rửa chân dưới suối. Tình yêu của họ có đi đến kết thúc tốt đẹp trong nhà tù Cộng Sản không? Quý độc giả sẽ tìm ra câu trả lời trong tác phẩm "Please Come In ..." (Tình ơi! Vào đi!)
3/ ANTI-AUTHORITARIAN HANDBOOK (CẨM NANG CHỐNG ĐỘC TÀI): Những truyện ngắn song ngữ viết cùng Phạm Đoan Trang. Xuất bản 2023, dày 320 trang. Phạm Đoan Trang là nhà hoạt động dân chủ, nhà báo, bị chính quyền Việt Nam bắt giữ ngày 6/10/2020, đẩy cô vào thế đối mặt với bản án 20 năm tù.
Đâu là làn ranh đỏ bị bắt và phương pháp đấu tranh an toàn, hiệu quả? "Cẩm Nang Chống Độc Tài" với 8 chủ đề dùng làm kim chỉ nam chống Cộng Sản.
4/ MY LIFE: Truyện song ngữ dài 19 chương, 353 trang.
Cuốn sách gồm những bài tạp ghi từ năm 2010 đến 2018 của tác giả Đông Anh (tên thật là Trần Đình Tạo) được tác giả Chinh Nguyên xuất bản năm 2024 sau khi tác giả Đông Anh qua đời giữa năm 2023, hưởng thọ 85 tuổi. Tác giả Đông Anh từng là trung tá quận trưởng ở Đà Lạt và là cựu chủ tịch Văn Thơ Lạc Việt. Năm 1985, ông vượt biên đường Cam Bốt không thành: "Trong đớn đau tận cùng của người thua cuộc tôi cũng đã trải qua. Trong nỗi thất vọng não nề của kẻ chạy trốn, tôi cũng được nếm thử. Tôi vẫn quyết chí ra đi, Thà rằng chết trên đường vượt biển còn hơn sống trong bạo tàn Cộng Sản." (Trích "Vượt Biên Đường Cam Bốt"- trang 254)
Vừa bước vào hội trường của thư viện Việt Nam ở thành phố Garden Grove, chúng tôi đã nghe bài: "Cờ Ta Bay Trên Quảng Trị Thân Yêu", vừa chiếm lại đêm qua bằng máu.
Anh chị em trong ban tổ chức gồm có Việt Hải, Lệ Hoa, Trần Mạnh Chí, Kiều My, Khánh Lan trong Tiếng Thời Gian. Miền Bắc và miền Nam cùng nhau tổ chức ra mắt sách của Chinh Nguyên, gồm có 4 cuốn, vốn và lời làm việc từ thiện. Thi sĩ Chinh Nguyên, nguyên là chủ tịch Văn Thơ Lạc Việt, đã xuất bản 12 quyển sách: thơ LỜI TÌNH BUỒN, tuyển tập truyện ngắn MẸ TÔI, tuyển tập truyện ngắn NỢ EM MỘT ĐỜI, thơ ĐÔI MẮT BIỂN, DÒNG THƠ KỶ NIỆM, tuyển tập thơ BƠ VƠ, tuyển tập thơ KHẮC KHOẢI, thơ NỖI ĐAU DÀI, Thorn In The Heart, Cẩm Nang Đấu Tranh, Please Come In, My Life, v.v.
Điều hành chương trình có nhà văn Phạm Gia Đại, chào cờ Việt Mỹ và một phút mặc niệm tưởng nhớ tiền nhân đã lập nước và giữ nước.
Xướng ngôn viên Mỹ Linh giới thiệu quan khách tham dự buổi ra mắt sách hôm nay gồm có giáo sư Dương Ngọc Sum, Không Quân- nhà văn Trương Sơn Lê Xuân Nhị, bác sĩ Nguyễn Nam Hùng, sư đoàn 5 Bộ Binh, nhà văn Vương Trùng Dương, ông Trần Văn Điện, và phái đoàn từ miền Bắc California đến.
Không Quân Lê Văn Hải, chủ báo Thằng Mõ, chủ tịch cơ quan tuyên truyền báo chí phát biểu ý kiến đầu tiên. Ông nói ông rất ngưỡng mộ cha Nguyễn Văn Lý suốt đời đấu tranh cho Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền, Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam. Ông Lê Văn Hải, hiện nay là chủ tịch Văn Thơ Lạc Việt ở San Jose, ông rất hoan hô sự đoàn kết của anh chị em nghệ sĩ giữa miền Bắc và miền Nam.
Không Quân Lê Văn Hải rất hạnh phúc khi anh em văn nghệ sĩ miền Bắc và miền Nam Cali đoàn kết chặt chẽ để cùng làm việc với nhau. Thi sĩ Dương Hồng Anh, trong gia đình Dương Thiệu Tước, và con trai đứng sắp hàng mua sách, mua tất cả 4 quyển sách.
