Lời tòa soạn: Dưới đây là hai phân đoạn trong cuốn tiểu thuyết “Đường về thủy phủ” của nhà văn Trịnh Y Thư, với bối cảnh là cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Với phong cách viết phân mảnh thành từng khối của nhà văn, độc giả có thể đọc hai phân đoạn này như một truyện ngắn. Việt báo trân trọng giới thiệu.
16.
Về lại buôn bản sau trận công đồn, ngay chiều hôm sau, tôi ra suối chờ Xụ Phụn Phèn. Tôi biết hằng ngày cô ra nương ngô, lúc về, ra suối tắm rồi mới về nhà. Cô và các bạn của cô. Nơi các cô tắm là một duềnh nước trong vắt. Con suối đổ từ cao xuống đến đây biến thành cái vụng to, cây cỏ um tùm xung quanh che rợp, nhưng tôi biết một chỗ kín đáo rình xem các cô tắm (kinh nghiệm từ ngày theo đám nhãi ranh làng Thụy Khuê xem trộm cô con gái cụ Chánh Phùng Gia Tuyên). Nhưng từ ngày cô và tôi trở thành tình nhân, cô cấm tuyệt tôi không được làm cái trò khỉ ấy nữa. Cô hẹn tôi ở một nơi khác, mãi tận khúc suối trên nguồn cách xa cả cây số, vắng vẻ. Tắm xong, cô về nhà làm cơm bỏ vào ống tre đem ra cho tôi và cô cùng ăn. Tại đây có một cái lán xiêu vẹo bỏ không, tôi sửa sang, dọn dẹp thành căn lều lý tưởng cho hai chúng tôi yêu nhau.
Tôi ngồi chờ một lát thì cô đến. Cô mừng đến chảy nước mắt khi thấy tôi trở về nguyên vẹn. Tôi bảo cô tôi có phải đánh đấm gì đâu mà chẳng nguyên vẹn, tôi chỉ là anh dân quân đi theo dọn dẹp chiến trường, nhưng cô có vẻ khâm phục tôi lắm. Tôi lục ba-lô lấy ra hai món vật đưa cho cô, một chiếc đồng hồ dạ quang và chiếc xuyến vàng lóng lánh:
“Kử nhặt được ở đồn Pháp. Đồng hồ cho phỉ, còn cái xuyến cho kõ.”
Cô trố mắt nhìn hai món vật. Đó là cả một gia tài đối với cô, tôi nhặt được trong lúc đi lục soát cái đồn Tây, và mặc dù anh Mẫn luôn mồm gọi tôi là thằng mán rừng, nhưng tôi đủ khôn ngoan giấu hai món vật trong ba-lô đem về làm quà cho Phèn. Cô cảm động nhìn tôi âu yếm rồi cởi áo, cầm tay tôi đặt lên ngực mình. Vú cô bé lắm, chỉ nhỉnh hơn quả cau một chút, nhưng đầu vú to, màu hồng. Tôi thích nghịch vú cô. Cô biết thế. Tôi đưa môi hôn cô, tay mân mê đầu vú xinh xắn, ngọt ngào.
17.
