Kể từ khi ra đời vào những năm 1930, An Sinh Xã Hội (Social Security) đã đóng vai trò như một chương trình bảo hiểm xã hội, cung cấp hỗ trợ tài chính cho người lao động về hưu, nhằm bổ sung thu nhập cho họ trong những năm cuối đời. Hiện nay, có khoảng 70.6 triệu người cao niên Hoa Kỳ dựa vào lương hưu để an hưởng tuổi già.
An Sinh Xã Hội đã trở thành một phần quan trọng trong những tháng ngày hưu trí của rất nhiều người. Tuy nhiên, hiện nay, đang có nhiều lo ngại về tương lai của chương trình này. Trong một báo cáo được công bố vào đầu năm nay, cơ quan Social Security and Medicare Trustees dự đoán rằng các khoản trợ cấp An Sinh Xã Hội có thể sẽ giảm tới 21% vào năm 2033, tức là chỉ còn 9 năm nữa. Ngoài ra, các chương trình khác như Medicare cũng có thể bị cắt giảm nếu không có gì thay đổi.
Điều này có nghĩa là: đối với những người trẻ tuổi ở Hoa Kỳ hiện đang làm việc và đóng thuế An Sinh Xã Hội, đến khi họ về hưu thì chương trình này có thể sẽ không còn đủ tiền để phát lương hưu cho họ. Và với những người chưa đi làm, khả năng được hưởng trợ cấp xã hội còn thấp hơn.
Kịch bản u ám này dựa trên giả định rằng hệ thống sẽ không có gì thay đổi. Nhưng nếu Kamala Harris trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ thì sao? Liệu có thay đổi gì lớn với chương trình An Sinh Xã Hội không? Kính mời quý vị cùng tham khảo những dự đoán của Dennis Shirshikov, giáo sư tài chính, kinh tế và kế toán tại Đại học Thành phố New York (CUNY). Những dự đoán này được giáo sư Shirshikov đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với GOBankingRates.
Sẽ có một số thay đổi lớn
Nếu Kamala Harris trở thành Tổng thống Hoa Kỳ, có thể sẽ có những thay đổi đáng kể.
Giáo sư Shirshikov cho biết: “Tôi đoán rằng An Sinh Xã Hội sẽ được cải thiện để bền vững hơn và mở rộng các khoản phúc lợi. Harris đã biểu lộ sự ủng hộ đối với các biện pháp bảo vệ và củng cố chương trình này, bao gồm đề nghị tăng trợ cấp cho người lao động về hưu có thu nhập thấp và điều chỉnh công thức COLA (Cost Of Living Adjustments, điều chỉnh mức lương hưu theo giá sinh hoạt) để phù hợp hơn với các chi phí thực tế mà các cụ hưu trí phải chi trả hàng ngày.”
Về công thức COLA, Harris có thể sẽ ưu tiên điều chỉnh lại công thức sao cho người cao niên có thể trang trải chi phí sinh hoạt, không bị rơi vào túng quẫn. Dù có tính đến lạm phát và giá cả thuốc men, khám chữa bệnh ngày càng cao hay không, các cụ vẫn sẽ có thể được hưởng trợ cấp nhiều hơn – miễn là hệ thống có thể đáp ứng được những thay đổi này.
Nếu các cải cách diễn ra thành công và hệ thống An Sinh Xã Hội cũng theo kịp, chương trình có thể sẽ bền vững hơn và mạnh mẽ hơn. Mọi người sẽ được hưởng phúc lợi đầy đủ và lâu dài hơn so với mốc dự đoán tiền trợ cấp bị cắt giảm 21% vào năm 2033.
Thuế lợi tức có thể sẽ được tính theo mức mới
Giáo sư Shirshikov cũng dự đoán rằng bà Harris sẽ ủng hộ việc nâng mức lợi tức phải đóng thuế An Sinh Xã Hội. Hiện tại, mức thuế An sinh xã hội 12.4% được chia đều giữa chủ lao động và người lao động (mỗi bên 6.2%), và mức lợi tức tối đa để tính thuế là 168,600 MK.
Nếu “mức trần” này được nâng lên hoặc gỡ bỏ, những người có nguồn lợi tức cao hơn sẽ phải đóng thuế An Sinh Xã Hội nhiều hơn. Hệ thống An Sinh Xã Hội sẽ cải thiện được tình hình tài chính, mà những người có thu nhập thấp hơn cũng không bị ảnh hưởng gì nhiều.
Có thể sẽ có thay đổi trong cách tính toán các khoản trợ cấp
Các khoản phúc lợi An Sinh Xã Hội hiện đang được tính toán theo một công thức cụ thể. Tuy nhiên, để duy trì hệ thống An Sinh Xã Hội trong thập niên tới và đảm bảo rằng tất cả những người đã đóng góp vào hệ thống sẽ được nhận tiền hưu đầy đủ, có thể cần phải thay đổi cách tính toán và phân phối/trợ cấp các khoản phúc lợi xã hội.
Thí dụ, chắc chắc là cùng một “miếng bánh” cũ mà chỉ thay đổi cách phân chia, thì thế nào với cách chia mới, cũng sẽ có người bị thiệt thòi hơn. Nhưng nếu các khoản trợ cấp được điều chỉnh để hỗ trợ cho những người làm lụng cả đời mà khi về hưu thu nhập không được bao nhiêu, thì phần “bánh” sẽ được chia nhiều hơn một chút cho những người cần nhất.
Để dễ hình dung hơn, ước tính tiền phúc lợi xã hội trung bình hàng tháng hiện nay là 1,907 MK. Cùng nghỉ hưu ở tuổi 70, một người có thu nhập 60,000 MK/năm sẽ nhận khoảng 2,289 MK/tháng. Một người có thu nhập 130,000 MK/năm sẽ nhận khoảng 3,800 MK/tháng. Nếu tiền lương hưu bị giảm 21%, người có thu nhập cao hơn sẽ bị mất 798 MK/tháng, còn người có thu nhập thấp sẽ bị mất 481 MK/tháng.
Có thể cải thiện tình hình tài chính dài hạn của An Sinh Xã Hội
Giáo sư Shirshikov cũng đoán rằng sẽ có những sáng kiến giúp giải quyết vấn đề tài chính của chương trình An Sinh Xã Hội về lâu dài. Ông gợi ý hai lĩnh vực cụ thể có thể được thay đổi:
- 1. Tăng dần tuổi về hưu
- 2. Đa dạng hóa đầu tư quỹ An Sinh Xã Hội
Hiện nay, chúng ta có thể bắt đầu nhận phúc lợi An Sinh Xã Hội từ tuổi 62. Đây được gọi là “nghỉ hưu non” và thường sẽ nhận lương hưu thấp hơn so với khi về hưu đủ tuổi (full retirement age, FRA). Nếu đợi đến đủ tuổi về hưu (66 hoặc 67 tuổi tùy thuộc vào năm sinh), chúng ta sẽ nhận được lương hưu cao hơn. Và mỗi năm đợi thêm sau FRA, lương hưu sẽ tăng thêm 8% (có một mức giới hạn tối đa).
Việc tăng tuổi nghỉ hưu có thể là một giải pháp lâu dài để cải thiện hệ thống An sinh xã hội. Còn về việc đa dạng hóa cách đầu tư quỹ của chương trình, hiện chưa có thông tin cụ thể về phương thức và thời điểm thay đổi.
Nguồn: “I’m an Economist: Here’s My Prediction for Social Security If Kamala Harris Wins the Election” được đăng trên trang Finance.yahoo.com.
Gửi ý kiến của bạn