Hôm nay,  

Đi thăm thành Cổ Loa – Trống Đồng Cổ Loa

11/11/202308:06:00(Xem: 1069)
Truyện ký

 Image result for trống đồng cổ loa

Trống đồng Cổ Loa


Trời đã xế chiều, chúng tôi cũng chuẩn bị trở về Hà Nội. Vừa ra khỏi cổng thành Cổ Loa, Thi xuống xe và sà ngay vào một quán bên đường mua mấy cái bánh gai gói bằng lá chuối khô được xâu vào với nhau bằng sợi lạt. Thi nói mua về để tối nay ra sân ăn bánh, uống trà.
       Trên đường về, đường vắng xe, cánh đồng đã vắng bóng người làm đồng. Nhìn cảnh vật êm đềm của đồng ruộng, trong lòng tôi thấy thật thanh bình. Chúng tôi lái xe hàng ba mà vẫn không sợ choán đường của ai. Uyên và Thi đạp xe bên tôi trong im lặng.
      Vì có chị đi bên cạnh nên Thi giữ ý tứ hơn, ít khi tỏ ra nhí nhảnh như thường lệ trong những lần đi chơi riêng với tôi. 
      Để phá vỡ cái không khí yên lặng ấy, tôi rủ Thi đạp xe đua xem ai chạy nhanh. Thi nhìn chị rồi lắc đầu mỉm cười không nói. Hai chiếc áo dài, một tím hoa cà, một trắng, phất phới trong gió chiều, đẹp làm sao. Áo dài Việt Nam giản dị nhưng nó luôn luôn đẹp ở bất cứ nơi đâu và ta có thể mặc nó ở bất cứ trong trường hợp nào mà vẫn giữ được dáng vẻ thanh lịch.
     Uyên đạp xe đến gần tôi hơn. Nàng hỏi nhẹ:
      – Anh cho em hỏi anh một câu hỏi ngắn nữa thôi. Được không?
      Tôi nhìn Uyên hỏi:
      – Chuyện gì vậy cô giáo?
      Uyên ngập ngừng:
      – Anh kể cho em nghe về cái trống đồng Cổ Loa đi!
      – Ái chà! Cô giáo hỏi anh câu hỏi “hắc búa” (khó) quá. Câu hỏi này đâu có ngắn hở Uyên!
      Uyên để tay nhẹ lên tay tôi nói:
      – Nếu thế thì thôi, ta để khi khác vậy!
      Tôi cũng vỗ nhẹ lên tay Uyên:
      – Ừ, anh sẽ nói với Uyên nhiều hơn về vấn đề này khi có dịp. Nay, Uyên đã hỏi thì anh sẽ nói, nhưng anh chỉ đưa ra vài điều ngắn gọn thôi đấy nhé. Trống đồng Cổ Loa là loại trống đồng lớn, khi khai quật, trống nằm ngửa trong đó có chứa 200 cổ vật khác gồm cả lưỡi cày, rìu đồng và tên đồng. có niên đại trên 2000 năm. Đặc biệt ngoài “hoa văn” còn có “chữ khắc” ở đế trống. Tuy nhiên ở đây anh chỉ nói khái quát về trống đồng mà thôi chứ không nói riêng về trống đồng Cổ Loa. 
 
http://ducdongdaothuy.com/image/data/DSC00003_resize.jpg 
Trống đồng Cổ Loa với “hoa văn” trên mặt trống.
 
chiec-trong-dong-duy-nhat-phat-hien-trong-thanh-co-loa-2
Lưỡi cày trong trống đồng Cổ Loa
 
Theo những tài liệu anh được đọc, trống đồng nước ta đã hiện diện qua nhiều triều đại. Nó được dùng như một biểu tượng của uy quyền kể cả trong vương triều lẫn ngoài dân gian. Nó còn được dùng trong hội hè hay trong chiến tranh nữa. Vào thời nhà Lý, ở Thăng Long ta có đền Đồng Cổ thờ trống đồng. Hàng năm vua quan phải tới đó để thề trung thành với nhà vua và trung thành với tổ quốc.

blank
  “Hoa văn” trên mặt trống đồng Ngọc Lũ.
 