Tiểu đoàn của ông Lê Lân đang dưỡng quân và chờ bổ sung quân số. Sau trận công đồn, mặc dù triệt hạ được đồn theo lệnh cấp trên, giết sạch bốn năm chục lính và sĩ quan đóng trong đồn, nhưng tiểu đoàn ông bị thiệt hại nặng. Gần hai trăm bộ đội chết và bị thương. Không thấy anh Sơn về buôn bản gặp tôi nói chuyện vãn nữa. Không hiểu sau cái màn cắt đầu người ấy, anh còn bình tĩnh viết xuống sổ tay trải nghiệm này để mai sau viết tiểu thuyết không. Tôi được điều sang một đơn vị dân quân khác lên Lào Kai tiếp thu súng ống, đạn dược của Trung quốc. Lúc này bên Trung quốc, Mao Trạch Đông đã đánh đuổi xong quân Tưởng Giới Thạch sang đảo Đài Loan, súng đạn thừa mứa, nên họ viện trợ cho Việt Minh đánh Pháp. Mỗi chuyến đi như vậy thường mất cả hai, ba tháng trời, mặc dù có quân xa chở vũ khí đạn dược. Lý do chậm vì xe chỉ dám chạy ban đêm để tránh máy bay Pháp không tập, và không phải lúc nào cũng ngồi xe. Có những đoạn đường cả đoàn dân quân gần trăm người phải dùng ngựa thồ hoặc vác súng trên vai đi phân phối cho các đơn vị chiến đấu ở vùng xa hiểm trở. Tôi đi được hai chuyến, mất hơn năm tháng trời thì có lệnh trở về đơn vị cũ, chờ. Tàu hỏa từ Kôn Minh có trục trặc gì đó, chưa sang biên giới được. Tôi về buôn, định bụng gặp Xụ Phụn Phèn tặng cô cái khăn trùm tóc bằng lụa Tô Châu tôi mua ở chợ Cốc Lếu. Tôi nôn nao, tưởng tượng lúc ôm Xụ Phụn Phèn vào lòng. Gần nửa năm trời xa cách, nhớ lắm, và tôi biết Xụ Phụn Phèn cũng nhớ tôi chẳng kém. Nhưng khi về gần đến thôn bản, linh tính báo cho tôi biết có chuyện chẳng lành, và tôi không thể tin mắt mình khi trước mặt tôi, cả cái buôn bị cháy rụi, không một căn nhà nào còn, không một dấu hiệu nào cho thấy bất cứ một sinh linh nào còn sống, con người cũng như con vật. Tôi bàng hoàng đến tê tái cả người. Chuyện gì xảy ra? Cả một buôn bản, gần ba trăm con người biến đi đâu? Nhà cửa chỉ còn lại những đám tro than bắt đầu nguội lạnh. Tôi kinh hãi chạy như điên dại trên đống tro tàn. Nhà Xụ Phụn Phèn, căn khang trang nhất buôn, cột gỗ kê, đòn tay tre, ba gian, hai chái, mái chảy, nằm lấp lửng trên một triền đồi, với hàng cây đào, mận sum suê đằng trước, cũng cháy nham nhở, sụp đổ tan tành, không sao nhận ra được nữa.
Tôi quá đỗi hoang mang như trong ác mộng. Không một bóng người cho tôi hỏi thăm. Tất cả im lặng đến ghê người, chỉ có tiếng u u từ cõi mịt mùng của núi rừng vọng đến cùng tiếng gió đánh vào cành lá kêu xào xạc. Tôi chạy ra bờ suối nơi tôi và Xụ Phụn Phèn thường hẹn hò. Có lẽ mấy hôm nay mưa to trên thượng nguồn nên bây giờ con suối là một cái thác nhỏ, nước bắn tung tóe trên những tảng đá to tròn nằm hỗn độn hai bên bờ. Không có gì khác lạ. Đứng nhìn con suối một lúc lâu, đầu óc trống rỗng, tôi thẫn thờ đi trở lại buôn. “Phải tìm cho ra lẽ chuyện gì đã xảy ra nơi đây. Ai là thủ phạm gây nên thảm cảnh này?” Tôi nhủ lòng như thế.
Ý nghĩ đầu tiên đến với tôi lúc mới nhìn thấy cảnh tượng không thể tin nổi này là Pháp đánh vào thôn bản và đốt sạch nhà cửa vì dân chống cự. Nhưng sau giây phút đầu tiên bất ngờ choáng váng, suy nghĩ lại, tôi thấy điều ấy không hợp lý. Không hề có một dấu hiệu nào cho thấy có giao tranh xảy ra, không một thân cây nào có vết đạn, các lán vẫn nguyên vẹn, chỉ nhà người H’Mông bị đốt cháy rụi. Những quan sát đó khiến tôi càng hoang mang. Chẳng lẽ họ thiêu hủy toàn bộ thôn bản của mình để dời sang một vùng khác làm nương rẫy mới? Không đời nào. Người H’Mông không phải dân du mục, họ làm rẫy, và sống chết bám chặt lấy mảnh đất cũ kỹ của mình. Với những suy nghĩ ấy, tôi lấy lương khô trong ba-lô ra ăn rồi tìm chỗ ngủ.
