Trung tâm kiểm soát bệnh Hoa Kỳ CDC vừa đưa ra các khuyến nghị về thuốc chủng ngừa Covid cho mùa thu này sau khi thuốc được Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Thuốc (FDA) của Hoa Kỳ chuẩn thuận hôm thứ hai, ngày 12 tháng 9, 2023.
Sau đại dịch Covid mấy năm vừa qua, kiến thức của quần chúng về các bệnh nhiễm, các thuốc chủng ngừa (vắc xin) đã tăng lên nhiều, cũng như óc phê phán và sự nghi ngờ đối với các biện pháp y tế hay phòng ngừa do chính quyền hay các cơ quan như CDC đề xướng, lắm khi gắn liền với lập trường chính trị của mỗi người, có khi tuỳ theo tiểu bang.
Bài sau đây chỉ có tính cách thông tin, dựa trên những nguồn tin tức mà người viết nghĩ là đáng tin cậy. Độc giả cần tham khảo với người săn sóc y tế cho mình để đi tới quyết định có nên dùng vắc xin nào hay không. Sau đây là những điểm chính của các thông báo của CDC cho báo chí, kèm theo chú thích để bàn thêm:
1. CDC khuyến nghị tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên nên tiêm vắc xin ngừa COVID-19 Cập nhật (Updated COVID-19 Vaccine) để được bảo vệ trước những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra do bệnh COVID-19 vào mùa thu và mùa đông này (2023 qua 2024). “Vắc xin COVID-19 Cập nhật” của Pfizer-BioNTech và Moderna sẽ có mặt cho quần chúng sử dụng vào cuối tuần này.
Các quan chức y tế liên bang cho biết các vắc xin tăng cường ( booster) mới chống COVID-19 phù hợp hơn nhiều với các biến thể hiện đang lưu hành so với các loại vắc xin trước đây. Chúng là phiên bản cập nhật của vắc xin Moderna và Pfizer-BioNTech hiện có, đồng thời được chế tạo để nhắm mục tiêu đến một biến thể phụ omicron tương đối gần đây có tên là XBB. 1.5.
Mặc dù các biến thể mới khác đã xuất hiện kể từ khi FDA phát triển thuốc booster/cập nhật hóa này, vắc xin cập nhật vẫn “rất phù hợp với tất cả các chủng/strain đang lưu hành”, bao gồm BA.2.86, một chủng mới mà chính quyền bắt đầu theo dõi vào tháng 8. Khi mới xuất hiện, BA.2.86 đã gây ra cảnh báo vì có quá nhiều đột biến. Nhưng một loạt nghiên cứu trong phòng thí nghiệm gần đây cho thấy nó không có khả năng trốn tránh khả năng miễn dịch con người hơn các biến thể lưu hành khác và thuốc tăng cường COVID mới vẫn sẽ cung cấp khả năng bảo vệ chống BA.2.86.
Riêng về trẻ em dưới 5 tuổi, Hàn lâm viện Nhi khoa (AAP) hướng dẫn như sau: “Trẻ em từ 6 tháng-4 năm tuổi nên hoàn thành loạt tiêm nhiều liều ban đầu (multidose initial series gồm hai liều Moderna hoặc ba liều Pfizer-BioNTech) với ít nhất một liều vắc xin cập nhật. Tất cả các liều phải của cùng một nhà sản xuất cho nhóm tuổi này .” Cần tham khảo với bác sĩ nhi khoa.
2. Tiêm chủng vẫn là biện pháp bảo vệ tốt nhất chống lại tình trạng nhập viện và tử vong liên quan đến COVID-19. Tiêm chủng cũng làm giảm khả năng bạn phải chịu tác động của “long COVID” hay Covid kéo dài, loại bệnh có thể phát triển trong khi hoặc sau khi nhiễm trùng cấp tính với virus Covid và kéo dài trong thời gian dài. Nếu bạn chưa được tiêm/chích vắc xin COVID-19 trong 2 tháng qua, hãy tiêm’ Vắc xin COVID-19 Cập nhật” để bảo vệ bản thân vào mùa thu và mùa đông này.
