Quận Cam (VB) - Khi cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 đang bắt đầu giai đoạn sôi nổi, những lời lẽ chống người nhập cư ngày càng trở nên xấu xí, hận thù hơn. Ứng cử viên tổng thống Donald Trump cùng những dân cử cực hữu không ngần ngại gọi những người nhập cư là tội phạm, bệnh tâm thần và rác rưởi. Những lời lẽ thù hận chính trị này tác động đến người dân Mỹ, làm gia tăng căng thẳng về chủng tộc trong quốc gia có tên gọi là “Hợp Chủng Quốc”; đồng thời gieo rắc nỗi sợ hãi, đau đớn và tức giận trong cộng đồng người nhập cư. Điều mỉa mai là nhiều người nhập cư này đang làm việc cực nhọc tại những nông trại khắp nơi trên nước Mỹ, bảo đảm cho những gia đình Mỹ có được thực phẩm tươi ngon, giá rẻ.
Vào ngày 2 tháng 8 2024, Tổ Chức Dịch Vụ Truyền Thông Sắc Tộc EMS đã tổ chức một cuộc họp báo trên mạng. Những nhà xã hội học,nhà báo, những tổ chức cộng đồng nói về tác động của lời lẽ thù hận đối với người lao động nhập cư, đặc biệt là ở California, nơi có dân số lao động nhập cư lớn nhất tại Hoa Kỳ.
Diễn giả trong cuộc họp báo:
Manuel Ortiz Escámez, nhà xã hội học, đồng sáng lập Peninsula 360, Redwood City, Ca.
Arcenio Lopez, Giám Đốc Điều Hành, Dự Án Tổ Chức Cộng Đồng Thổ Dân Mixtec, Ventura, Ca.
Gustavo Gasca Gomez, Điều phối viên-Dự án Stop the Hate, chuyên gia tiếp cận cộng đồng nhập cư của Quỹ Giáo Dục Và Lãnh Đạo
Diễn giả Manuel Ortis đã nói về lịch sử chống di dân đã có từ rất lâu tại Hoa Kỳ cũng như tại các quốc gia phát triển trên thế giới. Ở Mỹ, di dân là một nguồn lao động rẻ và hữu hiệu, nhưng cũng không thể ngăn được tệ nạn chống di dân. Trong thời đại nào cũng thế, nhiều chính trị gia cần có những “kẻ thù” để thu hút những cử tri. Hình ảnh “kẻ thù” được dựng lên phải xấu xí, độc ác, và thường lấy đi những gì mà người dân đang có. Đã từ lâu, “Kẻ thù” của người dân thường bị chụp mũ là “kẻ sát nhân” hay “kẻ hãm hiếp phụ nữ”. Hiện nay, ông Trump và những chính trị gia Cộng Hòa cực hữu đang gắn những thứ này lên người di dân.
Lịch sử chống di dân ở Mỹ đã có từ thế kỷ 19, khi làn sóng di dân khổng lồ của người Ái Nhĩ Lan đến Mỹ. Sau đó là đợt chống những người Hoa di dân để làm việc trong ngành mỏ, xây dựng đường xe lửa… Vào năm 1911, một tài liệu được xem như bộ luật về di dân nhưng mang tính chống di dân được ban hành, 1911 The Dellingham Commission. Trong bộ luật qui định những nhóm di dân nào sẽ được đối xử ra sao. Trong đó ghi rõ rằng người Mễ là cộng đồng di dân có sức khỏe tốt, làm được nhiều công việc chân tay, nhưng làm biếng; đề nghị cho họ làm việc 7 năm rồi trục xuất về nước.
Một nhà tư tưởng có khuynh hướng chống di dân nổi tiếng là Samuel Huntington, được ông Trump xem là mẫu mực trong quan niệm về di dân. Ông nay chủ trương nước Mỹ phải là của người da trắng theo đạo Tin Lành. Cuốn sách The Challenges to America's National Identity của ông xuất bản vào năm 2004. Chủ đề của cuốn sách nói về ý nghĩa của bản sắc dân tộc Mỹ; những gì ông mô tả là mối đe dọa văn hóa từ làn sóng nhập cư quy mô lớn của người Mỹ Latin. Theo Huntington, làn sóng di dân này có thể chia cắt nước Mỹ thành hai dân tộc, hai nền văn hóa và hai ngôn ngữ. Trump sử dụng triệt để tư tưởng này trong chính sách chống di dân của mình.
