
Từ đầu tháng 12, các cửa hàng và siêu thị trên khắp Hoa Kỳ đã thu hồi một số sản phẩm dưa cantaloupes sau khi phát hiện thấy vi khuẩn Salmonella. (Nguồn: pixabay.com)
Salmonella lại hoành hành. Vào đầu tháng 12, các cửa hàng thực phẩm trên khắp Hoa Kỳ đã thu hồi dưa vàng (cantaloupes) sau khi người ta phát hiện ra rằng cả trái nguyên và loại cắt sẵn đều bị nhiễm khuẩn Salmonella ở 34 tiểu bang – và đã gây ra hai trường hợp tử vong. Dưa cantaloupes nhiễm salmonella cũng được phát hiện ở Canada, các viên chức y tế công cộng cũng ra lệnh thu hồi loại trái cây này.
Các đợt bùng phát như vậy khá phổ biến: Cơ Quan Kiểm Soát và Phòng Bệnh (CDC) cho biết hàng năm ở Hoa Kỳ, vi khuẩn Salmonella gây ra hơn một triệu ca nhiễm, hàng ngàn người phải vào bệnh viện và hơn 400 trường hợp tử vong. Các trường hợp bị nhiễm khuẩn Salmonella thường là do tiếp xúc với vi khuẩn hoặc ăn trúng đồ ăn thức uống bị nhiễm khuẩn.
Salmonella là gì?
Brian Coombes, trưởng khoa khoa học y sinh và hóa sinh tại McMaster University ở Hamilton, Ontario, cho biết: “Salmonella là vi khuẩn – không phải virus.” Nguồn gốc là “thường là thực phẩm – hoặc nước – bị nhiễm khuẩn, nhưng ở Bắc Mỹ chủ yếu là thực phẩm bị nhiễm khuẩn, bởi vì nguồn nước khu vực này khá sạch sẽ.”
Bị nhiễm khuẩn salmonella có thể ‘na ná’ như bệnh cúm dạ dày – các triệu chứng bao gồm tiêu chảy, sốt và co thắt dạ dày và kéo dài từ 4 đến 7 ngày.
Những loại thực phẩm nào có nguy cơ cao nhất?
“Thực sự rất đa dạng,” Coombes nói. Salmonella thường được tìm thấy trong rau và trái cây – những loại thường được trồng ngoài trời và có thể tiếp xúc với đất, phân và nước bị nhiễm khuẩn. “Hầu hết chẳng có ai đi nấu trái cây trước khi ăn cả. Hy vọng là họ nhớ rửa sạch trước khi ăn. Dù vậy thì mọi người cũng thích ăn rau sống.”
Thịt cũng có thể có vấn đề, đặc biệt là nếu chưa được nấu chín kỹ. Scott Roberts, phó giám đốc y tế phụ trách phòng chống nhiễm trùng tại Trường Y Yale, cho biết: “Đáng lo là khi quý vị mần con gà sống trước khi nấu, rồi máu nó dính vào tay mà quý vị quên không rửa tay.” Trứng và các sản phẩm từ sữa nấu chưa chín cũng có thể gây bệnh.
Salmonella có lây không?
Có. Coombes giải thích: “Thường thì nó truyền từ người sang thực phẩm rồi sang người, hoặc trực tiếp từ động vật sang người, hoặc động vật sang thực phẩm rồi sang người. Vậy Salmonella có thể lây nhiễm từ người này sang người khác không? Hoàn toàn có thể.
Những người bị nhiễm khuẩn cần phải cẩn thận, ngay cả sau khi các triệu chứng đã hết. Roberts nói: “Hầu hết mọi người dễ lây lan nhất khi đang bị tiêu chảy, đến khi tiêu chảy thuyên giảm thì khả năng lây nhiễm cũng sẽ hết theo. Nhưng cũng có một số trường hợp vi khuẩn vẫn còn lưu lại và họ vẫn có thể bị tái phát và lây lan.” Tình trạng đó có thể kéo dài vài tuần – hoặc thậm chí vài tháng.
Nó có hại như thế nào đối với con người?
Ở hầu hết mọi người, đây là một căn bệnh tự giới hạn (self-limited illness) và sẽ tự khỏi sau vài ngày, không cần phải quá lo lắng. Vấn đề lớn nhất họ thường gặp phải khi bị bệnh là mất nước.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh trở nên khá nghiêm trọng và cần phải vào bệnh viện vì hệ thống miễn dịch bị suy yếu. Những trường hợp cấp tính đó có thể khó điều trị. Coombes nói: “Thách thức mà các bác sĩ hiện nay đang phải đối mặt là salmonella và các vi khuẩn khác… đang trở nên kháng rất nhiều với nhiều loại kháng sinh hiện có. Có một số chủng vi khuẩn mà không có loại thuốc nào có sẵn có thể trị được chúng.”
Nhóm dễ bị tổn thương nhất là những người dưới 5 tuổi hoặc trên 65 tuổi.
Còn thú cưng thì sao?
Không có quá nhiều bệnh lây truyền qua lại từ vật nuôi sang người, nhưng vi khuẩn salmonella là một trong số những điều chúng ta cần lo lắng. Các loài bò sát – bao gồm rùa và thằn lằn – thường mang vi khuẩn này. Đó là lý do khiến CDC cảnh báo không nên nuôi những động vật đó làm thú cưng nếu quý vị có con nhỏ. Các loài gia cầm sống, cũng như chó và mèo, cũng có thể mang mầm bệnh.
Những con vật mang vi khuẩn có thể chẳng có dấu hiệu cảnh báo nào. Roberts giải thích: “Con vật có thể khỏe mạnh hoặc phát bệnh, nhưng chắc chắn chúng có thể mang theo vi khuẩn và truyền sang người. Thí dụ: ai đó có thể bị nhiễm vi khuẩn khi đụng vào thùng hoặc balo đựng mèo mà không rửa tay.”
Làm thế nào để tự bảo vệ mình khỏi Salmonella?
Theo Roberts, phương pháp tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan là rửa tay và đảm bảo đồ ăn được nấu chín, rau củ và trái cây phải được rửa sạch.
Coombes đồng ý, và khuyên cần tránh sử dụng dụng cụ bếp riêng cho đồ sống và đồ chín để tránh khiến chúng “bị nhiễm khuẩn.” Chẳng hạn như sau khi sử dụng thớt và dao chặt thịt gà sống, thì quý vị nên rửa thật sạch hoặc sử dụng dao, thớt khác để xắt rau củ.
Dù vậy, Coombes nói: “Tôi tin rằng chuỗi cung ứng thực phẩm của chúng ta vẫn khá an toàn. Có rất nhiều quy tắc và quy định đối với những loại thực phẩm được phép bán cho người dân, và có rất nhiều cuộc kiểm tra, thử nghiệm diễn ra ngay từ nguồn cung cấp. Và nếu phát hiện có nhiễm khuẩn, sản phẩm sẽ bị thu hồi và hầu hết mọi người không hay biết vì nó chẳng bao giờ được bày bán trên các kệ hàng.
Nguồn: “Salmonella can be deadly. Here’s how to protect yourself from it.” được đăng trên trang Nationalgeographic.com.
Gửi ý kiến của bạn