Santa Ana (VB) – Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế lần thứ 20 (VFF 20) vừa kết thúc tốt đẹp, để lại những dư âm đáng nhớ đối với nhiều người tham dự. Bên cạnh việc giới thiệu những bộ phim mới của những nhà làm phim, tài tử gốc Việt, một trong những công việc rất có ý nghĩa của VFF là sử dụng ngôn ngữ điện ảnh để kể lại những câu chuyện về đời sống của cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới. Những bộ phim ngắn với đề tài này đã được tiếp nhận nồng nhiệt từ nhiều thành phần khác nhau trong cộng đồng.
Một trong những thành công lớn nhất mà VFF 20 đạt được đó là thu hút khoảng 680 em học sinh trung học gốc Việt đến xem các bộ phim ngắn. Một con số khổng lồ mà chính những người trong ban tổ chức cũng không thể tiên đoán trước khi lên kế hoạch! Những người đến xem phim tại rạp Frida vào sáng Thứ Sáu 6 Tháng 10 vô cùng thích thú khi thấy từng đoàn xe bus trường học chở các em học sinh đến. Các em thuộc các trường trung học La Quinta, Westminster, Los Alamitos, Los Amigos. Chỉ riêng trường Westminster thôi đã có đến 300 em học sinh tham gia!
Thảo Ly, một cô giáo dạy tiếng Việt của trường Westminster cho biết mình là giáo viên đầu tiên đem các em học sinh đến xem phim tại VFF, cách đây đã gần 20 chục năm rồi. Nhớ lại những năm đầu tiên chỉ có vài chục em học sinh, mà nay số lượng đã tăng lên gấp bội. Thảo Ly tin rằng ngày càng có nhiều em học sinh gốc Việt quan tâm nhiều đến văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam. Đối với các em, đi xem phim là một trong những cách tìm hiểu văn hóa Việt thích hợp nhất. Thảo Ly còn cho biết ngoài phim ảnh, cô còn cho các em tìm hiểu văn hóa Việt Nam thông qua hội họa và nấu ăn nữa.
Anthony Nguyễn, một thầy giáo cũng của trường trung học Westminter dắt các em đi xem phim, bổ sung thêm rằng đến với VFF, các em có cơ hội tìm hiểu thêm về điện ảnh, một ngành nghề mà các em có thể theo đuổi trong tương lai. Các em học sinh gốc Việt ngày nay không chỉ quan tâm đến một số nghề phổ biến trong xã hội như bác sĩ, kỹ sư… mà còn cả những công việc trong lĩnh vực nghệ thuật.
Các em được xem những bộ phim ngắn có liên quan đến những vấn đề xã hội mà cộng đồng gốc Việt đang phải đối diện. Thí dụ như phim hoạt họa “Spring Roll Dream,” đặt vấn đề khuyến khích các em sinh ra và lớn lên ở Mỹ tiếp tục thưởng thức những món ăn Việt Nam thay vì chỉ ăn “fast food” của Mỹ. Hay là phim “In Living Memory,” kể lại câu chuyện về một tiệm nail của người Việt bị đóng cửa do hậu quả của đại dịch Covid-19. Tiệm nai này là của mẹ của chính đạo diễn bộ phim, Quyên Nguyen-Le, người đã thực hiện bộ phim để tri ân mẹ mình, đã cực khổ sinh nhai với tiệm nail để nuôi con, cho con hoàn thành ước mơ vào đại học điện ảnh.
Các em rất hào hứng khi xem bộ phim Good Chips, bộ phim về một gia đình Việt ở Ireland, sinh sống nhờ vào một xe bán thức ăn trên đường phố. Bộ phim cho các em cơ hội biết thêm về đời sống của cộng đồng người Việt tại Ireland. Dù ở đâu, thế hệ cha mẹ gốc Việt cũng sẵn sàng chịu thương chịu khó để tạo dựng một tương lai tốt đẹp cho con cái. Cô bé diễn viên gốc Việt 14 tuổi Elly Murray đã chinh phục được những khán giả ở cùng độ tuổi, cùng nguồn gốc Việt Nam ở Mỹ. Nhiều tràng pháo tay của khán giả đã vang lên trong rạp dành cho những pha diễn tự nhiên của cô diễn viên tí hon Elly trong vai Tâm, con gái của một gia đình Việt tị nạn ở Ireland.
Trong phần khán giả đặt câu hỏi để các nhà làm phim trả lời, các em đã đặt nhiều câu hỏi thú vị có liên quan đến nội dung của những cuốn phim về được xem. Đa số các em đồng ý rằng những bộ phim này đưa ra những vấn đề rất gần gũi với thực tế. Điều hợp phần Q&A là ông Polo Munoz, sáng lập viên của tổ chức Creating Creators, một trong những nhà tài trợ cho VFF. Ông Munoz cho rằng VFF năm nay có nhiều bộ phim thật đặc sắc, với những vấn đề rất sát với tình hình xã hội, do đó thu hút được sự chú ý của các em học sinh. Những câu chuyện trong phim không chỉ là của riêng cộng đồng gốc Việt, mà là chung cho những cộng đồng nhập cư khác ở Mỹ. Là một người gốc Mỹ Latin, ông thấy đồng cảm với những thông điệp từ những nhà làm phim gốc Việt.
