Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng các hạt bụi ô nhiễm không khí từ những nhà máy điện đốt than đá có hại cho sức khỏe con người nhiều hơn so với những gì các khoa học gia từng nhận định, và có khả năng gây ra nguy cơ chết sớm cao gấp đôi so với các hạt bụi ô nhiễm không khí từ nguồn khác.
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science, nhóm của Giảng sư Lucas Henneman từ George Mason University đã lập bản đồ cách khí thải của các nhà máy điện than ở Hoa Kỳ di chuyển trong khí quyển, sau đó liên kết lượng khí thải của từng nhà máy với các trường hợp tử vong của những người trên 65 tuổi tham gia Medicare.
Kết quả nghiên cứu cho thấy các chất ô nhiễm không khí thải ra từ các nhà máy điện than có liên quan đến gần nửa triệu trường hợp tử vong ở người cao niên ở Hoa Kỳ từ năm 1999 đến năm 2020.
Đó là một con số đáng chú ý, nhưng nghiên cứu cũng đưa ra một tin tốt: Số ca tử vong hàng năm liên quan đến các nhà máy điện than của Hoa Kỳ đã giảm mạnh kể từ giữa những năm 2000, khi các quy định liên bang buộc các nhà vận hành phải lắp đặt thiết bị làm sạch khí thải và nhiều công ty điện lực đã phải đóng cửa hoàn toàn các nhà máy điện đốt than.
Theo nghiên cứu, vào năm 1999, 55,000 trường hợp tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí từ than ở Hoa Kỳ. Đến năm 2020, con số này giảm xuống còn 1,600.
Ở Hoa Kỳ, việc sử dụng than đang bị thay thế bởi khí đốt tự nhiên và nguồn năng lượng tái tạo để tạo ra điện. Tuy nhiên, trên toàn thế giới, việc sử dụng than dự kiến sẽ tăng trong những năm tới. Điều này khiến kết quả của nghiên cứu trở nên cấp bách hơn đối với các quyết sách gia khi họ xem xét phát triển các chính sách trong tương lai.
Ô nhiễm không khí từ than: Tại sao nó lại đáng lo ngại như vậy?
Một nghiên cứu đầu tiên vào những năm 1990, gọi là Nghiên cứu Sáu Thành phố của Harvard (Harvard Six Cities Study), đã liên kết các hạt bụi rất nhỏ trong không khí gọi là bụi mịn PM2.5 với việc tăng nguy cơ chết sớm. Các nghiên cứu sau đó cũng đã liên kết bụi PM2.5 với các bệnh về hô hấp, tim mạch, ung thư, mất trí nhớ và các bệnh khác.
Sau nghiên cứu đó, Environmental Protection Agency bắt đầu quy định nồng độ bụi PM2.5 từ năm 1997 và đã hạ thấp giới hạn chấp nhận được theo thời gian.
PM2.5 – những hạt bụi đủ nhỏ để có thể hít sâu vào phổi của chúng ta – đến từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm từ cả quá trình đốt xăng trong xe cộ và khói từ các vụ cháy rừng và nhà máy điện. Nó được tạo thành từ nhiều hóa chất khác nhau.
Than cũng chứa nhiều loại hóa chất – carbon, hydro, lưu huỳnh, thậm chí cả kim loại. Khi than bị đốt cháy, tất cả các hóa chất này sẽ được thải vào khí quyển dưới dạng khí hoặc hạt. Từ đó, chúng được gió thổi và tương tác với các hóa chất khác đã có trong không khí.
Kết quả là, bất kỳ ai ở hướng gió của nhà máy điện than đều có thể hít vào một hỗn hợp hóa chất phức tạp, mỗi loại có tác động khác nhau đối với sức khỏe con người.
Theo dõi bụi PM2.5 từ than
Để hiểu những rủi ro mà khí thải từ than đá gây ra cho sức khỏe con người, nhóm nghiên cứu đã theo dõi lượng khí thải sulfur dioxide từ mỗi trong số 480 nhà máy điện than lớn nhất của Hoa Kỳ hoạt động từ năm 1999, di chuyển theo gió và biến thành các hạt nhỏ – bụi PM2.5 từ than. Họ chọn theo dõi sulfur dioxide vì những ảnh hưởng đã biết của nó đối với sức khỏe và lượng khí thải giảm đáng kể trong thời gian nghiên cứu.
