Hôm nay,  

Tìm hiểu kinh tế Trung Quốc – Chương 2: Chính sách kinh tế trải qua nhiều giai đoạn

22/01/202417:44:00(Xem: 1658)
china econ

Chương 1 tìm hiểu mô hình tăng trưởng của Trung Quốc đã thay đổi như thế nào qua các mốc thời gian. Chương 2 sẽ phân tích chính sách kinh tế của Trung Quốc trải qua nhiều giai đoạn, mục đích nhằm giúp người đọc nhận thấy một chính sách kinh tế đôi khi mất nhiều thập niên mới thấy hết hậu quả.
 
Trung Quốc lúc mở cửa đón nhận FDI nhưng hạn chế dòng vốn lưu động từ nước ngoài
 
Vào thập niên 1980 Trung Quốc còn là nước nghèo vừa mới hội nhập nên cần rất nhiều vốn đầu tư và phát triển. Một nước đang mở mang có hai nguồn vốn: (1) dòng vốn từ tiết kiệm của dân chúng (còn ít vì dân nghèo), và (2) dòng vốn từ nước ngoài.
    Vốn nước ngoài chia thành 2 loại: (1) dòng vốn FDI do các công ty ngoại quốc đầu tư xây cất nhà máy, hãng xưởng nên được xem như cố định vì khó rút về; (2) dòng vốn lưu động đầu tư tiền mặt ra vào thị trường tài chánh để mua bán nợ, chứng khoán và bất động sản. Khuynh hướng Đồng Thuận Washington (Washington consensus) vào thập niên 1980-90 khuyến khích các quốc gia tự do mậu dịch (free trade), đón nhận FDI và mở cửa thị trường tài chánh (financial liberalization) cho dòng vốn lưu động được tự do lưu thông ra vào trong nước. Trái lại Bắc Kinh nhờ mở cửa mậu dịch và khuyến khích FDI nhưng khép cánh cửa tài chánh để hạn chế dòng vốn lưu động nên tránh được cuộc Khủng Hoảng Tài Chánh Đông Á 1998. Xin được giải thích thêm về năm 1998:
    Dòng vốn lưu động từ nước ngoài bơm vào hai thị trường chứng khoán và địa ốc giúp dân cư thành thị làm giàu nhanh chóng. Nhà nước và các công ty xây cất dễ dàng vay mượn quốc tế để đáp ứng hai nhu cầu đô thị hóa và kiến thiết hạ tầng cần thiết cho tiến trình công nghiệp hóa. Nhưng tiền tuôn vào thường sinh ra bong bóng cùng nạn đầu tư lãng phí và kém hiệu quả. Đến khi nợ tăng nhanh hơn khả năng trả nợ thì các chủ nợ nước ngoài nhận thấy rủi ro quá cao sẽ hùa nhau bán tháo nợ để rút vốn mang về nước. Khi đó bong bóng trái phiếu, cổ phiếu và địa ốc nổ tung dẫn đến khủng hoảng kinh tế và xáo trộn chính trị.
    Trước năm 1998 Thái Lan có nhiều triển vọng sẽ thành con rồng thứ 6 ở Đông Á tiếp nối Nhật Bản, Nam Hàn, Hồng Kông, Đài Loan và Singapore. Tư bản nước ngoài không muốn đánh mất cơ hội lớn nên hối hả cho vay xây cất đô thị và hạ tầng[1]. Đến khi dấu hiệu của nạn đầu tư lãng phí hiện rõ thì giới đầu cơ tiền tệ quốc tế (currency manipulator) tiên liệu chủ đầu tư sẽ tháo vốn rồi đổi tiền Baht ra USD mang về nước nên tiên cơ hạ thủ tấn công đồng Baht. Chính quyền Bangkok không đủ ngoại tệ chống trả khiến đồng Baht thủng đáy. Khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ Thái Lan rồi nhanh chóng lan tràn sang Nam Hàn, Indonesia, Đài Loan,…dẫn đến Khủng Hoảng Tài Chánh Đông-Á 1998 và làm sụp các chính quyền độc tài ở những nước này.
    Trái lại Trung Quốc tuy mở cửa mậu dịch và khuyến khích FDI từ 1990 nhưng vẫn khép cửa thị trường tài chánh nhằm (1) hạn chế vay mượn quốc tế và (2) giới hạn dòng vốn lưu động từ nước ngoài đầu tư vào các ngân hàng, thị trường trái phiếu, cổ phiếu và địa ốc. Lý do có thể vì Liên Xô sụp đổ khiến đảng Cộng Sản Trung Quốc thận trọng tuy giao dịch với tư bản nhưng không trao trứng cho ác mà phải kiểm soát nguồn vốn tức là mạch máu của thị trường: vốn FDI được khuyến khích vì không lo rút về, còn vốn lưu động dễ tháo khoán nên cần hạn chế lưu thông.
    Bên cạnh việc hạn chế mượn tiền quốc tế[2] và kiểm soát nước ngoài đầu tư vào ngân hàng, mua bán nợ, chứng khoán và bất động sản Bắc Kinh còn giới hạn đổi tiền từ NDT sang USD nhằm chận đứng nạn chảy máu ngoại tệ. Bài học Khủng Hoảng Tài Chánh Đông Á 1998 cho Bắc Kinh thấy phải tăng dự trữ ngoại tệ để đề phòng giới đầu cơ tiền tệ tấn công đồng Nhân Dân Tệ (NDT) giống như đồng Baht trước đó.
    Điểm đáng lưu ý là nhờ hạn chế vay mượn nước ngoài nên khi bong bóng địa ốc xì hơi vào năm 2016 Trung Quốc đã không bị nạn tư bản nước ngoài tháo vốn bỏ chạy giống như Thái Lan trước đây. Trái lại tư bản trong nước sợ đồng NDT mất giá nên chuyển ngân ra ngoại quốc khiến quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc hụt mất 1 ngàn tỷ USD trong năm 2016[3]. Bắc Kinh nhanh chóng siết chặt không cho chuyển tiền nên chận đứng được nạn chảy máu ngoại tệ và ổn định đồng NDT. Tuy nhiên nợ trong hay nợ ngoài vẫn là…nợ (tức là thiếu nợ phải trả cách này hay cách khác dù là quịt nợ), hiện Trung Quốc đang trải qua tiến trình thanh toán nợ (deleveraging) rất cam go và nguy hiểm. Vấn đề này sẽ còn được phân tích nhiều lần trong các phần sau.
 
