Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc ở Dubai, 63 quốc gia đã tham gia vào cam kết cắt giảm sâu lượng khí thải liên quan đến việc làm mát, trong đó bao gồm Hoa Kỳ, Canada và Kenya…, theo Reuters.
Cam kết này đánh dấu nỗ lực chung đầu tiên trên thế giới nhằm làm giảm lượng khí thải khiến cho khí hậu nóng lên từ việc làm mát của con người, bao gồm giữ lạnh thực phẩm, thuốc men và điều hòa không khí.
Theo cam kết, các quốc gia sẽ giảm ít nhất 68% lượng khí thải liên quan đến việc làm mát vào năm 2050 so với mức năm 2022, cùng với một loạt mục tiêu khác bao gồm thiết lập các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu vào năm 2030.
Đặc phái viên khí hậu Hoa Kỳ John Kerry cho biết: “Chúng tôi muốn vạch ra một lộ trình để giảm lượng khí thải liên quan đến việc làm mát trên tất cả các lĩnh vực, nhưng giúp tăng khả năng tiếp cận với hệ thống làm mát bền vững.”
Khoảng 1.2 tỷ người có nhu cầu làm mát vẫn chưa được tiếp cận. Công suất lắp đặt dự kiến sẽ tăng gấp ba vào giữa thế kỷ này, bởi vì nhiệt độ ngày càng tăng cao, dân số ngày càng tăng và thu nhập cũng tăng.
Đại biểu Freetown Yvonne Aki-Sawyerr của Sierra Leone phát biểu tại cuộc họp báo COP28: “Hãy tưởng tượng một cộng đồng khu ổ chuột, một khu định cư tạm bợ, những ngôi nhà làm bằng tôn và đi kèm là nhu cầu cần có máy điều hòa không khí. Khát vọng của mọi người khi nhiệt độ tăng và thu nhập tăng là sự mát mẻ của họ.”
Nhưng tất cả những chiếc máy điều hòa đó đều góp phần làm tăng gấp đôi cuộc khủng hoảng khí hậu, với lượng khí thải làm mát dự kiến sẽ đạt từ 4.4 tỷ đến 6.1 tỷ tấn carbon dioxide vào năm 2050, theo báo cáo của liên minh United Nations Environment Programme (UNEP).
Jürgen Fischer, chủ tịch giải pháp khí hậu tại công ty đa quốc gia Đan Mạch Danfoss chuyên về sưởi ấm và làm mát, cho biết: “Mọi người sẽ mua một chiếc máy điều hòa không khí rất rẻ được sản xuất ở đâu đó ở Châu Á với giá 100 đô la, rồi chỉ cần cắm điện. Nhưng nó có thể sẽ khiến hệ thống năng lượng quá tải và sụp đổ.”
Tính đến sáng thứ Ba, Ấn Độ, quốc gia có khả năng chứng kiến nhu cầu làm mát tăng trưởng lớn nhất trong những thập niên tới, vẫn chưa tham gia cam kết. Các viên chức chính phủ Ấn Độ trước đó cho biết họ không sẵn sàng thực hiện các mục tiêu cao hơn những mục tiêu đã cam kết năm 1992 theo Nghị định thư Montreal liên quan đến hạn chế phát thải trong việc làm mát.
Báo cáo của UNEP cho biết gần 3/4 tiềm năng giảm khí thải làm mát vào giữa thế kỷ này có thể được tìm thấy ở các nước G20.
Ít nhất 118 quốc gia cũng đang ủng hộ một cam kết khác của COP28, nhằm tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi tỷ lệ sử dụng năng lượng hiệu quả vào năm 2030.
Tiến trình đáp ứng các mục tiêu của cam kết mới sẽ được theo dõi hàng năm cho đến năm 2030, thông qua các cuộc kiểm tra tại các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu hàng năm của Liên Hiệp Quốc.