Theo thông báo từ Cơ Quan Điều Tra Môi Trường (Environmental Investigation Agency, EIA) tại London, một lượng lớn chất cấm gây hại cho khí hậu đang được ‘tuồn’ lậu vào Châu Âu từ Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, theo Reuters.
Hydrofluorocarbons (HFCs) là các loại hóa chất được sử dụng chủ yếu để làm lạnh trong công nghiệp và bán lẻ. HFCs không gây hại cho tầng Ozone bằng các loại chất làm lạnh khác đã bị cấm. Tuy nhiên, đó lại là các loại khí có thể gây phát thải nhà kính mạnh hơn hàng ngàn lần so với khí carbon dioxide.
Sau cuộc điều tra bí mật kéo dài 2 năm, EIA cho biết, dù đã cam kết giảm sử dụng HFCs, các cơ quan thực thi pháp luật trên toàn Liên Minh Châu Âu đang gặp khó khăn trong việc theo dõi các lô hàng buôn lậu tuồn vào Châu Âu từ Thổ Nhĩ Kỳ, Nga hoặc Ukraine, bởi chiêu trò của bọn buôn lậu ngày càng tinh vi khó lường.
Fin Walravens, một nhà vận động cao cấp của EIA cho biết: “Việc mua bán các chất HFCs bất hợp pháp ở thị trường Châu Âu vẫn còn khá dễ dàng. Nhiều dấu hiệu cho thấy các con buôn chợ đen đang đổi cách thức giao dịch và ngày càng nhạy bén hơn để tránh bị bắt. Những kẻ buôn lậu đang đưa vào thị trường các loại khí gây ô nhiễm nhất, độc hại nhất vì lợi nhuận béo bở.”
Là một phần của Bản Sửa Đổi Kigali (Kigali Amendment) được ký kết năm 2016 cho Thỏa Thuận Montreal Protocol, Châu Âu và các quốc gia công nghiệp khác đã cam kết cắt giảm 85% việc sử dụng HFCs từ năm 2012 đến năm 2036. Để đạt được mục tiêu này, các nhà sản xuất và người tiêu dùng HFC sẽ thực thi theo các mức hạn ngạch giảm dần theo thời gian.
Nhưng với tình hình nhu cầu vẫn còn mạnh mẽ, quy định cắt giảm dần HFCs đã đẩy giá cả các chất này lên cao. Điều này khiến các tay buôn lậu nổi lòng tham muốn thừa dịp kiếm lợi nhuận cao hơn. Và nhiều trong số đó là những con buôn có giấy phép hẳn hoi.
Một cuộc điều tra của EIA năm 2021 cho thấy HFCs bất hợp pháp được nhập lậu vào Châu Âu có thể chiếm tới 20-30% khối lượng giao dịch hợp pháp, tương đương tới 30 triệu tấn CO2.
Trung Quốc là nước sản xuất HFCs lớn nhất thế giới. Trong năm nay, có 39 nhà sản xuất được cấp phép sản xuất số lượng HFCs tương đương 185 triệu tấn CO2. Tháng 12 năm ngoái, TQ đã ban hành các quy định mới nhằm trừng phạt các công ty sản xuất vượt quá mức cho phép.
Ian Rae từ Đại Học Melbourne, từng là cố vấn kỹ thuật của Thỏa Thuận Montreal Protocol, cho biết ngay cả khi có sẵn các sản phẩm thay thế, việc áp dụng các biện pháp để loại bỏ các hóa chất độc hại này vẫn là một thách thức lớn, vì một số chính phủ “không muốn hoặc muốn cũng không có khả năng.”
Ông nói thêm: “Luôn có một số người vẫn muốn sử dụng các loại sản phẩm cũ mà họ đã quen thuộc và không muốn đổi sang cái mới, có thể là vì cái mới mắc tiền hơn cái cũ.”