Theo U.S. National Snow and Ice Data Center (NSIDC), lớp băng biển bao phủ đại dương xung quanh Nam Cực đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong mùa đông này, khiến các khoa học gia càng thêm lo ngại rằng tác động của biến đổi khí hậu đang gia tăng ở Nam Cực, theo Reuters.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo sự thay đổi này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với các loài động vật sinh sản và nuôi con trên băng biển như chim cánh cụt. Đồng thời, lượng ánh sáng mặt trời mà lớp băng phản chiếu lại vào không gian giảm đi sẽ đẩy nhanh sự nóng lên toàn cầu.
NSIDC cho biết phạm vi băng biển ở Nam Cực đạt đỉnh điểm trong năm nay là vào ngày 10 tháng 9, chỉ bao phủ 16.96 triệu km2 (6.55 triệu dặm vuông) – đây là mức đỉnh điểm mùa đông thấp nhất kể từ khi bắt đầu theo dõi dữ liệu vào năm 1979. Phạm vi băng biển mùa đông năm nay còn ít hơn khoảng 1 triệu km2 so với kỷ lục băng biển mùa đông thấp nhất trước đó từng được ghi nhận vào năm 1986.
Nhà khoa học của NSIDC Walt Meier cho biết: “Đây không chỉ là một năm phá kỷ lục mà còn là một năm phá kỷ lục một cách cực đoan.” Số liệu này là mới chỉ là sơ bộ, bản phân tích đầy đủ sẽ được NSIDC công bố vào tháng tới.
Ở Nam Bán Cầu, các mùa bị đảo ngược. Băng biển thường đạt mức nhiều nhất khoảng tháng 9 cho đến gần cuối mùa đông, và sau đó tan dần đến mức ít nhất vào tháng 2 hoặc tháng 3 khi sắp hết hè.
Băng biển ở Nam Cực vào mùa hè cũng đạt mức thấp kỷ lục vào tháng 2 năm nay.
Bắc Cực đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu trong thập niên qua, lớp băng biển mất đi nhanh chóng khi khu vực phía bắc ấm lên nhanh hơn 4 lần so với mức trung bình toàn cầu.
Dù biến đổi khí hậu đang góp phần làm tan chảy các sông băng ở Nam Cực, vẫn chưa rõ việc nhiệt độ ấm lên đang tác động đến băng biển gần cực nam như thế nào. Phạm vi băng biển ở Nam Cực đã tăng từ năm 2007 đến năm 2016.
Sự thay đổi trong những năm gần đây khiến các khoa học gia lo ngại tới một lúc nào đó, biến đổi khí hậu sẽ không chừa phần băng biển Nam Cực.
Một bài báo học thuật xuất bản đầu tháng này trên tạp chí Communications Earth and Environment đã chỉ ra rằng nhiệt độ đại dương ấm lên, chủ yếu do phát thải khí nhà kính do con người gây ra, đang góp phần làm mực băng biển thấp hơn kể từ năm 2016.
Ariaan Purich, nhà nghiên cứu băng biển tại Monash University của Úc, cho biết: “Thông điệp chính ở đây là cần phải bảo vệ các khu vực băng trên Trái đất. Có nhiều lý do quan trọng cho việc này. Chúng ta rất cần băng biển để giúp giảm lượng khí thải nhà kính.”