Quý vị đã lên chuẩn bị xong các món quà cho dịp lễ năm nay chưa? Có thể nhiều người sẽ đợi đến sát lễ rồi chỉ cần đi mua. Nhưng dù cho đó là những món quà đã chuẩn bị tinh tươm từ lâu hay được mua ở các cửa hàng ngay trước thềm lễ, việc tặng quà vẫn luôn là một tập tục quan trọng của con người.
Cuốn sách mới “So Much Stuff” của Chip Colwell có đề cập đến việc loài người đã phụ thuộc vào các công cụ và công nghệ như thế nào trong 3 triệu năm qua. Mục đích cho đi là gì? Tại sao mọi người lại cho nhau thứ gì đó quý giá hoặc có giá trị khi họ có thể để cho bản thân xài?
Điều gì giải thích cho sức mạnh của quà tặng?
Không thể phủ nhận, có rất nhiều mục đích để tặng quà. Một số nhà tâm lý học đã nhận thấy được “ánh sáng ấm áp” – một niềm vui bản năng – liên quan đến việc tặng quà. Các nhà thần học đã lưu ý rằng tặng quà là một cách thể hiện các giá trị đạo đức, chẳng hạn như tình yêu, lòng tốt và lòng biết ơn, trong Công giáo, Phật giáo và cả Hồi giáo. Và các triết gia từ Seneca đến Friedrich Nietzsche coi việc tặng quà là minh chứng rõ nhất cho lòng vị tha. Không có gì ngạc nhiên khi những món quà là một phần trọng tâm của Hannukah, Giáng sinh, Kwanzaa và các ngày lễ mùa đông khác – và một số người thậm chí có thể coi Black Friday, ngày mở đầu mùa mua sắm cuối năm, như một ngày lễ.
Nhưng trong tất cả những lời giải thích tại sao mọi người lại tặng quà, lời giải thích có tính thuyết phục nhất được đưa ra vào năm 1925 bởi một nhà nhân chủng học người Pháp tên là Marcel Mauss.
Tặng quà, nhận quà, quà đáp lễ
Giống như nhiều nhà nhân chủng học, Mauss cũng từng thấy khó hiểu với những xã hội mà người ta hay tặng nhau những món quà xa xỉ.
Thí dụ, dọc theo bờ biển phía tây bắc của Canada và Hoa Kỳ, người dân bản địa có lễ hội potlatch. Trong những bữa tiệc kéo dài suốt vài ngày, chủ nhà sẽ tặng đi một lượng tài sản khổng lồ. Trong một dịp lễ hội potlatch nổi tiếng vào năm 1921, do một thủ lãnh bộ tộc Người Kwakwaka'wakw ở Canada tổ chức, ông đã tặng cho các thành viên cộng đồng 400 bao bột mì, hàng đống chăn mền, máy may, đồ nội thất, thuyền canoe, thuyền chạy bằng xăng và thậm chí cả bàn bi-a.
Trong một bài luận nổi tiếng hiện nay có tựa đề “The Gift,” được xuất bản lần đầu cách đây gần một thế kỷ, Mauss coi potlaches là một hình thức tặng quà cực đoan. Tuy nhiên, ông cho rằng hành vi này hoàn toàn có thể nhận ra ở hầu hết mọi xã hội loài người: chúng ta cho đi mọi thứ ngay cả khi giữ lại chúng để xài sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều.
Theo Mauss, quà tặng tạo ra ba hành động riêng biệt nhưng có liên quan chặt chẽ với nhau. Những món quà tặng được trao, nhận và gởi quà đáp lễ.
Hành động tặng quà đầu tiên thiết lập những phẩm chất của người tặng. Họ thể hiện sự hào phóng, lòng hảo tâm và danh dự của mình.
Ngược lại, hành động nhận quà thể hiện sự sẵn lòng được trân trọng của một người. Đây cũng là cách để người nhận thể hiện sự hào phóng của bản thân, rằng họ sẵn sàng nhận những gì được trao cho mình.
