Thời gian gần đây, Donald Trump đang cố gắng né tránh phủ nhận sự liên hệ của Trump và Vance với Dự án 2025 (Project 2025), một dự án của Tổ chức Heritage Foundation nhằm tái cấu trúc chính phủ liên bang nếu Trump quay trở lại Bạch Ốc.
Vào đầu tháng 7, cựu Tổng thống từng tuyên bố: “Tôi không biết ai là người đứng sau dự án đó.” Dự án 2025 (Project 2025) được lập ra với mục tiêu xóa sổ “nhà nước ngầm” bằng cách sa thải hàng chục ngàn công chức liên bang hiện tại và thay thế bằng những người trung thành với Trump, cấm phá thai gay gắt và giải tán Bộ Giáo Dục.
Vài tuần sau, khi nói về những người đứng sau Dự Án 2025, Trump chỉ trích: “Bọn họ cực đoan quá, hết sức cực đoan, mà tôi không biết gì về dự án đó hết nha.”
Tuy nhiên, vào ngày 15/7, giữa hai lần phủ nhận đó, Trump đã đưa ra một quyết định mâu thuẫn với những lời phân bua của mình: chọn TNS J.D. Vance làm người đồng tranh cử.
Vance có quan hệ mật thiết với Heritage Foundation, đặc biệt là với Kevin Roberts, làm chủ tịch của tổ chức này từ năm 2021 và là người thiết kế Dự án 2025. Vance đã ca ngợi Roberts vì đã giúp Heritage Foundation trở thành “ngôi nhà thực thụ của chủ nghĩa Trump,” và cũng ủng hộ một số yếu tố trong Dự án 2025.
Ngoài ra, Vance còn viết lời tựa cho cuốn sách sắp xuất bản của Robert: Dawn’s Early Light (xin tạm dịch là “Khi Trời Hửng Sáng”), dự kiến sẽ được xuất bản vào ngày 24/9. Tờ The New Republic đã có được toàn bộ nội dung cuốn sách này dù có vẻ như nhà xuất bản Broadside Books, một nhánh của HarperCollins, đã cố gắng ém lại thông tin khi mọi sự chú ý đang đổ dồn vào Dự án 2025 và mối quan hệ của Vance với Roberts.
Cuốn sách của Kevin Roberts ban đầu có ghi đề phụ là “Burning Down Washington to Save America” (“Đốt rụi Washington để cứu nước Mỹ”) và bìa sách minh họa điều này bằng hình que diêm. Sau đó, phần phụ đề đã được sửa lại thành “Taking Back Washington to Save America” (“Chiếm lại Washington để cứu nước Mỹ”) và cũng đã bỏ đi hình que diêm. Phần quảng cáo và giới thiệu sách cũng đã được sửa lại cho đỡ mang tính kích động, bỏ bớt những nội dung kêu gọi mọi người ủng hộ phe bảo thủ “vùng dậy đấu tranh” để “thiêu rụi…các tổ chức” như FBI, Bộ Tư Pháp, và các trường đại học.
Tuy nhiên, lời tựa của J.D. Vance kết thúc bằng lời kêu gọi những người ủng hộ hãy “tập hợp lại và chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu,” và ví von các ý tưởng của Roberts trong sách là “vũ khí thiết yếu” trong “những trận chiến sắp tới.”
Trong lời tựa, Vance không trực tiếp đề cập đến Dự Án 2025, nhưng nhấn mạnh mối quan hệ thân thiết với Kevin Roberts và rằng cả hai đang cùng chung tay trong một dự án chính trị. Mở đầu lời tựa, Vance kể về những điểm tương đồng của mình và Roberts: cả hai đều có xuất thân nghèo khó, tuổi thơ cơ cực, theo Cơ Đốc Giáo, và đang làm việc tại Washington, D.C., để tái thiết đất nước.