Đáp lại với những làn sóng bài di dân là những phong trào ủng hộ di dân. Vào năm 1988, một phong trào ủng hộ di dân phát triển mạnh mẽ có lấy khẩu hiệu của phong trào là “No human being is illegal”.
Ông Manuel Ortiz cho xem một đoạn video với nhân vật chính là Juana, một phụ nữ nhập cư làm việc tại nông trại California. Cô đồng ý xuất hiện trên video này vì cô và những người nhập cư gốc Mỹ Latin làm việc chung trong nông trại cảm thấy tình trạng thù ghét, kỳ thị tăng rõ rệt sau khi ông Trump dùng những lời lẽ bài xích di dân trong chiến dịch tranh cử của mình. Cô nói rằng những người nhập cư như cô đến đây để cung cấp những bữa ăn, thực phẩm cho người Mỹ chứ không phải để gây hại như những chính trị gia tuyên truyền. Những người nhập cư như cô làm việc, đóng thuế đầy đủ, tuân thủ đầy đủ luật lệ của Hoa Kỳ, vì vậy không có lý do gì để bị kỳ thị trên đất nước Hợp Chủng Quốc này. Cô cho biết tại nông trại cô làm việc, chỉ có ba người công dân Mỹ chịu làm những công việc nặng nhọc, với đồng lương ít ỏi như những người nhập cư. Những gia đình Mỹ thấy đi mua thực phẩm ở chợ, lấy thức ăn trong tủ lạnh là dễ dàng và tiện nghi; họ sẽ khó tưởng tượng được công việc trồng trọt tại nông trại là cực khổ đến chừng nào để tạo ra những thực phẩm đó!
Diễn giả Gustavo Gasca Gomez là điều phối viên của Dự Án Stop the Hate. Cũng giống như việc chống thù hận với những người gốc Á, dự án khuyến khích những người nhập cư gốc Latin thu thập bằng chứng, mạnh dạn tố giác những hành động thù hận, kỳ thị người nhập cư. Gustavo cho biết bản thân mình năm 18 tuổi cũng từng là một người nhập cư làm việc tại nông trại. 30 năm trước, bố mẹ của anh cũng cùng một hoàn cảnh. Dưới thời chính phủ Trump, những người như họ khó có cơ hội có được thẻ xanh; đại đa số lo sợ mình sẽ bị trục xuất về nước. Từng trải qua những kinh nghiệm cay đắng của người nhập cư, Gustavo quyết tâm tham gia vào những tổ chức bảo vệ người nhập cư.
Diễn giả Arcenio Lopez là Giám Đốc Điều hành của Dự Án Tổ Chức Cộng Đồng Thổ Dân Mixtec vùng Ventura Nam California, khu vực có đông đảo cộng đồng thổ dân Nam Mỹ nhập cư làm việc tại các trang trại. Bản thân là một người gốc thổ dân Nam Mỹ, Arcenio cho biết tham gia vào tổ chức để bảo vệ quyền lợi của người thổ dân nhập cư tại khu vực. Từ hàng nghìn năm trước khi người da trắng đến xâm chiếm Mỹ Châu, những người thổ dân đã di chuyển tự do trên khắp lục địa này. Chính họ mới là những người có quyền di chuyển (moving) trên khắp Mỹ Châu, chú không phải là những “di dân bất hợp pháp” như ông Trump và những người ủng hộ tuyên truyền. Kể từ khi ông Trump trở thành tổng thống Hoa Kỳ, tình trạng chống di dân, kể cả những người thổ dân bản địa tăng mạnh. Cần phải ngăn chặn những hành động thù ghét này. Tổ chức của ông còn có những hoạt động để tỏ tình đoàn kết, tương trợ với những bộ tộc thổ dân đang sinh sống trên nước Mỹ.
Kỳ bầu cử tổng thống 2024 đang đến gần. Những cộng đồng nhập cư, cộng đồng sắc tộc thiểu số cần phải tham gia bầu cử đông đủ để có tiếng nói bảo vệ cộng đồng, ngăn chặn những chính trị gia đang dùng hận thù sắc tộc để chia rẽ đất nước.