Trung Quốc huy động dòng vốn trong nước bằng biện pháp áp chế tài chánh (financial repression) và bơm tín dụng
 
Xin nhắc lại vào các thập niên 1980-2010 Trung Quốc cần rất nhiều vốn để xây cất đô thị và hạ tầng cho tiến trình công nghiệp hóa. Bắc Kinh hạn chế vay mượn từ nước ngoài nên dùng biện pháp áp chế tài chánh nhằm góp vốn từ tiết kiệm trong dân. Nhưng dân Tàu trong những năm 1980-1990 còn nghèo không tiết kiệm đủ cho nên Bắc Kinh bù đắp thiếu hụt bằng cách nới lỏng tín dụng cho thị trường xây cất.
 
Trung Quốc áp chế tài chánh để thu hút tiết kiệm từ dân chúng
 
Nhờ Bắc Kinh khép cửa tài chánh nên các ngân hàng nhà nước không bị cạnh tranh từ nước ngoài. Ngân hàng nhà nước độc quyền thu hút tiết kiệm trong dân chúng với phân lời thấp hơn nhịp độ tăng trưởng, rồi sau đó cho các công ty quốc doanh và doanh nghiệp thân hữu vay mượn với lãi suất thấp nhằm thúc đẩy kinh tế. Dùng thí dụ cho dễ hiểu, giả sử GDP tăng trưởng 10% nhưng lãi suất tiết kiệm 4% nên lãi suất cho vay ưu đãi 6% để công ty quốc doanh vay mượn thì chỉ kinh doanh xoàn xoàn 7% cũng có lời. Trong khi đó doanh nghiệp tư nhân mượn tiền theo lãi suất thị trường 8% (tức là 2% cao hơn lãi suất ưu đãi dành cho công ty quốc doanh) nhưng nhờ đầu tư tốt nên tăng trưởng 12-14% thì cộng lại GDP vẫn tăng vọt.
    Chơi chứng khoán ở Trung Quốc cũng giống như đi vào sòng bạc nên dân Tàu dù ham đen đỏ cũng không dám bỏ hết vốn liếng đầu tư cổ phiếu nên phần lớn tiền để dành đành gởi vào ngân hàng cho dù lãi xuất tiết kiệm thấp hơn độ tăng trưởng của GDP. Nhìn cách khác là nhà cầm quyền bóc lột thặng dư lao động của công nhân (tăng trưởng GDP là nhờ vào sức lao động của công nhân) để đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp (lãi xuất tiết kiệm thấp nên lãi xuất cho vay cũng thấp nhằm thúc đẩy tăng trưởng.)
    Ở Trung Quốc có khoảng 700 triệu công nhân lao động với tay nghề thấp từ thôn quê lên các khu đô thị làm việc. Những người này không được cung cấp hộ khẩu thành phố nên không được hưởng các dịch vụ xã hội tốt về y tế, nhà ở và giáo dục con cái ở những đô thị lớn. Họ phải cắt giảm chi tiêu để tiết kiệm trong ngân hàng hòng xây nhà dưới quê, cưới vợ, nuôi con, phòng khi mất việc, bệnh hoạn, già yếu v.v… Số công nhân nói trên không được thành lập công đoàn để tranh đấu đòi hỏi các quyền lợi lao động như tăng lương, dịch vụ y tế, tiền hưu bổng v.v…
    700 triệu công nhân với tay nghề thấp[4] (tức trình độ học vấn thấp) không được tăng lương (so với lạm phát) từ năm 1990-2005[5]. Trong khoảng thời gian này nhân lực tại Trung Quốc còn dồi dào nên thu nhập ở thành phố dù kém nhưng vẫn rất cao so với nông thôn, cho nên doanh nghiệp không sợ áp lực tăng lương vì lúc nào cũng có nhiều người mới ra đô thị sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp không cần chuyên môn. Nhà cầm quyền không can thiệp bảo vệ quyền lợi người lao động mà trái lại hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm chi phí công nhân nhằm tăng vốn đầu tư sản xuất.
    Doanh nghiệp bán hàng ra nước ngoài có lời không đổi tiền lời USD sang NDT để tăng lương công nhân mà phải gởi USD vào ngân hàng nhà nước. Bắc Kinh qua đó tích lũy ngoại tệ để hãm giá trị đồng NDT không cho tăng so với USD, một mặt nhằm tăng quỹ ngoại hối phòng khi đồng NDT bị tấn công, mặt khác kềm giá đồng NDT để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Không đổi thặng dư mậu dịch bằng USD sang NDT tức là giảm lượng tiền NDT lưu hành, qua đó giảm áp lực lạm phát và áp lực tăng lương cho công nhân! Ngược lại Trung Quốc nhập cảng lương thực và xăng dầu nên đồng NDT bị ép giá đồng nghĩa với nhà cầm quyền áp chế sức tiêu thụ của quần chúng để phục vụ doanh nghiệp và tăng trưởng.
 
Bắc Kinh nới lỏng tín dụng cho ngành xây dựng
 
Nguồn tiết kiệm trong dân chúng không đáp ứng đủ cho nhu cầu xây cất đô thị và hạ tầng đang tăng vọt. Thuế thu vào không đủ cho ngân sách nhưng Bắc Kinh lại không muốn vay mượn nước ngoài. Năm 1994 Trung Quốc cải tổ luật thuế yêu cầu các địa phương tăng % thuế gởi về Bắc Kinh để giảm bớt gánh nặng của trung ương. Bù lại các nhà cầm quyền địa phương có quyền hạn rộng rãi trưng dụng đất đai “của toàn dân” để bù đắp khoảng trống thiếu hụt; đồng thời các ngân hàng địa phương được phép nới lỏng mức tín dụng cho vay. Đây là chìa khóa mỏ vàng cho các lãnh chúa địa phương và tư bản đỏ tha hồ khai thác.
    Dân Tàu lần đầu tiên được mua nhà từ sau cách mạng 1949 nên thị trường nhà đất tăng vùn vụt kể từ năm 1992. Nhà cầm quyền địa phương trưng dụng đất đai rồi cho các tập đoàn thân hữu khai thác. Giá trị bất động sản nhảy vọt nên công ty xây dựng dùng làm đòn bẩy để vay mượn thêm tiền từ ngân hàng. Ngân hàng địa phương được Bắc Kinh cho phép nới lỏng tín dụng nên bơm tiền cho doanh nghiệp thân hữu vay mượn. Đầu tư hạ tầng tăng thu hút công ty nước ngoài khiến kinh tế phát triển giúp cho địa phương cùng các quan chức khu vực vừa giàu lại thăng quan tiến chức. Thị trường địa ốc bốc hỏa đến mức những công ty xây cất đòi hỏi dân chúng phải đóng góp tiền hàng tháng ngay vào lúc nhà mới mua nhưng chưa kịp xây, rồi dùng đó làm vốn đầu tư vào các công trình mới. Bong bóng địa ốc ở Trung Quốc sẽ được tìm hiểu thêm trong phần sau, nhưng ý chính nơi đây là của Trung Quốc không vay mượn dòng vốn lưu động ở nước ngoài mà dùng tín dụng thúc đẩy xây cất hạ tầng và đô thị.
 
