Xưng Tán Ân Sư, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ

01/12/202300:00:00(Xem: 3016)
Xung-tán-An-Su-HT-Tue-Sy-01_Hình-chính

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ.(Photo: Họa sĩ Nguyễn Việt Hùng, trích từ Kỷ Yếu Tri Ân HT Thích Tuệ Sỹ) 

 
Con cúi đầu kính lễ Ân Sư, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ (1945-2023) mang theo kho tàng trí tuệ vô tận, lòng từ bi vô biên và hùng lực vô úy đã hiện thân vào thế giới này.
 
Từ gia tộc Phạm thế mà chủng tánh Bồ-đề đã ăn sâu trong lòng đất khô cằn nơi miền Trung nước Việt, Thầy lớn lên trong chốn Già-lam tịnh địa.
 
Nhờ thiện căn túc thế nhiều đời, Thầy được thế phát xuất gia nhập đạo từ thuở ấu thời theo bước chân siêu tuyệt của Như Lai, “đến mà không đến, đi mà không đi.”(1)
 
“Ba cõi bất an như nhà lửa,”(2) đất nước chìm trong chiến cuộc điêu linh, Thầy không tiêu phí tuổi thanh xuân chỉ một lòng miệt mài kinh sử.
 
Tri thức thường nghiệm thế gian không cản nổi chí cầu trí tuệ siêu việt của người Tăng sĩ trẻ cưu mang cốt cách xuất trần thượng sĩ.
 
Với diệu lực của trí tuệ và tâm thức bén nhạy đặc thù, Thầy quán thông triết lý Đông Tây và văn chương kim cổ, từ Homer tới Hölderlin, từ Kinh Dịch tới Đường thi, Tống từ, từ Lão Trang tới Martin Heidegger, Michel Foucault…
 
Nhưng Thầy không dừng lại ở đó mà bước sâu vào lãnh địa thâm diệu của Phật Pháp, từ kinh điển sơ kỳ A-hàm tới giáo thuyết Đại Thừa liễu nghĩa của Duy-ma, Thắng Man, từ các luận giải vi tế của A-tỳ-đàm, Du-già-hành tông, đến giáo nghĩa tánh không rốt ráo của Trung Luận và tuyệt lộ ngôn ngữ của Thiền cơ.(3)
 
Ở tuổi đôi mươi Thầy đã là giáo sư thực thụ của Đại Học Vạn Hạnh và Tổng Thư Ký tạp chí Tư Tưởng, mà một thời là biểu tượng tự hào đối với hàng ngũ trí thức Việt để ngẩng đầu lên với nền văn hiến hơn bốn ngàn năm của giống nòi Lạc Việt và trước trào lưu văn minh tiến bộ của cộng đồng nhân loại.
 
“Truyền đăng tục diệm, tiếp dẫn hậu lai” là sứ mệnh thiêng liêng của hàng Tăng sĩ mà Thầy đã một đời tận tụy để giáo dục Tăng, Ni với vai trò Giáo Thọ Sư cho các Viện Cao Đẳng Phật Học từ Hải Đức Nha Trang đến Quảng Hương Già Lam Sài Gòn.
 
Rồi một thuở nọ, trước vận nước đổi thay, lòng dân bi thống vì sống trong cảnh hà chính khổ nhục đau thương, Thầy đã noi gương các bậc tiền nhân: “Bồ Tát thấy dân kêu ca, do vậy gạt lệ, xông mình vào nơi chính trị hà khắc để cứu dân khỏi nạn lầm than.”(4)
 
Với nội lực sở tri và sở hành Phật Pháp thâm sâu, dù ở trong lao tù Thầy vẫn an nhiên tự tại: “Trách lung do tự tại, tán bộ nhược nhàn du.”(5) Liễu ngộ bản chất các pháp đều vô ngã, như mộng, như huyễn, như quáng nắng, như sương mai nên Thầy đã ví việc bị giam trong tù như nhốt một làn khói mỏng, “dư chỉ khinh yên bán ngục khung.”(6)
 
