Hôm nay,  

Đi thăm thành Cổ Loa

25/10/202313:09:00(Xem: 1205)
Truyện

co loa

Uyên và tôi ngồi bên mâm cơm, thức ăn đã được dọn sẵn lên chiếc “mâm đồng” đặt giữa bàn. Trong mâm, với đĩa cá kho, đĩa thịt “ba rọi” (ba chỉ) luộc, bát canh rau cải xanh nấu với tôm khô, đĩa dưa chua, đĩa cà pháo và một bát nước mắm đặt chính giữa. Mâm cơm như thế này có thể được gọi là sang trọng cho những kẻ còn phải đi trọ học như chúng tôi.  
      Vì phòng nhà trọ, tuy là khu riêng biệt nhưng cũng không được rộng rãi lắm nên một số sinh hoạt phải thực hiện ở ngoài sân.
      Trong khi Uyên chờ Thi ngồi vào bàn ăn, nàng lơ đãng nhìn quanh nhà dù đây không phải là lần đầu tiên Uyên ghé Hà Nội thăm chúng tôi. Có khi Uyên đã ở lại đây đôi ba ngày vào những dịp cuối tuần hay những ngày nghỉ lễ dài.     
      Uyên là chị cả của Thi, năm nay nàng khoảng mười tám mười chín, cái tuổi mặn mà của người con gái. Nàng hơn Thi đôi ba tuổi và ít tuổi hơn tôi. Sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, Uyên đang được thực tập tại một trường tiểu học ngay thị xã Sơn Tây. Nàng cũng có ý định xin được dậy luôn tại trường này cho gần nhà.     
      Những khi chúng tôi được nghỉ học về thăm nhà, tiện đường đi ngang qua thị xã, tôi và Thi thường ghé thăm Uyên, có khi để ăn với nhau một bữa cơm, cũng có khi cả ba chúng tôi cùng đáp chuyến xe khách hay cùng đạp xe về làng thăm nhà một thể. Làng chúng tôi thuộc huyện Quảng Oai cách thị xã Sơn Tây độ mươi cây số.
       Kể từ ngày thân với Thi tôi mới có những dịp tiếp xúc với Uyên nhiều hơn trước dù rằng cả ba chúng tôi đã quen nhau từ nhỏ và cùng ở một làng, chỉ cách nhau có một cái ngõ.
      Uyên đoán tôi đã đói bụng nên nàng giục Thi:
      – Em có cần chị giúp một tay không? Thôi, ra ăn cơm đi chứ em!
      Thi đáp vọng từ ngoài sân vào:
      – Xong ngay! Xong ngay! Em vào ngay đây!
      Thi đem vào đĩa “cam sành” vừa bóc vỏ được đặt trên đầu bàn ăn. Những quả cam tươi mát được trình bầy một cách nghệ thuật trông như những cánh hoa ôm lấy những múi cam mọng nước, nhìn thật ngon và hấp dẫn làm sao.
      Thi vừa ngồi vào bàn, như chợt nhớ ra điều gì vội đứng bật dậy hỏi:
      – À quên, anh và chị muốn uống gì? Em có mấy chai nước cam “sô đa”.
      Thi nhìn tôi nói tiếp:
      – Hay anh uống bia? Để em chạy đi mua!
      Tôi nhanh nhẩu:
      – Anh có chai rượu vang, để anh về phòng lấy xuống đây đãi khách nhé.
      Uyên cười:
      – Anh định mời chúng em uống rượu vang của anh với cá kho và dưa chua đấy à!
       Tôi nhận ra lời của Uyên là đúng nên thôi, cười cười đánh trống lảng và nói với Thi:
      – Em cho anh uống nước gì cũng được, “sô đa” cam cũng được hay “nước lọc” cũng được.
      Uyên tán đồng:
      – Thôi, nước lọc đi, khỏi phải chạy đi mua “đá” (nước đá).
      Thi ngồi xuống “xới” cơm vào bát cho mọi người, rồi cầm đũa lên mời:
      – Em mời anh Nam, mời chị Uyên “xơi cơm” (ăn cơm) ạ!
      Uyên cũng cầm đũa, hướng về tôi mỉm cười mời:
      – Mời anh “xơi cơm”!
      Tôi là người lớn nhất trong bọn nên mời sau cùng:
      – Mời mọi người! Chúng ta ăn nhé!
      Uyên gắp miếng cá đầu tiên đưa lên miệng nếm thử. Uyên nhìn Thi khen:
      – Cô này học nấu món cá kho này ở đâu mà ngon quá vậy!
      Thi nhìn chị rồi nhìn tôi cười cười không nói.
      Uyên lại khen tiếp:
      – Ngon lắm! Ngon lắm! Thi nấu ăn giỏi thật! Hơn chị nhiều rồi. Kho cá cho ngon như thế này là khó lắm đấy.
      Lần này Thi cười tủm tỉm, một bàn tay che mặt, một tay chỉ ngón trỏ về phía tôi:
      – Không phải em! Không phải em! Người này này!
      Uyên nhìn tôi trợn tròn mắt:
Anh nấu? Sao anh giỏi thế! Sau này ai lấy được anh chắc phải sướng lắm nhỉ?
      Tôi hướng mắt về phía Thi, Thi vội cúi xuống. Như để giữ vẻ tự nhiên, tôi sai Thi:
      – Em lấy cho anh chai “nước lọc”.
      Thi bật đứng dậy với nét mặt còn hơi thoáng ngượng mà chỉ riêng tôi mới có thể nhận ra được điều đó.
      – Ồ, em quên!
      Tôi mỉm cười vì tự hài lòng về cái nhìn đầy tình ý và kín đáo ấy của mình. Tôi ít khi bỏ lỡ cơ hội để bầy tỏ tình cảm u uẩn của lòng mình đối với Thi.
      Thi trở lại với chai nước lọc và ba cái cốc (ly) thủy tinh. Tôi đỡ lấy rồi rót cho mỗi người một cốc “nước lọc” đầy. “Nước lọc” là nước đun sôi, để nguội, được đổ vào chai bằng cái phễu (quặng) qua một lớp bông (bông gòn) mỏng để lọc bỏ những cặn trong nước đã đun, nếu có.
