Garden Grove (VB) – Vào sáng ngày Thứ Hai 30/10/2023, ông Marc Knapper, Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã bắt đầu chuyến công du Little Sài Gòn cùng phái đoàn đến viếng thăm Đài Truyền Hình SBTN và tòa soạn Việt Báo tại Garden Grove. Cùng đến thăm tòa soạn Việt Báo cùng ông đại sứ còn có ông Lou Correa, Dân Biểu Liên Bang Địa Hạt 46, là một vị dân cử phục vụ nhiều năm tại vùng Little Saigon Quận Cam. Ông Knapper là một nhà ngoại giao kinh nghiệm, đã trở thành Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam kể từ Tháng Bảy 2021.
Trong buổi thăm viếng, ông Knapper đã dành cho Việt Báo một buổi trò chuyện ngắn liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau của mối quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt. Khi được hỏi có sự khác biệt nào trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với Việt Nam giữa chính phủ Biden và người tiền nhiệm hay không, ông cho biết quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt hiện nay đang phát triển tốt đẹp, có tính chất kế thừa qua các đời tổng thống, với sự đồng thuận cao từ lưỡng đảng.
Kể từ khi hai quốc gia chính thức bình thường hóa quan hệ từ năm 1995 dưới thời Tổng Thống Bill Clinton, sự hợp tác giữa hai quốc gia ngày càng lớn mạnh và đa dạng. Đặc biệt trong thời Tổng Thống Obama với chính sách ngoại giao “Xoay Trục Hướng Đông”, đặt nặng tầm quan trọng sự hợp tác với các quốc gia vùng Đông Á, Đông Nam Á để kiềm chế tham vọng bá quyền của Trung Quốc. Kể từ thời điểm đó, bên cạnh sự phát triển quan hệ kinh tế, Hoa Kỳ bắt đầu thắt chặt hơn hợp tác quân sự với Việt Nam. Có thể nói rằng mối quan hệ Mỹ Việt trong thời điểm hiện tại là toàn diện, mang tính chất xây dựng, và có mục tiêu dài hạn. Biểu hiện cụ thể nhất là trong chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng Thống Biden vào Tháng Chín 2023, Việt Nam đã ký kết “Xác Lập Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện” với Hoa Kỳ. Hai nước đang đẩy mạnh một số hợp tác trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, chống biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng sạch…
Khi được hỏi quan hệ hợp tác quân sự với Việt Nam có thể được phát triển đến tầm vóc quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Phi Luật Tân hay không, ông Knapper cho rằng điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó đầu tiên phải kể đến chính sách quốc phòng từ phía chính phủ Việt Nam. Từ trước đến nay, Việt Nam vẫn luôn tránh né sự hợp tác liên minh quân sự với một quốc gia khác; trong khi giữa Mỹ và Phi Luật Tân có quan hệ đồng minh quân sự, với hiệp ước phòng thủ chung.
Tuy nhiên, sự hợp tác quân sự Mỹ-Việt vẫn đang có những bước phát triển tốt đẹp. Hoa Kỳ hiện có chủ trương hỗ trợ Việt Nam tăng cường lực lượng an ninh hàng hải, khả năng phòng thủ tự vệ trên biển. Cụ thể là Hoa Kỳ đã viện trợ cho Việt Nam hai tuần duyên hạm vào năm 2017 và năm 2020, và sẵn sàng chuyển giao tiếp chiếc thứ ba trong tương lai. Ngoài ra, Mỹ cũng muốn trở thành một nhà cung cấp vũ khí cho Việt Nam. Vào Tháng 12/2022, nhiều nhà sản xuất vũ khí của Mỹ đã tham gia cuộc Triển Lãm Quốc Phòng Quốc Tế ở Hà Nội. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức một cuộc triển lãm quốc phòng quốc tế. Theo ông Knapper, sự kiện này là một dấu hiệu cho thấy Hà Nội đang hướng đến việc toàn cầu hóa, đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí, và Hoa Kỳ muốn tham gia vào thị trường này.
Đối với cộng đồng người Việt ở Mỹ, vấn đề đáng quan tâm nhất ở Việt Nam vẫn là nhân quyền. Trong những năm gần đây, Hà Nội vẫn không ngừng bắt bớ các nhà đấu tranh dân chủ, hoạt động nhân quyền trong nước. Theo thống kê của Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền Quốc Tế, hiện có hơn 150 tù nhân lương tâm vẫn con đang bị chính quyền Việt Nam giam giữ.
Theo ông Knapper, bảo vệ nhân quyền không chỉ là mối quan tâm của riêng cộng đồng gốc Việt, mà là của toàn thể những người Mỹ yêu tự do dân chủ. Trong chuyến viếng thăm Việt Nam, Tổng Thống Biden có nhắc nhở với lãnh đạo chính quyền Việt Nam về vấn đề tôn trọng nhân quyền. Vào đầu Tháng Mười Một tới sẽ có hội thảo về nhân quyền Mỹ-Việt tại Washington D.C. Ông đại sứ cho biết các cuộc trao đổi nhân quyền Mỹ-Việt vẫn đang diễn ra trong tinh thần xây dựng, hợp tác. Mặc dù luôn nhắc nhở, đề nghị phía Việt Nam tôn trọng nhân quyền, nhưng Hoa Kỳ vẫn muốn tôn trọng chủ quyền của Việt Nam. Ông vẫn lạc quan tin rằng khi quan hệ hợp tác, nhất là kinh tế, giữa Mỹ-Việt phát triển tốt đẹp như hiện tại, ý thức tôn trọng nhân quyền của Việt Nam cũng sẽ dần dần được cải thiện.
