
Copernicus Climate Change Service (CCCS – bản doanh Châu Âu) loan báo: năm nay đang trên đà trở thành năm nóng nhất, ít nhất là kể từ năm 1940.
Theo các khoa học gia, biến đổi khí hậu, kết hợp với hiện tượng El Niño năm nay, đã làm ấm nước trên mặt biển ở khu vực phía đông và trung tâm Thái Bình Dương, khiến cho nhiệt độ gần đây nóng kỷ lục, theo Reuters.
Phát hiện của Copernicus, dựa trên các dữ liệu được bắt đầu lưu trữ từ năm 1940, cho thấy nhiệt độ trung bình toàn cầu từ tháng 1 đến tháng 9 cao hơn 0.52 độ C (0.94 độ F) so với mức trung bình của giai đoạn 1991-2020. Mức nhiệt độ đó cao hơn 1.4 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp từ năm 1850 đến năm 1900.
Tuy nhiên, mức tăng như vậy không có nghĩa là thế giới sắp vượt qua ngưỡng nóng lên trường kỳ 1.5 độ C do các nhà lãnh đạo thế giới đặt ra trong Hiệp Định Paris Năm 2015, vì ngưỡng này được đo bằng mức trung bình trong nhiều thập niên.
Trước đây, Copernicus từng loan báo rằng năm 2020 và 2016 là những năm nóng kỷ lục, nhiệt độ toàn cầu cao hơn thời kỳ tiền công nghiệp khoảng 1.25 độ C.
Giám đốc Tổ Chức Khí Tượng Thế Giới (World Meteorological Organization – WMO) Petteri Taalas cho biết: “Điều đặc biệt đáng lo ngại là hiện tượng El Niño nóng lên vẫn đang diễn ra nên có thể dự đoán nhiệt độ sẽ tiếp tục phá kỷ lục trong nhiều tháng, kéo theo những tác động hàng loạt đến môi trường và xã hội của chúng ta.”
Phân tích của Copernicus dựa trên hàng tỷ phép đo từ vệ tinh, tàu thuyền, máy bay và trạm khí tượng (weather station). Dù một số phép đo nhiệt độ đã có từ thế kỷ 19, Copernicus cho biết họ chỉ sử dụng các dữ liệu của riêng mình cho cơ sở dữ liệu nhiệt độ toàn cầu.
Phạm vi băng biển ở Nam Cực vẫn ở mức thấp kỷ lục vào thời điểm này trong năm, còn phạm vi băng ở Biển Bắc Cực thấp hơn 18% so với mức trung bình.