Hôm nay,  

bảy mươi chưa phải là lành…

29/12/202300:00:00(Xem: 4003)
Oil on Wood Panel - Nguyễn Việt Hùng
Tranh "Oil on Wood Panel"  của Họa sĩ Nguyễn Việt Hùng
 
Hầu như người Việt nào cũng biết câu, “nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Tuổi thọ ngày xưa thật đúng là khó có người sống qua bảy mươi tuổi vì điều kiện sống, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc y tế còn hạn chế, là chưa nói tới tâm lý người lớn tuổi được sống vui với con cháu, xóm làng, hay tuổi già neo đơn vì hoàn cảnh cũng tác động nhiều đến tuổi thọ. Ngày xưa, người sáu mươi tuổi đã được con cháu mừng thọ dịp sinh nhật thứ sáu mươi. Ai tới bảy mươi là con cháu mừng ông (bà) đại thọ. Hiếm hoi có người sống tới tám mươi thì con cháu mừng thượng thọ. Qua tám mươi cũng có nhưng rất hiếm vì bảy mươi đã được coi là hiếm hoi - cổ lai hy. Nhưng nay đời sống sung túc hơn, hiện đại hơn, và y học tiến bộ hơn nên những lão ông, lão bà bảy mươi bây giờ còn khoẻ re vì họ còn có thể vui chơi, du lịch, tham gia sinh hoạt xã hội, cộng đồng… bệnh tật của họ có bác sĩ chăm sóc với y khoa hiện đại. Đời sống tinh thần vui hay không cũng tùy người, tùy suy nghĩ cá nhân vì người thấy nhà vắng con cháu thì buồn, trong khi người khác thích yên tịnh. Dù sao thì người bảy mươi tuổi bây giờ sức khoẻ và ngoại hình của họ không đến nỗi già khú để chỉ có thể ở nhà như vài thập niên trước.
  
Nhưng tiếng Việt cũng có câu nói tới tuổi già, chỉ là không được biết đến nhiều bằng câu “nhân sinh…” nói trên. Ông bà ta cũng nói, “bảy mươi chưa phải là lành”. Lành trong câu tục ngữ này không đơn giản là lành mạnh, mang nghĩa an lành trong tuổi già như sống không vất vả với cơm áo gạo tiền nữa khi con cái đã trưởng thành, ổn định. Nói về sức khoẻ người cao niên đương nhiên có vấn đề không ít thì nhiều nhưng không đến nỗi nằm một chỗ đã là lành.
  
Nghĩa đen của câu tục ngữ dễ hiểu là thế, nhưng nghĩa bóng sâu xa, nội hàm thuộc phạm trù tâm linh không hẳn vì phước phần mỗi người thấy có là có, thấy không là không như ông bà ta cũng nói, “có thờ có thiêng có kiêng có lành”. Người cao niên quan tâm đến việc ăn hiền ở lành sẽ tốt cho sức khoẻ về mặt thể chất, và ăn hiền ở lành theo nghĩa tích phước cho con cháu cũng làm cho tâm lý người lớn tuổi thấy thoải mái hơn tâm lý bon chen khi còn trẻ, khi thấy người khác có thì mình phải có cho bằng chị bằng em. Bây giờ biết bằng lòng với hiện tại là giải thoát, là bình an… nội hàm của lành.
  
Nhưng vụ việc cuối năm làm khó nghĩ về người bạn là người chồng, người cha tốt với gia đình anh ta từ mấy mươi năm quen biết. Nay tuổi già gõ cửa, rồi xông vào nhà anh xồng xộc khi từng người con trưởng thành, lập gia đình và sống riêng. Cơn đại dịch covid-19 can qua kẻ mất người còn, nhưng anh vẫn vững như bàn thạch khi nhà, xe trả hết từ lâu, con cái học xong, lập gia đình, sống riêng êm thắm. Vợ chồng anh không bị cô vật, hai người biết lắng nghe nên không trở thành thế lực thù địch như những cặp vợ chồng khác khi về già. Rõ ràng là anh bước vào cuộc sống an lành của tuổi già vì sức khoẻ anh còn khá, ít nhất là hơn nhiều người bằng tuổi anh nhưng họ đã như cọng bún thiu. Anh bước vào chữ lành tâm linh là ở hiền gặp lành, mong thế.
  