Trung Quốc hạn chế tiêu thụ để thúc đẩy đầu tư
 
Chính sách áp chế tài chánh phân tích nói trên nhằm hạn chế tiêu thụ trong dân chúng để thúc đẩy đầu tư:
    700 triệu công nhân với tay nghề thấp không được tăng lương từ 1990-2005 cho nên sức mua bị giảm.
Trung Quốc không đầu tư cải tiến mạng lưới an sinh xã hội ở thôn quê cho nên 700 triệu công nhân lên thành phố làm việc phải tiết kiệm về thôn quê, tức là sức mua bị giảm.
    Dân chúng phải gởi tiền vào ngân hàng với lãi suất thấp, cho nên sức mua bị giảm. Bắc Kinh hãm giá đồng NDT khiến giá nhập cảng lương thực và xăng nhớt cao thành ra hạn chế sức tiêu thụ của dân chúng. Tiêu thụ nội địa ở Trung Quốc chiếm khoảng 40% GDP trong lúc ở Hoa Kỳ là 70% GDP. Mỹ xài quá nhiều, Tàu xài quá ít tạo ra bất thăng bằng.
    Nhiều kinh tế gia cho rằng Trung Quốc xuất khẩu tiết kiệm / export savings, chính xác hơn xuất khẩu hàng hóa) vì Trung Quốc hạn chế tiêu thụ nên dư thừa tiết kiệm dùng làm vốn đầu tư hỗ trợ cho ngành xuất khẩu. Trái lại Mỹ xài quá nhiều mà tiết kiệm không đủ nên phải nhập khẩu tiết kiệm / import savings, tức là mượn tiền và thâm thủng mậu dịch) từ Trung Quốc và nhiều nước khác kể cả Việt Nam.
    Có 2 điểm quan trọng không nên lẫn lộn với chính sách giới hạn tiêu thụ của Bắc Kinh:
    Khi còn nghèo thì Trung Quốc dùng mức tiêu thụ khổng lồ của 1.3 tỷ người để thu hút đầu tư từ nước ngoài. Câu nói thường được nhắc đến là chỉ cần mỗi người dân Tàu uống 1 lon nước ngọt thì hãng Coca-Cola cũng giàu to.
    Đến nay Trung Quốc lại trở thành một nước khổng lồ nhưng hai bộ mặt: tiêu thụ của dân lao động và ở thôn quê (700-800 triệu dân) bị hạn chế trong khi mức tiêu thụ ở các thành phố vùng duyên hải (300-500 triệu dân) cao không kém gì Âu-Mỹ. Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Qưyến…là những thị trường tiêu thụ cực lớn với mức tăng trưởng đầy hứa hẹn thu hút các đại tập đoàn quốc tế như Tesla, Apple, BMW, Airbus, Louis Vuitton…Thị trường tiêu thụ ở Trung Quốc lớn, đa dạng và năng động nên làm bàn đạp cho các công ty nội địa như Huawei, Xiaomi, BYD…hoàn thiện sản phẩm trong nước (điện thoại, xe điện…) rồi mới tung ra cạnh tranh với thế giới.
    Nhiều nhà nghiên cứu đã so sánh xã hội Trung Quốc hiện giờ với thời đại Vàng Mã (Gilded Age) bên Mỹ vào cuối thế kỷ thứ 19 khi nhịp độ tăng trưởng kinh tế và khoảng cách tiêu thụ giàu nghèo đều vọ nhanh tột bực. Nền dân chủ và tự do báo chí ở Hoa Kỳ thời bấy giờ đã tố cáo các bất công dẫn đến nhiều thay đổi chính trị và cải tổ về luật lao động vào đầu thế kỷ 20. Sau đó cuộc Đại Khủng Hoảng Kinh Tế Toàn Cầu năm 1929 mang lại sự hình thành của mạng lưới an sinh xã hội ở Hoa Kỳ. Ngược lại Tập Cận Bình vẫn đề cao Đảng và Nhà Nước Trung Quốc sẽ chủ động xây dựng một Xã Hội Hài Hòa (Harmonic Society, nghĩa là không quá giàu hay nghèo, và mọi người đều phải rập nghe lệnh của đấng trời con) thay vì dựa vào tiến trình dân chủ và tự do báo chí; họ Tập còn nhấn mạnh Trung Quốc dù giàu mạnh nhưng không đi vào mô hình xã hội phúc lợi (welfare state) vốn khiến xã hội Tây Phương trở nên lười biếng và đồi trụy. Nhưng đây sẽ là đề tài của những phần sau.
 
