Trong 3 tuần kể từ khi cuộc chiến giữa Israel và Hamas bùng nổ, các trang mạng xã hội tràn ngập những hình ảnh và câu chuyện về các cuộc tấn công. Điều đáng nói là nhiều cái trong số đó đã được chứng minh là sai sự thật.
Thí dụ: trong vòng vài giờ sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, các hình ảnh chụp màn hình từ một trò chơi điện tử phổ biến đã được hàng ngàn người dùng mạng xã hội chia sẻ như thể để mô tả lại những cảnh bạo lực của quân đội Israel ở Gaza. Năm ngày sau, vụ nổ tại một bệnh viện ở Gaza càng thúc đẩy việc chia sẻ thêm những hình ảnh giả như vậy.
Vấn đề đó không chỉ tồn tại trong cuộc xung đột này. Trong thập niên qua, các ủy ban và tòa án quốc tế đã cố gắng hòa giải các cuộc xung đột ở Syria, Myanmar, Ukraine và các nơi khác, và họ đã gặp nhiều khó khăn trong việc xác minh số lượng lớn các bằng chứng kỹ thuật số.
Với tư cách là một học giả về nhân quyền, Paul Morrow từ University of Dayton đã nghiên cứu về đạo đức của việc xem các bức ảnh và clip về chiến tranh và sự tàn bạo trong những tình huống các hình ảnh sai lạc tràn lan. Nghiên cứu cho thấy người dùng mạng xã hội có quyền lực rất lớn để tác động đến những nội dung họ nhận được và phải chịu phần nào trách nhiệm khi sử dụng và chia sẻ thông tin sai lạc.
Định nghĩa thông tin sai lạc và thông tin giả
Các học giả và nhà hoạch định chính sách phân biệt thông tin sai lạc (misinformation) với thông tin giả (disinformation) dựa trên mục đích đằng sau việc tạo ra và lưu hành chúng. Thông tin sai lạc (misinformation) là những thông tin không đúng sự thật nhưng chúng không được tạo ra hoặc lưu hành với mục đích lừa dối. Thông tin giả (disinformation) là những thông tin không đúng sự thật, bao gồm cả thông tin hình ảnh, nhằm mục đích lừa dối và gây hại.
Khi bắt đầu bất kỳ cuộc chiến nào, thông tin sai lạc sẽ gia tăng nhanh chóng. Tin đồn rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã tháo chạy khỏi Kyiv lan truyền nhanh chóng sau khi lực lượng Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt ở Ukraine; chúng chỉ bị bác bỏ khi các video cho thấy ông còn trên đường phố thủ đô. Khó khăn trong việc sàng lọc các báo cáo thực tế cũng như sự thật là cá nhân Zelenskyy đang gặp nguy hiểm đã khiến nhiều người chấp nhận và chia sẻ những tin đồn đó.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều thông tin sai lạc về các cuộc xung đột đến từ các tác nhân – chính phủ, viên chức quân sự, nhóm ly khai hay công dân – cố tình sử dụng văn bản và hình ảnh để đánh lừa mọi người. Thí dụ, ở Myanmar, các viên chức tuyên truyền quân sự đã công bố những bức ảnh được cho là mô tả người Rohingya đến nước này dưới sự cai trị của thực dân Anh vào giữa thế kỷ 20. Trên thực tế, những hình ảnh này mô tả những người tị nạn sau cuộc diệt chủng ở Rwanda năm 1994.
Những điều kiện cho trách nhiệm đạo đức
Khi mạng xã hội ngập tràn những hình ảnh giả về bạo lực hàng loạt trong cuộc chiến Israel-Hamas, cuộc chiến Ukraine và các khu vực khác trên thế giới, mọi người cần phải tự hỏi xem họ phải có trách nhiệm gì khi sử dụng các thông tin sai lạc và thông tin giả.
Một số người có thể cho rằng người dùng trên các phương tiện truyền thông kỹ thuật số không cần phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào như vậy, vì họ chỉ là người tiếp nhận thụ động nội dung do người khác tạo ra. Theo triết gia Gideon Rosen, khi con người thụ động trước một sự việc nào đó, thì nói chung họ không phải chịu trách nhiệm đạo đức về điều đó. Bất cứ ai lướt Internet cũng sẽ bắt gặp hàng trăm tin tức và hình ảnh một cách thụ động, và thật hấp dẫn khi nghĩ rằng mình không có trách nhiệm gì về những hình ảnh chiến tranh và bạo lực hàng loạt vô tình bắt gặp, mà chỉ chịu trách nhiệm về cách mình phản ứng với chúng.
Tuy nhiên, người dùng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số không chỉ đơn thuần là người tiếp nhận thụ động những hình ảnh và câu chuyện giả tạo. Thay vào đó, họ có quyền tác động đến các loại tin tức, hình ảnh xuất hiện trước mắt mình. Ngược lại, điều này có nghĩa là người dùng cũng có phần nào trách nhiệm đạo đức đối với việc sử dụng thông tin sai lạc và thông tin giả.
Thuật toán và ảnh hưởng
Các nền tảng truyền thông kỹ thuật số cung cấp nội dung cho người dùng dựa trên cơ sở kết quả của các quy trình tính toán phức tạp, được gọi là thuật toán. Thông qua cả hành vi trực tuyến và ngoại tuyến, người dùng giúp các thuật toán tính toán và cho ra kết quả.