Sau đó, nhóm sử dụng mô hình thống kê để liên kết mức độ tiếp xúc với bụi PM2.5 từ than với hồ sơ Medicare của gần 70 triệu người từ năm 1999 đến năm 2020. Mô hình này cho phép họ tính toán số ca tử vong liên quan đến bụi PM2.5 từ than.
Trong mô hình thống kê, nhóm nghiên cứu đã kiểm soát các nguồn ô nhiễm khác và tính đến nhiều yếu tố rủi ro khác, như tình trạng hút thuốc, thời tiết địa phương và mức thu nhập. Nhóm đã thử nghiệm nhiều phương pháp thống kê và tất cả đều cho kết quả nhất quán. Họ đã so sánh kết quả của mô hình thống kê với các kết quả kiểm tra tác động sức khỏe của bụi PM2.5 từ các nguồn khác trước đó và nhận thấy rằng bụi PM2.5 từ than có hại gấp đôi so với bụi PM2.5 từ tất cả các nguồn khác.
Số trường hợp tử vong liên quan đến mỗi nhà máy điện than phụ thuộc vào nhiều yếu tố – lượng khí thải của nhà máy, hướng gió và số lượng người hít phải khí ô nhiễm. Thật không may, nhiều công ty điện lực ở Hoa Kỳ đặt nhà máy của họ ở vị trí ngược gió với các trung tâm dân cư đông đúc ở Bờ Đông. Vị trí này đã làm tăng cường tác động của các nhà máy.
Thông qua công cụ trực tuyến tương tác, người dùng có thể tra cứu ước tính của nhóm về số ca tử vong hàng năm liên quan đến mỗi nhà máy điện tại Hoa Kỳ và cũng có thể xem cách con số này giảm theo thời gian tại hầu hết các nhà máy điện than ở Hoa Kỳ.
Câu chuyện thành công của Hoa Kỳ và tương lai của than đá
Các kỹ sư đã thiết kế các máy lọc hiệu quả và các thiết bị kiểm soát ô nhiễm khác có thể giảm ô nhiễm từ các nhà máy điện đốt than trong nhiều năm. Và EPA cũng có các quy định đặc biệt để khuyến khích các công ty điện lực lắp đặt chúng, hầu hết các cơ sở không lắp đặt máy lọc đều đã ngừng hoạt động.
Kết quả thực sự ấn tượng: Lượng khí thải sulfur dioxide giảm khoảng 90% tại các cơ sở báo cáo đã lắp đặt máy lọc. Trên toàn quốc, lượng khí thải sulfur dioxide đã giảm 95% kể từ năm 1999. Theo thống kê, số trường hợp tử vong do mỗi cơ sở lắp đặt máy lọc hoặc đóng cửa đã giảm đáng kể.
Khi những tiến bộ trong kỹ thuật fracking làm giảm chi phí khí đốt tự nhiên và các quy định khiến cho việc vận hành các nhà máy điện đốt than trở nên đắt đỏ hơn, các công ty điện lực bắt đầu thay thế than bằng các nhà máy khí đốt tự nhiên và năng lượng tái tạo. Việc chuyển sang sử dụng khí đốt tự nhiên – một loại nhiên liệu hóa thạch sạch hơn than đá nhưng vẫn góp phần gây ra biến đổi khí hậu – đã dẫn đến giảm ô nhiễm không khí hơn nữa.
Ngày nay, than đá đóng góp khoảng 27% điện năng ở Hoa Kỳ, giảm từ mức 56% vào năm 1999.
Tuy nhiên, trên toàn cầu, tương lai của than đá rất khác nhau. Trong khi Hoa Kỳ và các quốc gia khác đang hướng tới một tương lai ít sử dụng than đá hơn, International Energy Agency dự kiến việc sử dụng than đá trên toàn cầu vẫn sẽ tăng ít nhất là cho đến năm 2025.
Nhiều nghiên cứu cho thấy rõ rằng việc tăng cường sử dụng than đá sẽ gây hại cho sức khỏe con người và khí hậu. Tận dụng tối đa các biện pháp kiểm soát khí thải và chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo là những cách chắc chắn để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của than đá.
Nguồn: “Pollution from coal power plants contributes to far more deaths than scientists realized, study shows” được đăng trên trang TheConversation.com.
Gửi ý kiến của bạn