Kinh tế sau đại dịch tăng trưởng mạnh trên mặt báo, tỷ lệ thất nghiệp giảm thấp nhất trong nhiều năm qua cũng vẫn là tin của truyền thông phải gió, Nhà trắng mập mờ. Anh bạn tôi về hưu vì tự trọng, vì những người trẻ trong hãng bị cho thôi việc, họ nguyền rủa những người già tham lam, chết có ôm tiền theo được không mà cố làm cho tới chết; làm hết việc của những người trẻ.
  
Vấn đề là anh làm gì cho hết thời gian trong ngày? Lớn tuổi nên ngủ ít thì năm giờ sáng hai vợ chồng đã dắt nhau đi bộ thể dục quanh khu nhà họ ở. Sáu giờ, chị nhà lo tưới cây, hái rau ăn cho ngày mới bắt đầu, anh xem tin tức trên tivi. Bảy giờ ăn sáng. Chị lại ra vườn chăm sóc cây trái, rau ăn; anh mỏi mắt với tivi thì nhắm mắt dưỡng thần trên sofa tới cơm trưa. Ăn cơm trưa xong lại ngồi chờ cơm chiều. Ăn cơm chiều xong lại ngồi chờ trời tối để đi ngủ. Lên giường nằm lại mong trời mau sáng để đi bộ thể dục cho thảnh mảnh…
  
Rồi việc gì đến sẽ đến, nhàn cư vi bất thiện là đi sinh hoạt cộng đồng. Anh không đủ kiên nhẫn để xem phụ nữ mặc đồ ở nhà, mang dép kẹp nhảy đầm ngoài Trung tâm sinh hoạt cộng đồng, Hội cao niên… anh lại về ẩn cư. Thỉnh thoảng theo bạn bè đi câu cá, nhưng anh không câu được cá bao giờ nên cũng sớm nản; theo vợ đi làm công quả cho chùa thì chùa cũng nhiễu nhương không khác ngoài xã hội chia phe lập nhóm. Thế là anh thất nghiệp theo vợ, thất nghiệp toàn tập là đi làm công quả cũng không xong trong ngôi chùa “đồi thông hai mộ”. Lúc nào đi ngang chùa cũng nghe karaoke om xòm đồi thông hai mộ với đắp mộ cuộc tình ra rả như loa của Việt cộng trên cột đèn ngày xưa.
  
Bạn tôi về ngồi đếm quỹ thời gian còn lại tới khủng hoảng thì có tin vui giữa giờ tuyện vọng. Cô cháu gái bên vợ làm đại lý bán vé máy bay, khai thuế, chuyển tiền về Việt nam, làm hồ sơ bảo lãnh toàn diện là diện nào cũng làm, đủ thứ dịch vụ chung trong cái laptop nhỏ mà có võ thời hiện đại. Theo cô cháu gái cho biết, những người già về Việt nam khi mua vé máy bay họ thường nhờ đại lý thuê luôn dùm họ người đưa đón ra phi trường cho tiện, vì những người đưa rước đồng hương ra phi trường đều rành ngõ ngách trong phi trường hơn người thỉnh thoảng mới ra phi trường; người có hợp tác với đại lý bán vé máy bay rất uy tín, không bỏ khách đã hẹn làm trễ chuyến bay của người ta… Tóm lại là cô cháu ngoài việc bán vé máy bay sẽ được năm đồng tiền cò của người chạy phi trường mỗi chuyến cô ấy lấy khách dùm người chạy, nhưng với dượng thì cháu không lấy tiền cò.
  
Ông bạn tôi vui vẻ với công việc đưa đón người ra phi trường vì cháu gái cũng lựa khách cho ông đi vào những giờ không kẹt xe, không quá khuya hay quá sớm… Ông cũng đâu cần chạy nhiều, chỉ chạy cho vui, cho có việc làm, bớt nhàm chán ở nhà ngồi xem tivi miết.
 