Một bộ phim tài liệu ngắn cũng gây được sự chú ý của người xem mạnh mẽ là “Refuge After War” của nữ đạo diễn Thanh Tân. Bộ phim kể lại nỗ lực của cộng đồng gốc Việt ở Seattle, tiểu bang Washington trong việc bảo trợ các gia đình tị nạn Afghanistan vừa đặt chân đến nước Mỹ vào năm 2021. Chương trình này có tên là Sponsor Circle, theo đó cứ 5 gia đình nhận bảo trợ cho một gia đình Afghanistan, giúp cho họ nơi ăn chốn ở, giúp cho họ từng bước hội nhập vào cuộc sống mới ở Mỹ.
Bộ phim như kéo những người Việt di tản 1975 trở về với quá khứ cách nay gần nửa thế kỷ. Những hình ảnh thủ đô Kabul trong thời điểm cuối cùng trước khi thất thủ vào năm 2021 được đặt xen kẽ với hình ảnh của Sài Gòn hấp hối sáng ngày 30/04/1975. Hình ảnh của những người Afghanistan cố gắng trèo lên chuyến phi cơ cuối cùng của quân đội Hoa Kỳ rời phi trường Kabul, đan lẫn vào hình ảnh của những người Miền Nam nối đuôi nhau lên chiếc trực thăng cuối cùng rời tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn. Hình ảnh những gương mặt tuyệt vọng, thẫn thờ của người Afghan đan lẫn với người Việt. Sau gần nửa thế kỷ, hai dân tộc tưởng chừng như không có gì giống nhau về sắc tộc, ngôn ngữ, tôn giáo lại có cùng chung số phận: những người đồng minh bị Hoa Kỳ bỏ rơi sau hai thế kỷ sát cánh chiến đấu vì lý tưởng tự do. Lịch sử cay nghiệt đã lập lại!
Đạo diễn Thanh Tân là con của một gia đình người Việt tị nạn. Cô gợi nhớ rằng vào năm 1975, chính quyền tiểu bang Washington đã dang rộng vòng tay đón những người Việt tị nạn vừa mới đến trại tạm cư Camp Pendleton ở miền Nam Cali. Nay khi gặp những người đồng cảnh ngộ, cộng đồng người Việt ở Seattle đã làm công việc tương tự: dan rộng vòng tay đón người tị nạn Afghanistan. Đây là cộng đồng đầu tiên thực hiện chương trình bảo trợ cá nhân đối với người tị nạn Afghan, để rồi sau đó được nhân rộng ra toàn quốc. Đối với cộng đồng Việt, lịch sử tị nạn là quá khứ. Nhưng với người tị nạn Afghan, mọi thứ chỉ là khởi đầu. Họ đang đối diện với rào cản ngôn ngữ, văn hóa. Họ phải cố tìm cho được việc làm, một chỗ ở ổn định. Họ đang đối diện những chấn thương tâm lý do những điều bi thảm vừa mới trải qua, cũng giống như nhiều người Việt.
Trong phần hội thảo sau buổi chiếu phim, đạo diễn Thanh Tân cho biết cộng đồng người Việt có thể dùng chính kinh nghiệm tị nạn của mình để hỗ trợ người Afghan trong tiến trình hội nhập. Vẫn cần thêm rất nhiều sự hỗ trợ của những cá nhân, cũng như các tổ chức cộng đồng. Việc tài trợ đến từ Đài Truyền Hình SBTN là một thí dụ cụ thể.
Luật sư Trịnh Hội, người đã từng tham gia vào nhiều dự án giúp đỡ người Việt tị nạn, cũng có mặt trong buổi hội thảo. Là một luật sư di trú, anh biết cụ thể thủ tục, cách thức để bảo trợ thêm những gia đình tị nạn Afghan trong tương lai. Từ năm 2021 đến nay, có khoảng 100,000 người Afghan đã rời quê hương tị nạn khắp nơi trên thế giới. Anh sẵn sàng hướng dẫn những ai đang muốn bảo trợ một gia đình Afghan. Bên cạnh những chính sách lâu dài của chính phủ Hoa Kỳ về di trú, những sự hỗ trợ tương tự như những gì cộng đồng gốc Việt tại Seattle đang làm là vô cùng quí báu và thiết thực.
Trong phần cuối phim, đạo diễn Thanh Tân nói rằng phim được thực hiện để ghi lại và tri ân những gì cộng đồng người Việt ở Seattle đã làm được cho người tị nạn Afghanistan trong hai năm qua. Tuy nhiên, những thành tựu này vẫn còn quá nhỏ bé. Nhìn lại lịch sử tị nạn của người Việt ở Mỹ trong nửa thế kỷ để thấy quá trình hội nhập gian khổ đến nhường nào. Thật không dễ chịu chút nào khi cứ phải nhìn về những đau khổ, khó khăn trong quá khứ; nhưng đôi khi đó là cách hữu hiệu để tìm ra hướng đi cho tương lai. Quá trình hội nhập của người tị nạn không phải là một chạy đua tốc độ (race), mà là môt cuộc đua đường trường (marthon). Và với những người tị nạn Afghan, cuộc marathon đó chỉ mới bắt đầu.
Những thông điệp như vậy từ những bộ phim được chiếu trong VFF 20 quả thật là thấm thía trong bối cảnh của nước Mỹ ngày nay. Khi mà một Ukraine đang đứng trước nguy cơ bị bỏ rơi chỉ sau hai năm vì những tranh chấp, chia rẽ đảng phái của chính trường Mỹ. Khi mà nhiều người Việt đang quên đi căn cước tị nạn của mình, đang quay lưng lại với những dân tộc tị nạn khác cùng cảnh ngộ…
Doãn Hưng