Một nghiên cứu mới chỉ ra rằng những người ăn uống nhiều cà phê, trứng, gạo trắng và hải sản thường có chứa mức PFAS cao hơn trong huyết tương và sữa mẹ.
Nghiên cứu này đã kiểm tra qua 3,000 thai phụ, và là một trong những nghiên cứu đầu tiên phát hiện rằng cà phê và gạo trắng có thể chứa mức PFAS cao hơn các loại thực phẩm khác. Ngoài ra, nghiên cứu cũng phát hiện một mối liên quan giữa việc ăn thịt đỏ và mức PFOS (Perfluorooctane sulfonic acid) cao, một trong những hợp chất PFAS phổ biến và nguy hiểm nhất.
Nhóm nghiên cứu cho biết những phát hiện mới nhấn mạnh rằng PFAS là các hóa chất rất phổ biến và có nhiều cách để chúng xâm nhập vào nguồn cung cấp thực phẩm.
Megan Romano, nhà nghiên cứu tại Dartmouth và là tác giả chính của nghiên cứu này, cho biết: “Kết quả nghiên cứu cho thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường cũng như cần phải ngăn chặn PFAS xâm nhập vào môi trường và chuỗi thực phẩm. Hiện nay, PFAS đã có mặt ở khắp mọi nơi và sẽ tiếp tục tồn tại trong một thời gian dài ngay cả khi chúng ta thực hiện các biện pháp khắc phục tích cực.”
PFAS (Per- and Polyfluoroalkyl Substances) là một nhóm khoảng 16,000 hợp chất hóa học, được sử dụng để làm ra các sản phẩm có khả năng chống nước, chống bám bẩn và chịu nhiệt. Những hợp chất này được gọi là “hóa chất vĩnh viễn” (forever chemicals) vì không tự nhiên phân hủy tự nhiên và sẽ tích tụ trong cơ thể người. Các hóa chất nguy hiểm này có liên quan đến nhiều bệnh tật nghiêm trọng như ung thư, dị tật bẩm sinh (birth defects), bệnh tuyến giáp (thyroid disease), bệnh gan, số lượng tinh trùng sụt giảm mạnh…
Dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực kiểm soát tình trạng ô nhiễm nguồn nước, nhưng con đường phổ biến nhất mà chúng ta tiếp xúc với PFAS là qua thực phẩm. Cơ quan Kiểm soát Thực-Dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ đã bị chỉ trích là không bảo vệ tốt nguồn thực phẩm khỏi bị nhiễm PFAS, và thay đổi phương pháp kiểm tra, làm cho các kết quả kiểm tra thực phẩm có vẻ như không chứa PFAS dù thực tế lại có chứa nhiều đến mức đáng lo ngại.
PFAS có thể xâm nhập vào thực phẩm qua nhiều con đường khác nhau. Các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng PFAS trong gạo có thể xâm nhập từ đất trồng hoặc nước tưới. Các loại nồi, chảo không dính, và nước dùng để nấu ăn cũng có thể chứa PFAS.
Nhóm nghiên cứu còn phát hiện mức độ PFAS cao trong trứng từ gà nuôi trong vườn. Có thể là do gà ăn thức ăn thừa, thức ăn dành cho gà, từ đất nơi rải thức ăn cho gà bị nhiễm PFAS. Thịt bò cũng được phát hiện là có chứa PFAS.
Theo nhóm nghiên cứu, hạt cà phê, nước dùng để pha cà phê, hoặc đất trồng cà phê có thể bị nhiễm PFAS. Phin cà phê, ly giấy và bao bì thực phẩm cũng có thể chứa các hóa chất độc hại này. Bên cạnh đó, có khá nhiều các loại hải sản bị nhiễm PFAS do các vùng nước bị ô nhiễm ngày càng lan rộng.
Các nhà vận động vì sức khỏe cộng đồng cho rằng cần cấm hẳn các hóa chất PFAS, trừ khi bắt buộc cần phải dùng cho các mục đích thiết yếu. Đây là cách duy nhất để bắt đầu giải quyết vấn đề ô nhiễm PFAS một cách rộng rãi.
Nghiên cứu cho thấy ăn nhiều trái cây, ngũ cốc nguyên hạt (whole grain) và thức ăn nhiều chất xơ sẽ giúp giảm bớt mức PFAS trong cơ thể. Đồng thời, một chế độ dinh dưỡng đa dạng, không để một nguồn protein nào chiếm quá nhiều, sẽ không chỉ giúp giảm tiếp xúc với PFAS mà còn với các chất gây ô nhiễm khác có thể có trong thực phẩm.
Nguồn: “Coffee, eggs and white rice linked to higher levels of PFAS in human body” được đăng trên trang TheGuardian.com.
Gửi ý kiến của bạn