      Thi phàn nàn với tôi:
      – Mẹ chỉ dậy cho chị Uyên em những món ăn dùng trong những ngày giỗ tết thôi, như nem rán, canh bóng, canh miến, canh măng, thổi (nấu) xôi vò hay xôi gấc, lại còn những món xào đặc biệt đi kèm theo nữa chứ. Mẹ chẳng dậy em vì chê em còn bé. Em có còn bé nữa đâu!
      Thi chợt quay sang Uyên với giọng hơi nhõng nhẽo:
      – À này, chị Uyên ơi! Mùa đông này chị nấu cho em một nồi thịt đông để ăn trong dịp Tết năm nay nhé. Được không?
      Thi quay sang tôi khoe:
      – Chị em nấu thịt đông ngon lắm! Thịt đông chỉ nấu được vào mùa lạnh vì mùa lạnh những miếng thịt mỡ mới “đông” lại được và phải nấu sao cho thịt đông không nhẽo hay béo ngậy. Thịt đông ăn với dưa chua thì thật ngon. Em thích món này lắm.
      Uyên chậm rãi nói như phân bua:
      – Làm chị cả khổ lắm, cái gì cũng phải học để phụ mẹ hay thay mẹ mà nấu nướng trong những ngày giỗ tết. Để gìn giữ được những món ăn cổ truyền của các cụ để lại nên em cũng cố gắng học mẹ.
      Uyên quay sang Thi tủm tỉm cười:
      – Thôi được rồi! chị hứa sẽ nấu cho cô em một nồi thịt đông ăn Tết. Cô em chị xinh đẹp thế này thì ai mà có thể từ chối cho được.
       Tôi tí nữa phì cười vì thấy hai chị em cứ ngồi khen nhau mãi.
       Trong bữa cơm, chúng tôi ăn thong thả và có nhiều câu chuyện để nói với nhau. Có những câu chuyện vui làm chúng tôi không thể nhịn cười. Thi bao giờ cũng là người cười to nhất và thật hồn nhiên với tuổi của nàng.
      Uyên thì lịch thiệp, nhu mì và có nhiều nghệ sĩ tính. Uyên biết chơi đàn Tây ban cầm (guitare) và biết thổi khẩu cầm (harmonica). Uyên biết hát nhạc Ta, nhạc Tây và cả nhạc dân tộc nữa, đặc biệt là những bài hát quan họ trữ tình. Giọng nàng trong và nhẹ, khi luyến láy, lên xuống rất ngọt ngào. Uyên lại đẹp nữa chứ, nên mỗi khi có hội hè ở trong làng hay trên huyện, nàng thường được mời trình diễn.
      Bữa cơm chiều đã xong và trời cũng đã bắt đầu ngả sang tôi tối mà ta thường gọi đó là giờ tranh tối tranh sáng, nhìn không trông rõ mặt người.
      Thời gian thoáng qua nhanh. Trời đã gần tối hẳn. Cả ba chúng tôi kéo nhau ra sân, ngồi bên giàn hoa nhỏ. Hoa tỏa hương thơm nhè nhẹ. Hôm nay trăng lên muộn, ánh sáng đèn điện ngoài đường hắt vào sân cũng đủ mờ nhạt lung linh như ánh trăng thanh. Khung cảnh nơi chúng tôi ngồi trò truyện thật nên thơ và thanh bình. Thi không quên đem ra ấm nước chè mạn với mấy cái tách con để trên khay.
      Thi vào trong nhà đem ra chiếc đàn Tây ban cầm đưa cho Uyên và yêu cầu nàng hát. Uyên cầm đàn dạo vài tiếng rồi quay sang hỏi tôi:
      – Anh thích em hát bài gì nào?
      Tôi trả lời:
      – Tùy Uyên! Cho anh nghe bài nào cũng được, hay bài “Dư âm” của Nguyễn Văn Tý đi.
      Uyên có vẻ ngập ngừng:
      – Bài này để con trai hát mà!
      Tôi hỏi:
      – Sao vậy? Uyên có thể đổi lời từ “anh” sang “em” và ngược lại là được mà.
      Uyên cười nhẹ:
      – Anh thử tưởng tượng xem nhé, có câu sửa lại nó sẽ thành thế này “em như lầu vắng, anh như ánh trăng...” Con trai, đàn ông mà ví như ánh trăng thì yếu quá, ủy mị quá. Rồi thì, như câu “Em muốn thành mây, nương nhờ làn gió, đưa em tới cõi mơ hồ nào đây muôn kiếp bên chàng”. Em không chịu đâu, con gái ai lại hát thế.
      Tôi cười:
      – Thôi thì Uyên hát cho anh nghe bài nào cũng được.
      Uyên bắt đầu lên dây đàn và hát cho chúng tôi nghe vài bản nhạc tình ca của Đoàn Chuẩn Từ Linh đang thịnh hành, rồi nhạc Văn Cao, Dương Thiệu Tước. Tôi ngồi khom lưng, tay chống cằm nhìn Thi nhưng giả vờ như vẫn chăm chú nghe Uyên hát bài “Em đến thăm anh một chiều mưa” của Tô Vũ. Bài hát này nhắc tôi nhớ lại một lần tôi ghé thăm Thi vào một buổi chiều mưa. Cũng vừa lúc ấy, đài phát thanh Pháp Á cho phát thanh bản nhạc này nên làm chúng tôi nhớ mãi như một kỷ niệm đáng yêu. Đến bản Biệt Ly của Doãn Mẫn thì tiếng hát của Uyên làm tôi day dứt lắm vì bài hát thật buồn.
      Uyên cho tôi biết trong cái nhớ nhung của tình yêu đôi lứa trong “nhạc mới” (nhạc tiền chiến) không thể day dứt bằng cái nhớ nhung trong dân ca, tỷ dụ như bài “Bèo giạt mây trôi” phảng phất âm điệu dân ca quan họ chẳng hạn. Này nhé, Uyên vừa nói vừa se sẽ hát:
      – Ban ngày thì chờ mong: Bèo giạt, mây trôi, chốn xa xôi, anh ơi, em vẫn đợi. Bèo giạt, mây (í ì i) trôi, chim sa, (tang tính tình) cá lượn. Ngậm một tin trông, hai tin đợi, ba bốn tin chờ. Sao chẳng thấy anh?
