STOCKHOLM – Hôm thứ Hai (12/8), Thụy Điển có kế hoạch tăng công suất điện hạt nhân, với khoản kinh phí dự kiến lên đến 38 tỷ MK, để chống lại biến đổi khí hậu, theo Reuters.
Theo một ủy ban vừa được chính phủ Thụy Điển bổ nhiệm, chi phí cho kế hoạch này dự kiến sẽ vào khoảng 400 tỷ Krona (tương đương 38 tỷ MK). Ủy ban cũng đề nghị chính phủ nên cung cấp các khoản vay hỗ trợ xây dựng và bảo đảm giá điện ổn định cho các dự án điện hạt nhân.
Stockholm đặt mục tiêu đến năm 2035, tổng công suất điện hạt nhân mới sẽ đạt 2,500 MW, tương đương với việc xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân mới. Sau đó, mục tiêu trong 10 năm tiếp theo là xây thêm 10 lò phản ứng hạt nhân mới.
Tuy nhiên, lĩnh vực tư doanh (private sector) lại không muốn đầu tư vì lo ngại các dự án liên quan đến hạt nhân thường có nhiều nguy cơ, chi phí thì rất cao mà phải hơn cả thập niên mới bắt đầu sinh lợi.
Chủ tịch ủy ban Mats Dillen cho biết: “Thách thức đối với việc xây dựng các nhà máy năng lượng hạt nhân mới là có rất nhiều nguy cơ khác nhau, mà toàn là loại nghiêm trọng.”
Năm ngoái, chính phủ Thụy Điển nhận thấy cần phải gánh vác một phần lớn hơn trong kinh phí xây dựng các nhà máy hạt nhân, nên đã quyết định thành lập một ủy ban để tìm ra các phương án tối ưu nhằm bảo đảm tiền thuế của người dân được sử dụng hiệu quả.
Ủy ban đã đề nghị xây dựng từ 4 hoặc 5 nhà máy mới, với tổng công suất từ 4,000 – 6,000 MW, để đảm bảo chương trình sẽ “đáng đồng tiền bát gạo.” Ủy ban cho biết nhà nước nên cho các công ty năng lượng hạt nhân vay mượn 75% tổng chi phí xây dựng nhà máy điện hạt nhân, và các công ty này sẽ tự bỏ ra 25% còn lại. Các khoản chi phí vượt dự toán cũng sẽ được tài trợ theo tỷ lệ tương tự. Ngoài ra, chính phủ cũng cần đảm bảo giá điện ổn định ở mức khoảng 0.8 krona/kWh (0.0760 MK/ kWh) trong 40 năm cho các nhà đầu tư.
Vào năm 1980, người dân Thụy Điển đã bỏ phiếu để ngừng sử dụng năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, để ứng phó với biến đổi khí hậu, chính phủ đang phải xem xét lại quyết định này. Năng lượng hạt nhân hiện đang là một phần quan trọng trong kế hoạch của Stockholm để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2045.
Tuy nhiên, có nhiều người chỉ trích cho rằng các dự án gần đây như Hinkley Point C ở Anh và Flamanville 3 ở Pháp đã gặp phải nhiều trục trặc với các vấn đề về chi phí vượt dự toán và bị trì hoãn suốt hàng thập niên. Họ lo lắng rằng các nhà máy điện hạt nhân sẽ không được xây xong kịp thời để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng trong 10 năm tới, và cảnh báo rằng chương trình này có nguy cơ trở thành một ‘đại bạch tượng’ (tốn kém rất nhiều nhưng hiệu quả chẳng bao nhiêu).
Chính phủ Thụy Điển cho rằng năng lượng hạt nhân là giải pháp duy nhất để cung cấp nguồn điện ổn định những khi tình hình thời tiết không thuận lợi để sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như gió, nước và mặt trời. Hiện tại, Thụy Điển có sáu lò phản ứng hạt nhân, tất cả đều được xây dựng từ những năm 1970 và 1980.