Trong suốt ba trang sau đó, Vance say mê chỉ ra những khía cạnh mà cả hai có đồng quan điểm về mặt chính trị. Đầu tiên là ca ngợi Roberts vì không ngần ngại chỉ trích các tập đoàn và phá bỏ quy tắc thâm căn cố đế của Đảng Cộng hòa về thị trường tự do; sau đó là về sự chú trọng vào giá trị của gia đình. Vance viết: “Roberts đang thể hiện quan điểm cơ bản của Cơ đốc giáo về văn hóa và kinh tế, thừa nhận rằng đức hạnh và sự phát triển về kinh tế không thể tách rời nhau, cần phải cùng tồn tại và phát triển để tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn.”
Đáng chú ý là, lời tựa của Vance cũng ẩn chứa một lời kêu gọi cách mạng. Ông viết rằng: “Theo tư tưởng của những người theo chủ nghĩa bảo thủ trước đây, nếu chính phủ không can thiệp, các lực lượng tự nhiên cũng sẽ tự giải quyết các vấn đề. Nhưng tình hình hiện tại đã thay đổi và chúng ta cần một cách tiếp cận khác.” Đây là lúc “khói lửa” bắt đầu xuất hiện:
Kevin Roberts viết rằng “Dưới ánh mặt trời, khi tình hình yên ổn, chúng ta có thể để mọi chuyện thuận theo tự nhiên. Nhưng khi hoàng hôn buông xuống và lang sói bắt đầu cất tiếng tru, ngựa xe phải xếp thành vòng tròn và đạn phải được lên nòng sẵn.”
Giờ đây, tất cả chúng ta đều nhận ra rằng đã đến lúc phải mang các toa xe ngựa xếp thành vòng tròn và nạp đạn vào súng. Trong các cuộc chiến phía trước, những ý tưởng này là một vũ khí thiết yếu.
Vào thứ Ba tuần qua, Chiến dịch của Trump đã công khai tấn công Dự án 2025, kết quả là Dự án này phải ngừng triển khai các hoạt động và giám đốc Paul Dans từ chức. Chiến dịch Trump tuyên bố: “Việc kết thúc Dự án 2025 là điều rất đáng hoan nghênh. Bất kỳ nhóm hoặc cá nhân nào cố tình xuyên tạc tầm ảnh hưởng của họ đối với (cựu) Tổng thống Trump và Chiến dịch sẽ phải trả giá đắt.” Tuy nhiên, không rõ Dự Án 2025 có thực sự kết thúc hay không, khi Kevin Roberts được cho là sẽ tiếp quản các hoạt động của Dự án này.
Không chắc liệu lời tựa mà Vance viết cho cuốn sách “Dawn’s Early Light” có còn tồn tại sau vụ lùm xùm này hay không. Dưới đây là toàn bộ nội dung của lời tựa:
Có một cảnh trong bộ phim kinh điển “Pulp Fiction,” khi nhân vật của nam tài tử John Travolta vừa mới trở về từ Amsterdam, anh chàng nhận xét rằng dù Âu Châu và Hoa Kỳ có những mặt hàng tiêu dùng giống nhau, nhưng lại có “một chút khác biệt.” Đó cũng là cảm nhận của tôi về cuộc đời của Kevin Roberts. Anh ấy lớn lên trong một gia đình nghèo khó, ở một xó xỉnh mà tầng lớp tinh hoa của Hoa Kỳ chẳng bao giờ ngó tới – cái xó của anh ấy ở Louisiana, còn cái xó của tôi thì ở Ohio và Kentucky. Giống như tôi, anh ấy cũng theo Công giáo, chỉ khác ở chỗ anh ấy sinh ra đã là người Công giáo. Và trong cuộc đời của chúng tôi, ông bà có vai trò rất quan trọng. Hiện nay, nơi làm việc của anh ấy chỉ cách văn phòng của tôi vài bước chân; tại Washington, DC: anh ấy là chủ tịch một trong những tổ chức cố vấn có tầm ảnh hưởng nhất ở Washington, và tôi là một TNS Hoa Kỳ.
Và bây giờ, anh ấy viết ra một cuốn sách mới, mà quý vị đang cầm trên tay, khám phá nhiều chủ đề mà tôi cũng đã tìm tòi cho công việc của mình. Nhưng anh ấy viết một cách sâu sắc mà dễ đọc, làm cho những ý tưởng phức tạp trở nên dễ đọc, dễ hiểu.