      Ban đêm thì ngồi thức suốt canh thâu vì nhớ nhung: Một mảnh trăng treo suốt canh thâu, anh ơi, trăng đã ngả ngang đầu. Thương nhớ (ơ ờ) ai, sương rơi, đêm sắp tàn, trăng tà. Cành tre đưa trước ngõ, (là) gió la đà, em vẫn mong chờ. Sao chẳng thấy anh?
      Khi trời vừa trở sáng, nhìn chim bay vội nhắn gửi đôi lời: Mòn mỏi trông theo suốt canh thâu, chim ơi, cho nhắn gửi đôi lời, Thương nhớ (ơ ờ) ai, sương rơi, đêm sắp tàn, trăng tà. Người đi xa có nhớ (là nhớ) ai ngồi trông cánh chim trời sao chằng thấy anh? Người đi xa có nhớ, (là) nhớ ai ngồi trông cánh chim trời. Sao chẳng thấy anh?
      Sau vài bài hát dân ca với lời dẫn chứng, tôi không thể không đồng ý với Uyên là trong một số trường hợp nào đó, đặc biệt là những tình khúc thì dân ca kể cả âm điệu lẫn lời ca, theo tôi, nghe thấm thía hơn thể loại “nhạc mới”. Nhưng vì những bản dân ca thường khó hát và người nghệ sĩ khó diễn đạt được đến cái hay, cái tuyệt mỹ của nó nên không được phổ biến rộng rãi như “nhạc mới” hay còn gọi là nhạc “cải cách”.
      Quả thật thế, những thể điệu nhạc dân tộc thuộc loại cao cấp như ca trù chẳng hạn, nó đòi hỏi người nghệ sĩ hay “ca nhi” phải có một giọng hát thật điêu luyện, sự diễn tả và trình độ kỹ năng chuyên nghiệp phải thật vững vàng. Đồng thời người thưởng thức ca trù cũng phải có trình độ để thưởng thức hay xướng họa đồng bộ với người hát mới được. Chính cái giá trị cao của nghệ thuật ca trù, nếu ta không có những chương trình khuyến khích hay đào tạo kịp thời những nghệ sĩ thể nhạc này cho tương lai, thì chẳng bao lâu nữa, ca trù có thể có nguy cơ bị phai mờ theo thời gian. May thay, cho tới hiện nay, dù có nhiều khó khăn về mặt phổ biến rộng rãi trong quần chúng, nhưng ca trù vẫn còn đứng vững dù chỉ một cách khiêm nhường trong nền nhạc thuật dân tộc Việt Nam.
      Tôi tự hỏi, có phải chăng người trình bầy những bài hát dân tộc thì được gọi là nghệ sĩ, còn người trình bầy nhạc mới thì được gọi là ca sĩ. Hẳn nó phải hàm chứa một điều gì cho sự khác biệt ấy?
      Cả ba chúng tôi như còn lắng đọng trong những suy tư, những cảm nhận của mình qua những bài hát của Uyên vừa trình bầy.
      Thi đang ngẩn người chiêm ngưỡng người chị tài ba của mình. Bỗng nàng hỏi:
      – À, ngày mai Chủ nhật, nhân chị Uyên ra chơi, anh có định đưa chúng em đi chơi đâu không?
      Câu hỏi bất chợt của Thi làm tôi và Uyên nhìn nhau.
      Tôi hỏi lại:
      – Hai cô muốn anh đưa đi chơi đâu nào?
      Uyên vội lên tiếng ngay:
      – Anh cho chúng em đi thăm thành Cổ Loa đi!
      Tôi hỏi:
      – Sao lại là Cổ Loa mà không phải là nơi khác?
      Uyên trả lời tôi:
      – Em đang dậy học trò về thành Cổ Loa mà.
      Tôi hỏi thêm:
      – Thế Uyên biết gì về thành Cổ Loa, kể cho anh nghe nào?
      Uyên ngẫm nghĩ một vài giây rồi chậm rãi trả lời:
      – Cứ như theo sách vở em dậy trong lớp thì em chỉ biết là thành Cổ Loa là một thành cổ nhất của nước ta được xây dựng dưới đời vua Thục Phán An Dương Vương vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, cách đây hơn hai nghìn năm.
      Sau khi Thục Phán thay vua Hùng Vương thứ 18, đã cho sát nhập nước Âu Việt của nhà Thục vào nước Lạc Việt của vua Hùng, tức nước Văn Lang, để lập thành nước Âu Lạc. Thục Phán lên làm vua nước Âu Lạc, lấy niên hiệu là An Dương Vương.
      Theo lời đề nghị của danh tướng Cao Lỗ khuyên vua nên dời đô từ Phong Châu thuộc Bạch Hạc, tỉnh Phú Thọ (nay là tỉnh Vĩnh Phú), kinh đô của các vua Hùng, là vùng đồi cao thuộc trung du, để về Phong Khê (tên cũ của Cổ Loa), là miền đồng bằng để dễ bề phát triển đất nước và dễ phòng ngự chống giặc phương Bắc. Như thế, Cổ Loa đã trở thành kinh đô thứ hai của đất nước ta sau kinh đô Phong Châu thuộc các đời vua Hùng ở Phú Thọ.
      Vua An Dương Vương giao nhiệm vụ xây thành Cổ Loa cho tướng Cao Lỗ. Vì Cổ Loa lúc đó là vùng đất trũng, có nhiều sông ngòi chảy qua nên khó xây thành đắp lũy. Cứ xây xong đoạn này thì lại đổ đoạn kia, tốn kém rất nhiều kể cả về nhân lực lẫn vật lực.
      Theo truyền thuyết, trong lúc gặp nhiều khó khăn trong việc xây thành như thế thì một đêm vua An Dương Vương nằm mơ thấy thần mách bảo rằng ngày mai sẽ có thần Kim Quy tới giúp. Sáng dậy vua thấy một con Rùa vàng, biết nói tiếng người. Vua biết là thần linh ứng nghiệm với giấc mơ đêm qua nên rất quý trọng và rước Rùa về cung. Thần Kim Quy chỉ vẽ cho nhà vua cách xây thành. Sau khi thành hoàn tất, thần Kim Quy ở lại trong thành ba năm rồi mới ra đi. Trước khi ra đi thần Kim Quy giao cho nhà vua một cái nỏ thần và dùng móng Rùa của thần Kim Quy làm “nẫy nỏ”. Nỏ thần có thể bắn một lần giết được vạn địch. Nhà vua mừng lắm, giao nỏ thần cho tướng Cao Lỗ để giữ thành.