Hành động thứ ba của việc tặng quà là đáp lễ, gởi quà tặng để đáp lại với những gì đã được tặng ban đầu. Về cơ bản, người nhận quà giờ đây được cho là - dù ngụ ý hay rõ ràng - sẽ tặng lại món quà cho người tặng ban đầu.
Nhưng sau đó, tất nhiên, khi người đầu tiên nhận lại được thứ gì đó, họ sẽ phải trả lại một món quà khác cho người đã nhận món quà ban đầu. Cứ như vậy, việc tặng quà trở thành một vòng lặp vô tận của việc cho và nhận, nhận và cho.
Bước cuối cùng này – sự đáp lễ – là điều khiến cho việc tặng quà trở nên độc đáo. Không giống như việc mua một thứ gì đó ở cửa hàng, dùng tiền mua hàng là xong, việc tặng quà sẽ xây dựng và duy trì các mối quan hệ. Mối quan hệ gắn liền giữa người tặng và người nhận. Tặng quà là biểu hiện của sự công bằng vì mỗi món quà thường có giá trị bằng hoặc lớn hơn món quà được tặng lần trước. Và tặng quà là biểu hiện của sự tôn trọng vì nó thể hiện sự sẵn sàng trân quý người khác.
Bằng những cách này, việc tặng quà gắn kết mọi người lại với nhau. Nó giữ cho mọi người được kết nối trong một vòng tròn vô tận của những nghĩa vụ chung.
Tặng những món quà tốt hơn
Liệu có phải người tiêu dùng thời nay đang vô tình áp dụng lý thuyết của Mauss quá tốt? Bởi suy cho cùng, thời nay người ta đau khổ không phải vì thiếu thốn quà tặng mà vì quá thừa thãi.
Theo Gallup, trung bình trong mùa lễ năm nay ở Hoa Kỳ, ước tính người tiêu dùng sẽ chi 975 MK cho quà tặng, mức cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát này bắt đầu vào năm 1999.
Và rất nhiều món quà có kết cục là bị vứt đi. Trong mùa lễ năm 2019 ở Hoa Kỳ, ước tính có hơn 15 tỷ MK quà tặng là những món quà mà người nhận không mong muốn, 4% trong số đó đi thẳng đến bãi rác. Năm nay, chi tiêu cho kỳ nghỉ lễ dự kiến sẽ tăng đều ở Anh, Canada, Nhật Bản và các nơi khác.
Thói quen tặng quà thời hiện đại có thể bắt nguồn từ cả sự sợ hãi và tức giận. Một mặt, bằng cách tặng quà, ta đang hòa mình vào một tập tục khiến chúng ta trở nên con người hơn qua việc phát triển và duy trì các mối quan hệ của mình. Mặt khác, có vẻ như một số xã hội đang coi mùa lễ như một cái cớ để tiêu xài, ngày càng nhiều hơn.
Ý của Mauss không khuyến khích việc tiêu dùng không kiểm soát. Ngược lại, những lời giải thích của ông về việc tặng quà cho thấy rằng món quà càng mang ý nghĩa và có tính cá nhân, thì sự trân trọng và vinh dự càng lớn. Ít ai nỡ lòng đem vứt một món quà được chăm chút chu đáo. Và các sản phẩm cổ điển, tái chế, làm thủ công - hoặc một trải nghiệm cá nhân như một tour ẩm thực hoặc khinh khí cầu - có thể được đánh giá còn cao hơn so với một món hàng đắt tiền được sản xuất hàng loạt, vận chuyển vượt núi, vượt biển và đóng gói trong mớ hộp nhựa.
Tóm lại, những món quà chất lượng có thể nói lên giá trị của người tặng và duy trì các mối quan hệ xung quanh ta một cách đầy ý nghĩa. (VB)
Nguồn: “What’s the point of giving gifts? An anthropologist explains this ancient part of being human” được đăng trên trang TheConversation.com.
Gửi ý kiến của bạn