
BRUSSELS – Hôm thứ Tư (26/6), Ba Lan và 3 quốc gia Baltic là Lithuania, Latvia và Estonia, đã kêu gọi Liên Minh Châu Âu (EU) xây dựng một tuyến phòng thủ dọc theo biên giới của khối EU với Nga và Belarus để bảo vệ EU khỏi các mối đe dọa quân sự và các hoạt động nguy hiểm khác từ Moscow, theo Reuters.
Trong một bức thư gửi Chủ tịch EU, sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị ở Brussels vào thứ Năm (27/6), các nhà lãnh đạo của 4 quốc gia có đường biên giới giáp ranh với Nga và Belarus cho biết kế hoạch này nhằm bảo vệ 450 triệu dân của 27 quốc gia thành viên EU, và sẽ cần có sự hỗ trợ tài chính từ tất cả các thành viên.
Trong thư có viết: “Việc xây dựng một hệ thống phòng thủ dọc theo biên giới của các thành viên EU giáp ranh trực tiếp với Nga và Belarus sẽ đáp ứng nhu cầu vô cùng cấp bách là bảo vệ EU khỏi các mối đe dọa quân sự và các mối đe dọa hỗn hợp.”
Mối đe dọa hỗn hợp (hybrid threat) là thuật ngữ dùng để chỉ các mối đe dọa kết hợp giữa các biện pháp quân sự và phi quân sự, vùng với các hoạt động công khai và bí mật, thí dụ như thông tin sai lạc, tấn công mạng, áp lực kinh tế và đẩy di dân qua biên giới.
“Quy mô và chi phí của nỗ lực chung này đòi hỏi sự hỗ trợ đặc biệt từ tất cả các thành viên EU, về cả chính trị lẫn tài chính,” bức thư viết. Một số nhà ngoại giao EU ước tính chi phí xây dựng một tuyến phòng thủ như vậy dọc theo biên giới dài 700 km của EU với Nga và Belarus rơi vào khoảng 2.5 tỷ euro (2.67 tỷ MK).
Việc đầu tư và cách tài trợ cho quốc phòng của EU sẽ là một trong những chủ đề chính được thảo luận tại buổi hội nghị vào thứ Năm, khi cuộc chiến Nga-Ukraine đã bước sang năm thứ ba, gây ra nhiều căng thẳng và đe dọa an ninh trong khu vực.
Trước lời kêu gọi xây dựng tuyến phòng thủ chung ở biên giới phía đông của EU, Hy Lạp và Ba Lan cũng đã đưa ra sáng kiến về một hệ thống phòng không chung cho liên minh, mô phỏng theo hệ thống Iron Dome của Israel, nhằm phối hợp các hệ thống phòng không hiện tại của các quốc gia EU.
Bức thư của 4 quốc gia cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có một phương án phòng thủ chặt chẽ và toàn diện ở biên giới phía đông EU, bao gồm cả các biện pháp quân sự và phi quân sự. Các biện pháp đó cần được lên kế hoạch và triển khai với sự phối hợp của NATO, đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn về quân sự của khối.