      Trong khi đó, Triệu Đà thuộc dòng dõi người Hán, được vua Hán gửi đi đánh chiếm các nước miền nam thuộc các bộ tộc Bách Việt. Sau đó, Triệu Đà phản lại nhà Hán, xưng Vương lập nên nước Nam Việt ở ngay giáp giới phía bắc của nước Âu Lạc. Triệu Đà muốn mở mang bờ cõi thêm xuống phương nam nên đem quân tiến đánh thành Cổ Loa. Mỗi khi tiến đánh Cổ Loa, Triệu Đà đều phải thất bại vì sự hiệu nghiệm của “nỏ thần”. Triệu Đà không sao chiếm được thành.
      Triệu Đà bèn dùng gian kế giao hòa với nước Âu Lạc, xin cưới con gái của vua An Dương Vương là Mỵ Nương cho con trai mình là Trọng Thủy và Trọng Thủy được ở rể để làm con tin. Cao Lỗ biết là gian kế nên khuyên vua đừng chấp thuận. Vua không nghe tướng Cao Lỗ và vẫn nhận đề nghị hòa giải của Triệu Đà.
      Quả nhiên, Trọng Thủy có mưu gian. Trọng Thủy xin Mỵ Châu cho xem nỏ thần. Mỵ Nương tin chồng mang nỏ thần cho xem nhưng không ngờ bị Trọng Thủy đánh tráo. Sau khi được nỏ thần, Trọng Thủy lấy cớ xin về nước thăm cha. Trước khi chia tay với Mỵ Nương, Trọng Thủy dặn vợ là nếu sau này có xẩy ra binh biến thì nàng cứ đi tới đâu nhớ để lại dấu vết, ta sẽ tìm tới.
      Chẳng bao lâu, Triệu Đà mang quân sang đánh Âu Lạc. Thành Cổ Loa bị vây hãm. Vua An Dương Vương đem nỏ thần ra bắn thì không còn hiệu nghiệm gì nữa. Vua biết không thể giữ được thành liền lên ngựa, Mỵ Châu ngồi sau cha, cả hai cùng tìm đường trốn chạy. Có điều lạ là khi nhà vua chạy tới đâu thì quân địch cũng biết để đuổi theo tới đó. Tới khi nhà vua chạy tới bờ biển, đến đường cùng, chợt nhớ tới thần Kim Quy. Nhà vua khấn thần Kim Quy và xin cứu mạng. Thần hiện ra và nổi lên nói “Giặc ngồi ở ngay sau lưng nhà vua đó”. Vua quay lại mới biết sự tình là Mỵ nương đã nhổ lông ngỗng trên chiếc áo choàng của mình rải xuống đường để chỉ dấu cho quân giặc biết chỗ mà tìm tới. Nhà vua liền quay lại chém đầu Mỵ Nương rồi nhẩy xuống biển cùng Rùa rẽ sóng đi mất.
      Trọng Thủy tới nơi thì thấy Mỵ Châu đã chết, vội ôm xác vợ chạy về thành Cổ Loa, khóc lóc thảm thiết rồi nhẩy xuống giếng trong thành tự vẫn.
      Triệu Đà chiếm được Cổ Loa cũng là kinh đô nước Âu Lạc. Và từ đó, nước ta bị sát nhập vào nước Nam Việt của Triệu Đà, mở đầu cho giai đoạn đau thương của nước ta, hơn một nghìn năm dưới sự đô hộ của người Tầu.
      Và cho tới năm 938 sau Công nguyên, vua Ngô Quyền mới dành lại được nền độc lập trở lại cho đất nước ta với chiến thắng oanh liệt trên sông Bạch Đằng. Tháng giêng năm 939, vua Ngô Quyền quyết định chọn Cổ Loa làm kinh đô. Thế là Cổ Loa đã hai lần là kinh đô, một lần của nhà Thục, một lần của nhà Ngô, cách nhau hơn một nghìn năm.
      Giai đoạn lịch sử ban đầu của thành Cổ Loa là một giai đoạn lịch sử bi hùng của triều đại An Dương Vương với nhiều huyền thoại thời lập quốc của dân tộc ta.
      Uyên vừa chấm dứt câu chuyện nói về thành Cổ Loa, tôi lên tiếng:
      – Uyên kể như thế, kể ra cũng là tạm đủ. Một giai đoạn lịch sử quan trọng như thế nếu được tìm hiểu một cách sâu sắc hơn thì hẳn ta còn có nhiều điều học hỏi và đáng ghi nhớ hơn nữa.
      Tôi nghĩ, đúng như Uyên nói, trong câu truyện lịch sử của thành Cổ Loa vừa kể, chúng ta thấy trong đó có nhiều huyền thoại, nào từ việc nhà vua gặp thần Kim Quy đến cái “nỏ thần” và bên cạnh đó là cái chết bi thương của cặp vợ chồng Trọng Thủy–Mỵ Châu.
      Nhiều sự kiện lịch sử, nhất là trong những giai đoạn con người còn chưa có chữ viết hay tất nhiên trong đó còn có những yếu tố lịch sử đã không cho phép người xưa nói thẳng ngay ra được mà phải cần đến những câu truyện huyền thoại hay truyền thuyết để nhắn gửi lại những điều muốn nói cho con cháu sau này. Mà theo nhà triết học Hengel thì “Truyền thuyết ví như giàn giáo chống đỡ cho lịch sử, nếu gỡ bỏ truyền thuyết đi thì lịch sử có nguy cơ bị sụp đổ”
      Thấy câu chuyện đã kéo dài, tôi đề nghị mọi người nên đi ngủ để lấy sức ngày mai còn dậy sớm đi thăm thành Cổ Loa, nơi tôi đã đến thăm và may mắn được người địa phương hướng dẫn, giải thích một các cặn kẽ cách đây không lâu.