Để dẫn đạo Dân Tộc và Đạo Pháp bước vào thế kỷ hai mươi mốt, Thầy đã thừa lệnh Hòa Thượng Huyền Quang soạn Thông Điệp Hướng Về Thế Kỷ XXI mở ra viễn kiến của GHPGVNTN đối ứng với những thực trạng và thách thức mà nhân loại và Đạo Phật sẽ đối mặt trong thiên niên kỷ mới:
“Một lần nữa, Phật giáo Việt Nam ý thức rõ lực lượng và sứ mệnh lịch sử của mình đối với dân tộc và nhân loại trong thiên niên kỷ sắp tới. Lực lượng này không xây dựng trên vũ khí, bè đảng, nhằm mục tiêu tranh quyền cố vị. Lực lượng này xây dựng trên tinh thần Bi, Trí, Dũng; nói rõ là: tôn trọng sự sống, sáng suốt hành động và dũng cảm tự tồn.”(7)
 
Khi nội ma ngoại chướng lộng hành quấy phá, gieo tiếng ác, tạo thị phi, Thầy ‘im lặng sấm sét’ và cất bước vân du ‘Thiên Lý Độc Hành’:
 
“Trên đỉnh đèo cao bát ngát trông  
Rừng, mây, xanh, ngất tạnh, vô cùng
Từ ta trải áo đường mưa bụi  
Tưởng thấy tiền thân trên bến không.”(8)
 
Chiêm nghiệm sự thăng trầm của đời người như những điệp khúc của một bản trường ca ẩn hiện các dấu lặng tịch nhiên và siêu thoát, có lúc Thầy đã mượn lời thơ làm cung bậc để rung lên “Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm”:  
 
“Theo chân kiến
luồn qua cụm cỏ  
Bóng âm u  
thế giới chập chùng  
Quãng im lặng  
nghe mùi đất thở.”(9)
 
Khi giông bão của lòng người lắng xuống, cơn sóng cuồng nộ của ma quỷ lặng yên, nhưng đau đớn thay, ngôi nhà Giáo Hội gần như thành bình địa! Trên hoang tàn đổ nát ấy Thầy vì hai ngàn năm lịch sử Đạo Phật Việt Nam mà nhận lãnh trọng nhiệm xây dựng lại từ đầu.  
 
Ôi, thiên nan vạn nan! Làm sao để vực dậy nội lực của Giáo Hội giữa thời đại tràn ngập hận thù, nghi kỵ và tà thuyết? Dù thân mang trọng bệnh, nguồn mạch trí tuệ và từ bi vẫn không hề suy giảm, Thầy liễu triệt được rằng chỉ có Chánh Pháp thực sự mới soi tỏ lòng người để xua tan đêm dày tăm tối tham, sân, si.
 
Từ bi nguyện ấy, Thầy khuyến tấn thành lập Hội Đồng Hoằng Pháp để xiển dương Chánh Pháp đến mọi người, mọi nơi. Cùng lúc, Thầy phục hồi công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam để bảo tồn và phát huy nền văn hóa truyền thống của dân tộc và làm kim chỉ nam cho việc nghiên tầm Phật Pháp.
 
Nhờ vậy, niềm tin của Tăng, Ni và Phật tử mười phương đối với vận đồ của Đạo Pháp và Dân Tộc được tăng trưởng và cơ đồ của Giáo Hội được dựng lại.
 
Trước lúc ra đi, Thầy nhắc lại hoằng nguyện: “Hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng.”(10) Bậc đại sĩ hiện thân trong thế giới này để tiếp tục chí nguyện “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh.” “Bồ-tát bệnh vì chúng sinh còn bệnh. Khi chúng sinh hết bệnh thì bệnh của Bồ-tát cũng hết.”(11)
 
Năm ấy, trên đường ngàn dặm cô thân, Thầy gõ thiền trượng mà ngâm rằng, “Ta về một cõi tâm không…”(12) Ấy là cõi tâm rỗng lặng, tịch lặng, hay Niết-bàn. Và Thầy đã lên đường “về cõi tâm không,” vào 4 giờ chiều ngày 24 tháng 11 năm 2023, giờ Việt Nam, tại Chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai, Việt Nam.
 
Vậy là:
“Việc cần làm đã làm xong,”(13) Thầy quảy dép độc hành trên đường thiên lý,
Đỉnh Lăng-già(14) lung linh bóng nguyệt thấp thoáng cánh chim nhạn lướt về Tây.
 
Ôi, lời thơ năm xưa nay đã hóa thành Thiên nhạc ngân vang tận những tầng trời cao vút để cung tiễn bước chân trở về của vị hóa thân Đại Sĩ.
 
