
BRUSSELS – Hôm thứ Hai (10/6), sau khi cuộc bầu cử kéo dài 4 ngày ở EU kết thúc vào Chủ nhật, Nghị Viện Châu Âu (European Parliament, EP) đang nghiêng về phía cánh hữu với nhiều DB theo chủ nghĩa dân tộc (nationalists) hoài nghi về Liên minh Châu Âu (Eurosceptic) hơn, và ít DB theo chủ nghĩa tự do và Đảng Xanh (Greens) dòng chính hơn, theo Reuters.
Vai trò quan trọng nhất của EP là xem xét và phê duyệt các luật mới. Thông thường, Nghị Viện Châu Âu (EP) sẽ đề nghị các điều chỉnh cho những luật này. Sau đó, EP và chính phủ các quốc gia Châu Âu sẽ cùng thảo luận và đồng ý với nhau, để các quy định hoặc chỉ thị mới của Liên minh Châu Âu (EU) có hiệu lực.
EP cũng sẽ cần chuẩn thuận người đảm nhiệm vị trí chủ tịch Hội Đồng Âu Châu (European Commission, EC) cùng 26 ủy viên khác trong nhiệm kỳ mới sắp tới. Sự thắng thế của cánh hữu có thể sẽ ảnh hưởng đến một loạt các chính sách quan trọng trong nhiều lĩnh vực trong nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo.
KHÍ HẬU
5 năm tới sẽ là khoản thời gian rất quan trọng, Châu Âu cần nỗ lực để đạt được các mục tiêu về biến đổi khí hậu vào năm 2030. Trong 5 năm qua, EU đã thông qua nhiều luật về năng lượng sạch và cắt giảm CO2 nhằm đạt được các mục tiêu năm 2030. Những chính sách này rất khó để thay đổi.
Tuy nhiên, nếu Nghị Viện Châu Âu mới hoài nghi về vấn đề biến đổi khí hậu, họ có thể tạo ra những kẽ hở để làm suy yếu các luật này, vì có nhiều luật sẽ được xem xét lại trong vài năm tới – trong đó có chính sách hạn chế xe hơi mới chạy bằng động cơ đốt trong vào năm 2035. Điều này vấp phải sự chỉ trích trong chiến dịch bầu cử ở EU, bao gồm cả các nhà lập pháp trong nhóm chính trị trung hữu của von der Leyen.
Nghị Viện cũng sẽ đàm phán với các quốc gia EU về một mục tiêu cắt giảm khí thải mới, có tính ràng buộc pháp lý, vào năm 2040. Mục tiêu này sẽ định hình cho một loạt các chính sách trong tương lai để giảm khí phát thải vào những năm 2030 ở mọi lĩnh vực, từ nông nghiệp, sản xuất đến giao thông.
QUỐC PHÒNG, UKRAINE
Các chính sách về ngoại giao và quốc phòng chủ yếu do các quốc gia thành viên EU quyết định, nên kết quả bầu cử EP sẽ không ảnh hưởng ngay lập tức đến việc Châu Âu hỗ trợ cho Ukraine hoặc các vấn đề quân sự.
Tuy nhiên, Nghị Viện Châu Âu sẽ đóng vai trò trong việc thúc đẩy các quốc gia và công ty EU hợp tác trong các dự án quốc phòng, và khuyến khích các chính phủ mua sắm thêm trang thiết bị quân sự từ Châu Âu. Chương trình Công Nghiệp Quốc Phòng (Defence Industrial Programme) của Hội Đồng Châu Âu (EC), nhằm hiện thực hóa những mục tiêu trên, cần có sự chấp thuận từ cả các quốc gia EU và Nghị Viện Châu Âu.
Nếu có nhiều đảng phản đối sự kết hợp chặt chẽ hơn của các quốc gia EU, việc thực hiện các kế hoạch hợp tác quốc phòng sẽ trở nên khó khăn hơn. Tương tự, để các kế hoạch của EC thực sự có ảnh hưởng, họ sẽ cần có ngân sách dài hạn từ EU, và điều này cũng phải được Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn.
THƯƠNG MẠI
Vai trò chính của Nghị Viện Châu Âu (EP) trong chính sách thương mại của EU là phê duyệt các thỏa ước mậu dịch tự do. EP không tham gia trực tiếp vào việc bảo vệ mậu dịch, chẳng hạn như áp đặt thuế quan.
Hội Đồng Châu Âu (EC) và một số nhà lãnh đạo Châu Âu cho rằng EU cần nhiều hiệp ước mậu dịch hơn với các đối tác đáng tin cậy để bù đắp cho những tổn thất trong các hoạt động kinh doanh với Nga và giảm sự phụ thuộc vào TQ.
Một số hiệp ước mậu dịch vẫn đang chờ được chuẩn thuận, chẳng hạn như hiệp ước với Mexico và khối Mercosur ở Nam Hoa Kỳ. EC cũng đang tìm cách ký kết thêm các thỏa ước với các quốc gia như Australia.
Tất cả những thỏa ước đó, đặc biệt là thỏa ước Mercosur, đang vấp phải sự phản đối, và sẽ càng khó được thông qua bởi Nghị Viện mới hơn khi có nhiều DB theo chủ nghĩa dân tộc và hoài nghi về Liên minh Châu Âu (nationalist eurosceptics, chỉ những người vừa ủng hộ chủ nghĩa dân tộc, vừa hoài nghi các cơ quan và chính sách chung của EU. Họ thường cảm thấy rằng EU can thiệp quá nhiều vào các vấn đề nội bộ của quốc gia, và muốn giảm bớt hoặc chấm dứt sự tham gia của quốc gia họ trong EU).
QUAN HỆ VỚI TQ, HOA KỲ
Hội Đồng Châu Âu cho rằng EU cần thể hiện lập trường đồng lòng trước các đối thủ lớn như TQ và Hoa Kỳ, đặc biệt nếu cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Tòa Bạch Ốc.
Liên Minh Châu Âu cũng cần một chiến lược công nghiệp rõ ràng và chắc chắn hơn để giữ vững vị thế là một cơ sở công nghiệp chính cho các sản phẩm xanh và kỹ thuật số, khi các đối thủ như TQ và Hoa Kỳ đã và đang đầu tư rất nhiều để hỗ trợ cho ngành công nghiệp của họ.
Các nhà phê bình cho rằng các đảng cánh hữu theo chủ nghĩa dân tộc muốn giảm bớt sự hợp tác và đồng lòng giữa các quốc gia thành viên EU, và điều này sẽ khiến EU khó đối mặt với những thách thức trên.
MỞ RỘNG, CẢI CÁCH
EU cần phải cải cách chính sách nông nghiệp và cách hỗ trợ các thành viên của mình để làm cho mức sống đồng đều hơn trước khi tiếp nhận thêm các quốc gia mới, đặc biệt là các quốc gia như Ukraine. Hiện nay, hệ thống chuyển tiền hỗ trợ giữa các quốc gia thành viên EU bị coi là quá tốn kém.
Để kết nạp thêm các thành viên mới – như Ukraine, Moldova và các nước Tây Balkan – EU cũng sẽ cần thay đổi cách đưa ra quyết định, giảm bớt yêu cầu phải có sự đồng thuận hoàn toàn, bởi vì điều này sẽ ngày càng khó đạt được.
Nếu những cải cách này được đưa ra trong 5 năm tới, Nghị Viện Châu Âu sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các thay đổi. Và tiếng nói của phe cánh hữu cực đoan, vốn phản đối sự kết hợp chặt chẽ hơn của các quốc gia thành viên EU, cũng sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến quá trình cải cách.