      Uyên đứng dậy chào tôi rồi đi vào nhà trước, Thi theo sau. Tôi vội nắm tay Thi siết nhẹ, khẽ nói đủ để Thi nghe:
      – Chúc em ngủ ngon.
      Thi vội rụt tay lại đưa một ngón tay lên môi mình ra dấu như muốn bảo tôi đừng nói thêm. Tôi nhìn theo Thi cho tới khi bóng nàng khuất sau cánh cửa phòng nàng tôi mới leo lên gác dành riêng cho tôi ở cuối sân.
      Tôi ngồi nhìn qua cửa sổ tới khi ngọn đèn trong phòng của Thi vừa tắt tôi mới lên giường với bao nhiêu ước vọng mênh mang. Sao mới mấy phút cách đây thôi mà tôi đã nhớ Thi như thế. Tôi tự mỉm cười với những cảm nhận của chính mình.
      Ánh trăng khuya đã bắt đầu chiếu sáng, lan cả vào phòng và đưa tôi thiếp vào giấc ngủ êm đềm.
      Sáng sớm hôm nay, mới 6 giờ sáng chúng tôi đã tươm tất để chuẩn bị lên đường. Uyên thướt tha trong chiếc áo dài mầu tím hoa cà còn Thi vẫn đơn gỉản trong chiếc áo dài trắng học trò thường ngày.
      Cả ba chúng tôi đạp xe ra quốc lộ 2. Dọc đường, chúng tôi được phóng mắt nhìn cánh đồng bát ngát. Đã có lác đác người ra đồng làm việc. Trên đường sáng nay không có xe lớn nên chúng tôi có thể lái xe đạp hàng ngang một cách thoải mái và chuyện trò với nhau.
      Xa xa là những ngôi làng nhỏ bao bọc bởi lũy tre xanh. Những thửa ruộng đã được trồng rau, đậu như một thứ hoa mầu phụ bên cạnh mùa lúa chính trong năm. Một vài con trâu ngừng gặm cỏ, nghển cổ, lắc lắc đầu để đuổi ruồi rồi lại cúi xuống ăn cỏ một cách bình thản như coi đây là chốn đất riêng của chúng, mọi việc đều được “để ngoài tai”.
      Gió đồng nội thổi mát mang theo chút ít hương thơm mùi cỏ ướt.
      Chúng tôi đi tới cây số 17 thì rẽ vào tay phải. Đây là địa phận của huyện Đông Anh, thuộc ngoại ô Hà Nội, cách Hà Nội khoảng gần 20 cây số. Càng tiến gần vào vùng cổ thành Cổ Loa thì mật độ dân chúng càng đông hơn, xóm thôn ngang dọc.
      Chúng tôi dừng xe lại tại một nơi đất trống. Một dòng sông nhỏ chẩy trước mặt.
      Uyên hỏi tôi:
      – Ta đến Cổ Loa rồi hả anh?
      Tôi gật đầu rồi dựng xe vào một gò đất gần đấy. Uyên và Thi cũng làm theo tôi.
       Hôm nay trời mát, chắc không nắng nhiều nên tôi tin là thời tiết sẽ thật lý tưởng cho một cuộc du ngoạn. Uyên và Thi cùng đứng bên tôi quan sát khu thành cổ nơi chúng tôi sắp sửa vào thăm.
      Đứng trước mảnh đất thiêng liêng và thần bí của Tổ tiên ta để lại từ hơn hai nghìn năm nay, tôi tự nhiên có cái gì xúc động bất ngờ. Tôi như cảm thấy gần gũi với người xưa quá. Gần gũi đến độ như tôi có thể trông thấy họ đang sinh sống, đang vật lộn với thiên nhiên để tạo dựng mảnh đất này trở nên phú cường cho con cháu sau này.
      Có lẽ Uyên và Thi cũng thấy như thế. Cả ba chúng tôi đều yên lặng, trầm mặc như để nghe từng nhịp thở của tiền nhân. Họ đã tạo dựng, đã đổ bao xương máu để gìn giữ cho con cháu mảnh đất này, mà ngày hôm nay, chúng tôi cùng được sống yên bình và cùng được đứng ở đây bái vọng công ơn.
      Mảnh đất này, dòng sông kia đang chảy ở trước mặt chúng tôi, chúng đã hiện hữu từ bao giờ? Và ngày hôm nay, mảnh đất ấy vẫn còn nằm đây, dòng sông kia vẫn còn đấy, đang chảy và tiếp tục chảy. Chúng đã tự mang trong bản thân mình biết bao nhiêu trang lịch sử oai hùng của nòi giống Việt. Nhìn dòng sông bình thản trôi, tôi như cảm nhận được sự hiện diện của tiền nhân cùng đang trôi chảy với dòng sông ấy theo thời gian vô định.
      Tôi lên tiếng hỏi Uyên và Thi:
      – Hai em có thấy tiền nhân đang ở trước mặt ta không?
      Uyên và Thi nhìn nhau im lặng không trả lời tôi.
      – Hai em hãy đi ngược lại dòng thời gian, hãy mường tượng ra những gì mà hai em đã từng được nghe, được đọc, được học hỏi về Cổ Loa này. Các em phải thấy được nó một cách rõ ràng, rõ ràng như ta có thể đang tiếp xúc được với tiền nhân vậy. Có như thế cuộc du ngoạn thăm cổ thành ngày hôm nay của chúng ta mới mang thêm nhiều ý nghĩa, hơn là chỉ đơn thuần đến nhìn xem nó mà thôi. Không phải đống đất nào cũng giống đống đất nào, không phải cái cây nào cũng giống cái cây nào hay cục đá nào cũng giống cục đá nào. Mỗi thứ chúng ta bắt gặp ở đây đều mang cái linh hồn của riêng nó mà chúng ta cần phải tìm hiểu, nắm bắt và cảm nhận nó.           
      Uyên và Thi sửng sốt về một bài “diễn thuyết” ngắn của tôi. Cả hai nhìn nhau mỉm cười.