 “Đã đi thì đã đi rồi
Thượng phương trùng điệp thấy gì nữa đâu…”(15)   
 
Con cúi đầu đảnh lễ Giác Linh Thầy tôn kính và lạy tạ ân đức giáo hóa cao dày của Thầy.
Học trò của Thầy
Tâm Huy Huỳnh Kim Quang
 
*******
 
LTS: Để tưởng nhớ một khuôn mặt lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại, Việt Báo xin trích đăng một số bài thơ của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ trong ba tập thơ đã được xuất bản: Giấc Mơ Trường Sơn (2002), Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm (2009), và Thiên Lý Độc Hành (2021). Kính mời bạn đọc bước vào cõi thơ Tuệ Sỹ…
 
Giấc Mơ Trường Sơn

Xung Tan An Su HT Tue Sy 02

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Giấc Mơ Trường Sơn (Photo: Thích Tâm Nhãn, trích từ Kỷ Yếu Tri Ân HT Thích Tuệ Sỹ)

 
TỐNG BIỆT HÀNH
 
Một bước đường thôi nhưng núi cao
Trời ơi mây trắng đọng phương nào
Đò ngang neo bến đầy sương sớm
Cạn hết ân tình, nước lạnh sao?
Một bước đường xa, xa biển khơi
Mấy trùng sương mỏng nhuộm tơ trời
Thuyền chưa ra bến bình minh đỏ
Nhưng mấy nghìn năm tống biệt rồi
Cho hết đêm hè trông bóng ma
Tàn thu khói mộng trắng Ngân hà
Trời không ngưng gió chờ sương đọng
Nhưng mấy nghìn sau ố nhạt nhòa
Cho hết mùa thu biệt lữ hành
Rừng thu mưa máu dạt lều tranh
Ta so phấn nhụy trên màu úa,
Trên phím dương cầm, hay máu xanh.
 
Nha Trang 1977
 
+
 
NHỚ DƯƠNG CẦM
 
Tự hôm nào suối tóc ngọt lời ca
Tay em rung trên những phím lụa ngà
Thôi huyễn tượng xô người theo cát bụi
Vùng đất đỏ bàn chân ai bối rối
Đạp cung đàn sương ứa đọng vành môi
Đưòng xanh xanh phơn phớt nụ ai cười
Như tơ liễu ngại ngùng lay nắng nhạt
Lời tiễn biệt nói gì sau tiếng hát
Hỏi phưong nào cho nguyện ước Trường sơn
Lời em ca phong kín nhụy hoa hờn
Anh trĩu nặng núi rừng trong đáy mắt
Mờ phố thị những chiều hôn suối tóc
Bóng ai ngồi so phím lụa đàn xưa.
 
+
 
NHỮNG NĂM ANH ĐI
 
Ngọn gió đưa anh đi mười năm phiêu lãng
Nhìn quê hương qua chứng tích điêu tàn
Triều Đông hải vẫn thì thầm cát trắng
Chuyện tình người và nhịp thở Trường sơn
 
Mười năm nữa anh vẫn lầm lì phố thị
Yêu rừng sâu nên khóe mắt rưng rưng
Tay anh với trời cao chim chiều rủ rỉ
Đời lênh đênh thu cánh nhỏ bên đường
 
Mười năm sau anh băng rừng vượt suối
Tìm quê hương trên vết máu đồng hoang
Chiều khói nhạt như hồn ai còn hận tủi
Từng con sông từng huyết lệ lan tràn.
 
Mười năm đó anh quên mình sậy yếu
Đôi vai gầy từ thuở dựng quê hương
Anh cúi xuống nghe núi rừng hợp tấu
Bản tình ca vô tận của Đông phương
 
Và ngày ấy anh trở về phố cũ
Giữa con đường còn rợp khói tang thương
Trong mắt biếc mang nỗi hờn thiên cổ
Vẫn chân tình như mưa lũ biên cương.
 
Nha Trang, tháng 4 năm 1975
 
*******

Xung tan An Su HT Tue Sy 04

“Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm.( Graphic design: Alain Escudier, www.hoangphap.org

 
Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm
 
#5
Chiều tôi về
em tô màu vàng ố
Màu bụi đường khô quạnh bóng trăng
Đường ngã màu
bóng trăng vò võ
Em có chờ
rêu sạm trong đêm?
 
#13
Ô hay, giây đàn chợt đứt
Bóng ma đêm như thật
Cắn đầu ngón tay giá băng
Điệp khúc lắng trầm trong mắt.
 
