
Mỗi lần tự hỏi ma có thật hay không, hãy nhớ đến câu: ‘Những tuyên bố bất thường cần có bằng chứng phi thường.’ (Nguồn:YouTube)
Chắc chắn có rất nhiều người tin vào ma quỷ – phần linh hồn còn lại sau khi người ta chết đi.
Trong một cuộc thăm dò năm 2021 được thực hiện ở Hoa Kỳ với 1,000 người, 41% cho biết họ tin ma có thật, và 20% cho biết bản thân họ đã từng gặp ma. Nếu tỷ lệ 20% đó là đúng, chỉ tính riêng ở Hoa Kỳ sẽ có khoảng hơn 50 triệu người gặp ma.
Bàn về chuyện gặp ma, nhiều người sẽ luôn cho rằng chỗ mình ở bị ma ám (chẳng hạn như ông hàng xóm than thở cửa hàng của mình có ma). Để làm cho câu chuyện thêm phần thuyết phục, họ có thể sẽ gửi cho chúng ta xem hàng tá video clip lấy từ camera an ninh, trong đó có những ‘hiện tượng lạ.’ Nhiều người còn đưa ‘thầy bắt ma’ tới để củng cố cho những ngờ vực của mình.
Một số video cho thấy những đốm sáng nhỏ lả lướt quanh phòng. Ở những nơi khác, quý vị có thể nghe thấy những giọng nói yếu ớt và âm thanh va chạm khi không có ai ở đó. Một số clip khác còn cho thấy một cuốn sách bay ra khỏi bàn và đồ vật tự rớt khỏi kệ.
Chắc hẳn quý vị không hiếm khi nghe được những câu chuyện tương tự như trên. Barry Markovsky, Distinguished Professor về xã hội học từ University of South Carolina, chia sẻ những xem xét về niềm tin vào những thứ như ma quỷ, người ngoài hành tinh, sức mạnh kim tự tháp và mê tín.
Cũng theo chủ nghĩa scientific skepticism (hoài nghi khoa học, hay hoài nghi hợp lý), giáo sư Barry Markovsky giữ quan điểm cởi mở và quan niệm rằng ‘những tuyên bố bất thường cần có bằng chứng phi thường.’ Hay nói cho dễ hiểu là ‘nói có sách, mách có chứng.’
Với “tinh thần” của tư duy tra vấn nghi hỏi (critical thinking), hãy xem xét ba câu hỏi sau:
Ma có tồn tại không?
Mọi người có thể nghĩ rằng họ đang gặp ma khi nghe thấy những giọng nói lạ, nhìn thấy đồ vật tự nhiên chuyển động, chứng kiến những đốm sáng hoặc tia sáng hoặc thậm chí là bóng người trong suốt. Tuy nhiên, không ai mô tả ma lớn lên ra sao, ăn thế nào, có hít thở không hoặc có tắm rửa không.
Vậy liệu ma có thể được tạo thành từ một loại năng lượng đặc biệt có thể bay lượn mà không tiêu tan? Nếu đúng như vậy, nó có nghĩa là khi ma phát sáng, di chuyển đồ vật và tạo ra âm thanh, chúng hoạt động giống như vật chất – mà vật chất là thứ có khối lượng và chiếm không gian, chẳng hạn như gỗ, nước, thực vật và con người. Ngược lại, khi bay xuyên qua tường hoặc biến mất, ma không được tính là vật chất.
Nhưng các nghiên cứu vật lý suốt hàng thế kỷ đã không phát hiện ra điều gì như thế tồn tại, đó là lý do tại sao các nhà vật lý nói rằng ma không thể tồn tại. Và cho đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy bất kỳ bộ phận nào của con người có thể tiếp tục tồn tại sau khi họ chết.
Bằng chứng?
Chưa bao giờ trong lịch sử người ta ghi lại được nhiều chuyện gặp ma như vậy, một phần là do thời nay có camera và micro của điện thoại di động. Có vẻ như đó là những bằng chứng rành rành. Tuy nhiên, thực ra thì có rất nhiều bản ghi bị nhiễu do ánh sáng kém và thiết bị bị lỗi. Các chương trình săn ma (ghost hunting) nổi tiếng đã thuyết phục nhiều người xem rằng những hình ảnh mờ ảo và phản ứng cảm xúc là đã đủ bằng chứng rồi. Nhưng với các khoa học gia thì bấy nhiêu là không đủ.