Thực chất, người H’Mông không quan tâm lắm đến cuộc chiến này. Họ xem đó là chuyện giữa người Kinh và người Pháp, phe nào thắng, phe nào thua, cuộc sống họ không thay đổi. Tuy nhiên, họ không sống yên vì bị lôi kéo vào chiến tranh một cách bất đắc dĩ. Việt Minh dùng núi rừng nơi họ sinh sống làm an toàn khu, và mặc dù không muốn, họ đành chấp nhận vì không có chọn lựa nào khác. Dĩ nhiên Việt Minh phủ dụ, lôi kéo họ về phe mình chống Pháp, nhưng họ quen tự do xưa nay, họ có một số lề thói, tập tục riêng và cuộc sống họ không bị câu thúc bởi bất cứ luật lệ, nguyên tắc chỉ đạo nào từ bên ngoài. Bởi thế đã có không ít những mâu thuẫn bất mãn xảy ra.
Lúc đó có lẽ tôi không nhận thức được điều này, nhưng một cách mơ hồ, tôi linh cảm những gì tôi chứng kiến không do Pháp gây ra.
Hôm sau tôi mò sang buôn kế cận cách đó chừng hai mươi cây số. Tại đây tôi gặp lại một anh trong đội dân quân du kích, và từ anh ta, tôi biết sự thật. Một sự thật quá đau lòng. Anh dân quân có lẽ chỉ biết đánh vần, thêm tật nói lắp, nhưng từ những điều anh ta kể, tôi có thể chắp nối sự việc xảy ra như sau:
Người trưởng đồn bị cắt đầu là em ruột một ông Đại tá Pháp đang chỉ huy một lữ đoàn Nhảy Dù. Ông ta điên lên vì tức giận khi hay tin em mình bị bêu đầu, ông ta yêu cầu cấp trên cho ông ta toàn quyền xử lý vụ trừng phạt đơn vị Việt Minh đã gây nên “tội ác.” Sau khi nhận được chấp lệnh, việc đầu tiên ông ta làm là dùng của cải đút lót các thôn bản quanh vùng để lấy thông tin chỗ trú quân của tiểu đoàn ông Lê Lân. Một người trong thôn bản của Xụ Phụn Phèn tham của hay bất mãn Việt Minh, ra mật khai hết tình hình của tiểu đoàn, vị trí chỗ trú quân, quân số bộ đội, cho Pháp. Thế là nổ ra một cuộc hành quân truy quét quy mô ba gọng kềm có xe bọc sắt và phi cơ yểm trợ đánh vào an toàn khu. Bị đánh bất ngờ, nhưng nhờ đường dây báo động hữu hiệu và canh gác kỹ lưỡng nên chỉ hơn hai mươi bộ đội bỏ xác lại, và khoảng ba chục người khác bị thương, tiểu đoàn thoát hiểm kịp, trong đó có ông Lê Lân, mở đường máu chạy tuốt về một an toàn khu khác ở Sơn La. Một tháng sau khi quân Pháp rút đi, sự việc người trong thôn bản ra mật khai với Pháp bay đến tai ông Lê Lân. (Nội tuyến của kháng chiến có mặt hầu như khắp mọi nơi). Thế là, đích thân ông Lê Lân – theo lời anh Sơn, vốn là người ghét tay sai, chỉ điểm cho Pháp hơn cả Pháp – chỉ huy một đại đội về thôn bản, nửa đêm lùa hết dân chúng ra bờ suối. Những người dân H’Mông xưa nay chỉ biết làm nương rẫy, trong tay chỉ có vài cây rìu, vài con dao, làm sao chống cự nổi súng đạn. Có lẽ cũng có vài anh thanh niên liều mình đánh trả, nhưng cuối cùng tất cả già trẻ lớn bé bị lùa hết ra bờ suối. Đêm đó trời mưa như trút nước, anh dân quân kể, con suối bình thường nước chảy lờ đờ, đêm đó biến thành một dòng thác lũ, nước chảy cuồn cuộn. Sau khi bắt mọi người đứng quay lưng nhìn xuống suối, một viên đạn vào sau ót, một cái đạp, xác người đó lập tức biến mất trong làn nước hung hãn. Không phải từng người mà hàng chục người mỗi lượt. Không phải ai cũng lãnh đạn, có kẻ bị bổ rìu vào đầu, óc phọt ra. Trẻ em sơ sinh không bị bắn, cũng không bị rìu bổ, họ nắm cổ chân đứa bé quật vào thân cây to, óc vỡ toang, và tiện đà ném bay cái xác nhỏ xíu xuống suối.
Chỉ một loáng, gần ba trăm con người đã bị xử tử như thế.