Rồi phím đàn lơi lỏng
Chùm âm thanh rời, ngón tay rát bỏng
Chợt nghe nguyệt quế thoảng hương
Điệp khúc chậm dần theo dấu lặng.
 
 
#15
Một ngày chơi vơi đỉnh thác
Nghe bồn chồn tiếng gọi hư không
Giai điệu nhỏ dồn lên đôi mắt
Mặt hồ im ánh nước chập chờn
Mặt hồ im, tảng màu man mác
Ảnh tượng mờ, một chút sương trong
Quãng im lặng thời gian nặng hạt
Tôi nghe đời trong tấu khúc Thiên hoang.
 
#20
Theo chân kiến
luồn qua cụm cỏ
Bóng âm u
thế giới chập chùng
Quãng im lặng
Nghe mùi đất thở.
 
#21
Nỗi nhớ đó khát khao
luồn sợi tóc
Vòng tay ôm cuộn khói
bâng khuâng
Uống chưa cạn chén trà sương móc
Trên đài cao
Em ngự mấy tầng.
 
Lên cao mãi
đường mây khép chặt.
Để xoi mòn
ảo tượng thiên chân.
Ồ, nguyệt quế!
trăng mờ đôi mắt.
Ồ, sao em?
sao ấn mãi cung đàn.
Giai điệu cổ
thoáng buồn
u uất.
Xưa yêu Em
xao động trăng ngàn.
 
*******

Xung tan An Su HT Tue Sy 03

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ trên đường “Thiên Lý Độc Hành” năm 2009.

 
Thiên Lý Độc Hành
 
1.
Ta về một cõi tâm không
Vẫn nghe quá khứ ngập trong nắng tàn
Còn yêu một thuở đi hoang
Thu trong đáy mắt sao ngàn nửa khuya
 
2.
Ta đi dẫm nắng bên đèo
Nghe đau hồn cỏ rủ theo bóng chiều
Nguyên sơ là dáng yêu kiều
Bỗng đâu đảo lộn tịch liêu bến bờ
Còn đây góc núi trơ vơ
Nghìn năm ta mãi đứng chờ đỉnh cao
 
3.
Bên đèo khuất miễu cô hồn
Lưng trời ảo ảnh chập chờn hoa đăng
Cây già bóng tối bò lan
Tôi ôm cỏ dại mơ màng chiêm bao
 
4.
Đã mấy nghìn năm đợi mỏi mòn
Bóng người cô độc dẫm hoàng hôn
Bởi ta hồn đá phơi màu nắng
Ôm trọn bờ lau kín nỗi buồn
 
5.
Từ thuở hồng hoang ta ở đâu
Quanh ta cây lá đã thay màu
Chợt nghe xao xuyến từng hơi thở
Thấp thoáng hồn ai trong khóm lau
 
6.
Trên đỉnh đèo cao bát ngát trông
Rừng, mây, xanh, ngắt tạnh, vô cùng,
Từ ta trải áo đường mưa bụi
Tưởng thấy tiền thân trên bến không  
 
_______________
 
(1)Kinh Kim Cang: “Như Lai giả vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ.” (Như Lai là không từ đâu đến, cũng không đi về đâu.)
 
(2) “Tam giới bất an do như hỏa trạch,” Kinh Pháp Hoa.
 
(3)Các dịch phẩm và sáng tác phẩm Phật học tiêu biểu của HT Thích Tuệ Sỹ gồm: 4 bộ Kinh A-hàm (Trường A-hàm, Trung A-hàm, Tạp A-hàm, và Tăng Nhất A-hàm), Kinh Duy-ma-cật Sở Thuyết, Kinh Thắng Man giảng giải, Luận Câu Xá, Trung Luận, Thành Duy Thức Luận, Huyền Thoại Duy-ma-cật, Triết Học Tánh Không, Thiền Luận tập 2&3, Thiền Định Phật Giáo, Tổng Quan Về Nghiệp…
 
(4)Lục Độ Tập Kinh, Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát dịch Việt.
 
(5)Tuệ Sỹ, Ngục Trung Mỵ Ngữ (thơ), Trách Lung (lồng chật).
 
(6) Tuệ Sỹ, Ngục Trung Mỵ Ngữ (thơ), Tự Vấn.
 
(7) Thông Điệp Hướng Về Thế Kỷ XXI, www.phatviet.info.  
 