Về trống đồng Cổ Loa, thật sự ra, cũng giống như trống đồng Ngọc Lũ hay trống đồng Hoàng Hạ mà thôi. Nó có cùng khoảng niên đại nhưng ít nổi tiếng hơn hai chiếc trống kia. Các nhà nghiên cứu khảo cổ quốc tế đã tìm thấy nhiều trống đồng ở nhiều nước trong vùng Đông Nam Á kể cả miền nam Trung Hoa. 
      Các nhà khảo cổ chia trống đồng thành vài loại khác nhau. Có một điều, nhờ vào khoa học tiến bộ ngày nay, nhất là nhờ vào chất phóng xạ C14 đã có thể định niên đại cổ vật một cách chính xác, họ mới khám phá ra rằng những trống đồng càng tiến gần trung tâm đồng bằng Bắc Việt thì niên đại càng cao, nghĩa là càng lâu đời hơn, và những hoa văn trên trống đồng cũng càng tinh xảo và đẹp hơn so với những trống đồng tìm thấy ở những nơi khác hoặc những nước khác. Điều đó chứng tỏ rằng kỹ thuật đúc đồng của nước ta vào thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên và Đông Sơn được coi là rất cao. Không những kỹ thuật đúc đồng mà còn kể cả về kỹ thuật luyện kim cũng đã phát triển lắm rồi, như biết pha đồng với những tỷ lệ đồng với chì, thiếc . . . một cách chính xác và khoa học để thay đổi tính chất của kim loại. Những mũi tên đồng tìm được ở cổ thành Cổ Loa cũng là một thí dụ điển hình. Trống đồng được phát triển cao độ ở thời các vua Hùng
      Sự khác biệt niên đại của các trống đồng của ta, dù có niên đại lâu hơn so với những nước khác, nhưng cũng không nhiều lắm. Điều đó cũng dễ hiểu vì vào thời kỳ văn hóa Đông Sơn, thời văn hóa đồng–sắt, những phương tiện di chuyển đã khá tiến bộ nên việc trao đổi hàng hóa và kỹ thuật được nhanh hơn so với thời kỳ văn hóa Hòa Bình. Kỹ thuật về đồng thì ta tiến nhanh, nhưng kỹ thuật về sắt thì ta lại tiến chậm hơn nước Tầu rất nhiều.
      Uyên hỏi:
      – Cứ như anh nói, trống đồng ở nước ta có trước Trung Hoa à?
      – Đúng như thế! Ngoài những nhà khảo cổ quốc tế, những nhà khảo cổ danh tiếng và chuyên nghiệp của Trung Hoa ngày nay cũng đã xác nhận như thế. Nếu Trung Hoa và ta có đôi co về trống đồng thuộc của ai trước ai sau thì Trung Hoa cũng chỉ dám so sánh giữa vùng văn hóa miền nam Trung Hoa với ta mà thôi. Như anh đã nói với Uyên, anh cần nhắc lại để Uyên nhớ thật rõ là người miền nam Trung Hoa ngày nay thuộc những chủng tộc Bách Việt xưa, mà các nhà khảo cổ học, nhân chủng học, ngôn ngữ học và di truyền học trên thế giới đã xác nhận những dân tộc Bách Việt có nguồn gốc từ miền nam đi lên miền bắc trong thời kỳ biển tiến và đã mang theo nền văn hóa Hòa Bình của họ. Họ ở lại sinh sống nơi định cư mới này. 
      Họ cũng đã từng bị người Hán dùng sức mạnh xâm chiếm đất đai của họ để thành lập một phần lớn lãnh thổ thuộc phía nam của nước Trung Hoa ngày nay. Ta cũng nên nhớ là những dân tộc Bách Việt có thời họ liên kết với nhau để trở thành những nước như Sở, Ngô, Việt hùng mạnh, đủ sức tranh giành Trung nguyên với người Hán. Người Hán thiện chiến hơn, chiếm đất người Bách Việt ở miền nam bằng quân sự. Tuy đã bị đồng hóa với người Hán nhưng người miền nam cũng đã ảnh hưởng ngược lên người Hán bằng chính văn hóa của mình, bằng nền văn minh lúa nướcvăn minh đồng của mình một cách nhẹ nhàng. 
