Ở Mỹ, khi người ta kết hôn, tài khoản của họ cũng thường được ‘quy về một mối’: phần lớn các cặp vợ chồng đều sẽ gửi toàn bộ thu nhập của mình vào một tài khoản chung.
Trong những năm 1970 và 1980, việc tách biệt tài chánh có thể bị coi là điềm xấu cho một mối quan hệ. Nhưng ngày nay điều đó không còn đúng nữa. Tỷ lệ các cặp đôi, dù đã kết hôn hay chưa, giữ ít nhất một phần tài chánh riêng biệt đã tăng lên trong những thập niên gần đây, một phần vì người dân Hoa Kỳ có khuynh hướng kết hôn trễ hơn so với ngày xưa, và khi đó thì họ đã có thói quen tiêu xài của riêng mình.
Tuy nhiên, khi các chuẩn mực đã thay đổi, người ta vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về việc sắp xếp tài chánh nào là tốt nhất cho các mối quan hệ. Trong một cuộc khảo sát năm 2016, khi được hỏi liệu một cặp vợ chồng có nên hợp nhất tất cả số tiền của họ hay không, những người tham gia khảo sát đã trả lời với tỷ lệ gần như 50–50. Hai chuyên gia nổi tiếng về tài chánh cá nhân của Hoa Kỳ cũng đưa ra những lời khuyên trái ngược nhau về vấn đề này. Suze Orman nói rằng bà sẽ “không bao giờ chỉ có một tài khoản chung.” Còn Dave Ramsey thì cho rằng những lập luận về việc giữ các tài khoản riêng biệt là “một mớ nhảm nhí.”
Các chuyên gia tài chánh cá nhân gần đây có khuynh hướng đứng về phía Orman nhiều hơn, ủng hộ cách tiếp cận “kết hợp” – phần nào gộp chung thì gộp, còn phần nào giữ riêng thì giữ. Và mặc dù không có một khuôn mẫu nào là tốt nhất cho tất cả mọi người, nhưng đây là biện pháp được khá nhiều người đồng ý.
Ở các cặp vợ chồng gộp chung toàn bộ số tiền của họ, ưu điểm là nó có thể thúc đẩy cảm giác gắn kết, vì từ “của tôi” trở thành “của chúng ta.” Thực tế hơn, việc tập hợp các nguồn lực có thể hỗ trợ cả hai tránh khỏi những thăng trầm mà họ có thể gặp phải với tình hình tài chánh của mỗi người.
Và một điều chắc chắn là, nhiều cặp đôi quyết định chuyển sang sử dụng tài khoản chung đơn giản chỉ vì đó là cách mà ông bà, cha mẹ đã làm. Tất nhiên, tiền lệ đó xuất phát từ thời mà phụ nữ ít có khả năng làm ra tiền hơn hiện nay. Joanna Pepin, một nhà xã hội học tại University at Buffalo, cho biết: “Khi phụ nữ bước vào các mối quan hệ mà họ đã có công việc và thu nhập riêng, thảo luận về cách chia sẻ hòa hợp tài chánh ban đầu là một nhu cầu cần thiết.”
Trên thực tế, nhìn chung những cặp đôi gộp chung tài chánh với nhau thường hài lòng hơn với mối quan hệ của họ, và mô hình này đặc biệt rõ ràng đối với những cặp đôi có thu nhập thấp. Nhưng đó không nhất thiết là một lý lẽ để làm theo, bởi vì phát hiện này có thể có nghĩa là việc chia sẻ tiền bạc khiến các cặp đôi hạnh phúc hơn, hoặc cũng có thể là những cặp đôi đã hạnh phúc rồi thì mới có nhiều khả năng chia sẻ tiền tiền bạc với nhau hơn.
Cassie Mogilner Holmes, giáo sư tại Anderson School of Management của UCLA và là đồng tác giả của một nghiên cứu gần đây về chủ đề này, cho biết dù vẫn còn thiếu bằng chứng nhân quả rõ ràng, cá nhân bà đã quyết định hợp nhất phần lớn tiền bạc của mình với chồng sau khi thực hiện nghiên cứu này. Holmes kể về cảm giác của bà: “Việc hòa hợp lại tạo ra sự san sẻ cùng nhau. Đó là một quyết định chỉ diễn ra một lần… mang lại cảm giác ‘chúng ta’ có cái chung ‘của chúng ta’ thật sự.”
Tuy nhiên, một nhược điểm thường được báo cáo của việc đưa mọi thứ vào tài khoản chung là sẽ có nhiều lúc các cặp đôi đặt câu hỏi về quyết định chi tiêu của nhau – “chúng ta” có thực sự cần phải tiêu tiền vào việc đó không? Việc giữ các khoản quỹ riêng sẽ đảm bảo quyền tự chủ về tài chánh mà nhiều người vốn đã quen từ khi còn độc thân. Nhưng nó cũng sẽ loại bỏ cảm giác diệu kỳ về “chúng ta” như Holmes đã nói đến.
Đó là lý do tại sao phương pháp kết hợp có vẻ là một phương pháp khôn ngoan. Ý tưởng cơ bản là một cặp vợ chồng vừa có một tài khoản chung để thanh toán các chi phí chung, vừa có các tài khoản cá nhân để mỗi người có thể chi tiêu tùy ý; họ cũng có thể có tài khoản tiết kiệm chung và riêng. Cách này giúp các cặp đôi “cảm thấy như cả hai đang làm việc cùng nhau, hỗ trợ lẫn nhau, hợp tác với nhau, đồng thời vẫn cho nhau một số quyền tự chủ,” Paco de Leon, tác giả cuốn ‘Finance for the People: Getting a Grip on Your Finances’ cho biết. “Họ không cần phải bàn bạc với người kia về mỗi lần mua sắm cái gì đó.”