Bây giờ anh khác xưa, dù xưa nói tới chỉ chừng hơn năm nay. Sau khi anh về hưu, biết làm gì hơn ngồi đợi cuối tuần để hẹn những người bạn làm chung đi uống cà phê, ăn sáng. Mọi người sẽ giành khâu trả tiền vì anh về hưu rồi, trong khi anh em còn đi làm. Nhưng bây giờ anh giành trả hết vì anh đã làm chủ dịch vụ đưa người cửa trước rước người cửa sau của anh… tôi vẫn ghẹo anh với câu Kiều đáo để vì trong lòng mừng cho anh có việc làm phù hợp sức khoẻ và tuổi tác. Tiền kiếm được không quan trọng bằng tâm lý anh sau khi về hưu luôn cảm thấy mình vô dụng, cái điện thoại cả tuần không reo một lần cho đỡ phí tiền điện thoại thì bây giờ điện thoại reo lia chia, đang ngồi cà phê với anh em mà điện thoại reo có khách cần đón ở phi trường, anh vui vẻ lắm… Anh hẹn anh em: chiều nhậu. Tôi chạy tuần này tới sáu chuyến. Làm gì cho hết mấy trăm bạc, chiều nay tôi đãi anh em một chầu cá nướng Đồng quê với bò lá lốt, anh em mình nhậu chơi cho vui…
  
Ai cũng mừng cho anh có việc làm phù hợp sức khoẻ và anh lại thích, người năng nổ mà cứ ngồi nhà thì chịu sao nổi. Nhưng bảy mươi chưa gọi là lành, ách giữa đàng bỗng quàng vào cổ. Nguyên hai bà già mua vé về Việt nam là hai chị em, họ thuê luôn dịch vụ đưa ra phi trường. Cô cháu bán vé máy bay giao việc cho dượng là ông già uy tín nhất của đại lý cho cả ba người già được yên tâm.
  
Rồi ngày ấy đến, đúng là trước hai, ba ngày. Khách hàng gọi, không phải nhắc nhở ngày đi mà bà khách cho biết, “Chị tôi ở Oklahoma. Đúng như hẹn là chị tôi sẽ về Dallas để cùng đi với tôi, nhưng giờ chị tôi không khoẻ, phải đi bệnh viện. Chị tôi đã hủy vé máy bay, nhưng tôi vẫn đi một mình, vẫn nhờ ông anh đưa tôi ra phi trường. Nhưng nhờ thêm ông anh một việc là chị tôi muốn gởi cái va li hành lý của chị về Việt nam cho bà con vì toàn đồ chị mua sắm làm quà cho người nhà bên đó. Nay nhờ ông anh đến nhà chị tôi bên Oklahoma, lấy cái va li đó đem về Dallas cho tôi đem về Việt nam dùm chị tôi. Tiền xe ông anh đi Oklahoma lấy va li cứ tính thêm, tôi trả thêm.
  
Cô cháu bán vé máy bay không cho dượng đi xa vì lái qua Oklahoma City tới bốn tiếng lái, nhưng ông già ham vui, không ham tiền bằng vui và cũng muốn thử lại sức già đã lâu không lái xe đi xa… Ông đi Oklahoma City lấy cái va li, chở theo vợ cho có bạn đường nói chuyện, chống buồn ngủ… Ai ngờ được đường về quê xa lắc lê thê, trót nghe theo lời u mê… như lời nhạc hồi xưa. Cảnh sát quay đèn ít khi vô cớ, ông bạn tôi lái xe có bao giờ quá tốc độ đâu? Hẳn có vấn đề, nhưng anh vẫn nghĩ không ra… cho tới khi cảnh sát xét xe mới lòi ra cái búa tạ của ông trời giáng xuống là một gói hàng cấm trong va li của bà khách bên Oklahoma gởi về Dalas.
  
Anh ấy lặng người, chết điếng, không biết nói gì nữa; chị nhà ngất xỉu, cảnh sát phải gọi xe cứu thương đưa vào bệnh viện. Cảnh sát không thể làm gì hơn là còng tay hai ông bà với tội danh vận chuyển chất cấm.
  
