Quận Cam (VB) – Vào chiều Chủ Nhật 7/7/2024, tại hội trường Nhật Báo Người Việt, nhóm Du Ca Nam California đã tổ chức chương trình Du Ca tưởng niệm anh Hoàng Ngọc Tuệ, Nguyên Chủ Tịch Phong Trào Du Ca Việt Nam. Chương trình trở thành buổi tâm tình của nhiều thân hữu, ca nhạc sĩ đã từng quen biết, cùng hoạt động với anh Tuệ từ thập niên 1960s. Đến với chương trình này, khán giả có dịp hiểu rõ hơn sự gắn bó suốt 60 năm của anh Tuệ và phong trào Du Ca, từ những ngày đầu thành lập cho đến khi anh nhắm mắt lìa đời để trở về trong vòng tay của Chúa.
Được biết, trong những ngày cuối đời nằm tại bệnh viện, anh Tuệ yêu cầu gia đình cho mình được nghe nhạc Du Ca. Chỉ mới hai năm trước, khi sức khỏe vẫn còn tương đối, chưa phải nằm một chỗ, anh Tuệ có mời những gương mặt du ca kỳ cựu như trưởng Hoàng Kim Châu và thế hệ tiếp nối như Thiên Hương, Bá Thành đến nhà. Anh dặn dò những việc cần làm để tiếp tục nuôi dưỡng dòng nhạc du ca cho thế hệ trẻ Việt Nam trong nước và hải ngoại. Ở tuổi 90, anh vẫn định hướng, phác thảo kế hoạch hoạch hành động cho phong trào Du Ca với một niềm hăng say, đam mê có lẽ không thua kém cách đây hơn nửa thế kỷ, khi anh đảm nhận vai trò chủ tịch của một phong trào vừa mới thành lập. Điều gì đã khiến cho một người không biết nhiều về âm nhạc như anh lại gắn bó, chung thủy với dòng nhạc Du Ca đến như thế?
Trưởng Hoàng Kim Châu là một trong những thành viên của đoàn Trầm Ca, tiền thân của phong trào Du Ca đã kể lại những kỷ niệm của mình với anh Hoàng Ngọc Tuệ trong những ngày đầu thành lập nhóm Du Ca đầu tiên. Vào khoảng giữa thập niên 1960s, nhóm Trầm Ca gồm 5 người, trong đó có anh Nguyễn Đức Quang, từ Đà Lạt chân ướt chân ráo về đến Sài Gòn. Qua sự giới thiệu của anh Đỗ Ngọc Yến, nhóm đến gặp anh Tuệ, rồi từ đó phác thảo lên ý tưởng thành lập phong trào Du Ca. Căn nhà ở đường Sương Nguyệt Ánh trở thành trụ sở đầu tiên của phong trào. Cho dù chỉ mới gặp gỡ những người bạn trẻ này, anh Tuệ giao luôn garage của mình cho nhóm dùng làm xưởng Du Ca đầu tiên. Nhiều bài hát Du Ca đầu tiên của Nguyễn Đức Quang được sáng tác tại đây. Có thể nói rằng Nguyễn Đức Quang và anh Hoàng Ngọc Tuệ là hai linh hồn của phong trào Du Ca. Một người chuyên sáng tác, trình diễn, hành động, thực hiện công việc đào tạo du ca viên. Một người giữ vai trò lãnh đạo, định hướng phát triển với tầm nhìn chiến lược. Thiếu một trong hai người, phong trào Du Ca sẽ không thể hình thành và tồn tại cho đến ngày hôm nay.
Trong buổi chiều tưởng niệm hôm ấy, chị Hoàng Vĩnh, người bạn đời của anh Hoàng Ngọc Tuệ, lần đầu tiên đã kể trước công chúng về “mối tình du ca” của mình. Chị nhớ vào năm 19 tuổi, chị tham gia phong trào Du Ca, trở thành một trong những thành viên nữ trẻ tuổi nhất của đoàn vào lúc đó. Trong một lần gặp gỡ với ông Chủ Tịch Du Ca Hoàng Ngọc Tuệ, chị đã ngưỡng mộ ngay tài năng và bầu nhiệt huyết của con người này. Bởi vì thế, khi anh Tuệ tỏ tình với cô đoàn sinh trẻ tuổi, chị Vĩnh không có lý do gì để từ chối. Anh Tuệ-chị Vĩnh đã sống hạnh phúc với nhau suốt gần 60 năm trong tình thân Du Ca.
Chị Vĩnh cũng giải thích tầm nhìn của anh Tuệ khi quyết định thành lập Phong Trào Du Ca. Vào thời điểm đó, cuộc chiến tranh bắt đầu leo thang, nhiều người dân Việt trở thành nạn nhân của cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt. Tình hình chính trị của Miền Nam có nhiều biến động. Đất nước bị chi phối bởi các thế lực chính trị bên ngoài. Nhiều thanh niên thời đó bỗng dưng mất định hướng trong cuộc sống, tinh thần hoang mang, không biết phải làm gì. Trong một hoàn cảnh như vậy, Phong Trào Du Ca ra đời để tập hợp thanh niên lại, cùng nhau thực hiện những việc làm có ích cho xã hội, có ý nghĩa cho bản thân, cho cuộc sống. Nhạc Du Ca là những bài hát yêu nước, thương nòi, là phương tiện hữu hiệu để đưa thanh niên lại gần với nhau trong thời buổi chiến tranh. Những nhóm du ca đi đến khắp các nẻo đường Việt Nam, để cùng với người dân hàn gắn lại những đổ vỡ do chiến tranh gây ra: xây lại cây cầu, dựng lại ngôi nhà, cứu trợ cho những nạn nhân của cuộc chiến... Du Ca không chỉ là ca hát, mà là một phong trào mang lại cho thanh niên thời bấy giờ một lý tưởng sống cao quí. Phải hiểu như vậy để thấy tầm nhìn của những người như anh Hoàng Ngọc Tuệ đã ảnh hưởng tích cực như thế nào đến đời sống tinh thần của giới sinh viên học sinh thời bấy giờ. Và cũng sẽ hiểu hơn tại sao anh Tuệ lại gắn bó với phong trào Du Ca trong suốt sáu thập niên của một đời người như vậy.
Cho đến những ngày cuối đời, anh Tuệ vẫn luôn trăn trở với ước mơ nuôi dưỡng và phát triển phong trào Du Ca cho thanh thiếu niên Việt Nam khắp nơi trên thế giới. Trong buổi chiều nhạc Du Ca tưởng niệm anh Tuệ có sự góp mặt của những thành viên Du Ca từ Hòa Lan, Canada, Úc; có sáng tác mới của gương mặt du ca trẻ ở Việt Nam; có tiếng hát của những bạn Du Ca trẻ từ Na Uy…Trong lời nói chia tay vào cuối chương trình, chị Thiên Hương – Trưởng Nhóm Du Ca Nam Cali- đã nhắn nhủ với anh Hoàng Ngọc Tuệ rằng: “Anh Tuệ ơi! Anh yên tâm nhé! Du Ca hiện nay đã có mặt khắp mọi nơi rồi! Đã có người tiếp nối những bước chân Du Ca của anh…”