LONDON – Hôm thứ Hai (5/8), Thủ tướng Anh Keir Starmer tuyên bố những kẻ biểu tình bạo lực nhắm vào các cộng đồng Hồi giáo sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc theo luật pháp, theo Reuters.
Vào tuần trước, ba cô gái trẻ bị đâm chết ở thị trấn Southport, tây bắc nước Anh. Các nhóm chống nhập cư và bài trừ Hồi giáo đã lợi dụng sự việc này để phát tán thông tin sai lạc trên mạng và được các nhân vật cực hữu nổi tiếng truyền bá rộng rãi, gây rối loạn ở nhiều thị trấn và thành phố.
Thủ tướng Starmer nói: “Bất kể lý do nào được đưa ra để biện minh, thì những hành động này cũng không phải là biểu tình, mà chỉ đơn thuần là bạo lực. Chúng tôi sẽ không dung thứ cho các cuộc tấn công nhằm vào các thánh đường hay cộng đồng Hồi giáo của chúng ta,” và rằng “tất cả những ai tham gia vào các hành động bạo lực này sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất.”
Cảnh sát cho biết đã bắt giữ 378 người kể từ khi các cuộc bạo loạn nổ ra, và cảnh báo rằng những ai bị kết tội bạo loạn gây mất trật tự và an ninh công cộng sẽ bị “tù mọt gông.”
Các vụ bạo lực bắt đầu bùng phát vào thứ Ba tuần trước, sau khi trên các trang mạng xã hội lan truyền thông tin sai lạc cho rằng can phạm trong vụ tấn công 3 cô gái ở Southport là một phần tử Hồi giáo cực đoan mới đến Anh. Tuy nhiên, cảnh sát cho biết can phạm 17 tuổi được sinh ra tại Anh và đây không phải là một vụ khủng bố. Cha mẹ của can phạm là di dân đến từ Rwanda.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Yvette Cooper, những kẻ bạo loạn đã dựa vào sự việc ở Southport để “có thêm tự tin... đi kích động sân hận, thù oán chủng tộc” và các cuộc biểu tình không phải là phản ứng đúng đắn với những lo ngại về tình trạng nhập cư hiện nay. Bà nói: “Người lý trí không đi lượm gạch đá phang vào cảnh sát.”
Các cuộc biểu tình vẫn đang xảy ra trên khắp nước Anh, với sự tham gia của khoảng vài trăm người. Hàng quán bị cướp phá, các thánh đường Hồi giáo và cơ sở làm ăn của dân châu Á bị tấn công. Nhiều xe cộ bị đốt phá, và thậm chí còn có một số đoạn clip cho thấy các nhóm người thiểu số đang bị đánh đập. Úc và Nigeria đã cảnh báo công dân của mình về tình hình bạo loạn ở Anh.
Vào tối thứ Hai, các cuộc biểu tình đã lan tới Plymouth, một thành phố ở tây nam nước Anh. Hàng trăm người biểu tình chống nhập cư đụng độ với một nhóm người phản đối còn đông hơn. Cảnh sát phải can thiệp để tách 2 nhóm này ra. Nhóm biểu tình chọi gạch, đá và pháo hoa vào cảnh sát, dẫn đến xô xát và khiến ba cảnh sát viên bị thương.
Ở Rotherham, phía bắc nước Anh, hôm Chủ Nhật, người biểu tình đã cố gắng đột nhập vào một khách sạn nơi đang chứa người xin tị nạn. Thủ tướng Starmer gọi những hành động này là “thói côn đồ cực hữu.” Ông cũng cho biết sẽ khai triển “đội ngũ cảnh sát thường trực” chuyên trách giải quyết các vụ bạo lực. Hội đồng Bắc Ireland quyết định kết thúc kỳ nghỉ hè sớm để bàn bạc về tình hình.
Cảnh sát cho rằng các vụ bạo lực gần đây do thông tin sai lạc trên mạng gây ra. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng khi thông tin sai lạc được lan truyền bởi các nhân vật nổi tiếng, chẳng hạn như Stephen Yaxley-Lennon (Tommy Robinson), từng là kẻ cầm đầu nhóm bài trừ Hồi giáo English Defence League và phát tán nhiều thông tin sai lạc trên mạng xã hội X
Elon Musk, chủ sở hữu của X, cũng đã lên tiếng. Khi phản hồi một bài đăng cho rằng di dân kéo đến ồ ạt và biên giới không được siết chặt là nguyên nhân gây ra tình trạng hỗn loạn ở Anh, Musk bình luận rằng “nội chiến là điều không thể tránh khỏi.”
Phát ngôn viên của Thủ tướng Starmer, cho rằng bình luận của Musk là không hợp lý. Sau đó, Musk cũng chỉ trích Starmer vì đã ra lệnh bảo vệ đặc biệt cho các thánh đường Hồi giáo.
Bộ trưởng Công nghệ Anh, Peter Kyle, đã gặp đại diện của các nền tảng truyền thông xã hội, bao gồm X, để nhắc nhở họ về trách nhiệm của mình trong việc ngăn chặn sự lan truyền của những nội dung thù hằn chủng tộc và kích động bạo lực.