Trung Quốc thặng dư tiết kiệm sinh ra nợ xấu
 
Như trên đã phân tích Trung Quốc đặt nặng đầu tư hơn là tiêu thụ, và trải qua 3 giai đoạn:
    Từ thập niên 1980 đầu tư hỗ trợ xuất khẩu.
    Đến năm 2008 đầu tư hỗ trợ xây cất.  
    Sang 2021 đầu tư hỗ trợ công nghiệp cao cấp trong nước.
    Trước hết hãy làm quen với vài con số ấn tượng:
    Từ khi mở cửa và nhất là sau khi gia nhập WTO xuất khẩu ở Trung Quốc nhảy vọt lên đến con số kỷ lục 35% GDP năm 2007 (1250 tỷ USD), nhưng từ đó cho đến 2022 sụt giảm xuống còn 20% GDP (3270 tỷ USD)[6]. Ngược lại thị trường bất động sản ở Trung Quốc mới thành hình từ năm 1992 nhưng nay chiếm con số khổng lồ 30% GDP[7] (so với ở Mỹ chỉ từ 15-18% GDP[8]).
    Mốc điểm thời gian đầu tiên vào năm 2008 khi hai cuộc Đại Khủng Hoảng Tài Chánh 2007-08 và Khủng Hoảng Euro 2010-12 khiến lượng hàng hóa mua từ Trung Quốc sang Âu-Mỹ sụt giảm mạnh. Thặng dư tiết kiệm của Trung Quốc không thể tiếp tục đổ vào ngành xuất khẩu nên chuyển sang xây dựng. Năm 2008 Trung Quốc tung ra một gói kích cung[9] khổng lồ lên đến 12.5% GDP (586 tỷ USD). Điểm đáng ghi nhận là Bắc Kinh không dùng ngân sách để kích thích nền kinh tế mà trái lại cho phép các ngân hàng địa phương nới lỏng tín dụng cho doanh nghiệp (thay vì người tiêu thụ) vay mượn. Nhờ vậy Trung Quốc không thiếu hụt ngân sách nên không tăng nợ công ở trung ương so với Âu-Mỹ. Ngược lại nợ nhảy vọt ở địa phương và trong các doanh nghiệp xây cất.
    Các công ty xây dựng dễ dàng vay mượn vì ngành xuất khẩu khựng lại. Giá đất đai tăng nên thuế thu vào tăng, nhà cầm quyền địa phương nhờ đó tăng đầu tư xây cất hạ tầng (phi trường, xe lửa cao tốc…) với mục đích thu hút xây cất đô thị mới. Bắc Kinh khuyến khích dân quê dọn lên các thành phố mới nhằm hữu hiệu hóa canh nông bằng cách tập trung trồng trọt ở diện tích rộng.
    Vấn đề là từ năm 1980 Trung Quốc còn nghèo nên nhu cầu hạ tầng và bất động sản rất cao, nhưng đến đầu thập niên 2000 thì đã tạm đủ, rồi từ sau năm 2008 sinh ra ngập lụt xây cất vì lạm dụng tín dụng đầu tư. Năm 2013 bắt đầu xuất hiện những thành phố ma (ghost cities), các khu thương xá và chung cư vắng bóng người, nhiều phi trường không máy bay cất cánh và vài cầu cáp treo kiểu cọ lạ đời[10]!
    Bắc Kinh lo ngại siết chặt tín dụng đầu tư xây cất vào năm 2016. Kinh tế và khu vực nhà đất chậm lại khiến thành phần tư bản trong nước hối hả chuyển tiền ra nước ngoài làm chảy máu ngoại tệ mất 1000 tỷ USD. Tập Cận Bình nhát tay nới lỏng cho vay nhưng không giải quyết tận gốc tình trạng nợ xấu cho nên khủng hoảng nhà đất nổi lên trở lại từ lúc công ty nhà đất Evergreen vỡ nợ vào năm 2021 cho đến nay.