Bạn tôi đã ngoài bảy mươi, đúng câu bảy mươi chưa phải là lành. Tai bay vạ gió, tai ương hoạn nạn rơi xuống đầu không biết đâu mà đỡ. Người ta tới nhắm mắt xuôi tay cũng chưa chắc là lành vì xe nhà quàn cũng bị đụng văng quan tài như thường…
  
Chung quanh vụ việc còn bao la những đoán mò vì không ai nhận tội. Tội cho anh chị bạn tôi sống cả đời tôn trọng luật pháp lại vướng vào lao lý lúc về già bởi cảnh sát chỉ biết người lái xe và hàng cấm có trong xe. Vụ việc do hai người đàn bà khách hàng dựng chuyện để lừa ông già lái xe vận chuyện chất cấm cho họ; hay họ cũng là nạn nhân của người nhà, con cháu trong gia đình họ mới biết việc thuê người đi lấy va li và ra tay qủy kế khiến ông già lái xe phải vạ. Điều nghi vấn khả thi nhưng không có bằng chứng khác là một âm mưu chứ không phải vô tình, không thể vô tình, là cố ý của một người, nhóm buôn hàng cấm có tổ chức; và quan trọng nhất là băng nhóm chơi nhau, chỉ điểm cho cảnh sát chận xe chứ ông già lái xe đâu có phóng nhanh vượt ẩu gì… Trong hằng hà nghi vấn, biết giả thuyết nào đáng tin cậy, có cơ sở để thành bằng chứng. Việc trước mắt là con cháu rối tung, chạy lung lung để lo tại ngoại trước rồi tính sau. Bạn bè hữu sự không quên nhau nhưng mấy ông già ngoài gọi điện thoại cho rối thêm chứ giúp được gì. Viễn cảnh tương lai là khủng hoảng tâm lý cho hai vợ chồng hiền nhưng lành đâu chẳng thấy.
  
Cuộc sống, cuộc đời mỗi chúng ta không biết đâu mà lường hung hiểm, lòng người. Nhưng sống là giao tiếp, xã hội là những quan hệ, con người không dễ tách ra khỏi giao tiếp xã hội cho đến khi xe nhà quàn tới nơi không bị đụng văng mất quan tài thì nghĩa trang bị giải toả cũng vẫn là khả năng để ngỏ… Chữ lành như không còn nữa trong đời sống bây giờ, ăn hiền ở lành thì cứ ăn cứ ở, nhưng cuộc đời có lành không thì phải hỏi cao xanh, “bắt phong trần phải phong trần/ cho thanh cao mới được phần thanh cao…”
  
Có “Kiếp sau xin chớ làm người/ làm cây thông đứng giữa trời mà reo…” cũng không được như ý đâu vì thợ cất nhà, thợ đóng tủ bàn ghế họ chờ từng cây thông đủ lớn…
 