      Tôi cho Uyên và Thi biết huyện Đông Anh là địa thế chuyển tiếp, là cái gờ của miền trung du, một vùng đất cao của thềm phù sa cổ với những dẫy đồi trùng điệp, sang một vùng đồng bằng đất trũng với phù sa mới mầu mỡ thích hợp cho ngành nông nghiệp lúa nước, một nét đặc thù của nền văn minh của những con người từng đã sống trên vùng đồng bằng Bắc Việt từ hàng chục nghìn năm trước.
      Nhắc đến đây, tôi chợt liên tưởng về “chủ nhân” của nền văn minh lúa nước này, họ đã từng tạo nên những nền văn hóa cao của nhân loại, được phát triển mạnh trong vùng rồi lan tỏa đi, sang những vùng khác thuộc miền nam Trung Hoa, các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Miến Điện, Lào, Cao Miên và các hải đảo thuộc biển Đông như Nam Dương, Mã Lai, Nhật Bản, lan sang cả Úc Châu. Những nền văn hóa đó được các nhà khảo cổ quốc tế định danh qua tên của những địa danh trên đất nước Việt nam, nơi tìm ra được những di chỉ khảo cổ đầu tiên như văn hóa Tiền Sơn Vi (với niên đại C14 là 33.000 năm so với ngày nay), rồi đến Sơn Vi (đá mảnh– 18.000 năm), Hòa Bình (đá cuội–10.800 năm), Bắc Sơn (đá cuội mài–10.000 năm), Phùng Nguyên (đồng thau–đầu thời Hùng Vương–4.000 năm), Đông Sơn (bắt đầu thời kim loại sắt– cuối đời Hùng Vương trở về sau–hơn 2.000 năm.) Tất nhiên là những tầng văn hóa này là những “mảng thời gian” chồng lên nhau chứ không phải phân chia rõ rệt thời gian riêng rẽ của mỗi thời kỳ văn hóa riêng biệt.
      Ta cũng nên lưu ý một điểm trong sinh hoạt khảo cổ ở nước ta và quốc tế.  Nữ học giả M. Colanie là người đầu tiên nói tới nền văn hóa Hòa Bình, cũng như học giả R. Heie Gelden là người đầu tiên nói tới nền văn hóa Đông Sơn. Họ đã đem tên của những nền văn hóa này vượt ra khỏi biên giới nước Việt Nam để lan tỏa ra thế giới và đã được quốc tế hóa tên gọi Hòa Bình, Đông Sơn trong ngành khảo cổ của nhân loại.
      Tôi tạm dừng sự liên tưởng của mình để tiếp tục cắt nghĩa cho Uyên và Thi biết bối cảnh của việc dời đô của vua An Dương Vương. Ngài từ Phong Châu ở Phú Thọ, kinh đô các vua Hùng, thuộc miền trung du dời về Phong Khê, tên cũ của Cổ Loa, thuộc miền đồng bằng. Có những nguyên nhân:
    – Do áp lực dân số gia tăng
    – Do áp lực xâm lăng của giặc phương Bắc. Đất nước vừa phải trải qua mười năm chiến đấu gian khổ để đánh tan 50 vạn quân của Tần Thủy Hoàng. Và kế tiếp đó, là áp lực rất gần và thường trực của vương triều Triệu Đà nước Nam Việt, một nước kề cận ngay phía bắc Âu Lạc.
    – Do một phần chính nữa, nước Âu Lạc cần phát triển kinh tế trên mảnh đất của đồng bằng phù sa phì nhiêu vừa được thành hình lần thứ hai, có nhiều sông nước, vừa thuận lợi cho nông nghiệp lúa nước và vừa thuận tiện cho việc vận chuyển trên sông ngòi. Vốn quen sống trên sông nước là một nét đặc thù của dân ta đã được diễn tả trên những “hoa văn” của những trống đồng thời đại các vua Hùng.
      Uyên hỏi tôi:
      – Tại sao anh lại nói đồng bằng Bắc Việt ta “thành hình lần thứ hai” trong giai đoạn ấy?
      Tôi cắt nghĩa thêm vài điều căn bản:
      – Như anh đã nói, căn cứ theo những giả thuyết mà nay đã được kiểm chứng bởi các nhà khảo cổ và được số đông chấp nhận. Cách đây hàng chục vạn năm, loài người đã sống trên mảnh đất này. Đồng bằng Bắc Việt ta rất rộng, rộng lắm, có thể kéo dài tới gần đảo Hải Nam, Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân, Nhật Bản, Úc Châu và ăn lan sang cả vùng biển Ấn Độ nữa vì nước biển hồi đó rất thấp, thấp hơn mặt nước biển ngày nay cả trăm mét. Cánh đồng rộng mênh mông ấy làm người trong lục địa có thể tiếp xúc và trao đổi văn hóa với những vùng hải đảo xa xôi rất dễ dàng. Đó là thời kỳ đồng bằng vùng Bắc Việt thành hình lần thứ nhất. Nhưng cách đây vào khoảng gần hai chục nghìn năm (17.000 năm) trái đất bị nạn hồng thủy do băng hà tan gây ra hiện tượng biển tiến. Đồng bằng Bắc Việt, dần dần sau mấy nghìn năm, đã trở nên vùng biển cả ngập nước, không bóng người ở. Và cũng do đó, những di chỉ của nền văn minh ở đây tự nhiên bị biến mất một thời gian từ 10.000 đến 6.000 năm cách ngày nay. Sau đó, đồng bằng Bắc Việt lại xuất hiện trở lại với những di chỉ của nền văn hóa cao hơn.
      Trong khi biển tiến, những cư dân trên vùng đồng bằng Bắc Việt thuộc nền văn hóa Hòa Bình đã phải di cư dần lên vùng đất cao, sống trong hang động, hay lan tỏa đi khắp nơi. Thời gian này, ý niệm về “quốc gia” chưa có nên họ lan tỏa đi lên những vùng cao của toàn vùng Đông Nam Á, sang cả phía tây như Thái Lan, Miến Điện, Lào, Cao Miên và lên cả phía bắc thuộc miền nam Trung Hoa ngày nay cho tới sông Dương Tử để tạo nên những chủng tộc Bách Việt, nguồn gốc người Hoa Nam bây giờ. Họ khác với người Hoa Bắc tức dòng Hán tộc sống về phía Bắc nước Trung Hoa ngày nay. Những người di dân này, họ mang theo nền văn minh của họ đến nơi định cư mới và đặc biệt là họ truyền bá kỹ thuật trồng lúa nước.