    Vấn nạn của Bắc Kinh là khu vực bất động sản chiếm 30% GDP nên khủng hoảng khiến nền kinh tế trì trệ hay ngã nhào. Nhưng nếu không xuất khẩu hay nhà đất thì ngành nào khác sẽ thay thế thành đầu tàu tăng trưởng?
    Mốc điểm thời gian thứ hai vào năm 2021 với 4 sự kiện lớn xảy ra cùng một lúc:
    Khủng hoảng địa ốc ở Trung Quốc có dấu hiệu ngày càng trầm trọng mà nổi bật nhất là đại tập đoàn xây cất Evergreen bị vỡ nợ. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bắt đầu dưới thời Trump nhưng không thuyên giảm với Biden qua chính sách phong tỏa công nghệ cao của Mỹ đối với Trung Quốc. Ngành công nghệ xanh và năng lượng tái tạo trở nên hấp dẫn từ khi Biden đắc cử vào năm 2020. Trung Quốc đang lão hóa với nhịp độ gấp rút nên phải đầu tư vào công nghệ cao để nâng cao năng suất.
    Khủng hoảng địa ốc, nợ xấu và chính sách bất nhất của Bắc Kinh vào cuối dịch Vũ-Hán kéo nhịp độ phát triển kinh tế của Trung Quốc xuống còn 5% (nhiều nhà quan sát cho là tăng trưởng thật chỉ khoảng 3%). Hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh chuyển hướng đầu tư từ (1) hỗ trợ xuất khẩu sang (2) ngành xây dựng rồi nay (3) sản xuất năng lượng xanh và công nghiệp điện toán vì nhiều nguyên do:
    Bắc Kinh đầu tư ào ạt vào Trí Tuệ Nhân Tạo và chế tạo chip điện toán để tự lực hay bắt kịp Hoa Kỳ trong hai công nghệ cốt lõi của thế kỷ 21. Từ 2021-22 Trung Quốc đã bỏ vốn 290 tỷ USD vào các nhà máy sản xuất chip[11], mục tiêu nếu không theo kịp Mỹ ở loại chip tối tân nhất thì vẫn tràn ngập thị trường chip trung và thấp hạng.
Trung Quốc hiện chiếm ưu thế áp đảo trên thế giới về công nghiệp xanh: 80% năng lượng mặt trời (solar panel)[12], 82% bình điện xe hơi[13] và dẫn đầu sản xuất xe hơi điện. Xe hơi điện sản xuất tại Trung Quốc giá chỉ ½ so với Âu-Mỹ nhờ vào ăn cắp rồi cải tiến kỹ thuật, lương nhân công rẻ, nhà máy tối tân, bình điện xe hơi và nguồn sắt thép dư thừa sản xuất trong nội địa. 
    Nợ ở Trung Quốc hiện chiếm 286% GDP[14]. Tăng trưởng giảm trong khi nạn lão hóa tăng vọt. Ngành bất động sản chiếm 30% GDP nhưng nay không còn là đầu tàu tăng trưởng mà còn phải lo giải quyết nợ xấu. Bắc Kinh hiện đầu tư ào ạt vào năng lượng xanh, công nghiệp điện toán và trí tuệ nhân tạo với hy vọng sẽ đẩy nền kinh tế nhảy vọt lên hàng đầu thế giới. Nhưng Hoa Kỳ đang phong tỏa công nghệ cao cấp. Âu Châu và Ấn Độ chuẩn bị dựng lên rào cản thương mại để chận đứng nhập cảng xe điện và sắt thép. Trung Quốc đổ thặng dư sản xuất bán sang các nước đang mở mang nhưng những nước này học khôn sợ rơi vào bẫy nợ. Những năm tới đây sẽ là giai đoạn quyết định không những cho Trung Quốc mà còn cho cả tương lai của toàn thế giới.
 
