
Hôm thứ Tư (5/12), truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết đã bắt đầu hoạt động thương mại tại lò phản ứng điện hạt nhân thế hệ mới. Đây là lò phản ứng đầu tiên thuộc loại này trên thế giới. (Nguồn: YouTube)
Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động thương mại tại lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới. Đây là lò phản ứng đầu tiên thuộc loại này trên thế giới, theo Reuters.
Nhà máy Shidaowan thế hệ thứ tư nằm ở tỉnh Sơn Đông phía bắc Trung Quốc. So với các lò phản ứng trước đây, nó được thiết kế để sử dụng nhiên liệu hiệu quả hơn và cải thiện tính kinh tế, mức độ an toàn khi Trung Quốc chuyển sang sử dụng năng lượng hạt nhân để cố gắng đáp ứng các mục tiêu phát thải carbon.
Theo Tân Hoa Xã, nhà máy điện hạt nhân này làm mát bằng khí, sử dụng thiết kế mô-đun có công suất 200 megawatt (MW) và do công ty nhà nước Huaneng, Đại học Thanh Hoa và Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc hợp tác phát triển.
Các nhà máy mô-đun là những nhà máy có công suất dưới 300MW có thể được xây dựng ngoài công trường. Những người ủng hộ nói rằng chúng có thể hoạt động ở những địa điểm xa xôi và cung cấp năng lượng cho các ngành công nghiệp nặng, vốn rất khó giảm bớt gánh nặng. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng chúng quá đắt đỏ.
NuScale Power, trước đây dự kiến là công ty đầu tiên của Hoa Kỳ được cấp phép xây dựng một lò phản ứng mô-đun nhỏ, cho biết trong tháng này họ sẽ chấm dứt một dự án công suất 462MW đã được lên kế hoạch ở Utah vì chi phí tăng cao.
Trung Quốc đặt mục tiêu sản xuất 10% điện từ hạt nhân vào năm 2035 và 18% vào năm 2060, nhưng tính đến tháng 9 năm nay vẫn chưa đạt được mục tiêu năm 2020 là lắp đặt 58 gigawatt công suất hạt nhân.
Trung Quốc cũng chưa ký cam kết nhằm tăng gấp ba công suất điện hạt nhân vào năm 2050 tại hội nghị khí hậu COP28 ở Dubai.