Khoảng 80 năm trước, ngay sau khi những liều penicillin đầu tiên được sử dụng, vi khuẩn đã bắt đầu tìm cách lẩn tránh, chống lại các loại thuốc kháng sinh (hay trụ sinh, antibiotic). Kể từ đó, cuộc chiến trường kỳ và khốc liệt giữa các loại vi khuẩn nguy hiểm và con người kéo dài đến tận ngày nay. Một nghiên cứu mới chỉ ra rằng, xét về những khía cạnh quan trọng, con người đang yếu thế trong cuộc chiến này.
Christina Yek, bác sĩ chuyên môn nghiên cứu tại Viện Nghiên Cứu Quốc Gia về Dị Ứng và Dịch Tễ Học (National Institute of Allergy and Infectious Diseases, NIAID), thuộc Cơ Quan Nghiên Cứu Sức Khỏe Quốc Gia (National Institutes of Health, NIH), cho biết: “Vi khuẩn kháng thuốc là một đại dịch diễn ra từ từ, chậm rãi, nên ít ai chú ý đến.” Tuy nhiên, chúng ta không nên tiếp tục lơ là, bởi vì tỷ lệ lờn thuốc đang tăng nhanh, còn con người thì thiếu các loại thuốc kháng sinh mới để ứng phó.
Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), vi khuẩn kháng thuốc là một trong những thách thức lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Ước tính mỗi năm, vi khuẩn kháng thuốc giết chết khoảng 5 triệu người trên toàn thế giới. Riêng Hoa Kỳ có hơn 2.8 triệu ca nhiễm các loại vi khuẩn kháng thuốc hàng năm. Khi vi khuẩn trở nên lờn thuốc, việc điều trị sẽ vô cùng khó khăn.
Rick Martinello, bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm và là giám đốc chương trình phòng chống lây nhiễm của Yale Medicine, chia sẻ: “Chúng ta đã từng nói về việc sẽ bước vào thời hậu kháng sinh (post-antibiotic era), khi mà thuốc kháng sinh không còn hiệu quả nữa, nhưng thực tế là chúng ta đã ở trong giai đoạn này rồi. Khi không có kháng sinh, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, thời gian điều trị kéo dài, bệnh tật dai dẳng, hoặc thậm chí là tử vong.”
Số trường hợp bị lây nhiễm trong bệnh viện ngày càng nhiều
Trong đại dịch COVID-19, số người bị nhiễm vi khuẩn kháng thuốc trong bệnh viện đã tăng lên 32%, với tỷ lệ là 38 người trên mỗi 10,000 trường hợp phải vào bệnh viện. Dù tỷ lệ này đã giảm đôi chút sau đại dịch, nhưng vẫn ở mức cao hơn trước đây. Những thông tin này nằm trong báo cáo sơ bộ được trình bày bởi bác sĩ Yek và các nhà nghiên cứu của NIH tại Hội nghị European Society of Clinical Microbiology and Infectious Diseases ở Barcelona, Tây Ban Nha.
Đặc biệt, sự gia tăng lớn nhất xảy ra ở các loại vi khuẩn kháng một nhóm kháng sinh gọi là carbapenems, gồm các vi khuẩn như Acinetobacter baumannii, Pseudomonas aeruginosa và Enterobacterales. Đây là những vi khuẩn gây nhiều ca nhiễm trùng nghiêm trọng trong bệnh viện.
Cơ Quan Kiểm Soát và Phòng Bệnh (CDC) đã cảnh báo về tỷ lệ nhiễm vi khuẩn kháng thuốc cao bất thường trong đại dịch COVID-19. Trong năm đầu tiên của đại dịch, hơn 29,400 người đã chết vì nhiễm vi khuẩn lờn thuốc – gần một nửa các trường hợp này bị lây nhiễm trong bệnh viện. Người ta hy vọng rằng tỷ lệ này sẽ giảm sau đại dịch, nhưng thực tế đáng lo là cho đến nay, tỷ lệ nhiễm vi khuẩn kháng thuốc trong bệnh viện vẫn chưa giảm xuống mức trước đại dịch.
Trong khi đó, sự phát triển của các loại thuốc kháng sinh mới không theo kịp với tình hình. Những năm gần đây, hầu như tất cả các loại thuốc kháng sinh mới được chuẩn thuận đều chỉ là biến thể của các loại thuốc cũ, chứ không có cơ chế hoạt động mới để ứng phó với vi khuẩn kháng thuốc. Tình hình trở nên nghiêm trọng khi vi khuẩn kháng thuốc ngày càng tăng lên, còn chúng ta thì vẫn dậm chân tại chỗ.
Nhóm người có nguy cơ cao nhất
Báo cáo của NIH đã thu thập dữ liệu từ hai triệu trường hợp phải vào bệnh viện trên toàn quốc, từ các công ty bảo hiểm và hệ thống y tế. Các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu nhóm nào là đối tượng dễ bị nhiễm vi khuẩn kháng thuốc nhất. Kết quả cho thấy những người mắc các bệnh mãn tính hoặc các bệnh nặng cấp tính, người gốc Tây Ban Nha, và những người có thu nhập hoặc trình độ học vấn thấp có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn kháng thuốc cao hơn.
Cũng trong hội nghị này, theo một nghiên cứu khác được báo cáo bởi Đại học Duke, trong số những người bị nhiễm Enterobacterales kháng carbapenem ở Hoa Kỳ, phụ nữ gốc da đen có tỷ lệ tử vong cao hơn so với đàn ông hoặc phụ nữ gốc da trắng. Họ thường mắc các bệnh về mạch máu hoặc thận trước khi phải vào bệnh viện.