Hầu hết những người nhập viện vì COVID kể từ tháng 1-2023 đến nay đều chưa được tiêm nhắc lại/bivalent booster vào mùa thu năm ngoái (tuy chỉ có 17% dân Mỹ đã tiêm ngừa booster năm ngoái). Theo dữ liệu của CDC, tỷ lệ nhập viện cao nhất là ở những người từ 75 tuổi trở lên, tiếp theo là trẻ em dưới 6 tháng tuổi và sau đó là người lớn trong độ tuổi từ 65 đến 74.
Nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh nghiêm trọng do COVID, nên chích vắc xin , có lẽ không cần đắn đo; nhóm này bao gồm những người trên 65 tuổi hoặc những người có hệ thống miễn dịch yếu hoặc một số tình trạng bệnh lý khác, chẳng hạn như bệnh phổi mãn tính, béo phì, tiểu đường tiến triển hoặc bệnh thận.
Người đang mang thai cũng nên tiêm phòng.
3. Loại vi-rút gây ra COVID-19 luôn thay đổi và khả năng bảo vệ của vắc-xin ngừa COVID-19 (được dùng từ năm ngoái cho đến nay) giảm dần theo thời gian. Việc nhận “Vắc xin COVID-19 Cập nhật” có thể khôi phục khả năng bảo vệ từng có và nâng cao khả năng bảo vệ chống lại các biến thể hiện gây ra hầu hết các trường hợp nhiễm trùng Covid và các ca Covid phải nhập viện ở Hoa Kỳ. Mùa năm trước, những người được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 giai đoạn 2022-2023 đã tiếp nhận được khả năng bảo vệ khỏi bệnh tật và tránh nhập viện tốt hơn so với những người không được tiêm vắc xin giai đoạn 2022-2023. Cho đến nay, hàng trăm triệu người đã được tiêm vắc xin COVID-19 một cách an toàn dưới sự giám sát an toàn chặt chẽ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
CDC cho biết những người vừa bị nhiễm Covid có thể đợi ba tháng trước khi được tiêm nhắc lại. Tuy nhiên có nhiều chuyên gia nói rằng có thể đợi lâu hơn, ví dụ sau 4-6 tháng nếu là người mạnh khỏe, cơ nguy thấp.
Người già, người bị suy giảm miễn dịch và những người mắc bệnh tiềm ẩn, nên tiêm vắc xin COVID thường hơn vì tình trạng miễn dịch của họ yếu hơn. Vì vậy, tốt nhất bạn nên kiểm tra với bác sĩ nếu bạn không chắc chắn. Các quan chức y tế liên bang cho biết nếu bạn chích liều booster cũ cách đây trên 2 tháng, bạn có thể tiếp tục và tiêm mũi tiêm mới.
Đối với những người có nguy cơ thấp hơn, nhiều chuyên gia về bệnh nhiễm nói rằng có thể tốt hơn là bạn nên đợi lâu hơn, từ ba đến sáu tháng kể từ lần tiêm chủng trước vì như thế sẽ kéo dài thời gian bạn được che chở (tác dụng vắc xin chỉ tồn tại vài tháng.
Bạn có thể muốn cân nhắc việc định thời gian chích booster xung quanh các sự kiện như ngày lễ hoặc kế hoạch du lịch vì những khoảng thời gia đó bạn có nguy cơ cao hơn. Số ca nhiễm COVID đã gia tăng vào dịp Lễ Tạ ơn trong ba năm qua, vì vậy, việc tiêm nhắc lại vài tuần trước đó là điều hợp lý.