Sẽ rất hữu ích khi phân biệt được ảnh hưởng (influence) và kiểm soát (control). Có quyền kiểm soát (control) nội dung có nghĩa là người ta sẽ chỉ bắt gặp những hình ảnh và câu chuyện mà người ta chọn một cách có ý thức hoặc có khả năng sàng lọc bất kỳ và tất cả những nội dung không mong muốn. Điển hình của truyền thông kỹ thuật số, như triết gia Onora O'Neill đã chỉ ra, là người dùng thiếu khả năng kiểm soát nội dung theo những cách này.
Tuy nhiên, người dùng có thể gây ảnh hưởng (influence) đáng kể đến những nội dung họ bắt gặp trong không gian kỹ thuật số. Các thuật toán mà nền tảng truyền thông xã hội và các mạng kỹ thuật số khác sử dụng để cung cấp nội dung cho người dùng không minh bạch toàn bộ, nhưng cũng phải là hoàn toàn bí ẩn. Trong hầu hết các trường hợp, chúng được thúc đẩy bởi những tương tác trước đây của người dùng với các nội dung của nền tảng – một thực tế được phản ánh ngay trong tên của trang “For You” trong ứng dụng TikTok.
Người dùng thường bấm thích, tag người khác, bình luận hoặc chỉ đơn giản là xem tiếp các hình ảnh về chiến tranh và sự tàn bạo sẽ có khuynh hướng gặp thêm nhiều nội dung như vậy. Những rủi ro của thuật toán này trở nên rõ ràng vào giữa những năm 2010, khi người ta phát hiện thuật toán của YouTube đưa người dùng đến với những video ngày càng cực đoan hơn liên quan đến bạo lực thánh chiến.
Mặc dù các nền tảng truyền thông xã hội lớn đều có nguyên tắc cấm kích động bạo lực và chia sẻ nội dung phản cảm, nhưng những lệnh cấm đó rất khó thực thi. Trong bối cảnh một số cuộc chiến tranh đang diễn ra, chúng thậm chí còn được nới lỏng – thí dụ như Facebook tạm thời cho phép các bài đăng có nội dung bạo lực nhằm kêu gọi chống lại Nga và các nhóm bán quân sự đang chiếm đóng lãnh thổ của Ukraine. Tổng hợp lại, các quy trình và chính sách này đã mở cửa cho những thông tin sai lạc và thông tin giả lan tràn.
Ngược lại, người dùng bấm ẩn nội dung, báo cáo hoặc đơn giản là ngừng không xem tiếp sẽ có khuynh hướng ít gặp lại các nội dung như vậy. Nó cũng có thể góp phần làm giảm khả năng những nội dung đó hiển thị cho những người khác. Nếu biết ai đó trên Facebook hoặc trên TikTok đã chia sẻ thông tin không đúng sự thật, chúng ta có thể chặn hoặc hủy theo dõi người đó.
Vì người dùng có những cách để tác động đến các nội dung họ nhận được, nên việc họ phải chịu phần nào trách nhiệm về những thông tin sai lạc và thông tin giả là điều hợp lý.
Hãy xác minh các hình ảnh
Việc thay đổi mô hình tương tác với nội dung kỹ thuật số có thể làm giảm khả năng tiếp xúc của người dùng với các thông tin sai lạc trong thời chiến. Nhưng làm cách nào để người dùng có thể xác minh những hình ảnh họ thấy là đúng hay sai?
Một giao thức đơn giản, được các nhà giáo dục và các nhóm y tế công cộng thúc đẩy, được gọi bằng từ viết tắt SIFT: dừng lại (stop), điều tra (investigate), tìm kiếm (find), truy lại (trace). Bốn giai đoạn này yêu cầu người dùng dừng lại, điều tra nguồn gốc của tin tức, tìm nguồn có uy tín hơn cũng như truy lại bối cảnh ban đầu của các trích dẫn và tuyên bố.
Hình ảnh, như những câu trích dẫn, thường có thể được truy lại bối cảnh ban đầu của chúng. Google có cung cấp công cụ tìm kiếm bằng hình ảnh, cho phép người dùng chọn một hình ảnh – hoặc các phần của hình ảnh – và tìm xem nó đã xuất hiện trực tuyến ở những nơi nào khác. Công cụ này khá hữu ích trong những tháng đầu tiên của đại dịch COVID, khi các hình ảnh về Holocaust được lan truyền rầm rộ trên mạng. Người ta đã nhanh chóng vạch trần sự thật nguồn gốc của những hình ảnh đó. Nhưng các công cụ như vậy chỉ có thể được áp dụng cho một phần nhỏ những hình ảnh mà chúng ta gặp trong cuộc sống hàng ngày.
Không có kỹ thuật hay giao thức nào có thể cung cấp cho người dùng quyền kiểm soát tuyệt đối những hình ảnh họ nhìn thấy trong thời chiến, hoặc bảo đảm tuyệt đối người dùng sẽ không share nhầm những thông tin sai lạc. Nhưng nếu hiểu được rằng người dùng có ảnh hưởng đến nội dung, chúng ta có thể giảm thiểu những rủi ro về tin sai lạc, tin giả và hướng tới một tương lai trung thực hơn.
Nguồn: “How to deal with visual misinformation circulating in the Israel-Hamas war and other conflicts” của Paul Morrow, được đăng trên trang TheConversation.com.
Gửi ý kiến của bạn