Phan
   

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong cuộc đời, ắt hẳn bạn đã nhiều lần bước trên lối mòn giữa một cánh đồng cỏ hay trong một khu rừng? Thoạt đầu, lối mòn ấy cũng đầy hoa hoang cỏ dại như chung quanh, nhưng những bước chân người dẫm lên qua ngày tháng đã tạo thành một con đường bằng phẳng. Ký ức chúng ta cũng tương tự như lối mòn ấy. Những trải nghiệm với cảm xúc mạnh mẽ trong quá khứ được nhớ đi nhớ lại như những bước chân đi trên lối mòn góp phần hình thành ký ức, và cả con người chúng ta. Người Mỹ gọi loại ký ức này là “core memory” mà ta có thể dịch ra Việt ngữ là ký ức cốt lõi. Với tôi, ký ức cốt lõi ấy là những gì xẩy ra cho tôi và gia đình trong quãng thời gian kể từ khi thị xã Ban Mê Thuột thất thủ ngày 12 tháng Ba năm 1975, kéo theo sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam chưa đến bẩy tuần sau đó. Tôi vẫn nhớ, và nhớ rất rõ.
Vốn là một quân nhân, sau khi triệt thoái từ miền Trung về Saigon, tôi được bổ xung cho một đơn vị pháo binh đang hành quân ở vùng Củ Chi, Tỉnh Tây Ninh, yểm trợ sư đoàn 25 Bộ BinhB. Khoảng ba tuần trước khi mất nước tôi bị thương ở chân. Nằm trong quân y viện Tây Ninh vài ngày, bác sĩ cho về nhà dưỡng thương một tháng ở Saigon.
Ngày xưa, thông thường, chồng của cô giáo được gọi là thầy, cũng như vợ của thầy giáo được gọi là cô. Cho dù người chồng hoặc vợ không làm việc trong ngành giáo dục. Nhưng trường hợp cô giáo tôi, cô Đỗ Thị Nghiên, trường Nữ Tiểu Học Quảng Ngãi thì khác. Chồng của cô, thầy Nguyễn Cao Can, là giáo sư dạy trường Nữ Trung Học Quảng Ngãi. Cô Đỗ Thị Nghiên dạy lớp Bốn, trường Nữ Tiểu Học. Trong mắt nhìn của tôi, của con bé mười tuổi thuở ấy, cô Nghiên là một cô giáo rất đặc biệt. Cô nói giọng bắc, giọng nói trầm bổng, du dương. Tóc cô ngắn, ôm tròn khuôn mặt. Da cô trắng nõn nà. Có lần ngoài giờ học, trên đường phố của thị xã Quảng Ngãi, tôi thấy hai vợ chồng thầy Can, cô Nghiên đèo nhau trên xe gắn máy. Cô mặc jupe, mang kính mát, ngồi một bên, tréo chân, khép nép dựa vai thầy. Ấn tượng để lại trong trí của con bé tiểu học là hình ảnh của đôi vợ chồng sang trọng, thanh lịch, tân thời, cùng mang thiên chức cao cả: dạy dỗ lũ trẻ con nên người.
Tháng Tư này tròn 50 năm biến cố tang thương của miền Nam Việt Nam, những người Việt hải ngoại, đời họ và thế hệ con cháu đã trưởng thành và thành công trên xứ người về mọi mặt học vấn cũng như công ăn việc làm. Họ đang hưởng đời sống ấm no tự do hạnh phúc đúng nghĩa không cần ai phải tuyên truyền nhồi sọ. Nhưng trong lòng họ vẫn còn bao nhiêu kỷ niệm thân thương nơi chốn quê nhà.
Có một buổi trưa, hai đứa đang thưởng thức bò bía, đậu đỏ bánh lọt ở chùa Xá Lợi, góc Bà Huyện Thanh Quan và Ngô Thời Nhiệm (?), thì gặp một "cái bang". Đầu đội khăn rằn, đeo mắt kiếng cận nặng, cổ quấn vài ba chiếc khăn đủ màu và ông còn dẫn theo hai con chó, vừa đi vừa múa tay múa chân như người say rượu. Chừng như ông không cần thấy ai, chung quanh chỉ có ông và hai con chó. Người đàn ông "cái bang" đó là nhà thơ, nhà văn, nhà biên khảo nổi tiếng của Việt Nam: Bùi Giáng. Hai con chó vừa đi vừa sủa vang, khiến một số nữ sinh Gia Long đang đứng quanh xe bò bía, vội vã chạy né qua bên kia đường. T
Một ngày nọ, ngài gặp một bà mẹ, bà ôm một đứa con vừa mất vừa đi vừa khóc lóc thảm thiết, ai cũng mũi lòng thương, thông cảm vì mất con là nỗi đau khổ nhứt trong cuộc đời… người ta mách bảo là bà nên gặp Sa Môn Cồ Đàm, bà sung sướng bế con đã mất đi ngay và gặp phật, xin phật dùng phép thần thông cứu sống con bà. Xung quanh phật, các tì kheo đang ngồi cầu nguyện cho chúng sanh được giải thoát và cũng cầu nguyện cho các chúng sanh còn tại thế sẽ may mắn mà gặp được giáo pháp của Như Lai. Rồi người mẹ đau khổ cũng được gặp phật.