      Những người trong số chủng tộc Bách Việt bị xâm lăng, không chịu ở lại để sống trên đất Trung Hoa dưới sự cai trị của người Hán, họ rút về phía nam. Ngoài ra, trong số họ, cũng có những người muốn hồi cố hương, trở về nơi xưa chốn cũ trước thời biển tiến, để thành lập ra những quốc gia mới như ngày nay.  Như Việt Nam của tộc Âu Lạc (Tầy cổ) hay Lạc Việt (Mã Lai cổ); Miến Điện của tộc Tạng–Miến; Thái Lan và Lào của tộc Tầy–Thái. . . vân vân. 
      Anh nhắc lại: sự tranh cãi của người Tầu với ta về trống đồng, họ cũng chỉ dám giới hạn trong phạm vi thuộc lãnh thổ xưa của những chủng tộc thuộc người miền nam Trung Hoa đã bị đồng hóa thành người Tầu bây giờ mà thôi, chứ họ không thể đi xa hơn mà nhận trống đồng phát xuất từ giống dân Hoa Hán ở miền bắc Trung Hoa được.
      Tương tự, cũng như trong bao năm, người Tầu luôn tự hào về nền văn hóa Ngưỡng Thiều (Hà Nam) của họ ở phương bắc. Theo miệng lưỡi của một nước lớn, người Tầu luôn cho rằng nền văn minh của toàn cõi Trung Hoa, hay còn lan ra ở vùng Đông Nam Á Châu, đều được phát xuất từ nền văn hóa Ngưỡng Thiều của họ mà ra. Nhưng ngày nay, thế giới đã chứng minh là điều đó không phải như thế mà nền văn hóa này cũng lại là chính của người miền nam đi lên mang theo. Lại nữa, người ta chứng minh được rằng “người vượn Bắc kinh” không phải là người “già nhất” so với những người sống trên đồng bằng Bắc Việt thuộc nền văn hóa Tiền Hòa Bình hay Tiền Sơn Vi.
     Uyên nheo mắt nhìn tôi như còn có điều gì nghi ngờ, nàng hỏi:
      – Thế . . . anh còn có điều gì để chứng minh cho rõ hơn về việc trống đồng của ta có trước trống đồng của người Trung Hoa nữa không?
      – Có chứ! Này nhé, cứ dựa vào sử liệu ta thấy được đôi điều.
     Thứ nhất, theo Hậu Hán Thư viết vào thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên, Mã Viện sau khi đánh thắng Hai Bà Trưng đã tiêu diệt văn hóa ta bằng cách tịch thu hết trống đồng của dân Giao Chỉ, tượng trưng cho văn minh Việt tộc, để đúc thành ngựa chiến, tượng trưng cho văn minh Hán tộc, dâng lên vua Hán lập công. Và lấy trống đồng đúc “trụ đồng” đem chôn với một câu mà dân ta không bao giờ quên được mối căm thù này, ấy là “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”, nghĩa là nếu trụ đồng này đổ thì dân Giao Chỉ phải diệt vong (Câu chuyện “Đồng trụ” chỉ là truyền thuyết của ông cha ta đặt ra để đề cao tinh thần độc lập của dân tộc Việt).
     Thứ hai, Hậu Hán Thư cũng như các sách sử đời sau như Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh nói về trống đồng thường với giọng miệt thị cho là của giống man di mọi rợ.
     Thứ ba, sứ giả nhà Nguyên là Trần Lương Trung khi sang Việt Nam đời Trần Nhân Tông (1291) đã làm bài thơ chép trong Sứ Giao Châu Tập nói đến chuyện chỉ nghe thấy tiếng trống đồng rộn rã của ta mà liên tưởng đến chuyện quân Nam đuổi đánh quân Nguyên (Mông Cổ) đã làm khiếp sợ đến đầu bạc trắng trong bài “Sứ hoàn cảm sự”, tức cảm tưởng đi sứ về.
 
