BERLIN, (Reuters) – Theo các khoa học gia, biến đổi khí hậu đã khiến lượng mưa lớn dẫn đến trận lũ lụt thảm khốc ở Libya có khả năng cao gấp 50 lần.
Ngày 10/9, Bão Daniel quét qua Địa Trung Hải, gây ra những cơn mưa xối xả, khiến hai con đập bị vỡ, làm ngập lụt thành phố Derna phía đông Libya, giết chết hàng ngàn người. Các khu dân cư dọc theo bờ sông đã bị xóa sổ và hầu hết mọi thứ bị cuốn trôi ra biển.
Các yếu tố gây ra thảm họa tàn khốc này bao gồm việc các tòa nhà xây dựng ở vùng đồng bằng ngập lụt, tình trạng đê đập xuống cấp, xung đột vũ trang kéo dài và một số nguyên nhân khác.
Tuy nhiên, theo các khoa học gia của World Weather Attribution (WWA), biến đổi khí hậu đã gây ra lượng mưa nhiều hơn tới 50% trong thời gian đó. WWA là một tổ chức hợp tác nghiên cứu quốc tế, nghiên cứu để xác định mức độ biến đổi khí hậu đóng vai trò như thế nào trong các hiện tượng thời tiết cụ thể.
Các khoa học gia viết trong một tuyên bố: “Sự tương tác của các yếu tố khác nhau và lượng mưa xối xả do biến đổi khí hậu, đã tạo ra sự tàn phá cực độ [ở Libya].”
Họ đã sử dụng các mô phỏng trên máy tính và dữ liệu về khí hậu để so sánh các sự kiện thời tiết ngày nay khi khí hậu đã ấm lên 1.2 độ C, so với thời tiền công nghiệp.
Lượng mưa có thể tăng lên hoặc trở nên thất thường hơn do biến đổi khí hậu, vì bầu không khí ấm hơn có thể chứa nhiều hơi nước hơn – tạo điều kiện cho nhiều hơi ẩm tích tụ hơn trước khi thành mưa.
Theo nghiên cứu, cơn bão Daniel là một sự kiện “cực kỳ bất thường” và đã mang lại lượng mưa nhiều hơn 50% so với lượng mưa trung bình trong trường hợp không có hiện tượng nóng lên toàn cầu. Một sự kiện như vậy có thể xảy ra 300-600 năm một lần trong điều kiện khí hậu hiện nay.
Trong khi đó, biến đổi khí hậu cũng khiến lượng mưa trên khắp Địa Trung Hải vào đầu tháng 9 tăng tới 40%, gây ra những trận lũ lụt khiến hàng chục người chết ở Hy Lạp, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Friederike Otto, khoa học gia về khí hậu tại Grantham Institute for Climate Change and the Environment, cho biết: “Địa Trung Hải là điểm nóng của các hiểm họa từ biến đổi khí hậu,” đồng thời chỉ ra các đợt nắng nóng và cháy rừng xảy ra ở khu vực trong suốt mùa hè.
Gửi ý kiến của bạn