4. Hầu hết người Mỹ vẫn có thể được tiêm vắc xin COVID-19 miễn phí. Đối với những người có bảo hiểm y tế, hầu hết các chương trình bảo hiểm sẽ chi trả miễn phí vắc xin ngừa COVID-19 cho bạn. Những người không có bảo hiểm y tế hoặc có chương trình bảo hiểm y tế không chi trả chi phí có thể được tiêm vắc xin miễn phí từ các trung tâm y tế địa phương; sở y tế tiểu bang, địa phương; và các nhà thuốc tham gia Chương trình Cầu nối Tiếp cận của CDC (Bridge Access Program, có hiệu lực cho đến ngày 31 tháng 12 năm 2024)). Trẻ em đủ điều kiện tham gia chương trình Vắc xin cho Trẻ em (VFC/ Vaccines for Children, cung cấp thuốc ngừa miễn phí cho trẻ thuộc chương trình bảo hiểm người nghèo Medicaid hay không có bảo hiểm) cũng có thể nhận vắc xin từ nhà cung cấp (phòng khám, nhà thuốc/pharmacies) đã ghi tên tham gia chương trình đó.
Giám đốc CDC, Mandy Cohen, M.D., M.P.H. cho biết:
“Chúng ta có nhiều phương tiện hơn bao giờ hết để ngăn chặn những kết quả tệ hại nhất do Covid-19 gây ra. CDC hiện đang khuyến nghị tiêm chủng ngừa ‘COVID-19 Cập nhật’ cho tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên để bảo vệ bạn và những người thân yêu của bạn tốt hơn.”
Riêng trẻ em thì sao? Khuyến nghị cho trẻ em là gì? CDC khuyến nghị tiêm phòng cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. Mặc dù phân tích của CDC cho thấy trẻ em từ 5 đến 17 tuổi ít có khả năng mắc bệnh nặng do COVID hơn nhiều so với các nhóm tuổi khác, nhưng trẻ em đôi khi vẫn bị bệnh nặng, ngay cả những trẻ không có bệnh lý tiềm ẩn. (Phần lớn trẻ em từ 6 tháng đến 11 tuổi nhập viện từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay (2023) đều chưa được chích ngừa Covid.)
Theo CDC, cùng với những người lớn tuổi, trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi – còn quá nhỏ để tiêm chủng – có tỷ lệ nhập viện do COVID cao nhất. Vì vậy, cách tốt nhất để bảo vệ những đứa trẻ nhỏ nhất này là tiêm chủng cho những người xung quanh chúng.
Chích ngừa Covid cũng giảm nguy cơ nghỉ học và giảm nguy cơ mắc bệnh COVID kéo dài (Long Covid).
Không phải tất cả các chuyên gia đều đồng ý rằng cần phải chích liều vắc xin cập nhật này cho trẻ em. Có người thấy cần có thêm dữ liệu cụ thể về trẻ em và thanh thiếu niên. Có người nghĩ rằng hầu hết trẻ em đã được tiêm vắc xin COVID cơ bản (primary vaccines) và khỏe mạnh có thể sẽ không nhận được nhiều lợi ích hơn từ việc tiêm thêm một mũi nữa.
Giám đốc chương trình y tế công cộng tiểu bang Florida, theo đường lối chống vắc xin của thống đốc DeSantis, lại khuyên người dưới 65 tuổi không nên chích mũi booster này (Washington Post, 16 tháng 9); việc này làm giới y tế Hoa Kỳ “lo ngại”.
Phụ huynh nên bàn với bác sĩ của cháu nếu do dự về vấn đề này.
5. Đây là mùa vi rút mùa thu và mùa đông đầu tiên chúng ta có vắc xin cho ba loại vi rút gây ra hầu hết các trường hợp nhập viện, COVID-19, RSV và cúm. Ngoài các vắc xin “COVID-19 Cập nhật”, an toàn, các xét nghiệm vi rút tại nhà có thể xác định tình trạng lây nhiễm để bạn có thể bảo vệ gia đình, đồng nghiệp và cộng đồng nói chung. Nếu bạn bị bệnh, hãy nói chuyện với bác sĩ về các phương pháp điều trị hiệu quả, đã được chứng minh có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh nặng, nhập viện và tử vong.
