Có bao giờ bạn cảm giác điện thoại di động của mình đang nghe lén và điều chỉnh quảng cáo dựa trên những gì bạn nói chưa? Bạn không phải là người duy nhất. Tin này đã lan truyền trong nhiều năm qua - nhưng cho đến nay, vẫn chưa có ai có thể chứng minh điều này là có thật.
Vậy việc điện thoại di động "lắng nghe" chúng ta liệu có phải là sự thật? Ý muốn nghe nội dung những cuộc đàm thoại của bạn khi bạn ở gần điện thoại để điều chỉnh quảng cáo thì hẳn đã tồn tại từ lâu.
Cách đây mười năm, công ty Amazon Technologies đã nộp đơn đăng ký bằng sáng chế cho một công nghệ có khả năng "nghe" từ khóa và điều chỉnh quảng cáo tương ứng. Công ty mô tả công nghệ này bằng một ví dụ: hai người đang trò chuyện về kỳ nghỉ của họ, sau đó họ nhận được quảng cáo dựa trên nội dung cuộc trò chuyện đó.
Ba năm sau đó, Facebook cũng nộp đơn đăng ký bằng sáng chế để sử dụng ứng dụng trên điện thoại di động để thu thập thông tin về người dùng - với mục đích điều chỉnh quảng cáo. Cùng năm đó, Đại học California cũng nộp đơn đăng ký bằng sáng chế một ứng dụng, được gọi là gia tốc kế, có thể được sử dụng để "nghe" từ khóa.
Những người muốn "nghe trộm" cuộc trò chuyện xung quanh điện thoại di động không cần phải sử dụng micrô của thiết bị mà có thể sử dụng hai ứng dụng khác, ngoài gia tốc kế còn có một thứ gọi là con quay hồi chuyển*.
*Con quay hồi chuyển là một thuật ngữ tương đối phổ biến hiện nay, thường được gọi là “gyroscope sensor”. Đây là một thiết bị được thiết kế để đo và xác định góc quay hoặc thay đổi góc quay. Kết hợp với các cảm biến khác như GPS và gia tốc kế, cảm biến này chuyển dữ liệu về hướng và góc xoay của điện thoại.
Theo nghiên cứu, tín hiệu từ hai cảm biến này, ít nhất trong lý thuyết, có thể được chuyển thành văn bản để nhận biết từ khóa được nói bởi những người nói chuyện gần điện thoại.
Vậy các ứng dụng có đang nghe lén chúng ta không?
Stefan Alfredsson, giảng viên cao cấp về khoa học máy tính tại Đại học Karlstad, Thụy điển, cũng đã trải nghiệm qua những kinh nghiệm tạo sự ngờ vực giữa các cú điện thoại và quảng cáo. Nhưng theo ông không có bằng chứng nào cho thấy điện thoại di động đang nghe lén cuộc trò chuyện của chúng ta thông qua các ứng dụng đã được cài đặt.
Vậy rõ ràng là không có bằng chứng nào cho thấy điện thoại di động đang nghe lén các cuộc đàm thoại của chúng ta thông qua các ứng dụng đã được cài đặt. Nhưng chúng ta vẫn biết rằng qua điện thoại di động chúng ta đã bị nghe lén. Ví dụ điển hình nhất là phần mềm Pegasus, được một công ty Israel bán cho một số quốc gia. Các quốc gia độc tài đã dùng nó để theo dõi các nhà báo, các nhà hoạt động nhân quyền và chính trị gia đối lập.
Cuối năm ngoái, công ty tiếp thị CMG Local Solutions đã đăng trên blog một bài nói về công nghệ ”lắng nghe tích cực”. Họ tuyên bố rằng họ có thể nghe được các cuộc đối thoại qua điện thoại di động và sử dụng thông tin này để điều chỉnh hoạt động tiếp thị cho các doanh nghiệp.
Phương pháp này bao gồm việc xác định các từ khóa mà một công ty quan tâm và sau đó sử dụng AI để xác định các từ trong các cuộc trò chuyện. Khi bài viết được chú ý, họ đã xóa nó đi. Nhưng vào cuối tháng 1, công ty đã đăng một bài khác, lần này là về hoạt động tiếp thị cho các đại lý ô tô. Đây là cách họ mô tả dịch vụ:
”Công nghệ ’lắng nghe tích cực’ ghi lại những gì mọi người nói ở gần thiết bị di động của họ, đưa nó vào quảng cáo của bạn và gửi trực tiếp đến màn hình, nơi mọi người dành nhiều thời gian nhất”
Chính xác việc này sẽ được thực hiện như thế nào cũng như liệu dịch vụ này có thực sự được sử dụng hay không vẫn chưa biết rõ. Nhưng câu hỏi ở đây là liệu người chủ điện thoại di động có biết mình đang bị nghe lén hay không.