Dù là bị lây nhiễm ở đâu, vi khuẩn lờn thuốc đều đáng lo ngại, nhưng các loại vi khuẩn trong bệnh viện là đặc biệt nguy hiểm. Những vi khuẩn này thường có khả năng gây bệnh mạnh và có thể kháng nhiều loại thuốc kháng sinh, nên bệnh tình sẽ nghiêm trọng hơn và cũng khó điều trị hơn.
Hơn nữa, bác sĩ Yek giải thích rằng vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể bệnh nhân thông qua các phương pháp can thiệp y tế trong bệnh viện, chẳng hạn như ống catheters, đường truyền tĩnh mạch (intravenous lines) và/hoặc các vết mổ phẫu thuật.
Các yếu tố nguy cơ (risk factors) khác làm tăng khả năng bị nhiễm vi khuẩn kháng thuốc là nằm viện lâu và đã sử dụng kháng sinh trong ba tháng gần đây, theo một bài đánh giá được đăng trên tạp chí Cureus.
Lạm dụng kháng sinh trong y học và nông nghiệp
Từ lâu, các khoa học gia đã nhận thấy rằng tình trạng lờn thuốc lan rộng là do kháng sinh bị sử dụng bừa bãi và quá độ, nhưng chỉ bấy nhiêu vẫn chưa đủ để thay đổi tình hình.
Ngoài y tế, kháng sinh còn được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi và trồng trọt. Thí dụ, thuốc kháng sinh thường được sử dụng làm chất kích thích tăng trưởng cho gà và bò; hay người ta cũng mang đi phun lên các loại cây trồng như lê và táo để phòng trừ sâu bệnh.
Khi tiếp xúc với thuốc kháng sinh, dĩ nhiên sẽ có nhiều vi khuẩn và nấm bị tiêu diệt; nhưng phần “tàn dư” còn sót lại có thể phát triển cơ chế chống lại thuốc. Những “tàn dư” này không chỉ sống sót mà còn sinh sôi và truyền đặc tính kháng thuốc cho các vi khuẩn khác. Dần dà, một số vi khuẩn tích tụ được nhiều gen kháng thuốc với nhiều loại kháng sinh, gọi là vi khuẩn đa kháng sinh và rất khó điều trị.
Theo bác sĩ Yak, trong những tình huống như vậy, bệnh nhân thường được điều trị bằng nhiều loại kháng sinh cùng lúc với hy vọng sẽ có sự phối hợp hiệu quả. Nhưng nhìn chung, họ khó có thể khỏi bệnh và có nhiều người trong số đó đã tử vong.
Kết hợp các loại thuốc đôi khi có thể hữu hiệu trong một số trường hợp. Thí dụ, thêm kháng sinh avibactam vào điều trị cùng với ceftazidime sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị vi khuẩn P. aeruginosa từ 65% lên 94%.
Giảm thiểu sử dụng kháng sinh nếu không cần thiết
Các khoa học gia vẫn đang nghiên cứu để tìm ra những loại thuốc kháng sinh mới. Một nhóm nghiên cứu tại Viện Công Nghệ Massachusetts (MIT) đã tìm ra cách mới để can thiệp vào một enzyme của vi khuẩn; nếu thành công có thể sẽ tạo ra một nhóm kháng sinh hoàn toàn mới. Ngoài ra, cũng có một số nhà nghiên cứu khác đang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tìm ra các liệu pháp tiềm năng.
Trong khi đó, nhiều bệnh viện đã áp dụng các quy trình giúp giảm thiểu tình trạng lây nhiễm vi khuẩn kháng thuốc. Các biện pháp này bao gồm vệ sinh tay đúng cách, khử trùng máy móc, thiết bị và giữ gìn môi trường bệnh viện sạch sẽ. Một trong những biện pháp quan trọng là giảm thời gian sử dụng kháng sinh khi bệnh nhân nằm viện, nếu có thể. Việc này có thể giúp rút ngắn thời gian nằm viện mà không tăng nguy cơ tử vong.
Bác sĩ trong các phòng khám cộng đồng cũng cần tránh kê toa thuốc kháng sinh nếu không cần thiết. Đôi khi có một số bệnh nhân xin được kê toa thuốc kháng sinh vì họ nghĩ sẽ giúp họ mau khỏe lại.
Thuốc kháng sinh không có hiệu quả đối với tất cả các loại bệnh. Chẳng hạn như viêm xoang (sinusitis) có thể do dị ứng gây ra và bệnh cúm là do virus gây ra. Cả hai tình trạng này đều không cải thiện khi dùng thuốc kháng sinh, vì thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng đối với vi khuẩn, không phải virus hay dị ứng.
Nếu quý vị bị bệnh do nhiễm vi khuẩn mà được kê đơn thuốc kháng sinh phổ rộng (broad-spectrum antibiotic), hãy thử hỏi bác sĩ xem có loại thuốc nào khác nhắm mục tiêu cụ thể hơn và hiệu quả hơn không. Bởi vì sử dụng thuốc kháng sinh phổ rộng bừa bãi cũng có thể làm tăng nguy cơ kháng thuốc.
Bác sĩ Martinello khuyến khích mọi người mua và sử dụng thực phẩm hữu cơ, cũng như buộc các công ty thực phẩm bớt xài kháng sinh trong chăn nuôi và nông nghiệp. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta cần tôn trọng kháng sinh, và nhận thức rằng cứ lạm dụng thuốc bừa bãi thì chắc chắn sẽ có lúc bị lờn thuốc.”
Nguồn: “Are we in a post antibiotic era?” được đăng trên trang Nationalgeographic.com.
Gửi ý kiến của bạn