 ... Kim qua ảnh lý đan tâm khổ,
Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh.
Dĩ hạnh quy lai thân kiện tại,
Mộng hồi do giác chưởng hồn kinh.
 
Dịch:
 
... Qua ánh gươm đao lòng thêm cay đắng,
Nghe tiếng trống đồng (ở Giao Chỉ) tóc càng bạc nhanh!
Mong được trở về thân mạnh khỏe,
Nhưng nằm mơ màng vẫn cứ hoảng sợ.
 
     Thứ tư, sử sách Trung Hoa cổ xưa chưa bao giờ thừa nhận trống đồng là di sản của nòi Hoa Hán.
     Thứ năm, trong văn chương, thi phú Trung Hoa ta thấy cũng không thiếu những câu thơ khẳng định trống đồng là của người Man tức người miền nam. Như Đỗ Mục
 
Đằng các trung xuân ý tịch khai
Thác chi Man cổ ân tình lôi
 
Dịch:
 
Mùa Xuân trải chiếu gấm giữa gác Đằng
Qua lá cành, tiếng trống Man hòa trong tiếng sấm
 
Như Trần Vũ (đời Đường) trong bài “Thành Hạ văn dĩ ca”:
 
Thử dạ khả liên giang thượng nguyệt
Di ca đồng cổ bất thăng sầu
 
Dịch:
 
Đêm nay trăng sáng trên sông 
Trống đồng hát Rợ cho lòng buồn thương.
     
     Tôi nói đến đây, Uyên liếc tôi một cái thật dài:
      – Anh thuộc nhiều thơ quá há!
      Tôi cười đáp:
      – Anh không thuộc nhiều bài hát và hát hay bằng Uyên!
      Uyên cười phá lên:
      – Anh thật khéo nịnh “đầm” (đàn bà). Cái miệng này thì khối cô mê!
      Tôi lắc đầu phân bua:
      – Tới giờ này Uyên thấy bên cạnh anh đã có ai mê đâu?
      Thi quay về phía tôi cười, nói nhanh:
      – Khi nào em lớn em sẽ mê anh. Chịu không?
      Tôi hỏi vọng theo Thi khi nàng vừa chuẩn bị rướn người lên đạp phóng xe đi:
      – Khi nào thì em mới lớn?
      Thi phóng xe lên trên một quãng ngắn quay lại nói lớn:
      – Khi nào em “già” cơ!
      Nói xong câu ấy Thi cười to rồi phóng xe lên nhanh hơn để vượt lên trên thêm một quãng nữa rồi mới từ từ đi chậm lại đợi chúng tôi. Tôi và Uyên cùng cười phá lên, tiếng cười vang xa trong đồng vắng. Chúng tôi lại im lặng đạp xe bên nhau. Gió chiều mát quá. Đồng ruộng cũng êm ả quá.
      Tôi thấy câu chuyện về trống đồng như đang còn bỏ dở nên muốn nói thêm một vài điều với Uyên:
      – Để anh nói tiếp thêm vài điều về câu chuyện trống đồng cho Uyên nghe nhé!
      Uyên nhìn tôi với ánh mắt biết ơn:
      – Vâng, anh nói tiếp cho em nghe đi!
 
blankblank
      
      Tôi tiếp:
      – Vào thời tiền sử, vì chưa có chữ viết nên người xưa đã thường gửi gấm cho hậu thế những nhắn gửi về sinh hoạt kinh tế, văn hóa, tư tưởng của thời đại mình đang sống qua nhiều phương tiện khác nhau, mà một trong những phương tiện đó phải kể đến là những hoa văn trên mặt trống đồng hay trên “thạp đồng”. Ngày nay các nhà văn hóa nước ta và thế giới tin là đã giải mã được một đôi phần những hoa văn ấy ở mức độ khả tín khá cao. 
      Những điều giải mã được, anh chỉ có thể tóm tắt một vài điều chính ở đây thôi đấy nhé, như:
 