Một nhà truyền thông chụp hình trong quân phục bộ binh với 3 bông mai cấp bậc đại úy của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Bác sĩ Nguyễn Nam Hùng thu hình không ngừng nghỉ và rửa hình tặng cho phái đoàn miền Bắc trước khi họ lên đường trở về miền Bắc sáng hôm sau. Bác sĩ Hùng tặng 2 bộ hình cho Không Quân Lê Văn Hải và thi sĩ Chinh Nguyên.
Rất tiếc lời cảm ơn của linh mục Nguyễn Văn Lý không chiếu được cho khán thính giả nghe vì vào giờ chót bị trục trặc kỹ thuật.
Thi sĩ Chinh Nguyên rất xúc động khi nói về hành trình thăm linh mục Nguyễn Văn Lý ở Huế, bị công an mời về bót rồi từ đó không được trở về quê hương. Ông rất xúc động khi tỏ lời cảm ơn đồng hương yểm trợ cha Lý cũng như những nhà đấu tranh cho Nhân Quyền và Tự Do Tôn Giáo trong nước. Ông cũng không quên cảm ơn người vợ hiền của ông, giúp đỡ ông, chăm lo cho sức khỏe của ông trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, đó là người đẹp Mỹ Thanh lo cho ông theo lời chỉ dẫn của bác sĩ.
Nhiều ca sĩ tài tử hiện diện rất đông, ban hợp ca xuất sắc, ca bài "Cờ Ta Bay Trên Quảng Trị Thân Yêu"; "Việt Nam, Việt Nam" của Phạm Duy, "Việt Nam Minh Châu Trời Đông" và "Bài Ca Chiến Thắng", được đồng hương cả hội trường vỗ tay tán thưởng.
Cờ bay. Cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu
Vừa chiếm lại đêm qua bằng máu
Cờ bay. Cờ bay tung trời ta về với quê hương
Từng ngóng đợi quân ta tiến về
Ta ôm nhau mắt lệ nghẹn ngào quỳ hôn đất thân yêu
Quảng Trị ơi, chào quê hương giải phóng.
Vừa chiếm lại đêm qua bằng máu
Cờ bay. Cờ bay tung trời ta về với quê hương
Từng ngóng đợi quân ta tiến về
Ta ôm nhau mắt lệ nghẹn ngào quỳ hôn đất thân yêu
Quảng Trị ơi, chào quê hương giải phóng.
(Cờ Ta Bay Trên Quảng Trị Thân Yêu)
Ông Du Miên, giám đốc Thư Viện Việt Nam, yểm trợ việc làm đầy ý nghĩa của thi sĩ Chinh Nguyên cũng như của anh chị em Văn Thơ Lạc Việt ở miền Bắc California và nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian của Việt Hải ở miền Nam California.
Kiều Mỹ Duyên được mời nói về tác giả, thi sĩ Chinh Nguyên: ông là người Bắc, di cư vào Nam, học ở Buôn Mê Thuột, vào quân đội, binh chủng Không Quân. Sau đó, ông định cư ở Hoa Kỳ. Một lần, ông về Việt Nam thăm nhà, thăm linh mục Nguyễn Văn Lý, Chinh Nguyên bị bắt vì yểm trợ cho linh mục Nguyễn Văn Lý tranh đấu cho Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền và Tự Do Tôn Giáo. Ông bị cấm không được về Việt Nam.
Ở hải ngoại, thi sĩ Chinh Nguyên làm thơ, viết văn, sinh hoạt cộng đồng, yểm trợ tích cực những tổ chức chống Cộng Sản ở San Jose. Kiều Mỹ Duyên nói về thi sĩ Chinh Nguyên thì ít, vì ai cũng biết Chinh Nguyên là nhà thơ tranh đấu, mà Kiều Mỹ Duyên nói về sự hiện diện của những người có lòng thì nhiều như giáo sư Dương Ngọc Sum, nhà văn Không Quân, Trương Sơn Lê Xuân Nhị, nhà văn Việt Hải, nhà báo Du Miên, nhà thơ Vương Trùng Dương, nhà văn Phạm Gia Đại, v.v.
Kết quả việc ra mắt sách của thi sĩ Chinh Nguyên thành công mỹ mãn. Việc làm có ý nghĩa bao giờ cũng được đồng hương yểm trợ một cách nhiệt liệt.
Một miếng khi đói bằng một gói khi no, nhưng ở đây không phải đói mà là cần tiền để chữa bệnh. Về già, người nào cũng bị đủ thứ bệnh. May mắn cho người nào ngủ rồi đi luôn, không đau đớn, không than thở, ngủ đi vào giấc mơ đẹp và không bao giờ thức dậy nữa. Nhưng trên đời này có bao nhiêu người có được giấc mơ đẹp là ngủ rồi đi luôn?
Orange County, 12/8/2024
KIỀU MỸ DUYÊN
(kieumyduyen1@yahoo.com)
Gửi ý kiến của bạn