Trong giới cánh hữu Hoa Kỳ, chưa từng có ai có tầm vóc và uy tín như Roberts, cố gắng vạch ra một tương lai mới thực sự cho chủ nghĩa bảo thủ. Heritage Foundation không phải là một nhóm phất phơ nào đó trên Capitol Hill; mà là nơi ươm mầm những ý tưởng có ảnh hưởng lớn nhất đối với Đảng Cộng Hòa, từ thời Ronald Reagan cho đến Donald Trump. Với sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Heritage, Roberts có thể chọn con đường suôn sẻ, việc nhẹ lương cao, viết sách về những chuyện phong nhã, và nói với các nhà tài trợ những lời suông tai. Nhưng không, Roberts tin rằng nếu cứ tiếp tục dấn thân vào những lối mòn đó, đích đến cuối cùng sẽ là ngày đất nước chúng ta suy tàn.
Nếu quý vị từng đọc qua nhiều sách của phái bảo thủ hoặc nghĩ rằng quý vị hiểu rõ phong trào bảo thủ, quý vị có thể sẽ cảm thấy ngạc nhiên hoặc thậm chí bị sốc khi lật sang những trang tiếp theo. Roberts có hiểu biết về kinh tế và ủng hộ các nguyên tắc cơ bản của thị trường tự do, nhưng không thần thánh hóa các lý thuyết cũ đã có từ nhiều thập niên. Anh ấy lập luận rằng các công ty tài chính trong thời hiện đại, như Apple hay Google, khác xa với những gì các nhà sáng lập ra đất nước có thể hình dung. Anh ấy so sánh các công ty này với British East India của thế kỷ XVIII, một tổ chức quyền lực lai giữa công và tư, làm cho người dân mất đi cảm giác tự do. Các thành viên phái bảo thủ hiện đại đã tôn thờ thị trường đến mức bỏ qua những vấn đề liên quan đến quyền lực của các công ty tư nhân. Một công ty tư nhân mà có thể kiểm soát ngôn luận, gây ảnh hưởng đến bầu cử, và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan tình báo và viên chức liên bang thì phe cánh hữu cần phải giám sát nghiêm ngặt, chứ không phải ủng hộ, dung túng. Roberts không chỉ nhận ra vấn đề, mà còn có khả năng diễn đạt rõ ràng một tầm nhìn chính trị về sự giám sát đó sao cho có hiệu quả.
Roberts ủng hộ một chủ nghĩa bảo thủ tập trung vào các giá trị của gia đình. Về quan điểm này, anh ấy vay mượn từ chủ nghĩa bảo thủ cũ của Hoa Kỳ - mà tôi thấy là đúng đắn – rằng các chuẩn mực văn hóa và thái độ là rất quan trọng. Anh ấy tin rằng chúng ta cần phải khuyến khích con cái kết hôn và có con, dạy chúng rằng hôn nhân không chỉ là một hợp đồng pháp lý, mà là một sự kết hợp thiêng liêng và, nếu có thể, nên ăn ở với nhau trọn đời. Chúng ta cũng nên khuyên bảo con cái tránh làm những việc có thể ảnh hưởng đến tổ ấm của mình.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần làm thêm một việc nữa: tạo ra những điều kiện vật chất để việc xây dựng tổ ấm không chỉ dành riêng cho những người có điều kiện. Điều này có nghĩa là chúng ta cần cải thiện điều kiện sống cho tất cả mọi người. Điều này cũng có nghĩa là chúng ta phải bảo vệ các ngành công nghiệp của Hoa Kỳ, ngay cả khi điều đó có thể dẫn đến việc giá cả tăng cao hơn trong thời gian ngắn. Và chúng ta cũng cần lắng nghe giới trẻ, những cô cậu thanh thiếu niên đang than thở rằng họ không đủ tiền để mua một căn nhà hoặc dựng vợ gả chồng, thay vì chỉ chỉ trích họ chịu khổ không nổi. Roberts đang diễn đạt một quan điểm cơ bản về văn hóa và kinh tế của Cơ đốc giáo: đức hạnh và sự phát triển về kinh tế không thể tách rời nhau, cần phải cùng tồn tại và phát triển để tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn.