Trong phần góp ý của mình, Dân Biểu Liên Bang Lou Correa cho biết đã từng làm việc ở nhiều vị trí dân cử khác nhau trong các địa hạt bao gồm vùng Little Saigon. Cũng vì ông luôn luôn đặt vấn đề nhân quyền Việt Nam lên hàng đầu, một nhân viên của ông đã trở thành nạn nhân của chính quyền VIệt Nam. Vào năm 2010, khi ông còn là Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang California, Tammy Trần, một nhân viên gốc Việt của ông, về Việt Nam thăm thân nhân đã bị chính quyền Việt Nam bắt và trục xuất sang Thái Lan. Vấn đề đáng nói là cô Tammy Trần không hề làm một điều gì vi phạm pháp luật ở Việt Nam. Cô bị trục xuất chỉ vì những hoạt động mạnh mẽ đòi nhân quyền cho Việt Nam của văn phòng ông Lou Correa ở Hoa Kỳ.
Ông Lou Correa nhắc lại trước chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng Thống Biden vào Tháng Chín, ông và người đồng viện là nữ Dân Biêu Liên Bang Michelle Steel (Địa Hạt 45) đã gởi một lá thư cho tổng thống, yêu cầu phải nêu vấn đề nhân quyền trong các cuộc gặp gỡ với chính quyền Việt Nam. Theo ông, chính quyền Trump không quan đến vấn đề này nhiều như thời tổng thống hiện tại.
Ông Lou nhấn mạnh tiếng nói của cộng đồng gốc Việt tại Quận Cam là rất quan trọng trong việc nhắc nhở chính phủ Hoa Kỳ về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. Ông cũng đồng ý với Đại Sứ Knapper rằng khi quan hệ kinh tế, ngoại giao Mỹ-Việt phát triển tốt đẹp như hiện tại, tình hình nhân quyền Việt Nam sẽ có khuynh hướng được cải thiện.
Khi được hỏi về những dự án hỗ trợ giáo dục của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam, ông đại sứ cho biết đây là một sự hợp tác rất có ý nghĩa. Hợp tác trong giáo dục là phương cách hữu hiệu để giúp người Việt Nam hiểu rõ hơn về đất nước và con người Mỹ, từ đó tạo nên sự tin tưởng lẫn nhau tốt hơn. Ông Knapper cho biết hiện nay Đại Học Indiana đang hợp tác với Viện Đại Học Quốc Gia tại ba thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn trong việc soạn thảo giáo trình giảng dạy. Việc một viện đại học lớn cho phép phía đối tác Hoa Kỳ cùng tham gia sắp xếp chương trình dạy học cho thấy ngành giáo dục Việt Nam đã cởi mở hơn, có niềm tin hơn vào quan hệ hợp tác giáo dục Mỹ-Việt.
Còn phải nhắc đến 30,000 sinh viên Việt Nam hiện đang theo học tại các đại học tại Hoa Kỳ. Việt Nam có số lượng du học sinh đứng hàng thứ năm tại Mỹ. Hoa Kỳ là sự lựa chọn hàng đầu của giới trẻ Việt Nam khi chọn quốc gia để đi du học. Nếu kể cả những khóa học ngắn hạn, các chương trình học online, hằng năm có đến 300,000 người Việt tiếp cận với nền giáo dục của Hoa Kỳ. Những con số này cho thấy nền giáo dục của Hoa Kỳ đang có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với giới trẻ ở Việt Nam như thế nào. Khi được hỏi thêm về sự trợ giúp cho những trẻ em nghèo sinh sống ở miền xa có cơ hội thăng tiến trong lĩnh vực giáo dục, ông cũng cho biết đây là một vấn đề đáng quan tâm, và ông nói các phương án ấy là khả thi nếu chúng ta kêu gọi được sự đóng góp tích cực từ các công ty tư nhân và các cơ quan thiện nguyện.
Buổi trò chuyện ngắn đã diễn ra trong bầu không khí thân mật. Trước khi chia tay, ông đại sứ Knapper cảm ơn Việt Báo cùng các cơ quan truyền thông gốc Việt tại Hoa Kỳ. Ông tin tưởng rằng giới truyền thông báo chí có sự hiểu biết sâu sắc về tình hình Việt Nam cũng như nguyện vọng của cộng đồng gốc Việt tại Hoa Kỳ. Ông mong nhận được sự đóng góp ý kiến từ báo giới gởi trực tiếp đến tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội, hay tòa tổng lãnh sự ở Sài Gòn, hay thông qua những vị dân cử đại diện cho cộng đồng gốc Việt vùng Little Saigon như Dân Biểu Lou Correa. Ông hy vọng sẽ có dịp ghé thăm lại vùng Little Saigon Quận Cam trong nhiệm kỳ đại sứ của mình.
Việt Báo
Gửi ý kiến của bạn