Cuối tháng Ba, những cơn gió nóng tràn về thành phố. Một hai trận mưa lạc loài đến sớm rồi thôi. Không khí ngột ngạt. Mùi đất nồng khó chịu. Như một cô gái uể oải trong cơn bệnh, thành phố trông mệt mỏi, rạc rời. Đoan đi vào Câu lạc bộ của trường. Bình thường, cứ đến thứ Sáu là không khí chuẩn bị cho chiều văn nghệ thứ Bảy lại nhộn nhịp. Nhưng hôm nay, như có một cái gì kéo mọi thứ chùng xuống. Chị Thuận, người phụ trách Câu lạc bộ, mỉm cười khi thấy Đoan, nhưng là một nụ cười kém tươi. Chị vẫn câu chào hỏi thường lệ: “Em uống gì không?” “Dạ, chị cho em nước chanh.” Chị Thuận pha ly nước chanh đặc biệt, nóng, ít đường, mang đến để trước mặt Đoan, và kéo ghế ngồi xuống bên Đoan. Hình như không có gì để bắt chuyện, chị Thuận nhìn ra sân, nói nhỏ:
Tôi khép cánh cửa phòng ngủ, rón rén bước ra, sợ gây tiếng động làm thằng cháu nội lại giật mình thức giấc; thằng bé đã mười tháng tuổi, biết làm đủ thứ trò như con khỉ con, chiếc mũi bé xíu của nó chun lại, đôi môi dầy cong lên, mỗi khi bà nội bảo nó làm xấu, thật dễ thương, canh nó hơi mệt vì phải chơi cho nó đừng chán, lèo nhèo, nhưng chơi nhiều thì sức bà nội có hạn, làm sao chạy theo nó cả ngày được!
Những cái mặt hướng về phía trước. Những cái đầu hơi cúi, những cái lưng hơi còng có lẽ bởi sức nặng của chiếc ba lô đeo sau lưng, hay tại - nói một cách màu mè, văn vẻ, đầy giả dối là - gánh nặng của đời sống. Trước mặt tối đen. Bên phải là những cánh cửa cuộn bằng tôn đóng kín. Những cánh cửa lạnh lùng, vô cảm; lầm lì từ khước, âm thầm xua đuổi. Dưới chân là nền xi măng. Cứng và lạnh. Không thể là nơi tạm dừng chân, nghỉ mệt. Sâu vào phía sát vách là nền lót những viên gạch vuông. Không một cọng rác. Không một bóng chó hoang, mèo lạc. Không cả những hình hài vô gia cư bó gối vẩn vơ nhìn nhân gian qua lại.
Đức hạnh cao quý thể hiện thành tâm vô phân biệt. Tâm vô phân biệt tạo thành một sự bình đẳng tuyệt đối trong giáo pháp của đức phật. Giáo pháp thâm sâu vi diệu của Như Lai thì không phải ai cũng hiểu hết, cũng ngộ được điều đó đa phần các vị đại trí thấu đạt. Còn lòng từ bi của phật thì lan tỏa vô phân biệt như ánh sáng mặt trời soi sáng khắp nơi nơi, như mưa rơi tắm mát đại ngàn. Những lời giảng dậy trên đây được dẫn chứng nhiều và rõ nhứt là ở phật giáo Tây Tạng.
Anh Hai của tôi, sau chuyến vượt biên thất bại, bị giam ở nhà tù Bình Đại Bến Tre chín tháng, khi trở lại trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ mới biết đã bị cắt hộ khẩu, mất việc làm, bèn quay về Sài Gòn sống tạm với gia đình, chờ cơ hội vượt biên tiếp theo. Một hôm, anh bị cơn sốt rét tái phát hành hạ, (hậu quả của những ngày trong trại giam), cần phải đến bệnh viện chữa trị, nhưng hộ khẩu không có, anh bèn mượn cái Sổ Sức Khỏe của thằng cháu (con bà chị họ ở kế bên nhà), để đi khám bệnh
Năm đó, tôi qua Arlington,Texas thăm gia đình, rồi ghé Dallas thăm người hàng xóm cũ thân thiết từ khi còn ở Việt Nam . Chú Thím ấy đónvợ chồng tôi nồng hậu như mọi khi, bữa ăn đặc sản món Huế như tôi yêu cầu, sau đó kéo nhau ra phòng khách ăn bánh uống trà . Rồi Thím gọi cháu ngoại: - Thiên Ân ơi, ra đây ca hát cho hai bác Canada nghe đi con.-Cô bé hai, ba tuổi tung tăng ngoan ngoãn khoanh tay chào chúng tôi, rồi bạo dạn chạy ra giữa phòng, tay giả bộ cầm micro phone, rồi nhún nhảy tự nhiên hát một bài hát Tiếng Việt thật rõ ràng .
DB Derek Trần: Tôi làm tất cả để bảo vệ cộng đồng mình trong vấn đề di trú

NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.