(8)Tuệ Sỹ, Thiên Lý Độc Hành (thơ).
 
(9)Tuệ Sỹ, Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm (thơ).
 
(10) Trích lời nguyện của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ trong Di Chúc Tang Lễ.
 
(11) Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết, Tuệ Sỹ dịch.
 
(12) Câu thơ đầu trong tập thơ “Thiên Lý Độc Hành” của Thầy Tuệ Sỹ (1945-2023) đã được xuất bản vào năm 2021.
 
(13) Trích từ tứ định cú trong Kinh A-hàm: “Ngã sanh dĩ tận, phạm hạnh dĩ lập, sở tác dĩ biện, bất thọ hậu hữu.” (Sanh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn đời sau nữa)
 
(14) Lăng-già (Lanka) là tên một ngọn núi nằm trên Đảo Tích Lan (Sri Lanka). Truyền thuyết kể rằng lúc Đức Phật còn tại thế đã đến đây để giảng Kinh Lăng-già (Laṅkāvatārasūtra – Nhập Lăng-già Kinh). Đây là bộ kinh được Tổ Bồ-đề-đạt-ma (Bodhidharma) mang từ Ấn Độ sang Trung Hoa vào cuối thế kỷ thứ 5 và đầu thế kỷ thứ 6 để truyền đạo Thiền.
 
(15) Phạm Công Thiện, “Trên Tất Cả Đỉnh Cao Là Lặng Im,” 2009.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Em làm sao biết được | khó khăn là bao nhiêu | Anh cũng không tìm được | món quà cho em yêu
Ngày hôm đó ở Ui-dong | mưa tuyết rơi | và thân xác tôi, người bạn đồng hành với linh hồn, | run rẩy theo từng giọt lệ rơi.
Đã ly biệt đến rồi sao? Đó là những ngày của tháng 11, giữa mùa thu 2023, qua điện thoại. Tắt. Ngẩn người. Giữa đêm khuya gửi bài thơ ngắn. Trên giường bệnh, những giây phút cuối cùng, thơ gửi qua email, Tuệ Sỹ gõ gửi lại mấy giòng thơ cuối. Là lời giã biệt. Vậy mà chưa hết, sau bài thơ của hai chị em, vài ngày trước khi viên tịch, điện thoại reo. Người nằm trên giường bệnh. Hỏi. Không trả lời. Lặng lẽ. Nghe Thầy em đọc lời kinh cuối. Nghe được tiếng cười qua sinh tử. Tắt. Một năm qua rồi! Lễ tiểu tường Tuệ Sỹ. Vô cùng thương nhớ. Nhã Ca
Có những cửa sổ | muốn được phóng thích khỏi khung | để chạy đùa với hươu nai | băng qua | cánh đồng dã thảo sau nhà.
bài thơ độc có thể đóng khung cơn cuồng nộ | rồi treo nó lên tường, | bài thơ độc có thể làm bồ đặt chân lên xứ Trung Hoa, | bài thơ độc có thể làm cho một tâm hồn tan vỡ bay lượn,
Anh đánh vảy một con sông Sông tuồn đi chín khúc Chiếc cọc nhọn đứng khựng Thất tung chim bói cá Thủy triều vá một tấm áo xanh Bờ đá vô tăm chìm nghỉm
Bài thơ này đăng trên Việt Báo vào ngày 10 tháng 8 2024. Người dịch nói rằng “…Bài này hợp với tinh thần Phật Giáo…” Tác giả Henry Wadsworth Longfellow là một nhà thơ nổi tiếng vào bậc nhất ở Mỹ trong thế kỷ 19. Trong tiểu sử không thấy nhắc ông có nghiên cứu về Phật Giáo. Có thể giải thích rằng những gì thuộc về chân lý, sự thật thì sẽ mãi mãi tồn tại, bất kể Đức Phật có thuyết giảng hay không.
tôi trôi về đâu? | cuốn theo dòng chảy về phía trước | hay giữa lưng chừng đâu đó dạt về sau
Vẫn mang tâm hồn hoang dại, ngu ngơ | Người lữ hành xuyên qua hai thế kỷ | Sao vẫn thấy | Xa lạ với chính mình | Trước những con đường | Trước phố chợ
tôi hát lẩm nhẩm | như bông sen tưới tỏa | ngợp ngời tôi làm thơ loạn kinh thiên | trên dưới ngang dọc bần thần | lúc hừng hực lúc câm