Văn hóa đồng.
       Biết đúc đồng đến mức tinh vi qua những hoa văn chìm nổi với kỹ thuật luyện kim như pha đồng với chì và thiếc, biết dùng nỏ với mũi tên đồng đúc, dùng mũi tên độc, chế vũ khí dài (cây qua) có thể tấn công địch ở khoảng cách xa hơn vũ khí thường dùng thời bấy giờ. Sau người Hán biết khai thác vũ khí này để đi chinh phục các nước khác.
Văn minh lúa nước
      Biết trồng lúa nước cách đây hàng chục nghìn năm. Vì có văn hóa lúa nước nên dân đã biết sống định canh, tạo nên đời sống tập thể, xây dựng xóm làng.  Cũng vì định canh nên biết phát triển về trồng ngũ cốc, đào mương dẫn nước, trị thủy như hệ thống đê điều có từ thời Hùng Vương, thuần hóa trâu và gia súc, tiên đoán thời tiết. Vì biết xây dựng làng xóm nên có luật lệ chung, biết tục gả cưới, mai táng, thờ cúng ông bà, cầu tự.
Văn minh biển, sông nước.
      Biết đóng thuyền dài, biết xâm mình, thủy táng, giỏi về thủy chiến.
Lễ hội 
      Hội mừng được mùa màng, hội xuân, đua thuyền. 
Kiến trúc.
      Biết làm nhà sàn và nhà hội.
Y phục.
      Biết búi tó, cắt tóc ngắn, quần ngắn cho đàn ông và váy cho đàn bà tức là đã có kỹ thuật dệt vải, nhuộm mầu.
Tín ngưỡng.
      Biết thờ vật tổ, thờ thần mặt Trời như hình vẽ trên các mặt trống đồng, thờ linh vật như rồng, rắn, chim. . . 
Về mặt tư tưởng 
      Biết luật cân đối, đối xứng, chẵn lẻ và kỷ hà trong nghệ thuật qua những hoa văn trên mặt trống và tang trống (bên hông). Biết luật âm dương và có thể điểm này đã là căn bản cho Kinh dịch, nó thể hiện nét căn bản tư duy của triết lý Đông phương. Tin vào luân hồi và thế giới bên kia. Các hoa văn được chuyển dịch ngược chiều kim đồng hồ tức theo sự vận chuyển của mặt trời.
      Uyên hỏi tôi:
      – Thế ra văn hóa Việt Nam ta cao và khác hơn văn hóa của người Trung Hoa sao?
      Tôi đáp:
      – Nói hay hơn hay cao hơn thì anh không dám nói, nhưng anh muốn chứng minh với Uyên một điều là dân tộc ta có một nền văn hóa bản địa hoàn toàn Việt Nam. Nếu ta có hòa nhập với văn hóa Trung Hoa sau một nghìn năm bị đô hộ thì cũng chỉ là sự hội nhập bình thường như sự hội nhập với nhiều nền văn hóa khác trên thế giới mà thôi, chứ không nhất thiết chúng ta đã bỏ đi hẳn cái của ta mà theo hoàn toàn cái của người khác. Văn hóa ta đứng vững thì dân tộc ta trường tồn. Văn hoá lúa nước văn hoá trống đồng là hai nền văn hóa sáng ngời của người Việt Nam chúng ta nói riêng và của nhân loại nói chung.
     Uyên hỏi tiếp:
     – Trong sử Việt Nam, em thấy vài nhà viết sử cận đại của ta viết là 2 quan Thái thú Sỹ Nhiếp và Nhâm Diên đã dậy dân ta biết trồng lúa, tục cưới hỏi và những tập tục khác. Họ coi đó như là sự khai hóa của người Trung Hoa cho dân mình, cho một dân tộc thiểu số bán khai man ri, mọi rợ ở phía nam cơ mà? 
      Tôi trả lời:
      – Đây là một vấn đề chúng ta cần phải xem xét lại. Những sử sách của chúng ta 
bị thất lạc, bị người Tầu đốt đi, hay bị phá bỏ bởi chính giữa những triều đại của chúng ta với nhau. Với một nghìn năm bị đô hộ, đặc biệt thời giặc Minh, chỉ trong hơn 20 năm chiếm đóng, trong 10 năm đầu chúng đã tiêu huỷ gần như toàn bộ những sách vở của ta. Những sử của ta viết sau này, đặc biệt là thời gian cổ sử, phần lớn phải dựa vào sử sách của người Tầu, một dân tộc luôn luôn có óc bành trướng và đã từng miệt thị dân ta. Nếu ta chỉ dựa vào một nguồn tài liệu duy nhất như thế và thiếu sự phán đoán sâu sắc của người viết sử, thì quả thật, đấy là một di hại không nhỏ cho con cháu sau này. Anh cũng không đồng ý với một vài sử gia ta ngày nay, đã coi triều đại Triệu Đà của xứ Nam Việt như là một triều đại của Việt Nam. Triệu Đà là người Hán, kinh đô nước Nam Việt của Triệu Đà lại không nằm trên lãnh thổ Việt Nam, quan lại trong triều đều là người Hán. Đất nước ta lúc đó chỉ còn là quận huyện thuộc hệ thống cai trị của tập đoàn ly khai Hoa Hán này xâm lăng từ phương Bắc tới mà thôi. Cũng có thể những nhà viết sử này muốn mọi người có ý niệm là lãnh thổ chúng ta trước đây gồm cả đất đai của triều đại Triệu Đà và mong sao con cháu ta giành đòi lại (?!). 
    
