
Hoa Kỳ đang nỗ lực thuyết phục các đồng minh là Hà Lan và Nhật Bản cùng ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ sản xuất chip tiên tiến để sử dụng cho mục đích hiện đại hóa quân đội của Bắc Kinh. (Nguồn: pixabay.com)
HOA KỲ – Hôm thứ Ba (18/6), một viên chức Hoa Kỳ đã tới Nhật Bản sau cuộc gặp với chính phủ Hòa Lan, nhằm nỗ lực thuyết phục các đồng minh tăng cường các biện pháp ngăn chặn khả năng sản xuất chất bán dẫn tiên tiến của TQ, theo Reuters.
Thứ trưởng Bộ Thương Mại về Công Nghiệp và An Ninh Alan Estevez đang cố gắng mở rộng thỏa thuận năm 2023 giữa Hoa Kỳ, Hòa Lan và Nhật Bản, trong việc hạn chế xuất cảng trang thiết bị sản xuất chip cho TQ. Mục tiêu chính của thỏa thuận này là ngăn chặn TQ có được các thiết bị sản xuất chip tiên tiến để hiện đại hóa quân đội.
Năm 2022, Hoa Kỳ đã áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt đầu tiên về việc xuất cảng chip tiên tiến và thiết bị sản xuất chip sang TQ. Những hạn chế này ảnh hưởng đến các công ty công nghệ của Hoa Kỳ như Nvidia và Lam Research, hai công ty có trụ sở tại California. Nvidia chuyên sản xuất chip tiên tiến, còn Lam Research cung cấp thiết bị sản xuất chip.
Tháng 7/2023, tuân theo chính sách của Hoa Kỳ, Nhật Bản, quê hương của các hãng thiết bị sản xuất chip nổi tiếng như Nikon Corp và Tokyo Electron, đã hạn chế xuất cảng 23 loại thiết bị, từ máy phủ màng lên tấm wafer silicon cho đến thiết bị khắc các mạch vi mô.
Sau đó, chính phủ Hòa Lan bắt đầu siết việc xuất cảng các thiết bị DUV (Deep Ultra Violet) của ASML sang TQ. Hoa Kỳ cũng đã áp đặt các hạn chế bổ sung đối với việc xuất cảng các máy DUV của ASML đến TQ, với lý do các máy móc này có chứa các bộ phận và công nghệ của Hoa Kỳ.
Washington đang đàm phán với các đồng minh về việc bổ sung thêm 11 nhà máy sản xuất chip TQ vào danh sách cấm. Hiện nay, danh sách này đã có tên 5 nhà máy, bao gồm cả SMIC, công ty sản xuất chip lớn nhất của TQ. Hoa Kỳ cũng đang muốn siết thêm các thiết bị sản xuất chip khác.
Hồi tháng 4, các viên chức Hoa Kỳ đã đến Hòa Lan để thuyết phục công ty ASML ngừng cung cấp dịch vụ bảo trì và sửa chữa cho một số thiết bị đang hoạt động tại TQ. Theo các quy định của Hoa Kỳ, các công ty Hoa Kỳ cũng bị cấm cung cấp dịch vụ bảo trì và sửa chữa cho các thiết bị sản xuất chip tiên tiến tại các nhà máy ở TQ. Nhưng các hợp đồng cung cấp dịch vụ của ASML với các nhà máy ở TQ vẫn đang có hiệu lực, và chính phủ Hòa Lan không có đủ thẩm quyền để buộc ASML hủy bỏ hợp đồng với các công ty ở TQ.
Năm ngoái, Huawei, một công ty viễn thông lớn của TQ, đã ra mắt chiếc điện thoại Mate 60 Pro, được trang bị chip tiên tiến. Đây được coi là biểu tượng cho “sự hồi sinh” công nghệ của TQ, bất chấp những nỗ lực của Hoa Kỳ.