Tòa Bạch Ốc đã chỉ đạo NASA thiết lập một tiêu chuẩn thời gian thống nhất cho Mặt Trăng và các hành tinh khác trong thái dương hệ. Trong tình hình ngày càng có nhiều quốc gia và công ty tư nhân tham gia vào cuộc đua khám phá Mặt Trăng, Hoa Kỳ đang muốn thiết lập các quy chuẩn quốc tế cho những hoạt động trong không gian vũ trụ, theo Reuters.
Giám đốc Phòng Chính Sách Khoa Học và Công Nghệ (Office of Science and Technology Policy, OSTP) của Tòa Bạch Ốc đã chỉ đạo Cơ quan không gian Hoa Kỳ (NASA) làm việc với các bộ phận khác của chính phủ để đưa ra một kế hoạch vào cuối năm 2026, nhằm thiết lập chuẩn thời gian chung trên Mặt Trăng, được gọi là Giờ Phối Hợp Mặt Trăng (Coordinated Lunar Time, LTC).
Khác biệt về lực hấp dẫn và các yếu tố khác trên Mặt Trăng cũng như các hành tinh khác làm thay đổi cách thời gian trôi qua so với trên Trái Đất. Cùng với các quy chuẩn khác, giờ LTC sẽ cung cấp một tiêu chuẩn chung để đảm bảo rằng các tàu vũ trụ và vệ tinh có thể hoạt động một cách chính xác và hiệu quả trên Mặt Trăng.
Kevin Coggins, giám đốc điều hướng và liên lạc không gian của NASA, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Cùng một chiếc đồng hồ mà chúng ta sử dụng trên Trái Đất, nếu được mang lên Mặt Trăng sẽ hiển thị thời gian khác biệt.”
Theo ghi chú của giám đốc OSTP Arati Prabhakar, nếu mang một chiếc đồng hồ từ Trái Đất lên Mặt Trăng, ta sẽ nhận thấy đồng hồ chạy chậm hơn so với khi đang ở Trái Đất, mất trung bình khoảng 58.7 micro giây mỗi ngày trên Trái Đất. Cùng với những biến đổi định kỳ khác, thời gian trên Mặt Trăng sẽ lệch khá nhiều so với thời gian trên Trái Đất.
Coggins giải thích: “Hãy nghĩ đến những chiếc đồng hồ nguyên tử tại Đài Naval Observatory (ở Washington). Đó là nhịp tim của quốc gia, giúp đồng bộ hóa mọi thứ. Chúng ta cũng sẽ có nhịp tim trên Mặt Trăng.”
Theo Sứ mệnh Artemis, NASA đang đặt mục tiêu đưa các sứ mệnh phi hành gia lên Mặt Trăng trong những năm tới, và thiết lập một căn cứ khoa học trên Mặt Trăng, từ đó tạo tiền đề cho các sứ mệnh tới Sao Hỏa trong tương lai.
Một viên chức OSTP cho biết nếu không có một chuẩn thời gian thống nhất trên Mặt Trăng, sẽ rất khó đảm bảo an toàn trong việc truyền dữ liệu giữa các tàu vũ trụ; và việc đồng bộ hóa thông tin liên lạc giữa Trái đất, các vệ tinh, căn cứ và phi hành gia trên Mặt Trăng cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Sự khác biệt về thời gian cũng có thể dẫn đến những sai sót trong việc lập bản đồ và xác định các vị trí trên Mặt Trăng hoặc trong quỹ đạo Mặt Trăng.
Thời gian trên Trái Đất thường được dựa trên Giờ Phối Hợp Quốc Tế (Coordinated Universal Time), hay gọi tắt là UTC. Đây là một tiêu chuẩn được quốc tế công nhận và được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới. Tiêu chuẩn này dựa trên một mạng lưới lớn của các đồng hồ nguyên tử được đặt tại nhiều địa điểm khác nhau trên thế giới. Các đồng hồ nguyên tử sẽ đo lường các thay đổi trong trạng thái của nguyên tử, và tạo ra một giá trị trung bình, rồi cuối cùng tạo ra thời gian chính xác.
Theo viên chức OSTP, có thể sẽ cần phải triển khai các đồng hồ nguyên tử trên bề mặt Mặt Trăng. Khi các hoạt động thương mại trên Mặt Trăng trở nên phổ biến, việc có một chuẩn thời gian chung sẽ giúp các hoạt động được điều phối một cách hiệu quả, đảm bảo độ tin cậy của các giao dịch và kiểm soát vấn đề hậu cần của hoạt động thương mại trên Mặt Trăng.
Hồi tháng 1, NASA cho biết đã lên kế hoạch cho một chuyến bay đưa 4 phi hành gia bay vòng quanh Mặt Trăng và trở lại Trái Đất, dự kiến diễn ra vào tháng 9/2025, sau đó là đưa phi hành gia hạ cánh xuống Mặt Trăng vào tháng 9/2026, lần đầu tiên kể từ Sứ mệnh Apollo vào những năm 1970.
Dù Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất từng đưa phi hành gia lên Mặt Trăng, các quốc gia khác cũng đang nuôi tham vọng chinh phục Mặt Trăng. Họ đang để mắt đến nguồn tài nguyên khoáng sản tiềm năng trên hành tinh này, và các căn cứ trên Mặt Trăng có thể hỗ trợ cho các sứ mệnh tới Sao Hỏa và các hành tinh khác trong tương lai.
Năm ngoái, Trung Quốc tuyên bố mục tiêu đưa phi hành gia đầu tiên của mình lên Mặt Trăng vào năm 2030. Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh tàu vũ trụ gần cực nam Mặt Trăng, và đã công bố kế hoạch đưa phi hành gia của mình lên Mặt Trăng vào năm 2040. Hồi tháng 1, Nhật Bản trở thành quốc gia thứ năm đưa tàu vũ trụ lên Mặt Trăng.
Ghi chú của OSTP nêu rõ: “Việc Hoa Kỳ đảm nhận vai trò lãnh đạo để xác định một tiêu chuẩn chung phù hợp – một tiêu chuẩn đạt được độ chính xác và tính bền bỉ cần thiết để hoạt động trong môi trường đầy khắc nghiệt trên Mặt Trăng – sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia hoạt động trong lĩnh vực không gian.”
Việc xác định cách thức triển khai Giờ Phối Hợp Mặt Trăng sẽ cần có các thỏa thuận quốc tế thông qua “các cơ quan tiêu chuẩn hiện hành” và giữa 36 quốc gia đã ký kết Hiệp định Artemis (Artemis Accords). Hiệp định Artemis liên quan đến cách các quốc gia hoạt động trong không gian và trên Mặt Trăng. Trung Quốc và Nga, hai đối thủ chính của Hoa Kỳ trong lĩnh vực không gian, không ký kết Artemis Accords.
Giờ Phối Hợp Quốc Tế (UTC) có thể ảnh hưởng đến cách triển khai Giờ Phối Hợp Mặt Trăng (LTC). Liên Minh Viễn Thông Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc đã xác định UTC là một tiêu chuẩn quốc tế.