Tuổi thơ của tôi và Kevin Roberts đều không êm đềm. Cả hai chúng tôi đều bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những xào xáo trong gia đình, và chúng tôi đều được đại gia đình lớn hơn – ông bà, cô dì, chú bác – giang tay bảo bọc, cưu mang. Chúng tôi cũng từng chứng kiến những tác động tiêu cực khi một nhà máy đóng cửa dọn đi khỏi một thị trấn, khiến nhiều gia đình rơi vào túng thiếu, đói nghèo. Và cả hai chúng tôi đều học cách yêu Hoa Kỳ, vì đất nước đã cho chúng tôi và gia đình cơ hội thứ hai, dù con đường đôi lúc cũng gập ghềnh, chông gai. Trong những trang sách này, Kevin đang cố gắng tìm cách giữ gìn những điều đã thành công trong đời, và điều chỉnh những điều chưa tốt. Để làm được điều đó, chúng ta không chỉ cần loại bỏ các chính sách tồi tệ của quá khứ; mà còn phải tái thiết và áp dụng một chủ nghĩa bảo thủ tích cực, không chỉ đơn thuần là chăm chăm chống lại những gì phe cánh tả đang làm.
Tôi sẽ dùng một câu chuyện ẩn dụ. Hãy tưởng tượng có một khu vườn được chăm sóc tốt, xanh tươi dưới ánh sáng mặt trời. Tất nhiên, vườn tược thì thường phải có nhiều cỏ dại thôi. Điều này có nghĩa là những gì chúng ta muốn vun trồng, chăm chút sẽ phát triển, nhưng đồng thời, những thứ chúng ta không mong muốn, như cỏ dại, cũng sẽ mọc theo. Để loại bỏ cỏ dại, người làm vườn định xài thuốc diệt cỏ. Ừ thì cỏ dại chết, nhưng nhiều hoa trái tươi tốt khác cũng bị chết theo. Nhưng người làm vườn vẫn mặc kệ và tiếp tục tưới thêm thuốc để diệt cho sạch hết cỏ. Cuối cùng, cỏ cây gì cũng chết hết, chẳng còn gì sống nổi.
Trong câu chuyện ẩn dụ này, chủ nghĩa tự do hiện đại là người làm vườn, và đất nước của chúng ta là khu vườn. Những người theo trường phái bảo thủ chúng ta được coi là những người khuyên can người làm vườn. Tất nhiên là chúng ta đã đúng: trong những năm 1960 và 1970, đất nước chúng ta đã cố gắng khắc phục nhiều vấn đề, nhưng cũng đã mắc phải nhiều sai lầm trong quá trình đó.
Nhưng muốn đưa khu vườn trở lại tình trạng tươi tốt, chỉ lo sửa chữa những sai lầm trong quá khứ là không đủ. Chúng ta không chỉ cần phải ngừng sử dụng những loại hóa chất độc hại, những biện pháp tệ hại, mà còn cần phải canh tác lại từ đầu, tức là cần có một phương pháp mới để phục hồi sự tươi tốt của khu vườn.
Phái bảo thủ trước đây tin rằng chỉ cần ngăn không cho chính phủ nhúng tay vào, thì các vấn đề sẽ tự động được giải quyết – nhưng tình hình hiện nay đã khác và chúng ta cần có một giải pháp khác. Như Kevin Roberts đã viết: “Dưới ánh mặt trời, khi tình hình yên ổn, chúng ta có thể để mọi chuyện thuận theo tự nhiên. Nhưng khi hoàng hôn buông xuống và lang sói bắt đầu cất tiếng tru, ngựa xe phải xếp thành vòng tròn và đạn phải được lên nòng sẵn.”
Giờ đây, tất cả chúng ta đều nhận ra rằng đã đến lúc phải mang các toa xe ngựa xếp thành vòng tròn và nạp đạn vào súng. Trong các cuộc chiến phía trước, những ý tưởng này là một vũ khí thiết yếu.
Nguyên Hòa biên dịch
Nguồn: “Read J.D. Vance’s Violent Foreword to Project 2025 Leader’s New Book” được đăng trên trang Newrepublic.com.
Gửi ý kiến của bạn