“Cháu sợ quá, cậu ạ.” Anh dân quân gọi tôi bằng cậu, xưng cháu, chứ không “đồng chí” nữa, mặc dù anh hơn tôi ít nhất cả chục tuổi. Tôi nhìn thấy nét khiếp hãi trong cử chỉ, giọng nói run run, ánh mắt thất thần của anh.
“Rồi sao nữa?” Tôi hỏi anh.
“Họ ra lệnh cho dân quân du kích chúng cháu ở lại mấy hôm sau chờ tạnh mưa đốt hết nhà cửa trong thôn bản. Cả một cái thôn bản không còn một mống.”
Tôi thừ người nghe anh kể, tôi không biết suy nghĩ gì nữa. Một sự thật ngoài mức tưởng tượng của tôi. Anh dân quân lại nói tiếp:
“Cháu không hiểu nổi, cậu ạ. Cháu cũng không hiểu một điều nữa là khi bị xử tử, những người H’Mông này, họ không thốt một lời kêu van, tất cả im lặng, cúi đầu chịu chết. Thành thử suốt buổi, cháu không nghe một tiếng động nào ngoài tiếng súng độp độp, tiếng khóc như ri của đám trẻ nít lẫn tiếng suối chảy và tiếng mưa. Lạ lùng lắm cơ… À, suýt tí nữa thì cháu quên, lúc này đầu óc cháu mụ mẫm lắm, chả còn nhớ cái gì nữa.”
Anh rút từ trong ba-lô ra một cái túi thổ cẩm nhỏ bằng bàn tay đưa cho tôi.
“Lúc cháu đang đốc suất dân thôn bản di chuyển ra khỏi nhà, bỗng một cô gái chạy lại đưa cho cháu cái này, nhờ cháu đưa lại cho cậu. Cô ấy nói tiếng Kinh mình sõi lắm và gọi đích danh cậu. Cháu bảo cô ấy cứ an tâm, ‘Tôi hứa sẽ làm tròn lời cô dặn.’ Thế rồi cô ấy lầm lũi đi theo đoàn người ra bờ suối.”
Tôi cầm cái túi thổ cẩm nhỏ. Tôi biết vật gì bên trong. Tôi cũng biết từ nay, nó là món vật duy nhất còn lại cho tôi liên tưởng đến hình ảnh Xụ Phụn Phèn.
“Đơn vị mình tan rã cả rồi, anh định làm gì bây giờ?” Tôi hỏi anh dân quân.
“Cháu định về lại nhà cháu ở Nghĩa Lộ, chứ cháu sợ lắm…”
“Anh phải báo cáo lên đơn vị rồi chờ quyết định, nếu không, họ sẽ xử bắn anh về tội bỏ ngũ.”
“Vâng, cháu biết... Nhưng cháu không sống ở đây được nữa. Về Nghĩa Lộ cháu sẽ tìm đường trốn sang Lào, cậu ạ. Gia đình cháu có mấy người trốn sang Lào từ trước kháng chiến. Sang đấy, may ra cháu tìm được đất sống. Cháu bị bắt vào dân quân, chứ cháu nào có muốn cầm súng đánh giặc như thế này.”
Tôi chia tay anh dân quân, chúc anh may mắn. Tôi không biết mình sẽ đi đâu, nhưng tôi phải ra khỏi vùng núi rừng này. Nó kinh khiếp quá đỗi. Con suối trước kia xinh đẹp thơ mộng dường nào, bây giờ là suối máu. Tôi băng rừng, cứ nhắm bừa phía trước mà đi, vừa đi vừa gọi tên Xụ Phụn Phèn. Ôi, cô gái H’Mông xinh đẹp! Tình yêu của cô cho tôi, nó hoang dại như núi rừng này, nhưng nó say đắm và tinh tuyền như tình yêu của loài muông thú. Nhờ nó, muông thú tìm đến nhau, trái đất này còn tồn tại. Nó giữ cho trái đất khỏi nổ tung. Nhưng nó bị người ta lấy mất của tôi, bởi người ta đang có một âm mưu kinh khiếp là toa rập nhau phá vỡ trái đất ra thành nhiều mảnh vụn, không cách gì hàn gắn lại được.
– Trịnh Y Thư
(Trích đoạn tiểu thuyết Đường về thủy phủ).
Gửi ý kiến của bạn