(a) Có thể tiêm vắc xin tăng cường COVID cùng lúc với việc tiêm phòng cúm không? CDC cho biết bạn có thể tiêm vắc xin cúm và vắc xin COVID trong cùng một lần khám. Tuy nhiên nếu chích làm hai lần có thể ít đau nhức hơn. Nên tiêm vắc xin phòng RSV riêng biệt, sau khi chích Covid và cúm một hai tuần.
(b) Về Vắc xin hRSV: (hRSV viết tắt của “Human Respiratory Syncytial Virus”, có thể dịch là “Vi rút hợp bào hô hấp”; lý do là những nơi bị virus này nhiễm, các tế bào bệnh nhân nhập lại với nhau thành những tế bào lớn có nhiều nhân hay “syncytia”). RSV là một loại virus đường hô hấp phổ biến thường gây ra các triệu chứng nhẹ giống như cảm lạnh. RSV thường lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với vi-rút, chẳng hạn như những giọt nước từ người khác ho hoặc hắt hơi tiếp xúc với mắt, mũi hoặc miệng của bạn. Nó cũng có thể lây lan bằng cách chạm vào bề mặt có vi-rút trên đó, như tay nắm cửa, sau đó chạm vào mặt bạn trước khi rửa tay. RSV có thể gây bệnh ở mọi lứa tuổi nhưng có thể đặc biệt nghiêm trọng đối với trẻ sơ sinh và người lớn tuổi. Trẻ sơ sinh và người lớn tuổi mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim hoặc phổi, hệ miễn dịch suy yếu hoặc sống trong viện dưỡng lão hoặc cơ sở chăm sóc dài hạn có nguy cơ cao nhất mắc bệnh nặng và biến chứng do RSV.
Các triệu chứng của nhiễm RSV có thể bao gồm sổ mũi, chán ăn, ho, hắt hơi, sốt hoặc thở khò khè. Hầu hết mọi người hồi phục sau một hoặc hai tuần, nhưng RSV có thể nghiêm trọng, dẫn đến khó thở và nồng độ oxy thấp trong máu. RSV đôi khi cũng có thể làm trầm trọng thêm các tình trạng bệnh lý khác như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (một bệnh mãn tính ở phổi khiến bạn khó thở) hoặc suy tim sung huyết (khi tim không thể bơm đủ máu và oxy khắp cơ thể).
Người lớn tuổi và trẻ sơ sinh bị bệnh nặng do RSV có thể phải nhập viện. Một số thậm chí có thể chết.
Những người già bắt đầu mất khả năng miễn dịch khi có tuổi, họ không thể chống lại các bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như RSV, giống như khi họ còn trẻ. Thêm vào đó, đại dịch COVID-19 có thể đã khiến khả năng miễn dịch bị mất trong vài năm vì RSV không thực sự lưu hành trong thời gian đó. Tuy nhiên, đến tháng 11 năm 2022, RSV gia tăng ở trẻ em và tỷ lệ nhập viện do RSV ở người lớn tuổi cao gấp 10 lần so với bình thường vào thời điểm đó trong năm. Ngày càng có nhiều người bị nhiễm bệnh, có thể là do tiếp xúc trực tiếp nhiều hơn và không đeo khẩu trang.
Vắc xin RSV tên Arexvy (của hãng bào chế GSK), và Abrysvo (của hãng Pfizer)] đã được phê duyệt để sử dụng tại Hoa Kỳ vào tháng 5 năm 2023. Arexvy đã được phê duyệt để sử dụng ở Liên minh Châu Âu vào tháng 6 năm 2023 và được phê duyệt vào tháng 8 năm 2023 để sử dụng ở Canada cho người lớn từ 60 tuổi trở lên. CDC khuyến nghị người lớn từ 60 tuổi trở lên có thể tiêm một liều vắc xin RSV, dựa trên cuộc thảo luận giữa bệnh nhân và bác sĩ. Vắc-xin RSV có thể được tiêm cùng lúc với các loại vắc-xin khác, tuy nhiên một số chuyên gia khuyên nên chích rời ra sau 1-2 tuần.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Gửi ý kiến của bạn