      Các nhà khảo cổ quốc tế ngày nay, kể cả những nhà khảo cổ nổi danh người Trung Hoa, với những tiến bộ khoa học (như dùng chất phóng xạ C14) có khả năng định niên đại của di vật khảo cổ một cách hết sức chính xác, cùng những nhà khoa học liên ngành như những nhà nhân chủng học, cổ sử học, ngôn ngữ học, di truyền học đã khẳng định, không còn nghi ngờ gì nữa, họ (những người di dân) là những chủng tộc ở phía nam Trung Hoa ngày nay có nguồn gốc từ phương nam đi lên và họ mang theo kỹ thuật trồng lúa nước và kỹ  thuật luyện kim đúc trống đồng dậy cho người Trung Hoa.
      Vào khoảng thời gian từ 6.000 đến 2.000 năm cách ngày nay là giai đoạn biển lùi. Đồng bằng Bắc Việt lại được tái lập tức hình thành lần thứ hai và có con người xuất hiện trở lại sống trên vùng đất “vũng” này. Cách đây 1.000 năm, mực nước biển rút nhưng còn cao hơn ngày nay 3 mét. Chính khoảng thời gian biển lùi này, nó phù hợp với câu truyện mở đầu lịch sử nước ta, câu truyện Tiên–Rồng hay Âu Cơ và Lạc Long Quân đẻ ra trăm trứng, nở ra 50 người nữ thuộc giống Tiên và 50 người nam thuộc giống Rồng. Tiên ở trên vùng cao giữ nuớc và phát triển vùng đồi núi có sẵn, còn Rồng trở về vùng đồng lầy khai khẩn theo từng bước biển lùi.
      Ta cũng nên biết, trong khoảng gần 5.000 năm trở lại đây, ý niệm “quốc gia” bắt đầu được thành hình, và cũng từ đó, những cuộc chiến tranh tiêu diệt lẫn nhau giữa các chủng tộc đã trở nên khốc liệt với mục tiêu mở mang bờ cõi, mở rộng tầm ảnh hưởng và tạo sức mạnh kinh tế cho chủng tộc mình. Chủng tộc Hán là dân du mục, họ sống trên những vùng thảo nguyên thuộc phía bắc Trung Hoa. Từ nghìn xưa họ sinh sống bằng săn bắn, hái lượm nên thiện chiến hơn những chủng tộc sống định cư canh tác nông nghiệp như những chủng tộc miền nam.
     Chủng tộc Hán, vốn có óc bá quyền và hiếu chiến, lần lần chiếm cứ bằng quân sự những vùng đất của những chủng tộc phía nam để thành lập quốc gia Trung Hoa rộng lớn như ngày hôm nay. Khi họ tới vùng đất của hai chủng tộc gần cực nam là Âu Việt và Lạc Việt, sau sát nhập để trở thành Âu Lạc dưới thời Thục Phán An Dương Vương, thì bị khựng lại. Tới thời kỳ của Triệu Đà thì Âu Lạc mới mất nước về tay người Hán. Và từ đó, dân ta chịu sự đô hộ của người Tầu hơn một nghìn năm.
      Mãi tới khi vua Ngô Quyền, sau chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938 sau công nguyên, ngài mới đem nền độc lập thật sự trở lại cho dân ta. Kế tiếp đó, sự tự cường của dân tộc ta dám sánh ngang hàng với đại Hán, đại Đường, đại Tống bên Tầu được thể hiện rất rõ ràng kể từ đời nhà Đinh tức Đinh Tiên Hoàng Đế đóng đô ở Hoa Lư, Ninh Bình. Và tinh thần tự cường, bất khuất đó đã được kéo dài cho tới ngày nay.
      Chúng tôi vừa dắt xe đi bộ vừa nói chuyện. Hai chiếc áo dài mầu tím hoa cà của Uyên và mầu trắng của Thi bay phất phới nơi cảnh đồng quê làm nổi bật lên dáng vẻ thị thành giữa những bà nhà quê đang nói chuyện lao xao, gánh hàng mang ra chợ bán.
      Những mớ rau tươi, hoa quả, ngũ cốc trong thúng, nặng trĩu trên hai đầu đòn gánh. Những chiếc váy đen dầy cộm phủ mầu thời gian đã ngả mầu bạc phếch theo bước chân trần đi vội vã tạo nên những tiếng sột soạt nhịp nhàng cùng những tiếng kẽo kẹt của quang gánh đang nhún nhẩy trên vai mấy bà nhà quê. Những chiếc áo mầu nâu đất đã bạc nói lên sự lam lũ của người mặc. Vài bác nông phu đang lầm lũi vác cuốc ra đồng, lủng lẳng bên hông chiếc “điếu cầy”.
      Dăm ba cháu nhỏ đứng nhìn chúng tôi một cách tò mò. Có em bé gái khoảng tám, chín tuổi đang “ẹo xương sườn” để “ẵm cắp nách” (bế ngang hông) đứa em trai “thò lò mũi xanh” (chảy nước mũi) đứng nhìn chúng tôi chăm chú như nhìn những gì thật xa lạ với em. Cổ Loa không xa Hà Nội lắm, chỉ với khoảng cách gần 20 cây số, ấy thế mà đã là một khoảng cách chênh lệch khá lớn về mức sống giữa thành thị với thôn quê.
      Đông Anh là vùng đất trũng, chằng chịt sông ngòi và lạch. Cổ Loa cũng là vùng “tứ giác nước” bao bọc bởi những con sông chạy ngang qua huyện Đông Anh gồm phía bắc có sông Cà Lồ, phía nam có sông Đuống. Ngày xưa có con sông Hoàng khá lớn chảy ngang qua giữa huyện, nối liền sông Hồng và sông Cầu.