Đoàn H. Quốc
 

[1] Một lý do khiến tư bản quốc tế đổ tiền vào Thái Lan là vì bong bóng địa ốc ở Nhật bị vỡ vào đầu thập niên 1990. Tiền chuyển hướng từ Nhật sang Nam Hàn và Đông Nam Á để kiếm lời

[2] Vì hạn chế mượn tiền quốc tế nên hậu quả ngày nay là các địa phương, ngân hàng và công ty xây cất ôm mối nợ khổng lồ tiền NDT trong nước (thay vì nợ USD với nước ngoài). Tuy Bắc Kinh ít sợ tình trạng tư bản nước ngoài tháo vốn bỏ chạy nhưng nợ dù trong hay ngoài nước vẫn là…nợ nên Trung Quốc sẽ phải trải qua quá trình giải quyết nợ (deleveraging) rất cam go.

[3] https://www.bloomberg.com/news/articles/2016-12-07/china-foreign-reserves-drop-most-in-10-months-as-yuan-slumps

[4] Các ngành nghề không cần chuyên môn như làm việc trong dây chuyền sản xuất ở hãng xưởng, ngành may mặc và xây cất (thợ hồ,v.v…) Những công nhân xây dựng đang bị sa thải vì khủng hoảng địa ốc khiến số thanh niên thất nghiệp ở Trung Quốc lên đến 20%.

[5] Sách The Invisible China của Scott Rozelle. Sau năm 2005 lương lao động ở Trung Quốc tăng 10% mỗi năm

[6] https://data.worldbank.org/indicator/NE.EXP.GNFS.ZS?locations=CN

[7] https://www.eastasiaforum.org/2023/12/07/diminishing-returns-on-real-estate-threaten-chinese-economic-growth/#:~:text=In%202021%2C%20the%20direct%20and,rises%20to%2031%20per%20cent.