Theo Stefan Alfredsson, để thực hiện điều mà công ty mô tả trong quảng cáo của mình, bạn cần phải có một bộ vi xử lý đủ mạnh để làm được điều đó ngay trên chính thiết bị. Hoặc bạn cần gửi một luồng âm thanh liên tục đến máy chủ để nhận dạng văn bản. Điều này sẽ được phát hiện dễ dàng vì pin sẽ hết rất nhanh.
Một cách nghe lén như vậy cũng có thể được phát hiện thông qua việc kiểm tra hoạt động của các ứng dụng. Ví dụ, trên Iphone có một tính năng giúp người dùng kiểm soát và theo dõi việc các ứng dụng truy cập và sử dụng dữ liệu của họ. Tính năng này giúp người dùng hiểu rõ hơn về quyền truy cập vào các chức năng và hoạt động mạng của các ứng dụng. Nhờ vậy, người dùng có thể kiểm soát được những gì diễn ra trên điện thoại của họ.
”Mặc dù một công ty nào đó có thể sử dụng một thuật toán để phát hiện ra một số từ khóa, điều này vẫn đòi hỏi microphon phải hoạt động và thu thập âm thanh một cách liên tục để thực hiện sự phân tích không gián đoạn của luồng âm thanh”, Stefan Alfredsson cho biết.
Nhưng nếu điện thoại của bạn không nghe lén bạn, thì tại sao bạn nhận được những quảng cáo theo những gì bạn nói?
Một cách giải thích là những thông tin về bạn có thể được liên kết từ điện thoại của bạn qua những nơi bạn đang ở hay đã từng đi qua. Thêm vào đó khi bạn truy cập trang web, mua sắm online hoặc tham gia các nhóm trên mạng xã hội, các công ty có thể thu thập dữ liệu của bạn để phân tích. Dữ liệu này sau đó có thể được sử dụng để tùy chỉnh quảng cáo trên ứng dụng di động của bạn theo sở thích cá nhân.
Khi bạn mở trang web hoặc email, thường có một hình rất nhỏ bạn không thể nhìn thấy được, có thể gọi hình ảnh này là một pixel theo dõi, chính pixel theo dõi này gửi thông tin của bạn tới một bên thứ ba như một nhà quảng cáo hoặc nền tảng phân tích. Thông tin này có thể bao gồm các hoạt động của bạn trên trang web, địa chỉ IP và thiết bị bạn đang sử dụng.
”Đó là một quá trình liên tục. Hiện nay cái mới chính là sự phân tích dữ liệu có thể được thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo (AI), cho phép kết nối lịch sử duyệt web và lịch sử mua sắm. Người quan sát thấy bạn mua tã em bé không chỉ có thể suy luận rằng bạn có con nhỏ, mà còn có thể dự đoán rằng trong mười năm bạn sẽ có một đứa trẻ mười tuổi”, Stefan Alfredsson nói.
Vài năm trước, hai nhà nghiên cứu từ Đại học Công nghệ Berlin đã công bố một nghiên cứu có tựa đề: "Điện thoại của tôi có đang nghe lén tôi không?" Sau khi xem xét các lập luận cả ủng hộ cũng như chống lại, họ kết luận rằng không thể loại trừ khả năng việc nghe trộm có thể xảy ra mà không bị phát hiện.
"Với tư cách là các nhà nghiên cứu, chúng tôi muốn cẩn thận một chút. Chúng tôi không tìm thấy bất kỳ điều gì cho thấy điều này, nhưng chúng tôi không thể khẳng định rằng nó không tồn tại. Tuy nhiên, có rất nhiều nghiên cứu về an ninh mạng và cho đến nay, và vẫn chưa có ai tìm thấy bằng chứng," họ nói.
Sau đây là cách bạn có thể bảo vệ mình khỏi việc bị nghe lén:
- Nếu bạn lo rằng điện thoại bạn có thể đang nghe lén thông qua micro, bạn có thể vào cài đặt và tắt quyền truy cập vào micro cho các ứng dụng mà bạn nghi ngờ.
- Nếu bạn muốn bảo đảm rằng điện thoại không nghe lén, có thể thông qua các cảm biến khác hoặc thông qua một chương trình đã được cài đặt, đơn giản là bạn tránh xa điện thoại.