Đối với tất cả các thiết bị mà thợ săn ma sử dụng để ghi lại âm thanh, điện trường và bức xạ hồng ngoại – chúng có thể trông rất khoa học, nhưng thực tế không phải vậy. Các phép đo sẽ vô dụng nếu không có kiến thức nhất định về thứ chúng ta đang đo.
Khi những thợ săn ma đến một địa điểm được cho là bị ma ám để ở đó một đêm và đo lường, họ thường tìm thấy thứ gì đó được cho là huyền bí. Đó có thể là một cánh cửa chuyển động (gió?), cảm giác ớn lạnh (khoảng trống trên tấm sàn?), đốm sáng (ánh sáng chiếu vào từ bên ngoài?), điện chập chờn (hệ thống dây điện đã quá cũ?), hoặc những tiếng va chạm và giọng nói thì thầm (những người trong nhóm ở phòng khác?).
Bất cứ thứ gì xảy ra, những người săn ma đều sẽ tập trung vào nó, giải thích đó là “bằng chứng” và không điều tra thêm.
Có những giải thích nào thay thế?
Trải nghiệm gặp ma có thể gây hiểu nhầm do những hạn chế của giác quan con người. Đó là lý do tại sao những câu chuyện giai thoại không thể thay thế cho nghiên cứu khách quan. Những vụ được cho là ‘bị ám’ thường có nhiều lời giải thích rõ ràng, không ma quái gì.
Quay lại với thí dụ ‘ông hàng xóm gặp ma trong cửa hàng’ ở đầu bài. Người ta đã xem lại các đoạn clip camera an ninh và thu thập thông tin về vị trí và cách bố trí của cửa hàng cũng như thiết bị chính xác được sử dụng trong các đoạn ghi hình.
Đầu tiên, “ma trơi”: Video ghi lại nhiều quả cầu ánh sáng nhỏ dường như đang di chuyển quanh phòng.
Trên thực tế, các đốm sáng này là những hạt bụi cực nhỏ bay gần ống kính camera, được đèn hồng ngoại của máy ảnh làm cho “nở hoa”. Việc chúng có vẻ như lơ lửng quanh phòng là ảo ảnh quang học. Hãy xem kỹ bất kỳ video về ‘ma trơi’ nào và quý vị sẽ thấy chúng không bao giờ đi sau các đồ vật trong phòng. Đó chính xác là vì chúng là những hạt bụi ở gần ống kính máy ảnh.
Tiếp theo, tiếng nói và tiếng va chạm: Cửa hàng nằm trong một góc trung tâm thương mại nhỏ sầm uất. Ba bức tường tiếp giáp vỉa hè, bãi bốc hàng và bãi đỗ xe; một cửa hàng liền kề. Micro của camera có thể đã ghi lại âm thanh từ ngoài trời, các phòng khác và khu vực lân cận. Ông hàng xóm chẳng thèm kiểm tra những khả năng này.
Sau đó là vật thể bay: Video cho thấy vật thể rơi khỏi kệ hàng. Kệ hàng nằm trên các giá đỡ có thể điều chỉnh được, một trong số các giá đỡ không được đặt đúng vào khe của nó. Trọng lượng của kệ khiến giá đỡ chạy vào đúng vị trí và có hiện tượng giật rõ ràng. Chuyển động này đã khiến một số đồ vật rơi khỏi kệ.
Sau đó, cuốn sách biết bay: Một thủ thuật đơn giản đã được thực hiện để tái hiện lại sự kiện: một sợi dây ẩn được dán bên trong bìa sách, quấn quanh khu bếp và chỉ cần dùng để kéo nó ra khỏi tầm quay của camera.
Điều cần cân nhắc cuối cùng: Hầu như tất cả các trải nghiệm ma quái đều liên quan đến những trở ngại trong việc đưa ra nhận thức và đánh giá chính xác – ánh sáng kém, cảm xúc chi phối, chứng tê liệt khi ngủ (bóng đè – sleep phenomena), ảnh hưởng xã hội, văn hóa, sự hiểu lầm về cách hoạt động của thiết bị cũng như niềm tin vào những lời kể trước đó của ai đó rằng họ đã gặp ma. Tất cả những điều này đều có khả năng gây ra những câu chuyện gặp ma khó quên.
Nhưng tất cả đều có thể được giải thích mà không cần ma phải có thật.
Nguồn: “Are ghosts real? A social psychologist examines the evidence” của Barry Markovsky, được đăng trên trang TheConversation.com.