[8] https://www.nahb.org/news-and-economics/housing-economics/housings-economic-impact/housings-contribution-to-gross-domestic-product

[9] Trung Quốc thúc đẩy sản xuất nên gọi là kích cung. Âu Mỹ hỗ trợ tiêu thụ nên gọi là kích cầu

[10] Những công trình kiến trúc và xây tượng tại Việt Nam cũng là một dấu hiệu của đầu tư không hiệu qu

[11] https://www.digitimes.com/news/a20230627VL205/china-ic-manufacturing-semiconductor-chips+components.html

[12] https://www.reuters.com/world/china/china-will-dominate-solar-supply-chain-years-wood-mackenzie-2023-11-07/

[13] https://www.visualcapitalist.com/chinas-dominance-in-battery-manufacturing/

[14] China’s Debt-to-GDP ratio rises to fresh record of 286.1% GDP. Bloomberg 01/16/2024 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bầu không khí chính trị trên thế giới hiện nay đang nóng bỏng vì khuynh hướng độc tài, cực đoan, chia rẽ, hận thù và cuồng vọng không thua kém gì bầu khí quyển của địa cầu đang nóng dần lên do khí thải nhà kính gây ra. Cả hai đều do con người tạo ra và đều là thảm họa cho nhân loại! Nhưng thảm họa này không phải là điều không thể giải quyết được, bởi lẽ những gì do con người gây ra cũng đều có thể do con người ngăn chận và hóa giải được. Cụ thể là hàng chục năm qua, Liên Hiệp Quốc đã nỗ lực kêu gọi, bằng các nghị quyết, các quốc gia cố gắng thực hiện các biện pháp giảm khí thải nhà kính, với các chính sách cắt giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, gia tăng sản lượng xe chạy bằng điện năng, v.v… Dù kết quả chưa đạt được mức yêu cầu, nhưng cũng đã gây được ý thức và thể hiện quyết tâm của cộng đồng thế giới trong việc giải quyết thảm họa của khí thải nhà kính.
Hãng giày Nike từng dự định ra mắt mẫu giày thể thao đặc biệt với tên gọi Air Max 1 Quick Strike Fourth of July nhân dịp kỷ niệm Ngày Độc Lập. Trên mẫu giày này có in biểu tượng quốc kỳ ban đầu của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ với 13 ngôi sao xếp thành vòng tròn – còn gọi là cờ Betsy Ross. Tuy nhiên, bất ngờ thay, trước khi sản phẩm được bày bán, Nike đã rút mẫu giày này khỏi thị trường sau khi nhận được lời khuyên từ đại sứ thương hiệu và cầu thủ NFL Colin Kaepernick, cho rằng biểu tượng này mang tính xúc phạm vì có liên quan đến thời kỳ đen tối của Hoa Kỳ. Sự việc này đã làm dấy lên cuộc tranh cãi nảy lửa với nhiều ý kiến trái chiều.
Chuyện lẽ ra chẳng có gì. Cho đến khi bị chính trị xâm đoạt. Vào một ngày mùa hè, Erika Lee, 35 tuổi và là một cư dân của thành phố Springfield, tức Cánh Đồng Xuân, thuộc tiểu bang Ohio, đưa lên trên trang Facebook của cô một tin đồn bâng quơ cô mới nghe được. Điều cô nghe được là con mèo của một người hàng xóm đã biến mất, và rằng có thể một trong những người nhập cư Haiti hàng xóm của cô đã bắt con mèo đó. Cô đưa tin đồn đó lên trang Facebook của mình.
Tự cổ chí kim, những hiểu biết và phát triển mới trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật thường khiến chúng ta vừa thấy thú vị và ấn tượng, vừa thấy lo lắng, sợ hãi. Mới đây, OpenAI đã dự đoán rằng trong vòng 10 năm tới sẽ xuất hiện “siêu trí tuệ nhân tạo” (Artificial superintelligence). Để chuẩn bị, hãng này đang tập trung xây dựng một đội ngũ chuyên gia mới, và dành 20% tài nguyên điện toán của mình để đảm bảo rằng các hệ thống AI sẽ hoạt động phù hợp và tôn trọng các tiêu chuẩn và nguyên tắc đạo đức của con người.
Tháng 9 là tháng có nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Sau đây là một số ngày đáng chú ý. 16 tháng 9. - 1994 - Ngày Ozone thế giới, nâng cao nhận thức về tầng ozone3. - 1970 - Jimi Hendrix qua đời vì dùng thuốc quá liều. - 1620 - Mayflower khởi hành đến Tân Thế giới. Con tàu Anh được gọi là Mayflower khởi hành từ Plymouth trong chuyến hành trình đến Châu Mỹ. Trên tàu có 102 hành khách đang tìm kiếm cuộc sống mới ở Tân Thế giới. Con tàu mất 10 tuần để băng qua Đại Tây Dương trước khi thả neo gần Cape Cod, Massachusetts.