* * *
 
Chẳng bao lâu chúng tôi đã vào thành phố Hà Nội, câu chuyện không thể kéo dài thêm vì xe cộ trên phố đã trở nên đông đúc. Tôi hứa với Uyên và Thi là tôi sẽ trở lại vấn đề trống đồng này và văn hóa Phùng Nguyên khi có dịp đi thăm Đền Hùng, nơi thờ những vị Tổ Hùng Vương đã có công xây dựng nên đất nước thân yêu cho chúng ta. 
      Chúng tôi về tới nhà thì trời đã chạng vạng tối.
      Uyên và Thi nhanh nhẹn chuẩn bị cho bữa ăn tối với những món ăn đã được chuẩn bị nấu nướng từ hôm qua. Còn tôi về phòng thay quần áo, rửa mặt, ngả lưng nghỉ ngơi một lát rồi trở xuống phòng Thi để cùng ăn cơm. Những câu chuyện vui lại nổ ran. Tiếng cười của Thi vẫn ròn rã hơn cả.
      Những nét ngây thơ nhí nhảnh và hồn nhiên của Thi đã trở về với nàng sau bữa cơm. Chúng tôi ngồi ôn lại vài điều thú vị trong chuyến đi chơi hôm nay. Và vì vui câu chuyện nên quên cả thời gian cho tới khi chúng tôi cùng nhận ra ánh sáng trăng đã rọi qua khung cửa sổ lọt vào phòng nơi chúng tôi đang ngồi trò chuyện. 
      Mấy chiếc bánh gai Thi mua ở cổng thành Cổ Loa được bưng ra sân với khay nước chè mạn. Chúng tôi ngồi ăn bánh uống nước chè và nghe Uyên hát. Tiếng đàn trầm bổng của Uyên với lời ca ngọt dịu, tình tứ của bản “Dư âm” mà tôi yêu cầu nàng hát tối qua nhưng đã bị từ chối. Uyên nay tự động hát bài này như ngầm ý thay cho một lời cám ơn tôi đã đưa nàng đi chơi Cổ Loa.
      Nhìn Thi một cách kín đáo, tôi se sẽ hát theo: “Anh muốn thành mây, nương nhờ làn gió, đưa anh tới cõi mơ hồ nào đây muôn kiếp bên nàng.” Thi cũng thoáng liếc nhìn tôi một cách kín đáo tương tự rồi cúi xuống mỉm cười.
      Để đáp lễ, tôi yêu cầu Uyên đệm đàn để tôi hát bài “Nỗi lòng” của Nguyễn Văn Khánh. Tôi cất tiếng hát: “Yêu ai yêu cả một đời. . .vì yêu ai mà lòng hằng nhớ. . .” Tôi muốn gửi đến Thi tất cả nỗi lòng thầm kín của mình, nên xuất thần, tôi cũng tự cảm thấy mình đang hát thật hay. 
      Tôi vừa chấm dứt, cả Thi lẫn Uyên đứng lên vỗ tay. Thi cứ nhẩy lên vỗ tay như chưa bao giờ được nghe ai hát hay như thế. Thi rộn rã nói:
       – Anh hát hay như thế mà em không biết. Anh dấu em nhé!
      Thi cứ luẩn quẩn bên tôi tấm tắc khen như đang được chiêm ngưỡng hay được bắt tay một nghệ sĩ nổi tiếng. 
      Uyên thì dịu dàng hơn nhưng không dấu được sự xúc động trong câu khen:
      – Anh hát hay quá! Hay đến độ em không ngờ!
      Tôi chỉ còn biết ngồi cười trừ.
       Cuộc vui nào rồi cũng tàn. Cuộc đi chơi nào cũng phải chấm dứt. Uyên phải trở về thị xã Sơn Tây ngày mai để tiếp tục chương trình thực tập giáo sinh của mình. Uyên bỏ vào nhà, mặc Thi còn đứng lại. 
      Tôi nói với Thi:
      – Chúc em ngủ ngon, hay ăn chóng lớn! Và chóng “già”!
     Thi hiểu ý tôi muốn nhắc lại câu nói của nàng lúc ban chiều: Khi nào lớn em sẽ mê anh. Nàng nhõng nhẽo “không” một tiếng nhẹ mà vẫn giữ má phồng to, trợn mắt, lắc lắc đầu rồi quay bỏ đi. Đi được vài bước nàng quay lại và ra lệnh cho tôi với cái giọng ngang hàng:
      – Ngày mai đi học nhớ gọi em đấy!
      – Ừ!
      Tôi đi về phía cuối sân, dùng hai tay nắm lấy hai tay vịn cầu thang lộ thiên đu người lên như Tarzan, và chỉ mấy bước là tôi đã phóng tới cửa phòng trên gác. Tôi nhìn xuống sân, Thi vẫn đứng đó vẫy tay chào tôi rồi mới vào phòng. Tôi mỉm cười.
       Ngày vui qua mau!
 
Nguyễn Giụ Hùng
 
Tham khảo:
 
