TORONTO – Hôm thứ Ba (13/8), sau khi có một bản phúc trình từ Liên Hiệp Quốc chỉ trích chương trình chiếu khán làm việc tạm thời của Canada, Bộ trưởng Di Trú Canada cho biết chương trình này không tệ đến nỗi là “đồ bỏ” nhưng “cần phải được cải cách,” theo Reuters.
Ban đầu, chương trình chiếu khán làm việc tạm thời dành cho người nước ngoài được tạo ra để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn công nhân ở Canada. Chương trình này đã nhanh chóng phát triển mạnh mẽ, và bị chỉ trích vì công nhân nước ngoài phải chịu mức lương thấp hơn và dễ bị lạm dụng.
Bộ trưởng Di Trú Marc Miller cho biết “cần phải xem xét kỹ lưỡng nhất là ở nhóm công nhân nước ngoài tạm thời có mức lương thấp.” Số lượng người làm thuê trong nhóm này đã tăng mạnh từ 15,817 người vào năm 2016 lên 83,654 người vào năm 2023, chủ yếu do các chính sách mở rộng chương trình vào năm 2022.
Các biện pháp mở rộng đã cho phép các nhà tuyển dụng có thể thuê mướn nhiều công nhân nước ngoài với đồng lương thấp kém. Đồng thời, quy định cấm thuê mướn công nhân tạm thời cho một số công việc lương thấp ở các khu vực có tỷ lệ thất nghiệp từ 6% trở lên đã bị bãi bỏ.
Mathis Denis, phát ngôn viên Bộ Lao Động, cho biết Bộ trưởng Bộ Lao Động Randy Boissonnault đang cân nhắc việc “ngừng tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trong nhóm công nhân lương thấp, nếu tình trạng lạm dụng người làm thuê và sử dụng chương trình sai mục đích không được cải thiện.”
Tuy nhiên, theo nhà kinh tế học Mike Moffatt, ngay cả khi chương trình hoạt động đúng như mong đợi và không xảy ra tình trạng lạm dụng người làm thuê, nhóm công nhân lương thấp vẫn sẽ bị giảm lương, đây là một trong những đặc điểm không thể tránh khỏi của chương trình. Đồng thời ông cũng cho rằng nên bỏ luôn chương trình chiếu khán tạm thời dành cho nhóm công nhân lương thấp.
Các Chuyên gia Phúc Trình viên của LHQ (UN Special Rapporteur) đã đưa ra bản phúc trình, chỉ trích “chương trình chiếu khán làm việc tạm thời của Canada là vườn ươm nhiều hình thức nô lệ kiểu mới.” Chương trình này được cho là tạo điều kiện cho các hành vi lạm dụng và vi phạm quyền lợi của công nhân, như mức lương bèo bọt, cắt xén tiền lương, lạm dụng thể chất, tinh thần và mắng chửi thậm tệ. Chưa hết, người làm thuê cũng gặp khó khăn khi cần được chăm sóc y tế.
Theo các Chuyên gia Phúc Trình viên, việc giảm chương trình cấp thẻ visa tạm thời theo kế hoạch của Canada sẽ không giải quyết được những vấn đề trên. Thay vào đó, để cải thiện tình hình, cần phải tạo điều kiện để những người làm thuê tạm thời có thể trở thành thường trú nhân.
Bộ trưởng Di Trú Miller phản bác cách dùng từ “nô lệ” của bản phúc trình, cho rằng gọi như vậy là bất công và quá quắt. Ông nói: “Không thể phủ nhận rằng có một số trường hợp lạm dụng và vi phạm đã xảy ra ở Canada. Tuy nhiên, tôi thấy thật không công bằng với những người chủ tốt bụng và tử tế với công nhân, họ không nên bị quơ đũa cả nắm với những người xấu.”
Đầu tháng này, Miller cũng cho biết Canada sẽ công bố một loạt các biện pháp nhằm giảm bớt số lượng người nhập cư theo diện tạm trú (temporary immigration). Ở Canada, tình trạng thiếu hụt nhà ở ngày càng nghiêm trọng, giá nhà và chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, khiến cho khuynh hướng thù ghét và chống đối người nhập cư ngày càng lan rộng.