Hiếm ai có thể hình dung cơn bão tin giả (fake news) hoành hành khắp nước Mỹ trong tám năm qua, từ cuộc bầu cử 2016, lại thổi đến từ Veles – một thị trấn xa xôi nằm phía tây nam châu Âu, ở North Macedonia, trên dòng sông Vardar êm ả. Không nói cũng không ai biết. Những câu chuyện trong bóng tối này mãi mãi không bước ra ánh sáng, hoặc cũng chỉ rất ít người biết đến, thấu rõ đường đi nước bước của thánh địa tin giả này, cho đến khi cuốn sách “The Book Of Veles” của nhiếp ảnh gia Jonas Bendiksen được xuất bản. Ông là người Na-Uy, thành viên của hội nhiếp ảnh danh giá Magnumphoto.
Có nghiên cứu đã chỉ ra rằng sắc đẹp sẽ mang lại lợi thế trong các mối quan hệ, học tập và công việc. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu việc “không được đẹp đẽ” không chỉ là một điều bất lợi mà còn bị coi là phạm pháp? Từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, ở Hoa Kỳ từng có các luật gọi là “luật xấu xí” (ugly laws), cấm những người có vẻ ngoài “khó coi” xuất hiện ở các nơi công cộng.
Dự án 2025 đề ra những thay đổi sâu rộng trong toàn bộ chính phủ liên bang, đặc biệt trong chính sách kinh tế và xã hội, và vai trò của chính phủ và các cơ quan liên bang. Trong những thay đổi đó có cả việc cắt giảm tài trợ cho Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ), tháo dỡ cơ quan điều tra FBI và Bộ An ninh Nội địa, hủy bỏ các quy định về môi trường và biến đổi khí hậu để giúp gia tăng sản xuất nhiên liệu như dầu hỏa, cùng loại bỏ các Bộ Giáo dục và Thương mại ra khỏi nội các chính phủ. Hãng thông tấn Associated Press có một bài tóm tắt song rành mạch những chương trình của Dự án 2025 đối nội cũng như đối ngoại, tại đường dẫn này. Bao gồm trong Dự án 2025 cũng gồm cả việc lập tức dùng Đạo luật nổi dậy năm 1807 để tổng thống có thể ra lệnh cho quân đội vào dẹp các vụ biểu tình chống đối chính phủ, cùng chỉ đạo Bộ Tư pháp truy lùng các đối thủ của ông Trump. Chính ông Trump cũng đã từng tuyên bố với những người ủng hộ ông là ông là người sẽ giúp họ phục hận. Theo luật hiện hành, quân đội không đượ
Nghèo đói là yếu tố quyết định mạnh mẽ của bệnh Lao. Môi trường sống và làm việc đông đúc và kém thông gió thường liên quan đến nghèo đói, tạo thành các yếu tố gây nguy cơ trực tiếp cho việc lây truyền bệnh lao. Suy dinh dưỡng cũng là một yếu tố nguy cơ quan trọng để bệnh phát triển. Nghèo đói lại cũng liên quan đến tình trạng kém kiến thức về sức khỏe và từ đó thiếu những sự bảo vệ sức khỏe trong đời sống hàng ngày dẫn đến nguy cơ tiếp xúc và truyền bệnh.
Trong hai ngày Thứ Bảy & Chủ Nhật 17 & 18/08/2024, tại Bowers Museum, Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt phối hợp cùng Trung Tâm Việt Nam Texas Tech University, Trung Tâm Nghiên Cứu Việt - Mỹ University of Oregon đã tổ chức hai buổi triển lãm và thảo luận về hai chủ đề: Cải Cách Ruộng Đất Miền Bắc Việt Nam và Cuộc Di Cư Năm 1954. Khoảng 1,000 lượt người đã đến tham dự hai sự kiện về lịch sử từ bảy thập niên trước. Có thể nói rằng lâu lắm rồi tại Thủ Đô Người Việt Tị Nạn mới có một sự kiện lịch sử được tổ chức với qui mô lớn và công phu như thế. Động lực nào đã khiến ba tổ chức chuyên nghiên cứu lịch sử cận đại Việt Nam cùng nhau tổ chức sự kiện này? Ông Châu Thụy, Giám Đốc Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt nói lời khai mạc, chào mừng mọi người đến với cuộc triển lãm và hội thảo, để cùng nhau ôn lại, nhìn theo những góc nhìn mới về hai sự kiện lịch sử vẫn còn ảnh hưởng đến người Việt cả trong nước lẫn hải ngoại đến tận ngày hôm nay.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.