Đây cũng là cách tiếp cận mà Farnoosh Torabi, biên tập viên tài chánh của trang công nghệ tiêu dùng CNET, khuyến nghị cho các cặp đôi đã kết hôn cũng như chưa kết hôn. Đối với nhóm chưa có ràng buộc hôn nhân, có một giải pháp thay thế là giữ các tài khoản riêng biệt nhưng thiết lập các quy tắc rõ ràng về việc ai sẽ trả cho cái gì. Torabi khuyên không nên gộp chung tất cả các tài khoản khi người kia đang gánh khoản nợ đáng kể, để tránh căng thẳng về việc ai phải chịu trách nhiệm trả nợ.
Có một chút tranh luận về việc cách nào có nhiều khả năng dẫn đến xung đột về chi tiêu hơn, nhưng lợi thế có lẽ vẫn nghiêng về việc tách biệt một số tài khoản. Vào năm 2011, nhà báo Jessica Grose lưu ý rằng cách tiếp cận kết hợp có nghĩa là quyết định về những gì được coi là chi phí cá nhân, và những gì được coi là chi phí chung; và điều này có thể sẽ gây ra nhiều tranh cãi. Nhưng khi áp dụng cách đó với chồng xong, bà cảm thấy nhẹ nhõm vì những cuộc trò chuyện bàn bạc đó thật ra không quá căng thẳng. Mười năm sau, vợ chồng bà vẫn hạnh phúc với biện pháp này.
Trong khi đó, tất cả quy về một chỗ có thể sẽ phát sinh nhiều cãi cọ hơn. Như khi ‘em muốn làm tóc mới’ hoặc ‘anh muốn mua điện thoại hay máy chơi game đời mới’ và bây giờ chúng ta sẽ bàn bạc về việc đó. Ngoài ra, dù đã thống nhất là sẽ không giữ các tài khoản riêng, nhưng đôi khi người kia vẫn sẽ bí mật tích trữ một số tiền mặt nào đó, hay còn gọi vui là ‘giấu quỹ đen’ – đây là một phiên bản tồi tệ hơn của việc công khai có tài khoản riêng.
Một điểm khác trong cách tiếp cận kết hợp là không ai nói trước được tương lai – bất kỳ mối quan hệ nào đều có khả năng đổ vỡ. Điều này không phải là không ‘mặn mà’ mà chỉ đơn thuần là nhận thức được rằng khả năng chia tay vẫn có thể xảy ra. Việc có tài khoản cá nhân “không có nghĩa là khi ly hôn, mỗi người sẽ ra đi với tài khoản riêng của mình,” trừ khi họ đã ký một thỏa thuận riêng trước khi kết hôn.
Trong một cuộc hôn nhân, quan điểm cho rằng quý vị có thể giữ tài chánh của mình thực sự “tách biệt” ở một mức độ nào đó là một ảo tưởng – số tiền mà một cặp vợ chồng có được xem là sản phẩm của những quyết định chung mà họ đưa ra về nơi sinh sống, ai đi làm, ai ở nhà nội trợ, có sinh con đẻ cái hay không và chia sẻ việc nhà như thế nào. Thực tế, trong nhiều trường hợp, việc cố gắng tách biệt tài chánh quá rõ ràng có thể không tốt cho phụ nữ, vì họ thường phải gồng gánh những việc nội trợ trong nhà mà không được trả lương tương xứng, dù đó là quyết định chung của cả hai vợ chồng.
Sự căng thẳng trong bất kỳ thỏa thuận tài chánh nào – giữa quyền tự chủ và sự gắn kết với nhau – thực ra chỉ là phản ánh sự căng thẳng cốt lõi của hôn nhân ngày nay: cân bằng giữa việc là một cá nhân riêng biệt với việc trở thành một phần trong cam kết hôn nhân với người bạn đời. Cách quý vị cảm nhận về sự đánh đổi này trong hôn nhân có thể định hình cách quý vị cảm nhận về nó trong tài chánh.
Với cách nhìn này, những khác biệt trong thỏa thuận về vấn đề tài chánh hóa ra nhỏ nhặt hơn nhiều, bởi vì các cặp vợ chồng có thể tùy chỉnh từng thỏa thuận – chẳng hạn, bằng cách chia sẻ tài khoản chung nhưng vẫn cho phép những chi tiêu cá nhân không cần bàn bạc, để mỗi người đều không phải mang cảm giác tội lỗi khi muốn lấy khoản tiền chung đi chi tiêu riêng.
Các cặp đôi khác nhau sẽ có những sở thích khác nhau về cảm giác cân bằng giữa quyền tự chủ và sự gắn kết với nhau, cho dù đó là thẻ ghi nợ, hay tài khoản dùng chung độc quyền. Với bất kỳ sự sắp xếp nào, các cặp vợ chồng nên tập trung đảm bảo rằng ai cũng có quyền tiếp cận, kiểm soát số tiền đó và hiểu rõ về tình hình tài chánh tổng thể của nhà mình. Ngoài ra, cho dù đưa ra lựa chọn nào đi chăng nữa, chúng ta cũng đều nên lựa chọn người bạn đời có suy nghĩ và tư tưởng phù hợp với mình, không chỉ về vấn đề tài chánh mà còn về mối quan hệ “tôi” và “chúng ta” trong hôn nhân.
Nguồn: “Should Couples Merge Their Finances?” được đăng trên trang www.Theatlantic.com.
Gửi ý kiến của bạn