– Ngược Dòng Lịch Sử – Trần Quốc Vượng 
– Việt Nam Văn Hiến – Trần Quốc Vượng
– Tài liệu video về Cổ Loa – Nguyễn Nhã 
– Tìm Về Nguồn Gốc Văn Minh Việt Nam – Cung Đình Thanh (Úc Châu)
– Lịch Sử Văn Minh Trung Quốc – Will Durant (do Nguyễn Hiến Lê dịch)
– Việt Nam Sử Lược – Trần Trọng Kim (Sử gia)
– Tạp chí Tư Tưởng (ấn bản ở Úc Châu)
Những hình ảnh trong bài viết được lấy từ Internet và “card postal”.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đã hơn cả tuần nay, chiều nào mây cũng giăng xám một góc trời. Mưa không lớn chỉ lất phất bay, đủ ướt phủ mặt đường. Những hình ảnh chập chùng, bao kỷ niệm hiện về lẫn lộn...
Tôi ngồi thừ trước cửa sổ mở rộng trước mặt trong căn bếp không mở đèn; qua tấm kiếng những chiếc lá thu vàng rơi xuống là đà theo cơn gió thổi, có những chiếc lá vàng thật đậm màu bị sâu ăn lỗ chỗ, có những chiếc vàng ươm rất đẹp cũng…lìa khỏi cành cây...
Hôm ấy là ngày mùng một Tết, không khí trang trọng và linh thiêng của ngày đầu năm như rạng rỡ và đầm ấm bao quanh Quảng Hương Già Lam, chùa mang tên Quảng Hương, là tên của một vị tăng đã hy sinh vì đạo pháp năm 1963...
Thường một nghệ sĩ được gọi chỉ một danh xưng, nhưng đối với Nguyễn Đình Toàn thì phải gọi là nhà văn nhạc sĩ mới đầy đủ; vì ông có nhiều tài năng về văn nghệ. Bao nhiêu người nhắc đến giọng đọc cùng lời văn của ông trong chương trình giới thiệu nhạc chủ đề trên đài phát thanh Sài Gòn trước năm 1975, đã quyến rũ nhiều thính giả...
Mùa lễ cuối năm ở Mỹ là mùa sum vầy, ai rồi cũng nhớ nhà, người thân vào mùa lễ cuối năm đã về, ai cũng muốn trở về, gặp lại người xưa chốn cũ nên gọi là mùa sum vầy cũng không có gì là quá đáng, nhưng không phải ai cũng có một nơi để về trong trời đất bao la chỗ đến, nhưng về đâu là câu hỏi muôn đời của kiếp nhân sinh...
Cho đến lúc này, tôi tự hỏi có bao nhiêu con đường mình đã đi qua suốt những năm tháng có mặt trên đời? Nhiều lắm, những con đường quên lãng mất hút với thời gian. Và cũng có những con đường đã vạn lý xa, nhưng trăm năm đằm đắm nhớ nhung nếu như được sống trọn hết một kiếp người...
Một buổi chiều, cũng như mọi buổi chiều khác, tôi được nghe từ loa phóng thanh, một bài hát có tên Tình Khúc Thứ Nhất được xướng ngôn viên giới thiệu tác giả là Vũ Thành An, lời Nguyễn Đình Toàn...
Hình ảnh của tôi và Thi không thể tách rời nhau và cũng không thể tách rời ra khỏi thành phố Hà Nội. Thành phố này đã ghi lại biết bao nhiêu kỷ niệm kể từ những ngày chúng tôi vừa mới thân nhau...
Chúng ta khi sống trên xứ người, đều mang theo một chút quê hương theo mình. Có thể là một con đường, một góc phố, hay một xóm nhỏ yêu thương đã gắn bó một quãng đời dài. Tôi cũng có một quê hương trong trái tim mà mỗi khi nhớ đến vẫn làm tôi thổn thức, rạo rực khôn nguôi...
Mưa Saigon chỉ đủ cho Nguyễn Đình Toàn, Thanh Tâm Tuyền, Cung Tiến, Mai Thảo xót xa, tiếc nhớ thêm về những dấu yêu xưa, những kỷ niệm cũ thời sống với Hà Nội…
Sài Gòn Nhỏ được mệnh danh là thủ đô của người Việt hải ngoại, một thủ đô nhỏ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Sài Gòn Nhỏ hình thành từ sau khi những lớp người Việt di tản đầu tiên được đưa về quận Cam (Orange County)… và từ đó dần dần thành hình vóc dáng và tầm cỡ như ngày nay. Ở đây hầu như tụ hội đầy đủ các cơ quan truyền thông Việt ngữ, các văn nghệ sĩ danh tiếng một thời của miền Nam, trong số đó có tờ Việt Báo là một tờ báo lớn nhất, lâu đời nhất của người Việt hải ngoại. Sáng lập tờ Việt Báo là nhà văn Nhã Ca và nhà thơ Trần Dạ Từ...
Có lúc nào anh ngộ ra rằng: Tại mình mua lấy những đa đoan?
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.