      Ngày nay sông Hoàng đã trở thành con sông “chết” và bị cắt đứt thành từng đoạn, chỉ chảy giới hạn trong sự nối liền với hệ thống thủy lợi trong vùng mà thôi. Sông chết này, khúc đầu phía đông–bắc huyện được gọi là sông Thiếp; khúc giữa là sông Hoàng Giang chảy ngang qua Cổ Loa. Theo nhà sử học (Trần Quốc Vượng) thì có thể là tên khúc sông này bắt đầu từ thời Ngô Vương Quyền đóng đô ở đây từ tháng giêng năm 939; khúc cuối bắt đầu từ phía đông Cổ Loa được gọi là sông Ngũ Huyện Khê vì chảy ngang qua năm xã. Khúc sông Ngũ Huyện Khê có đê xây từ thời vua Hùng. Điều này chứng tỏ đê điều là hệ thống trị thủy khôn ngoan có từ thời các vua Hùng của nước Văn Lang.
      Trên những cánh đồng ruộng của Đông Anh, lên cả đến bên kia phía sông Cà Lồ của huyện Sóc Sơn còn có rải rác những ao, chuôm lớn mà người dân ở đây gọi là “bước chân thánh Gióng” Người xưa dùng những ao, chuôm này là những nơi chứa nước vào mùa mưa và dùng nước dự trữ đó vào mùa khô trong canh tác nông nghiệp như một hệ thống thủy lợi vậy.
      Đứng về mặt chiến lược quân sự, Cổ Loa là cái “yết hầu” đứng giữa vùng trung du và đồng bằng. Nó quan trọng nhờ ở địa thế dễ dàng tiến lên trung du, lại có thể từ đây phối hợp hai hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình để lan tỏa đi khắp nơi trong vùng đồng bằng. Ta cũng không nên quên là chính nơi đây cũng đã từng là căn cứ quân sự của thời Hậu Lý Nam Đế năm 692.

 

(Xin xem tiếp phần II)

 

– Nguyễn Giụ Hùng

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cho đến lúc này, tôi tự hỏi có bao nhiêu con đường mình đã đi qua suốt những năm tháng có mặt trên đời? Nhiều lắm, những con đường quên lãng mất hút với thời gian. Và cũng có những con đường đã vạn lý xa, nhưng trăm năm đằm đắm nhớ nhung nếu như được sống trọn hết một kiếp người...
Một buổi chiều, cũng như mọi buổi chiều khác, tôi được nghe từ loa phóng thanh, một bài hát có tên Tình Khúc Thứ Nhất được xướng ngôn viên giới thiệu tác giả là Vũ Thành An, lời Nguyễn Đình Toàn...
Hình ảnh của tôi và Thi không thể tách rời nhau và cũng không thể tách rời ra khỏi thành phố Hà Nội. Thành phố này đã ghi lại biết bao nhiêu kỷ niệm kể từ những ngày chúng tôi vừa mới thân nhau...
Chúng ta khi sống trên xứ người, đều mang theo một chút quê hương theo mình. Có thể là một con đường, một góc phố, hay một xóm nhỏ yêu thương đã gắn bó một quãng đời dài. Tôi cũng có một quê hương trong trái tim mà mỗi khi nhớ đến vẫn làm tôi thổn thức, rạo rực khôn nguôi...
Mưa Saigon chỉ đủ cho Nguyễn Đình Toàn, Thanh Tâm Tuyền, Cung Tiến, Mai Thảo xót xa, tiếc nhớ thêm về những dấu yêu xưa, những kỷ niệm cũ thời sống với Hà Nội…
Sài Gòn Nhỏ được mệnh danh là thủ đô của người Việt hải ngoại, một thủ đô nhỏ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Sài Gòn Nhỏ hình thành từ sau khi những lớp người Việt di tản đầu tiên được đưa về quận Cam (Orange County)… và từ đó dần dần thành hình vóc dáng và tầm cỡ như ngày nay. Ở đây hầu như tụ hội đầy đủ các cơ quan truyền thông Việt ngữ, các văn nghệ sĩ danh tiếng một thời của miền Nam, trong số đó có tờ Việt Báo là một tờ báo lớn nhất, lâu đời nhất của người Việt hải ngoại. Sáng lập tờ Việt Báo là nhà văn Nhã Ca và nhà thơ Trần Dạ Từ...
Có lúc nào anh ngộ ra rằng: Tại mình mua lấy những đa đoan?
“Tánh anh nóng nảy, nổi cộc lên thì coi hung lắm, phải đi chùa cho nó trầm tính lại”. Đã một thời, nhiều lần vợ tôi đã nhận xét và đề nghị như vậy...
Lâu lắm rồi chúng tôi – Nguyễn Hoàng Văn, Nguyễn Hưng Quốc, Lê Văn Tài và Võ Quốc Linh – mới có dịp hẹn nhau ở Sydney, tâm tình qua tô phở nóng và ly cà phê lạnh. Đang nhâm nhi cà phê, Võ Quốc Linh bảo phải chụp chung mấy tấm hình bởi, biết đâu được, đây có thể là lần cuối!
Có một dạo tôi thắc mắc mãi về dung mạo của Cúc Tiểu Muội, người đàn bà khiến Nguyễn Tuân, dù chỉ nghe kể qua thôi, cũng phải thốt lên: “Tôi hết sức bị kích thích. Chắc nàng phải đẹp quá. Đẹp hơn cả Mỹ Thuật”...
Tôi đã chuẩn bị mọi thứ để ngày mai chiên chả giò tham dự tiệc lễ Tạ Ơn với lớp ESL do cô giáo Linda tổ chức. Lớp học ESL gần 20 người, một nhóm người Lào thì hùn tiền nhau order món gà tây nướng lò bán trong chợ, còn lại kẻ thì mang giấy napkin, mang nước ngọt, trái cây, bánh kẹo...
Cách nay đã hai tuần lễ, hôm đó là cuối tháng mười dương lịch, 30 tháng 10, mùng 1 tháng 11, dịp lễ hội Halloween. Chúng tôi đi mua bánh biscuit gói nhỏ nhỏ, loại petit beure pocket, kẹo chocolat đủ loại đủ màu, tất cả làm thành từng gói để chờ tối ngày lễ Halloween làm một màn phát quà cho các em nhỏ gõ cửa các nhà làm ma xin quà. Chúng tôi đã sẵn sàng sửa soạn hai bọc khá lớn để góc nhà chờ đợi...