Nếu đêm giao thừa có một bài hát chính thức, nó chắc chắn sẽ là “Auld Lang Syne.” Hàng năm, ngay sau khi đồng hồ điểm mười hai giờ đêm, mọi người trên khắp thế giới cùng tay trong tay và hát vang bài hát yêu thích này.
Tại sao “Auld Lang Syne” lại trở thành truyền thống của đêm Giao thừa? Từ khi được sáng tác vào thế kỷ 18 như một bài thơ Scotland cho đến sự nổi tiếng hiện nay, “Auld Lang Syne” đã nắm bắt được tinh thần của ngày lễ.
Từ một bài thơ Scotland
Bài hát này thực ra là một bài thơ do Robert Burns sáng tác vào năm 1788. Được coi là thi sĩ quốc gia của Scotland, Burns đã khuấy động ý thức dân tộc của đất nước bằng cách viết bài thơ bằng ngôn ngữ Scots đang dần mai một. Trong tiếng Anh, auld lang syne đại khái có nghĩa là “thời gian xa xưa.” Bài hát kể về cuộc gặp gỡ của những người bạn cũ sau thời gian dài xa cách.
Mặc dù phiên bản của Burns là phiên bản mà chúng ta biết ngày nay, nhưng bài thơ cũng có những phiên bản khác, bao gồm cả phiên bản của Allan Ramsay từ năm 1724. Burns giải thích rằng phiên bản của ông được lấy cảm hứng từ một phiên bản khác. Ông đã khẳng định với nhà xuất bản âm nhạc George Thomson vào tháng 9 năm 1793, rằng “Tôi đã ghi lại nó từ tiếng hát của một cụ già.”
Burns không hài lòng với giai điệu ban đầu của bài thơ, ông coi nó là “tầm thường.” Vì vậy, từ 1799 đến 1801, Thomson đã tìm và chỉnh một giai điệu khác cho bài hát. Đó là giai điệu mà chúng ta vẫn thường hát hiện nay.
Đến bài hát cho ngày cuối năm
Bài hát của Burns nhanh chóng trở thành một phần của truyền thống hàng năm tại Scotland: Hogmanay. Là sự kết hợp của các phong tục Norse và Gaelic, ngày lễ này kỷ niệm ngày cuối cùng của năm.
Trong nhiều thế kỷ, Hogmanay, chứ không phải Giáng sinh, mới là ngày lễ mùa đông lớn nhất ở Scotland. Sau cùng, Giáo hội Scotland, giáo hội chính thức của đất nước, đã cấm lễ kỷ niệm Giáng sinh vào năm 1640, vì họ cho rằng ngày lễ này chưa mang đủ tính chất của đạo Tin lành.
Không thể vui vẻ vào dịp Giáng sinh, mọi người đã chọn Hogmanay thay thế. Trong lễ Hogmanay, người Scotland tặng quà cho nhau và thăm bạn bè, hàng xóm để chào đón năm mới.
Một truyền thống khác của Hogmanay là ca hát. Một số bài hát – chẳng hạn như “A Guid New Year to ane a’ A’” – đã được rất nhiều người biết đến. Các bài hát khác được tạo ra bởi các gia đình hoặc cộng đồng địa phương.
Tập trung vào tình bạn, hồi tưởng và chia ly, “Auld Lang Syne” của Burns đã thể hiện được bản chất của Hogmanay: từ biệt một năm để mở ra một năm mới.
Trở thành một truyền thống năm mới
Khi người Scotland di cư vào thế kỷ 19, họ đã mang theo những truyền thống Hogmanay của mình đi khắp nơi trên thế giới – bao gồm cả “Auld Lang Syne.”
Bài hát nhanh chóng trở thành một phần không thể thiếu trong lễ kỷ niệm Đêm Giao thừa tại Hoa Kỳ. Ban nhạc jazz Guy Lombardo và His Royal Canadians đã hát bài hát này trong chương trình phát thanh đêm giao thừa năm 1929. Nó trở thành một bản nhạc thịnh hành – và “Auld Lang Syne” vẫn là một phần không thể thiếu vào nửa đêm của chương trình đêm Giao thừa hàng năm của ban nhạc, được phát sóng trên radio và cuối cùng là truyền hình mỗi năm cho đến năm 1976. Thành công của chương trình đã giúp “Auld Lang Syne” trở thành bài hát đặc trưng của đêm Giao thừa trên khắp đất nước.
Theo báo cáo của tạp chí Life vào ngày 17 tháng 12 năm 1965, “Nếu [Lombardo] và ban nhạc Royal Canadians không hát bài ‘Auld Lang Syne’ vào đêm Giao thừa […], phần lớn người dân Hoa Kỳ sẽ cảm thấy bất an – vì họ tin rằng, bất chấp bằng chứng rành rành trên mọi cuốn lịch, năm mới vẫn chưa thực sự gõ cửa.”
Tuy nhiên, nhà âm nhạc học M.J. Grant nhấn mạnh trong cuốn sách “Auld Lang Syne: A Song and Its Culture” rằng vào thời điểm đó, bài hát “đã có chỗ đứng vững chắc trong nhiều cộng đồng, rất có thể bắt đầu từ người Scotland di cư.”
Vì vậy, truyền thống hát “Auld Lang Syne” vào dịp năm mới có thể không bắt đầu từ Lombardo, nhưng ban nhạc của ông đã mở ra một khởi đầu mới cho một bài hát vinh danh quá khứ trong khi chào đón bình minh của một ngày mới.
Nguồn: “Why we sing ‘Auld Lang Syne’ on New Year’s Eve” được đăng trên trang nationalgeographic.com.